Kỳ 3: Rác, mồ hôi và... nước mắt

05:11, 13/11/2020

Rác là thứ bỏ đi nên thường dơ bẩn và có mùi hôi. Tuy nhiên, có những người đã gắn bó cả tuổi xuân, cả cuộc đời với rác. Với họ, rác gắn liền với cuộc mưu sinh, với những thăng trầm, cả những hy vọng trong đời. Nói về rác, họ không chỉ nói về những giọt mồ hôi mà còn là… nước mắt.

 [links()]

Người quét rác thu dọn ra về trong niềm vui đường đã sạch đẹp.
Người quét rác thu dọn ra về trong niềm vui đường đã sạch đẹp.

Rác là thứ bỏ đi nên thường dơ bẩn và có mùi hôi. Tuy nhiên, có những người đã gắn bó cả tuổi xuân, cả cuộc đời với rác. Với họ, rác gắn liền với cuộc mưu sinh, với những thăng trầm, cả những hy vọng trong đời. Nói về rác, họ không chỉ nói về những giọt mồ hôi mà còn là… nước mắt.

Lấy rác đêm: “Mùa đông không lạnh”

“Vừa đi như chạy, vừa quét- hốt…” là cảnh lấy rác mà chúng tôi ghi nhận được khi theo xe lấy rác đêm. Khác với suy nghĩ của chúng tôi trước đó là “rác để sẵn trước nhà, xe rác chỉ dừng xuống lấy rồi đi tiếp”.

19 giờ 30 ngày 2/11/2020, tại Công viên TP Vĩnh Long, 2 công nhân trong đồng phục màu xanh dương, áo dạ quang màu cam đẩy xe đi lấy rác. 

Cùng lúc đó, xe lấy rác biển số 64C- 06176 trờ tới đậu trước công viên. Từ công viên, xe bắt đầu chuyến lấy rác qua các con đường Phường 1. Xe đi đến đâu, rác “biến mất” đến đó nhưng mùi hôi của rác thì vẫn còn lảng vảng.

Đứng đuôi xe, anh Trần Hữu Hiếu- công nhân lấy rác (thuộc Xí nghiệp Vệ sinh môi trường- Công ty CP Công trình công cộng Vĩnh Long) nhanh chóng bước xuống khi xe dừng lại, đẩy các thùng rác ven đường cho đổ lên xe và ép rác.

Những chỗ rác vương vãi, la liệt bên ngoài thì anh lấy chổi và đồ hốt rác treo ở hông xe vội vàng quét- hốt. Nơi có rác cồng kềnh, anh liền gom gọn; có nơi anh phải dùng tay nhặt rác… Tất bật vậy nhưng anh Hiếu cho biết “hai người đi trước đã gom gọn bớt rồi đó”.

Là 1 trong 2 người đi trước, anh Nguyễn Tấn Phát thoăn thoắt gom rác, từ bịch ny lông, xô nhựa, thùng xốp... ở nhiều chỗ lại chung một “điểm rác”. Ở “điểm rác” nào có rác nhiều, anh Phát cùng anh Hiếu đẩy, khiêng rác cho xe ép. Sau đó, anh lại tranh thủ đi trước xe để gom gọn tiếp, nhanh đến nỗi chúng tôi chỉ “lơ là” vài phút là mất dấu.

Tìm anh Phát qua mấy ngả đường, chúng tôi gặp anh… Huỳnh Văn Hậu- cũng là “người chạy trước” đang lấy rác trên những tuyến đường, hẻm nhỏ.

Theo chân anh Hậu “lạng qua lạng lại” vì lấy rác hai bên đường cùng lúc, chúng tôi thấy tại một số điểm, rác để trần trụi trên lòng đường nên ngoài rinh nặng, anh còn phải quét- hốt… Anh Hậu cho biết: “Phải lẹ tay lẹ chưn để gom tới “điểm rác” trước vì xe rác không đậu chờ lâu được”.

Công nhân lấy rác đêm làm từ khoảng 17 giờ tối đến 3- 4 giờ sáng.
Công nhân lấy rác đêm làm từ khoảng 17 giờ tối đến 3- 4 giờ sáng.

Liên tục quệt mồ hôi, anh Hậu nói: “Tầm 11 giờ khuya, xe lớn đi đổ rác chuyến đầu. Lúc đó, tranh thủ gom nhanh rồi ngồi nghỉ một chút, còn nếu hổng kịp, xe trở lại lấy chuyến mới thì… hổng nghỉ”. Hướng mắt về những tuyến đường vừa lấy rác xong, anh Hậu xởi lởi: “Lát nữa quay trở lại, vì còn người đem rác ra tiếp nữa”.

Tầm 22 giờ, anh Hậu và anh Hiếu gặp lại nhau ở “điểm rác” ngay ngã tư đường Hùng Vương giao với đường Hoàng Thái Hiếu. Theo các anh, ngày thường làm đến 3- 4 giờ sáng thì hết rác. Còn lễ, tết rác nhiều thì lấy rác cả đêm để đảm bảo đến sáng các tuyến đường sạch sẽ.

Làm việc nhanh và liên tục, các anh “lúc nào cũng ra mồ hôi chèm nhem nên hông thấy lạnh”. Chỉ có điều trời lạnh sẽ thấy khỏe hơn vì bớt nóng rít, mồ hôi bớt đổ.

Quét rác đêm: nước mắt, nụ cười

Nửa đêm- khi người người chìm trong giấc ngủ say- là lúc người quét rác đêm bắt đầu công việc. Băng qua những cung đường vắng lặng, nghe tiếng chổi khua đều đặn rớt vào đêm, chúng tôi thấm thía hơn nỗi nhọc nhằn của “người lao công những đêm hè, đêm đông giá rét”.

Thấy chiếc áo dạ quang sáng dưới ánh đèn, tiến lại gần, chúng tôi thấy một người có vóc dáng nhỏ nhắn đang quét rác ở góc đường Nguyễn Huệ (Phường 2).

Đó là cô Đỗ Huệ Phước (52 tuổi) là công nhân quét rác (thuộc Xí nghiệp Vệ sinh môi trường- Công ty CP Công trình công cộng Vĩnh Long).

Cô Phước cho biết cô ra làm lúc 1 giờ 30 phút, quét khúc từ Bến xe tới Sân vận động. Thường khoảng 4 giờ quét xong, cô về tranh thủ chợp mắt, làm việc nhà, 2 giờ chiều lại ra “lau đường”. Cô cho biết thêm “cái nghề mang lại nguồn thu nhập nuôi gia đình này là từ mẹ chồng, vợ chồng cô là người tiếp nối”.

Các công nhân tất bật quét đường giữa đêm khuya vắng lặng.
Các công nhân tất bật quét đường giữa đêm khuya vắng lặng.

Tại đường Trưng Nữ Vương (Phường 1), chị Quách Thị Mỹ Linh quét từ lúc 1 giờ. Chị Linh cho biết, quét sớm để về đưa con đi học. Vừa đi vừa quét rất nhanh, chị Linh chia sẻ với chúng tôi, bùi ngùi: “Tui và chồng gặp nhau nhờ đi quét rác đêm. Sau khi tôi sinh 2 con thì chồng mất”.

Hiện các con học lớp 9 và lớp 4. Chị Linh nói, có thu nhập ổn định và nhờ anh chị làm chung thương nên tạo nhiều thuận lợi.

Chúng tôi tiếp tục đến đường Phạm Thái Bường (Phường 4) tìm gặp “đôi vợ chồng quét rác”. Tại đây, chú Nguyễn Văn Ẩn (55 tuổi) và cô Phạm Thị Kim Hồng (52 tuổi) quét từ cầu Phạm Thái Bường đến Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm theo kiểu mỗi người quét một bên. Qua lời cô Hồng thì “quét rác chung” là chuyện dài gắn với những buồn, vui của cả nhà.

“Trời nắng thì quét nhanh nhưng khi mưa rác bám xuống đường nên quét chậm. Có trường hợp rác bị đổ ra đường thì quét càng lâu. Mặt khác, đêm hôm, tôi từng gặp trường hợp người đi ngang hù dọa, nhổ nước bọt, chọc ghẹo và cả biến thái. Tui mong, ngoài để rác đúng nơi quy định, đúng giờ; sẽ không còn người cá biệt như vậy nữa”.

Cô Phạm Thị Kim Hồng

Chú Ẩn “nối gót” theo mẹ và người anh “làm rác”. “Cái thời xe lấy rác như xe ben chở cát đá. 2 người ở dưới xúc, một người trên xe giậm” thì chú Ẩn theo xe lấy rác. Lần đi kéo rác bị một người say tông trúng, chú Ẩn bị thương nặng. 

Còn may là sau mấy tháng, chú khỏe lại. Công ty giao chú việc nhẹ hơn ở công viên, rồi qua quét rác. Vợ chú cũng được nhận vào cùng chỗ chú làm, quét cùng một tuyến đường để chăm sóc chú.

Cô Hồng rưng rưng nhớ lại: “Hồi đó, chỉ mình anh Ẩn đi làm nên thiếu thốn. Ở nhà tập thể trong nội ô nhỏ hẹp trên mưa xuống, dưới nước ngập lên là ẵm con đi mua thuốc uống”.

Từ ngày vợ chồng cùng đi làm thì thu nhập cao hơn, cho con học được nghề y tá. Đến nay, anh đã “thiệt khỏe”, kinh tế gia đình cũng cải thiện hơn.

Cô Hồng bộc bạch: “Vợ chồng cùng quét rác đến nay đã 18 năm. Tui vừa mua thêm được nhà ở Phường 5. Hai vợ chồng gói ghém dư được một đầu lương, không còn lo thiếu thốn.

Và, vui nhất là từ việc giỏi nghề nên năm 2018, chú Ẩn được công ty xem xét tham gia chương trình “Cây chổi vàng” và đạt giải đồng. “Vậy là tôi có dịp đi Hà Nội nên mua vé cho vợ cùng đi vì ước muốn của vợ chồng tui là đi Hà Nội viếng Lăng Bác”- chú Ẩn vui vẻ nói.

Tầm 4 giờ 30 sáng, người người đi bộ, đi chở hàng… mỗi lúc thêm đông cũng là lúc cô Hồng và chú Ẩn “gặp nhau ở cuối đoạn đường”. Thu dọn xong, chú Ẩn chở cô Hồng cùng mớ đồ nghề hướng về trung tâm thành phố. Trên những cung đường giăng giăng, phố vẫn sáng đèn.

Sớm mai đây, khi phố phường tỉnh giấc thì các góc phố, ngả đường đều sáng đẹp, tinh tươm. Hãy nhớ, đêm qua, có những người đã âm thầm quét rác: “Nhớ em nghe/ Tiếng chổi tre/ Chị quét/ Những đêm hè/ Đêm đông gió rét/ Tiếng chổi tre/ Sớm tối/ Đi về/ Giữ sạch lề/ Đẹp lối/ Em nghe!” (“Tiếng chổi tre”- thơ của Tố Hữu).

(Còn tiếp)

Theo Công ty CP Công trình công cộng Vĩnh Long, lượng rác thải sinh hoạt ở nội ô TP Vĩnh Long tăng trung bình 3- 4 %/năm, hiện công ty thu gom khoảng 130 tấn/ngày và thực hiện lấy rác theo giờ nên không bố trí thùng như trước. Tuy nhiên, rác để lộ thiên bên ngoài nên vất vả hơn khi rác gặp mưa, ngập úng hay chuột bọ cắn phá… Trong khi, một số trường hợp mang rác ra sớm hoặc trễ hơn so khung giờ công nhân đi lấy rác gây ứ đọng, ảnh hưởng mỹ quan...

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN- TẤN ANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh