Việt Nam khẳng định cam kết phòng chống tội phạm ma túy xuyên quốc gia

Cập nhật, 21:41, Thứ Ba, 10/09/2019 (GMT+7)

Chiều 10/9, tại Hà Nội đã khai mạc Hội nghị cấp Bộ trưởng về nâng cao hiệu quả hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy xuyên quốc gia.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Bộ trưởng Công an Tô Lâm chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu dự Hội nghị. (Ảnh: Trọng Phú)
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Bộ trưởng Công an Tô Lâm chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu dự Hội nghị. (Ảnh: Trọng Phú)

Diễn ra từ ngày 10 đến ngày 12/9, Hội nghị do Việt Nam đăng cai tổ chức sẽ bao gồm các phiên họp nhóm, song phương và phiên họp toàn thể với sự tham dự của hơn 200 đại biểu, trong đó gần 100 đại biểu nước ngoài.

Trong đó, gồm 10 nước/đối tác là Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar, Philippines, Trung Quốc; Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC), Cơ quan phòng, chống ma túy Hoa Kỳ (DEA), Cảnh sát Liên bang Australia (AFP).

Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, ma túy là hiểm họa và là vấn nạn chung của toàn cầu, đã và đang gây ra những hậu quả tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Đây là loại tội phạm sản sinh ra các loại tội phạm khác như tài trợ khủng bố, tham nhũng và rửa tiền. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa sâu rộng, hoạt động của các đường dây tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép ma túy xuyên quốc đang ngày càng diễn biến tinh vi, phức tạp và khó lường.
 

Cũng theo Phó Thủ tướng, chính sách phòng, chống ma túy khác biệt trên toàn cầu đã gây ra những khó khăn nhất định trong giải quyết có hiệu quả vấn đề này. Cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy ngày càng cam go và quyết liệt, yêu cầu các quốc gia phải có sự nhìn nhận, đánh giá đúng thực trạng và xây dựng, triển khai các giải pháp phù hợp nhằm đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả đối với loại tội phạm này. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh hợp tác giữa các nước có liên quan trong khu vực và trên thế giới trong giải quyết vấn nạn ma túy là đòi hỏi tất yếu, khách quan và cần được nâng lên tầm cao mới, nhằm đạt được hiệu quả, thiết thực hơn.

Phó Thủ tướng đánh giá, kết quả đạt được trong phòng, chống ma túy của các nước thông qua việc chủ động xây dựng chính sách, chiến lược quốc gia phòng, chống ma túy; củng cố và đẩy mạnh thực hiện các hoạt động hành pháp, trấn áp quyết liệt tội phạm ma túy trong nước và trên các tuyến biên giới; tăng cường hợp tác quốc tế, triển khai tích cực các nội dung trong cơ chế hợp tác song phương, đa phương với các nước láng giềng, khu vực và thế giới. Với sự quyết tâm lớn của Chính phủ các nước, tội phạm ma túy thời gian qua phần nào đã được ngăn chặn, kiềm chế và đẩy lùi.

"Tuy nhiên, khi xem xét tình hình thực tế trong khu vực, chúng ta chưa thể yên tâm và lạc quan. Đã 110 năm trôi qua kể từ khi Ủy ban ma túy quốc tế triệu tập cuộc họp tại Thượng Hải gồm 12 nước để bàn về chính sách quốc tế trong kiểm soát tình hình trồng cây thuốc phiện trên thế giới, tình hình ma túy trên thế giới ngày càng trở lên đáng quan ngại" - Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, khu vực Đông Nam Á, đặc biệt tại khu vực 6 nước tiểu vùng sông Mê Kông, diện tích gieo trồng cây thuốc phiện vẫn đứng thứ hai trên thế giới. Khu vực Tam Giác Vàng ở tiểu vùng sông Mê Kông đã trở thành trung tâm sản xuất ma túy tổng hợp lớn nhất thế giới. Số lượng người sử dụng ma túy trong các nước khu vực không giảm, thậm chí có xu hướng gia tăng.

