Có nhiều mô hình điển hình trong đào tạo nghề lao động nông thôn

Cập nhật, 11:26, Thứ Ba, 11/06/2019 (GMT+7)

Chăn nuôi bò, xây dựng dân dụng, trồng nấm bào ngư xám... là các mô hình nghề điển hình được BCĐ Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT- Đề án 1956) triển khai trong các năm qua.

Năm 2017, theo mô hình thí điểm dự án “Hỗ trợ hộ nghèo chăn nuôi bò giống, nâng cao đời sống” giai đoạn 2017- 2020, đề án đã tổ chức được 17 lớp hỗ trợ đào tạo nghề cho 364 LĐNT, chủ yếu hộ nghèo với 352 lao động. Hiện mô hình với khoảng 400 con bò giống đã hỗ trợ được duy trì, có 143 bò đang mang thai, 7 bê con.

Đào tạo nghề xây dựng dân dụng là mô hình điển hình của đề án trong năm 2018. Hoạt động gắn với hỗ trợ nhà ở cho hộ gia đình hoàn cảnh khó khăn và hỗ trợ xây dựng các công trình phúc lợi xã hội địa phương (bờ kè, sửa chữa mống cầu, đường đan, xây dựng nhà ở).

Đến nay, đã có 2.847 LĐNT được đào tạo nghề xây dựng dân dụng, trong đó 2.464 LĐNT đang làm việc theo nghề được học.

Cùng với đó là mô hình đào tạo nghề trồng nấm bào ngư xám cho LĐNT thuộc hộ nghèo gắn với hỗ trợ phát triển nuôi trồng sản xuất theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Quá trình thực hiện đề án còn hình thành một số mô hình điển hình như: trồng lúa thuần chủng chất lượng cao theo kỹ thuật canh tác mới, chăn nuôi gia súc gia cầm, cây ăn quả đặc sản, nuôi thủy sản nước ngọt, canh tác đa canh tổng hợp...

Đây là các ngành nghề chủ yếu trong sản xuất nông nghiệp và là ngành nghề chủ lực phục vụ phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn.

TƯỜNG VÂN