Khoai lang là nông sản chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao cho nhiều hộ dân ở Vĩnh Long. Đến hết tháng 10/2018, diện tích khoai lang của tỉnh Vĩnh Long vào khoảng 14.000ha, thật sự mang lại thu nhập đáng kể cho nông dân và giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Khoai lang là nông sản chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao cho nhiều hộ dân ở Vĩnh Long. Đến hết tháng 10/2018, diện tích khoai lang của tỉnh Vĩnh Long vào khoảng 14.000ha, thật sự mang lại thu nhập đáng kể cho nông dân và giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Tuy nhiên, điệp khúc “được mùa mất giá” đến nay vẫn chưa được tháo gỡ; song hành với đó là việc tự phát gia tăng diện tích trồng khoai, chất lượng khoai giảm, đầu ra bấp bênh… đã đặt ra những vấn đề cần giải quyết tức thì, toàn diện cũng như có lộ trình cụ thể cho cây khoai lang phát triển ổn định.
Kỳ 1: Giá thành tăng, năng suất giảm, đầu ra bấp bênh
Khoai lang hiện nay được tập trung trồng nhiều nhất ở huyện Bình Tân. Mặc dù diện tích trồng khoai ngày một tăng nhưng việc áp dụng tự động hóa, cơ giới hóa vào sản xuất chỉ có ở khâu cày ải đất. Tình trạng sản xuất thủ công tốn nhiều công lao động, sử dụng nhiều phân thuốc làm tăng giá thành khoai lang vẫn còn phổ biến.
Nông dân trồng khoai cần được hướng dẫn để sản xuất đúng quy trình, an toàn, chất lượng. |
Khó khăn lớn nhất hiện nay là đầu ra bấp bênh, khoai lang chủ yếu đi đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Không cần đợi đến điệp khúc “được mùa mất giá”, người dân trồng khoai phải luôn sống cảnh “trông đứng trông ngồi” bởi giá khoai “nay trồi mai sụt”.
2 tăng, 1 giảm
“2 tăng” là tăng diện tích, tăng giá thành do chi phí nhân công, phân thuốc lớn và “1 giảm” là năng suất “đang có xu hướng giảm dần”. Diện tích khoai lang tăng nhanh, từ khoảng 6.000ha năm 2010, lên 14.000ha năm 2018, hơn gấp đôi.
Diện tích khoai lang của huyện Bình Tân chiếm gần 95% toàn tỉnh. Trong khi đó, khoai lang của Vĩnh Long chiếm gần 55% diện tích và gần 62% tổng sản lượng của ĐBSCL.
PGS.TS Hồ Thanh Phong- Chủ nhiệm đề tài “Thiết kế chuỗi cung ứng khoai lang cho tỉnh Vĩnh Long”- cho biết kết quả nghiên cứu: “Về năng suất, khoai lang Vĩnh Long thuộc loại cao nhất nước. Tuy nhiên, so với tiềm năng về đất đai và khí hậu, thời tiết thì năng suất khoai lang Vĩnh Long còn rất thấp”.
Theo ThS Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT Vĩnh Long: Diện tích khoai lang tăng quá nhanh, sản lượng nhiều hơn nhu cầu thị trường nên tiêu thụ gặp nhiều khó khăn “nếu trùng vào thời điểm thu hoạch khoai trên thế giới- khoảng giữa năm- thì nông dân lỗ nặng”.
Trong khi đó, năng suất khoai lang Bình Tân đang giảm dần; chi phí sản xuất và công lao động ngày một tăng “so với năm 2015, giá nhân công tăng khoảng 50.000 đ/ngày”.
Nói về một trong những nguyên nhân khiến giá thành khoai lang tăng cao là do sử dụng quá nhiều công lao động, ông Nguyễn Trọng Danh- Phó Giám đốc Sở Khoa học- Công nghệ tự giới thiệu mình là người “có gốc nông dân, từ 10 tuổi đã theo cha mẹ ra vườn”.
Ông Nguyễn Trọng Danh nhận thấy: “Nông dân mình còn bảo thủ, nhất là trong cơ giới hóa, máy móc làm ra bị bỏ xó. Thế giới đang đi đến công nghệ 4.0 nhưng người trồng khoai chúng ta chỉ đạt… “0.4”. Không tin thì thử ra đồng khoai bạt ngàn, chỉ toàn thấy dao, cuốc, bồ cào”.
Sản xuất và tiêu thụ khoai lang gặp khó khăn, trước hết là do phương thức sản xuất, chủ yếu là thủ công, thiếu đồng bộ từ khâu giống, gieo trồng, thu hoạch, sơ chế, bảo quản,… dẫn đến năng suất, chất lượng giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa thấp và giảm năng lực cạnh tranh của khoai lang trên thị trường.
Mắc nợ… vì khoai lang
PGS.TS. Hồ Thanh Phong trình bày “Quy hoạch vùng trồng và khai thác khoai lang”. |
Ông Sơn Văn Luận- Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Thanh Ngọc (xã Thành Trung- Bình Tân) kể về hành trình tự tìm đường “giải cứu” khoai lang của mình. Bởi vì, ông Sơn Văn Luận không chỉ là giám đốc mà còn là người trồng khoai.
Mới hồi mấy tháng trước, khi khoai lang tím Nhật không bán qua thị trường Trung Quốc được, ông Sơn Văn Luận đã dành 1 tháng trời để đi từ Lào Cai qua Móng Cái, rồi Lạng Sơn, Cao Bằng để tìm “nguyên do và đường đi cho khoai”.
Ông Sơn Văn Luận cho biết: “Phía công ty Trung Quốc trả lời không nhận hàng vì ngày xưa để khoai 10 ngày chưa nảy mầm, còn bây giờ sao mới 2 ngày mà nảy mầm rất nhiều?”
Ông Sơn Văn Luận nói để tìm cách “giải cứu” ông đã “bỏ vô cỡ 4- 5 tỷ đồng rồi”, và “tui mua khoai giải cứu cho nông dân, rồi ai giải cứu cho tui đây?”
Giá khoai “trồi sụt” không chỉ là nỗi lo của nông dân mà còn làm đau đầu các nhà quản lý. ThS Nguyễn Văn Liêm phân tích: Khoai tím Nhật bình quân trong 5 năm từ 2010- 2014 là 600.000 đ/tạ (60kg).
Trong đó, các năm 2010, 2012 và 2018, giá sụt đến mức thấp nhất là dưới 2.500 đ/kg. Năm 2011 và 2013, giá khoai đạt mức cao nhất là 19.000 đ/kg và với giá bán từ 5.000 đ/kg trở lên thì nông dân mới có thể huề vốn.
Trong đó, giống khoai lang cũng ảnh hưởng đến đầu ra. Khoai lang Vĩnh Long chủ yếu là khoai tím Nhật- loại khoai hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu thì chiếm đến 81,6% diện tích.
PGS.TS Hồ Thanh Phong cũng cho rằng: “Việc nông dân trồng tập trung khoai tím Nhật cũng gây khó khăn trong khâu tiêu thụ vì giống khoai này chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc, còn trong nước thì rất khó bán”.
Ngoài ra, sự không ổn định về chất lượng sản phẩm còn do quá trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển, phân loại sản phẩm, bảo quản, sơ chế, đóng gói… không được cơ giới nên năng suất, chất lượng thấp, không thể thâm nhập được các thị trường khó tính như Châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc.
Việc kinh doanh khoai lang như thời gian qua là chưa mang tính bền vững và an toàn cho người sản xuất vì phương pháp thu mua giữa thương lái và nông dân đều không có hợp đồng, chỉ thu mua theo thời vụ tại kho bãi, giá cả thị trường tại thời điểm thu mua.
Hình thức này khiến nông dân không nắm được độ lớn của thị trường để cân đối diện tích sản xuất cho phù hợp.
Đặc biệt, thương lái nước ngoài chỉ tập trung mua giống khoai lang tím Nhật và luôn có sự thay đổi về quy cách sản phẩm, làm cho người sản xuất thiếu chủ động, thiếu thông tin về thị trường cũng như giá cả.
Kỳ cuối: Lộ trình cho chuỗi cung ứng khoai lang
ThS Nguyễn Văn Liêm: Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Thị trường tiêu thụ của tỉnh chủ yếu là xuất khẩu 80%, sang Trung Quốc, Malaysia, Hong Kong, Campuchia, Thái Lan,… Việc xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc không có hợp đồng chắc chắn, nông dân làm theo kiểu tự phát, tập trung trồng nhiều giống khoai tím Nhật nên gặp lúc thu hoạch tập trung, sản phẩm bị ứ đọng phải bán rẻ, dẫn đến thua lỗ nặng. Ông Sơn Văn Luận- HTX Thanh Ngọc Trước mắt, các nhà khoa học, lãnh đạo ban ngành làm sao để giúp nông dân vừa đạt chất lượng, vừa đạt năng suất. Tiền đầu tư cho khoai rất lớn, 1 công khoai hết 10 triệu đồng, nếu đất mướn phải mất 13 triệu đồng. Ông Trừ Trung Tín- Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bình Tân Băn khoăn nhất là đầu ra, hễ thấy bán được là nông dân ồ ạt trồng. Đến khi khoai xuống giá thì có người vỡ nợ luôn. Ngoài ra, một vài bà con trị có mỗi một loại bệnh mà xài 2- 3 loại thuốc “cho chắc ăn” khiến dư lượng thuốc nhiều, làm ảnh hưởng đến uy tín chất lượng chung của khoai lang. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN- PHƯƠNG THÚY
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin