Cấm ghi âm, hình khi chưa xin phép: Bất hợp lý và cần phải thu hồi

Cập nhật, 12:10, Thứ Sáu, 11/01/2019 (GMT+7)

 

Công chức bộ phận một cửa giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn Hà Nội. Ảnh minh họa: PV
Công chức bộ phận một cửa giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn Hà Nội. Ảnh minh họa: PV

Ngày 10/1, trao đổi với PV Lao Động, TS Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) - cho rằng, việc Hà Nội quy định công dân “không được ghi âm, ghi hình" khi chưa được sự đồng ý của cán bộ là chưa hợp lý và cần phải thu hồi nội quy này.

Như Lao Động đã thông tin, mới đây UBND TP. Hà Nội vừa ban hành nội quy của trụ sở tiếp công dân thành phố. Theo đó, công dân đến trụ sở này phải xuất trình giấy tờ tùy thân, có thái độ đúng mực, tôn trọng, tuân thủ sự hướng dẫn của cán bộ, nhân viên bảo vệ... và "không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân". Quy định này lập tức gây nên nhiều tranh cãi và nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận.

Về việc này, trao đổi với PV, TS Lê Hồng Sơn cho hay, Quyết định số 12/QĐ-UBND ban hành Nội quy tiếp dân của thành phố Hà Nội là chưa phù hợp. Cụ thể, luật Tiếp công dân trao cho chủ tịch UBND tỉnh, thành phố thẩm quyền ban hành quy chế, nội quy và đây được coi là văn bản hành chính cá biệt.

Tuy nhiên, trong văn bản hành chính của Hà Nội lại đưa các quy phạm pháp luật vào, trong đó cấm đoán công dân, vừa trùng lắp với luật, vừa trái với thẩm quyền.

“Như vậy, quy định trong văn bản là sai về thẩm quyền và sai tính chất của văn bản, vì đây là văn bản hành chính cá biệt, không phải văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ 2 nữa là nói về thẩm quyền của chủ tịch UBND thành phố, thì quyền quyết định vấn đề này - tức người dân được ghi âm, ghi hình hay không, là do Quốc hội quyết. Nếu thấy cần thiết, Quốc hội sẽ quy định việc ghi âm, ghi hình, quay phim trong luật, chứ không thuộc thẩm quyền của cá nhân chủ tịch” – TS Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.

Nguyên Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) nhìn nhận về quy định nếu ghi âm, ghi hình phải có sự đồng ý của cán bộ tiếp công dân như vậy là ảnh hưởng tới quyền của người dân.

Ông Sơn dẫn ví dụ: “Khi cho quay mới được quay thì đã mất tính khách quan, tự nhiên, vì khi anh đồng ý cho người dân làm việc đó có nghĩa là anh đã chủ động chấn chỉnh. Còn người dân quay là lúc anh vi phạm, không chuẩn mực, làm ảnh hưởng đến quyền của họ. Do vậy, tôi cho rằng, quy định này đưa ra là không phù hợp”.

Do đó, ông Sơn kiến nghị các cơ quan chức năng phải sửa sai, thu hồi ngay văn bản trên.

TS Lê Hồng Sơn cho rằng: Cán bộ khi ở cơ quan công quyền, được tổ chức, thành lập để tiếp người dân đến kiến nghị, phản ánh, khiếu nại tố cáo khi đang thi hành công vụ thì không có quyền cấm người dân ghi âm, chụp hình, quay phim. Chỉ khi ngoài trụ sở tiếp công dân, ngoài giờ thi hành công vụ thì cán bộ cũng là người bình thường, cũng có quyền riêng tư. Còn việc, có ý kiến cho rằng nếu để công dân ghi âm, ghi hình tự do rồi tung lên mạng xã hội nhằm mục đích bôi nhọ, kích động, là một lối suy diễn quá đà.

“Người ta ghi âm, quay phim, chụp ảnh khi đang được tiếp nhận kiến nghị phản ánh là việc bình thường. Đây là việc ghi lại chứng cứ. Còn việc thứ 2, người ta sử dụng như thế nào hoặc suy diễn là người ta tung lên mạng để xúi giục thì lại là chuyện khác. Ai vu khống, ai bôi nhọ sẽ có pháp luật xử lý, còn việc quay phim là quyền của người dân”, ông Sơn nói.

Theo VƯƠNG TRẦN - CAO NGUYÊN/LĐO