Nhiều tổ chức tội phạm ma túy xuyên quốc gia đóng vai trò làm cầu nối giữa cung và cầu với nhiều phương thức thủ đoạn đối phó, thậm chí chống trả quyết liệt các lực lượng chức năng. Những diễn biến phức tạp này đang tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự cho các nước trong khu vực, thách thức lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.

Kết thúc bài phát biểu của mình, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh, trước tình hình ma túy ở khu vực và trên thế giới đang có những diễn biến phức tạp mới rất đáng lo ngại, Hội nghị cấp Bộ trưởng về nâng cao hiệu quả hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy xuyên quốc gia do Việt Nam khởi xướng kỳ vọng sẽ là một diễn đàn thiết thực để lực lượng chức năng phòng, chống ma túy các nước chia sẻ, trao đổi thông tin cập nhật về diễn biến tình hình, kết quả đấu tranh trấn áp tội phạm ma túy, cũng như bàn các giải pháp cụ thể và có hiệu quả để kịp thời ứng phó với tội phạm ma túy.

Phó Thủ tướng đề nghị hội nghị lần này cần xác định rõ quan điểm trong bối cảnh thế giới hiện đang đối mặt với những quan điểm bất đồng trong chính sách phòng, chống ma túy ở một số quốc gia và khu vực, đặc biệt là xu hướng hợp pháp hóa việc sử dụng ma túy hiện nay, chúng ta khẳng định tính chất nền tảng trong xây dựng và điều chỉnh chính sách phòng chống ma túy của 3 Công ước Liên hợp quốc về kiểm soát ma túy, Tuyên bố chính trị và kế hoạch hành động phòng, chống ma túy năm 2009, Tuyên bố Bộ trưởng 2014, Văn kiện UNGASS 2016. Trên cơ sở đó, các nước chủ động vận dụng chính sách phòng, chống ma túy một cách linh hoạt, phù hợp bối cảnh và tình hình ma túy ở mỗi nước.

Bảo đảm nguyên tắc cốt lõi, chính sách, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy nói chung và tội phạm ma túy xuyên quốc gia nói riêng của mỗi quốc gia không làm ảnh hưởng, hạn chế tới nỗ lực, giải pháp phòng chống ma túy của quốc gia khác.

Các nước tham gia tích cực và nâng cao hơn nữa vai trò chủ đạo trong xây dựng các chính sách, chiến lược kiểm soát ma túy của quốc gia và khu vực; tăng cường hơn nữa tính tự chủ, trực tiếp tham gia đóng góp và chia sẻ trách nhiệm huy động các nguồn lực cho các sáng kiến phòng, chống ma tuý của khu vực và thế giới, trong bối cảnh nguồn lực của quốc tế dành cho công tác phòng, chống ma túy suy giảm.

Các chương trình, khuôn khổ hợp tác quốc tế phòng, chống ma túy của khu vực cần được xây dựng, thiết kế đảm bảo tính thực tiễn, phù hợp với tình hình của khu vực và khả năng nguồn lực; gắn kết các cơ chế hợp tác khu vực hiện có với các nỗ lực chung của thế giới và các khu vực khác; khuyến khích các hoạt động hợp tác song phương giữa các quốc gia thành viên.

Bốn là, các nước đối tác, tổ chức ủng hộ các sáng kiến phòng, chống ma túy của các nước khu vực, hỗ trợ các nguồn lực để triển khai các sáng kiến hợp tác phòng, chống ma túy; tài trợ trang thiết bị, tổ chức các khóa tập huấn nâng cao nghiệp vụ về phòng, chống ma túy cho sĩ quan các nước trong khu vực.

"Tôi khẳng định lại quyết tâm, thiện chí và cam kết của Việt Nam trong việc tăng cường hợp tác với Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp quốc, với các quốc gia trong khu vực và thế giới. Việt Nam đã, đang và sẽ luôn là một thành viên tích cực và có trách nhiệm, luôn sát cánh cùng các thành nước trong khu vực và trên thế giới thực hiện nghiêm túc những cam kết và thỏa thuận đã đạt được; nỗ lực phấn đấu cho các mục tiêu chung của khu vực, vì hoà bình, ổn định, phát triển thịnh vượng và xây dựng một khu vực không có ma tuý" - Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định./.

Theo VOV