Làm báo hiện đại- nhà báo càng phải "biết xung phong"

Cập nhật, 08:22, Thứ Sáu, 16/10/2020 (GMT+7)

 

Hội viên, phóng viên đi thực tế tại doanh nghiệp ở Bình Dương.
Hội viên, phóng viên đi thực tế tại doanh nghiệp ở Bình Dương.

Làm báo thời hiện đại khó hay dễ? Khi chúng tôi đặt câu hỏi này với các nhà báo đi trước- dường như cũng… không dễ có câu trả lời xác đáng. Bởi làm báo có những tiêu chí, nguyên tắc nghề nghiệp đặc thù và sản phẩm báo chí cũng mang giá trị riêng có của nó.

Dù làm báo trong giai đoạn phải “lặn lội” hay ở thời công nghệ 4.0, thì công việc của người làm báo luôn đòi hỏi những điều căn bản: thông tin phải kịp thời, chính xác; nhà báo càng phải biết xung phong đổi mới, sáng tạo và nhất là giữ gìn chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp.

Hội viên tham gia chuyến thực tế tập huấn nhiếp ảnh do Hội Nhà báo tỉnh tổ chức.
Hội viên tham gia chuyến thực tế tập huấn nhiếp ảnh do Hội Nhà báo tỉnh tổ chức.

Những câu chuyện không bao giờ cũ

Với vai trò là phương tiện truyền thông đại chúng, từ khi ra đời đến nay, báo chí đã cho thấy vị trí và tầm quan trọng trong việc truyền tải thông tin về mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Trong những năm qua, báo chí Vĩnh Long luôn quan tâm xây dựng đội ngũ người làm báo đáp ứng xu hướng hiện đại.

Nhà báo Trần Thuận- Phó Phòng Thời sự- Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long cho rằng làm báo hiện nay có nhiều thuận lợi qua việc tiếp cận thông tin nhanh chóng.

“Trước kia làm báo khá đơn giản, nhà báo phải lặn lội tận cơ sở, ở lại đó vài bữa hoặc cả tuần, nắm tư liệu mới viết được một vài tin, bài. Để có thông tin chính xác, có chiều sâu, phóng viên phải đi vào đời sống, cùng ăn ở với người dân để nhìn ra vấn đề.

Nhưng chính những lặn lội đó giúp nhà báo có bản lĩnh, kinh nghiệm chuyên sâu trong nghề”- nhà báo Trần Thuận nhắc chuyện cũ để so sánh với cách làm báo ngày nay: “Thông tin tức thời. Báo in ra hàng ngày, chương trình thời sự truyền hình cần lượng thông tin nhiều, nhanh, chính xác… nên không thể làm báo như hồi xưa, mà thông tin đã được phát huy hiệu quả tốt hơn”.

Tuy vậy, nhà báo Trần Thuận cũng lưu ý, nhất là đối với phóng viên trẻ cần học hỏi, không nên tự mãn với cái mình làm được và phải dẹp bỏ tự ái khi được góp ý kiến, sửa tin bài.

Bởi người làm báo lâu năm có kinh nghiệm chứ không hẳn giỏi; còn tuổi trẻ năng động, sáng tạo, nhạy bén… cần có sự học hỏi, trau dồi mới cùng tiến bộ được.

Nhắc nhở của nhà báo Trần Thuận là không thừa, bởi làm báo thời “mấy anh” hay ở thì hiện đại, nhà báo phải luôn giữ những “chuẩn chất” cho mình.

Nhà báo Nguyễn Hữu Khánh- Tổng Biên tập Báo Vĩnh Long- nhận xét: “Thực tế, độc giả khó mà phân biệt đâu là thông tin của báo chí chính thống, không chính thống hay mạng xã hội. Hơn nữa, đã và đang có một sự chuyển hướng trong cách đọc báo, nghe, xem đài truyền thống sang phương tiện nghe- nhìn kỹ thuật số, thông minh.

Vì thế, trong thời kỳ bùng nổ thông tin hiện nay, người làm báo cần thay đổi cách nghĩ, cách làm để thích ứng với thời đại và thực hiện tốt nhiệm vụ, sứ mệnh báo chí của mình”.

Sứ mệnh đó, theo nhà báo Nguyễn Hữu Khánh, phóng viên phải đi sâu khai thác thông tin mang tính đặc thù của loại hình báo chí.

Nhà báo Thảo Ly (Báo Vĩnh Long) tác nghiệp tại Đồng Tháp.
Nhà báo Thảo Ly (Báo Vĩnh Long) tác nghiệp tại Đồng Tháp.

Đối với phóng viên Báo Vĩnh Long, không chỉ được yêu cầu đưa tin nhanh, mà phải đặt trách nhiệm trong từng tin, bài. Tác phẩm báo chí phải đầu tư chiều sâu, trau chuốt ngôn ngữ, hình ảnh, cách trình bày khoa học… để tạo sự tin cậy đối với độc giả.

“Đó không chỉ là yếu tố để báo chí tồn tại, cạnh tranh và phát triển; mà còn để nhà báo giữ chuẩn chất của mình”- nhà báo Nguyễn Hữu Khánh nhấn mạnh.

Yêu cầu mới đòi hỏi người làm báo phải thay đổi cách làm, nhưng theo nhà báo Đoàn Hải Nhân- nguyên Tổng Biên tập Báo Vĩnh Long: “Những vấn đề căn bản của báo chí truyền thống cách mạng không thay đổi nhiều.

Báo chí vẫn là người thư ký thời đại, vậy nên, cần tránh chạy theo thông tin, mà phải tỉnh táo bám sát, dẫn dắt thông tin cho dư luận”.

Và để làm “người dẫn dắt”, nhà báo Đoàn Hải Nhân cho rằng: Người làm báo cần hiểu Đảng, hiểu chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng và Nhà nước để tự hào mình là người làm báo của Đảng, vì lợi ích và quyền lợi của nhân dân. Nhà báo phải nắm điều này cho rõ và phải sống với cái tâm nghề nghiệp trong sáng, không vì lợi ích cá nhân.

Nhà báo càng phải “biết xung phong”

Không chỉ “nhà thơ cũng phải biết xung phong” như lời Bác Hồ dạy, hiện nay, cùng với sự phát triển vũ bão của khoa học công nghệ và sự thay đổi trong xu hướng tiếp cận thông tin, công chúng đặt ra cho báo chí yêu cầu tiếp cận tin tức tức thời, nhưng lại muốn tiếp cận được nhiều tin tức trong một thời điểm.

Vấn đề đặt ra cho báo chí trong thời kỳ “chạy đua thông tin”, bùng nổ khoa học công nghệ và mạng xã hội “lên ngôi” chính là việc làm thế nào để giữ vững niềm tin của công chúng, lôi kéo độc giả trở lại với tờ báo của mình.

Với kinh nghiệm của người làm báo và góc nhìn của độc giả, nhà báo Đoàn Hải Nhân bảo rằng sống ở thời đại 4.0 thì phải làm báo với tinh thần 5.0, để thu hút độc giả thì báo chí phải có lượng thông tin cô đặc nhất trong thời gian ngắn nhất: “Nhà báo phải dẫn dắt người xem từ tít, tựa đến sa- pô, hình ảnh… gieo cho họ suy nghĩ, tò mò về nội dung tin, bài viết của mình, tránh để độc giả chỉ đọc lướt qua cái tít tựa đã biết hết nội dung. Vũ khí sắc bén của nhà báo là thuyết phục.

Nhà báo đi thực tế, chan hòa cùng đời sống lao động, sản xuất của người dân.
Nhà báo đi thực tế, chan hòa cùng đời sống lao động, sản xuất của người dân.

Để thuyết phục độc giả, nhà báo phải có kiến thức, am hiểu, phải xâm nhập vào cuộc sống xem người dân muốn gì và để bài viết có chất liệu hay”.

Nhà báo phải “biết xung phong” vào những đề tài, vấn đề bức xúc của thực tế chưa ai thấy. Nhà báo Trần Thuận đặt vấn đề: Vì sao hạn mặn hiện nay ở ĐBSCL ngày càng sớm và sâu? Thượng nguồn mùa nước nổi thiếu nước nhưng triều cường ngập đô thị?

Vì sao người dân nông thôn lại khát nước sạch, điều gì đang xảy ra với nguồn nước mặt trên sông rạch? “Nhà báo phải nhìn nhận vấn đề nhiều chiều và luôn đặt câu hỏi vì sao.

Một mặt, nước sạch là nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống, mặt khác cần lật ngược vấn đề vì sao nguồn nước ô nhiễm và đi tìm nguyên nhân sâu xa thì sẽ có những bài báo hay”- nhà báo Trần Thuận đúc kết.

Cùng với yêu cầu phóng viên, người làm báo phải thay đổi cách nghĩ, cách làm để thích ứng với yêu cầu thời đại, nhà báo Nguyễn Hữu Khánh cũng cho rằng: “Theo tôi, tòa soạn phải thay đổi là tất yếu. Báo chí truyền thống, cơ quan báo in phải có trang thông tin điện tử đáp ứng nhu cầu độc giả. Muốn chuyển tải thông tin bằng đa phương tiện phải có âm thanh, video… và nhà báo cũng phải đa năng trong công việc làm báo của mình”.

 

Nhà báo Nguyễn Hữu Khánh: Đối với Báo Vĩnh Long, người làm báo một mặt khai thác đề tài chuyên sâu gắn với địa phương, mang tính đặc thù. Mặt khác, Ban Biên tập khuyến khích, tạo điều kiện để phóng viên “đi ra khu vực” mở rộng tầm nhìn, phạm vi thông tin, nhằm làm nổi bật vấn đề của đề tài khai thác trong mối tương quan giữa địa phương với khu vực.

Cùng với việc đào tạo, phát huy lực lượng làm báo hướng tới đa năng trong nghiệp vụ, chúng tôi đặt ra yêu cầu đối với phóng viên trong tác phẩm báo chí, hay chỉ một mẫu tin cũng phải đưa vào đó một thông điệp hữu ích đến với người đọc. Báo chí chú trọng tính chiến đấu nhưng cũng phải hết sức nhân văn, giữ gìn đạo đức người làm báo.

Nhà báo Trần Thuận: Người làm báo phải đi sâu tìm hiểu, chứ khơi khơi là không nhìn thấy được vấn đề. Nhà báo phải khai thác đầy đủ, tìm hiểu kỹ mới viết, không biết cứ hỏi. Vì hỏi là thế mạnh của nhà báo!

Phóng viên Nguyệt Minh- Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long:

Đối với phóng viên trẻ như chúng tôi, hiện nay có thể tác nghiệp dễ dàng nhờ công nghệ. Nhưng tôi nghĩ nếu quá phụ thuộc vào nó mà không tập trung nhiều về kỹ năng, thì cũng không quá tốt. Việc xác định đúng điều mình cần, quan tâm, khai thác và chọn lọc thông tin chính xác, sẽ là thuận lợi để phóng viên làm tốt hơn trong công việc của mình.

Tôi nghĩ mỗi phóng viên trẻ đều mong muốn học hỏi kinh nghiệm của người đi trước, vì họ phải trải qua nhiều quá trình để có được kinh nghiệm, kiến thức đó. Nên khi được trau dồi, học hỏi từ các anh chị, cô chú chính là cơ hội quý giá để chúng tôi để có thể vận dụng vào quá trình làm nghề.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC