Từ Nghị quyết "thuận thiên"- biến thách thức thành cơ hội

Kỳ cuối: Để Nghị quyết "thuận thiên" bền vững và thành công

Cập nhật, 05:09, Thứ Sáu, 08/11/2019 (GMT+7)

Nhiều tỉnh- thành ĐBSCL cho rằng, để Nghị quyết 120 đi vào cuộc sống, bền vững và thành công, ngoài đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp, các ngành; thực hiện liên kết vùng thì phải “bước cùng nhau” để tạo ra được những thương hiệu chung.

Không sợ hãi trước thách thức của thiên tai nếu có ý thức và biết cách làm tốt.
Không sợ hãi trước thách thức của thiên tai nếu có ý thức và biết cách làm tốt.

Phải “bước cùng nhau”

Tại hội nghị đánh giá kết quả 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), đại diện cho các địa phương vùng ĐBSCL phát biểu, ông Lê Minh Hoan- Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp- cho rằng, nói đến ĐBSCL là nói đến bức tranh về hạ tầng.

Cần có sự cộng hưởng giữa cơ sở hạ tầng hoàn thiện với sự chuyển đổi nền kinh tế và vấn đề quan trọng nhất là sớm có sự định hướng.

Dẫn chứng câu chuyện có lần đưa bà con đi lao động ở Hàn Quốc và thấy khẩu hiệu “Nông nghiệp là sinh mạng, nông thôn là tương lai”- ông đặt vấn đề: phải chăng có lúc chúng ta quay lưng lại nông nghiệp, bởi nói đến nông nghiệp là nói đến nghèo đói. Vì vậy, phải thay đổi tư duy, từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Và làm sao để nông dân chuyển thành những doanh nhân trên mảnh đất của mình như tinh thần Nghị quyết 120 thì theo ông Lê Minh Hoan, ngoài kết nối về hạ tầng, quan trọng hơn là các địa phương vùng ĐBSCL phải “bước cùng nhau” để tạo ra được những thương hiệu chung cho cả vùng.

Thực tế thực hiện Nghị quyết 120 vẫn không ít địa phương “lúng túng”, nhưng theo ThS. Nguyễn Hữu Thiện- nghiên cứu độc lập về sinh thái khu vực ĐBSCL, cần phải hiểu với một nghị quyết ở tầm chiến lược thì chưa thể kỳ vọng có những kết quả cụ thể trong thời gian ngắn được.

Trước khi thực hiện những hành động cụ thể ở thực địa, cần có những bước đệm để chuẩn bị. Trong 2 năm qua, Chính phủ đã có những bước đi tích cực tiến tới triển khai nghị quyết này.

Nhìn chung, mặc dù là chậm nhưng sự chuẩn bị mà các bộ, ngành đã và đang làm là rất tích cực, tạo tiền đề cho các bước cụ thể sắp tới. “Nghị quyết như món ngon của ĐBSCL, phải được nấu đúng thời gian.

Thực hiện chậm nhưng chắc để không khéo mất cơ hội này thì rất tiếc cho ĐBSCL”- ThS. Nguyễn Hữu Thiện nói, đồng thời cho rằng “cần phải thay đổi tư duy thì Nghị quyết 120 mới khả thi”.

Lâu nay, cách nghĩ lương thực đồng nghĩa với tự cung tự cấp và sản lượng càng nhiều càng tốt và đơn thuần là lúa gạo.

Thực tế mỗi năm đồng bằng sản xuất ra 25 triệu tấn lúa nhưng xuất khẩu hơn một nửa. Do thâm canh liên tục trong đê bao, đất đai bị bạc màu, cạn kiệt nhanh. Tiếp tục cách này, sau khoảng 20- 25 năm sức sản xuất của đất suy giảm, an ninh lương thực sẽ bị đe dọa.

Hơn nữa, ngày nay khái niệm an ninh lương thực cần đi kèm với an ninh dinh dưỡng, tức là các thành phần thực phẩm khác chứ không chỉ có gạo. Nếu vẫn giữ tư duy an ninh lương thực bằng số lượng thì việc chuyển sang chất lượng nông nghiệp và làm kinh tế nông nghiệp như Nghị quyết 120 sẽ không khả thi.

Không dao động, sợ hãi

Công cuộc chống BĐKH và thiên tai là một cuộc chiến trường kỳ, hết sức khó khăn và phức tạp.
Công cuộc chống BĐKH và thiên tai là một cuộc chiến trường kỳ, hết sức khó khăn và phức tạp.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam là 1 trong 10 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi BĐKH ở Châu Á. Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) ước tính gần 55% dân số Việt Nam sẽ bị tổn thương trước mối đe dọa từ thiên nhiên.

Điều đáng lo ngại là nhiều người dân vẫn chưa nhận thức được những thách thức này. Nhiều doanh nghiệp chưa sẵn sàng ứng phó với thách thức từ thiên tai hay hiện tượng nóng lên toàn cầu cũng như chưa có ý thức góp phần giảm các tác nhân gây BĐKH.

Tuy vậy, Thủ tướng cũng cho rằng, BĐKH có thể làm thay đổi các mô hình, phương thức sản xuất, ảnh hưởng đến kinh tế và sinh kế của hàng triệu người dân cũng như tương lai của con cháu chúng ta, song xét cho cùng nó không nghiêm trọng bằng sự dao động của ý chí, của bản lĩnh, niềm tin của chúng ta trước các thử thách của tự nhiên và tạo hóa.

Một thống kê gần đây cho thấy, trong 10 năm trở lại đây, 1,7 triệu người đã di cư ra khỏi ĐBSCL trong khi chỉ có 700.000 người chuyển đến. Tỷ lệ di cư này gấp đôi trung bình cả nước. Điều này tạo ra thách thức cho nhiều địa phương.

Tuy vậy, theo Thủ tướng, nếu vượt qua được ĐBSCL có sức bật tăng trưởng rất lớn. “Cơ hội và thách thức do chính cách chúng ta nhìn vấn đề.

Chẳng hạn, với tình trạng xâm nhập mặn, nếu nhìn cây lúa thì thấy thách thức, nhưng nếu nhìn con tôm thì có thể là cơ hội. Chúng ta không sợ hãi trước thách thức của thiên tai nếu có ý thức và biết cách làm tốt”- Thủ tướng nói.

Giải thích rõ hơn Nghị quyết 120 đặt vấn đề phát triển “thuận thiên”, Thủ tướng cho biết là dựa vào các quy luật của tự nhiên để phát triển, không can thiệp thô bạo vào tự nhiên, phá vỡ tính cố kết sẵn có của tự nhiên nhưng điều này không có nghĩa là cam chịu, không phải là “thuận thiên” là xuôi tay hết”.

Thủ tướng nêu rõ phương châm hành động của Chính phủ thời gian tới là: “Chính phủ thúc đẩy, doanh nghiệp hành động, người dân hưởng ứng”.

Theo đó, Chính phủ thúc đẩy bằng chức năng kiến tạo, xác lập các cơ chế và chính sách để khuyến khích và thúc đẩy; tiếp tục bố trí lại, bổ sung nguồn lực, trước hết là hạ tầng cứng, đào tạo nhân lực.

Doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, cả kinh tế hộ lớn hành động bằng các dự án đầu tư cụ thể. Người dân hưởng ứng bằng tăng cường sự nhận thức, đồng thuận và tham gia cùng với Chính phủ và cộng đồng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, công cuộc chống BĐKH và thiên tai là một cuộc chiến trường kỳ, hết sức khó khăn và phức tạp. Do đó, chúng ta phải biết huy động nguồn lực tổng hợp của tất cả các thành phần, từ Trung ương đến địa phương, cả trong và ngoài nước, từ sức mạnh của nhân dân, hệ thống chính trị thì mới có thể thành công và phát triển bền vững.

Bộ trưởng Kế hoạch- Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề xuất nên thành lập Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL với chủ tịch hội đồng là Thủ tướng Chính phủ. Thành viên hội đồng gồm lãnh đạo 13 tỉnh- thành vùng ĐBSCL và lãnh đạo các bộ, ngành trung ương. Hội đồng này có nhiệm vụ chính phối hợp các địa phương để thực hiện quy hoạch vùng, liên kết vùng, đồng thời tổ chức giám sát, kiểm tra việc thực hiện.

Bài, ảnh: NHÓM PV