Kỳ 3: Lực lượng không quân trả "món nợ B-52"

09:12, 30/12/2018

Trong 2 lần chống đế quốc Mỹ gây chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam, Không quân của ta không nhiều máy bay lại còn là các loại bị coi là lạc hậu (MiG-17, MiG-19, MiG-21) nhưng buộc phải đối đầu với một đối thủ chiếm ưu thế tuyệt đối về số lượng lẫn chất lượng là Không quân Hoa Kỳ có hàng ngàn máy bay phản lực tiên tiến nhất thời đó với hàng trăm phi công dày dạn kinh nghiệm có từ 1.000 giờ bay trở lên. 

Trong 2 lần chống đế quốc Mỹ gây chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam, Không quân của ta không nhiều máy bay lại còn là các loại bị coi là lạc hậu (MiG-17, MiG-19, MiG-21) nhưng buộc phải đối đầu với một đối thủ chiếm ưu thế tuyệt đối về số lượng lẫn chất lượng là Không quân Hoa Kỳ có hàng ngàn máy bay phản lực tiên tiến nhất thời đó với hàng trăm phi công dày dạn kinh nghiệm có từ 1.000 giờ bay trở lên.

Cho nên, đối với nhiều người, cuộc chiến đấu bằng không quân không cân sức này chẳng khác nào một chàng dũng sĩ tí hon đánh với kẻ khổng lồ trong chuyện cổ tích, nhưng kết quả của cuộc đối đầu đó đã làm kẻ thù từ ngạc nhiên này đến bất ngờ khác…

Bác Hồ và Anh hùng phi công Nguyễn Văn Cốc.Ảnh tư liệu
Bác Hồ và Anh hùng phi công Nguyễn Văn Cốc.Ảnh tư liệu

Lựa thế lấy yếu đánh mạnh

Trong lịch sử của Binh chủng Không quân Việt Nam (thuộc Quân chủng Phòng không- Không quân) có ghi chép một sự kiện: Ngày 30/5/1963, trung đoàn không quân tiêm kích đầu tiên của ta được thành lập mang số hiệu 921 (mật danh là Trung đoàn Sao Đỏ). Ban đầu trung đoàn có 71 phi công và 33 MiG-17A được huấn luyện tại Trung Quốc.

Khi đế quốc Mỹ mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất (1964- 1968) bằng chiến dịch “Mũi tên xuyên” đưa máy bay và tàu chiến đánh phá vào Nghệ An và Quảng Ninh vào ngày 5/8/1964, thì ngay ngày hôm sau trung đoàn này cấp tốc về nước. Lần đó, 4 chiếc MiG-17 từ Trung Quốc vừa về tới sân bay Nội Bài thì hôm sau địch đã phát hiện nhưng không phản ứng gì, vì họ xem đó là các máy bay rất lạc hậu.

Được về chiến đấu trên đất mẹ nhưng thực lực còn rất yếu như thế, không quân của ta luôn giữ thế bí mật và tránh tham chiến.

Năm 1966, lực lượng không quân ta có một bước ngoặt lớn là được nhận viện trợ các loại máy bay MiG-21 của Liên Xô và các máy bay biến thể của MiG-19 (Shenyang J-6) của Trung Quốc.

Chỉ tính đến cuối năm 1968, trong biên chế của Binh chủng Không quân đã có 4 trung đoàn không quân tiêm kích gồm 59 chiếc MiG-17F và PF, 12 chiếc J-6 và 77 chiếc MiG-21F-13 và PF, PFM. Các nước này cũng hỗ trợ ta huấn luyện phi công và chuyên viên kỹ thuật tác chiến hàng không…

Có thực lực tương đối, không quân ta đã nhiều lần không chiến với địch, nhưng lúc đầu trong các trận không chiến, máy bay của ta luôn kém hơn địch về chất lượng lẫn số lượng, đặc biệt phi công ta ít kinh nghiệm và chiến thuật không chiến học tập từ nước ngoài không còn thích hợp nên có nhiều thiệt hại. Mặt khác, hợp đồng chiến đấu với lực lượng phòng không mặt đất chưa tốt nên có trường hợp máy bay ta bị phòng không bắn nhằm.

Để giảm thiệt hại, Không quân Việt Nam kịp thời rút kinh nghiệm và tự tin áp dụng các kỹ thuật chiến đấu của chính mình cộng với sự linh hoạt và quả cảm của phi công nên hiệu suất chiến đấu được cải thiện, các trận không chiến càng về sau càng ít thiệt hại.

Có điều thú vị là Không quân của ta có được sự phối hợp tác chiến của 2 loại máy bay MiG: MIG-17 làm nhiệm vụ đánh chặn máy bay Mỹ ở tầm thấp buộc chúng tâng lên độ cao 5.000m, ở đó MiG-21 của ta đang phục kích chờ sẵn khiến địch hoàn toàn bất ngờ.

Cũng nhờ đổi chiến thuật, trong 2 ngày 11và 13/5/1972, MiG của ta hạ 4 chiếc F-4 mà không có tổn thất nào. Ngày 27/6/1972, Không quân Mỹ tập kích lớn vào Hà Nội với 24 máy bay cường kích có 20 máy bay tiêm kích F-4 yểm trợ, 5 máy bay MiG-21F của ta xuất kích đã bắn rơi 4 chiếc F-4 và bắn bị thương 1 chiếc khác, ta cũng an toàn. Riêng trong tháng 6/1972, Trung đoàn Không quân 921 và 923 bắn rơi 16 máy bay Mỹ, nhưng ta chỉ thiệt hại có 4 chiếc.

Quyển sách “Nhìn từ hai phía những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam” của 2 cựu phi công Nguyễn Sĩ Hưng và Nguyễn Nam Liên do Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành cho thấy những so sánh ấn tượng về “kẻ yếu” Việt Nam.

Theo tác giả, tỷ lệ máy bay bị bắn hạ trong các trận không chiến giữa Mỹ và Việt Nam là 320/163 = 1,9/1, nghiêng thắng lợi về phía Việt Nam. Điều này cho thấy đó là cuộc đối đầu không dễ dàng cho Không quân của ta và là cuộc đấu trí, đấu lực của hệ thống chỉ huy và các người trực tiếp chiến đấu là phi công.

Có điều thú vị là càng đánh trình độ phi công của Việt Nam càng nâng cao. Có một dẫn chứng về vấn đề này là trong suốt cuộc chiến tranh, phía Mỹ chỉ có 3 nhóm phi công đạt đẳng cấp Ách (Ace)- phi công đạt chuẩn này phải bắn rơi 5 máy bay địch trở lên- trong khi Việt Nam có 16 phi công đạt đẳng cấp này, trong đó có phi công Nguyễn Văn Cốc lái MiG-21 bắn hạ 9 máy bay Mỹ và phi công Nguyễn Văn Bảy lái MG-17 bắn rơi 7 máy bay Mỹ. Ông Bảy cũng là phi công ném 2 quả bom 250kg theo kiểu “thia lia” làm cháy khu trục hạm Highbee của Mỹ.

MiG- 21 của Việt Nam đối đầu cả B-52

Sự đối đầu của MiG-21 với lực lượng B-52 Mỹ là dĩ nhiên vì chúng đã chạm đến bầu trời của ta như lời tiên đoán của Bác Hồ lúc sinh thời: “Sớm muộn gì đế quốc Mỹ sẽ đưa B-52 ra ném bom Hà Nội rồi thua nó mới chịu thua…”

Tính đến tháng 11/1972, hội nghị 4 bên giữa ta và Mỹ ở Paris họp gần 160 phiên vẫn bế tắc. Trước tình hình này, Bộ Tư lệnh Không quân đã lệnh cho các lực lượng vũ trang: “Có nhiều khả năng địch sẽ đánh phá trở lại toàn miền Bắc với mức độ ác liệt hơn, kể cả dùng pháo đài bay chiến lược B-52 đánh vào Hà Nội- Hải Phòng. Đó là nhiệm vụ của Phòng không- Không quân ta, tập trung mọi khả năng nhắm đúng đối tượng mà tiêu diệt”.

Đúng như dự đoán của ta, gần cuối năm 1972, khi Hội nghị Paris đổ vỡ đế quốc Mỹ liền ném bom trở lại miền Bắc.

Với “con Ách chủ bài” là lực lượng “siêu pháo đài bay” B-52 mà họ tin rằng “bất khả xâm phạm” đã đánh là chiến thắng, từ ngày 18- 29/12/1972, địch mở chiến dịch Linebacker II huy động 193 B-52 (chiếm gần 50% lực lượng), 1.072 máy bay chiến thuật (chiếm gần 1/3 lực lượng), 50 máy bay KC135 tiếp dầu trên không cùng 6 tàu sân bay và nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại khác để đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và Thái Nguyên nhằm buộc Đảng và nhân dân ta phải khuất phục chấp nhận những điều kiện có lợi cho Mỹ trên bàn hội nghị.

Trước đó, để sẵn sàng cho cuộc chiến đấu này, từ năm1969 cùng với Binh chủng Tên lửa, Binh chủng Không quân cũng vào tuyến lửa phía Nam để tìm cách đánh B-52. Đến tháng 10/1971, Không quân đã có Sở Chỉ huy trung tâm đặt tại huyện Yên Thành (Nghệ An) và Sở Chỉ huy tiền phương đặt tại thôn Đông Dương (xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch).

Đại đội ra-đa dẫn đường 41 được đặt tại thôn Pháp Kệ cách Đông Dương 3km. Ngày 20/11/1971, nhờ chính đại đội ra-đa dẫn đường này, phi công lái MiG-21 Vũ Đình Rạng bằng 2 quả tên lửa đã hạ 1 máy bay B-52 trên bầu trời Nghệ An.

Tuy chiếc B-52 này không rơi tại chỗ, nhưng phía Mỹ đã thừa nhận nó cũng không về được căn cứ là sân bay Utapao trên đất Thái Lan. Đây là chiếc B-52 đầu tiên mà Không quân ta tiêu diệt trên bầu trời miền Bắc, là cơ sở để Binh chủng Không quân khẳng định một niềm tin: MiG-21 của ta hoàn toàn có khả năng hạ B-52 để đĩnh đạc bước vào cuộc quyết chiến sinh tử trong chống chiến dịch Linebacker II của Mỹ.

Theo lời kể của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam Phạm Tuân- phi công bắn rơi B-52 bằng MiG-21 trong chiến dịch Linebacker II: Trong chiến dịch này, kẻ địch với các máy móc hiện đại đều có thể phát hiện MiG của ta xuất phát ở bất cứ sân bay nào, vì vậy MiG chỉ đánh các máy bay địch ở vòng ngoài cách trung tâm Hà Nội 40- 50km, lực lượng tên lửa và cao xạ đánh vòng trong.

Để khắc phục việc bị địch phát hiện, khi xuất kích ta phải đưa máy bay ra các sân bay dã chiến: Yên Bái, Thọ Xuân, Mộc Châu, Cẩm Thủy, đồng thời dùng ra-đa bên ngoài dẫn đường. 17 giờ ngày 27/12/1982, máy bay Phạm Tuân hạ cánh xuống sân bay Yên Bái.

Ở thời điểm này, máy bay B-52 Mỹ đã gây nhiều tội ác “trời không dung đất không tha” với nhân dân Thủ đô, bộ đội tên lửa và pháo cao xạ đã trừng trị chúng thích đáng, bắn hạ nhiều máy bay địch và B-52 đã rơi cả trong nội thành Hà Nội. Thế nhưng lực lượng không quân chưa bắn rơi chiếc B-52 nào nên các phi công không sao tránh khỏi cái cảm giác “mắc nợ” với nhân dân Thủ đô.

Ngay đêm đó, Phạm Tuân được lệnh xuất kích cũng với cái cảm giác mắc nợ đó, khi bay qua tầng mây phát hiện nhiều máy bay chiến thuật, anh không đánh mà bay vòng tìm B-52. Một lúc sau thông báo từ mặt đất cho biết B-52 cách anh 200km đang ở tư thế bay đối đầu. Khi ở độ cao 8km, MiG-21 của anh bỏ thùng dầu phụ, tăng độ cao và tăng tốc lao thẳng vào khu vực có B-52.

Anh đã nhìn thấy đèn của B-52! Khi còn cách nó 3km dù được lệnh bắn nhưng Phạm Tuân vẫn cố chỉnh cho thật chính xác mục tiêu mới bấm cò phóng 2 quả tên lửa, cùng lúc kéo máy bay vọt lên, khi máy bay lật ngược trở lại, anh thấy B-52 nổ tung.

Ngày hôm sau (28/12), Thượng úy phi công Nguyễn Xuân Thiều cũng tiếp cận B-52, sau khi phóng tên lửa không hạ được, người anh hùng đó đã lái chiếc MiG-21 của mình lao thẳng vào nó. Như vậy, trong “Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không”, lực lượng không quân đã trả được “món nợ” với người dân Thủ đô bằng chiến công hạ 2 máy bay B-52 rơi tại chỗ, nâng số máy bay B-52 bị MiG -21 bắn rơi lên 3 chiếc, là điều chỉ Không quân Việt Nam làm được.

(Còn tiếp)

HỒNG VÂN- tổng hợp

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh