285 năm Long Hồ dinh- tỉnh Vĩnh Long

Cập nhật, 05:13, Thứ Bảy, 15/04/2017 (GMT+7)

LTS: Nhân kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh Vĩnh Long (1992- 2017), 285 năm thành lập Long Hồ dinh (1732- 2017) và kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2017), Tòa soạn trân trọng giới thiệu vài nét lớn về lịch sử hình thành và phát triển của Long Hồ dinh.

Cầu tàu- chợ nông sản Vĩnh Long những năm đầu thế kỷ XX (1900- 1914).
Cầu tàu- chợ nông sản Vĩnh Long những năm đầu thế kỷ XX (1900- 1914).

Lịch sử hình thành và phát triển của Long Hồ dinh (dinh Long Hồ)

Sau khi đặt phủ Gia Định, dựng dinh Trấn Biên và dinh Phiên Trấn (vào năm Mậu Dần 1698), Chúa Nguyễn (Ninh Vương- Nguyễn Phúc Trú) sai Thống suất Trương Phúc Vĩnh thiết lập ở phía Nam dinh Phiên Trấn đơn vị hành chính mới đặt tên dinh Long Hồ vào năm 1732.

Lỵ sở của dinh Long Hồ lúc đầu đóng ở thôn An Bình, huyện Kiến Đăng, tục gọi là Cái Bè. Đến năm Đinh Sửu (1757) được chuyển tới xứ Tầm Bào (đất Long Hồ thôn- nay thuộc TP Vĩnh Long).

Địa phận cai quản của dinh Long Hồ bao gồm một vùng đất rộng lớn ở đồng bằng châu thổ Nam sông Tiền, bao trùm luôn cả vùng biển vịnh Xiêm La, Long Xuyên đạo (Cà Mau), Kiên Giang đạo (Rạch Giá) (tương ứng với các tỉnh từ Bến Tre đến Cà Mau ngày nay).

Do đó, dinh Long Hồ có vị trí rất quan trọng, nơi trung tâm, trung chuyển giữa miền Tây và miền Đông Nam Bộ qua Mỹ Tho tới Gia Định.

Đến năm Kỷ Hợi (1779), Nguyễn Ánh thay tên gọi dinh Long Hồ bằng dinh Hoằng Trấn, lỵ sở dời đến bãi Bà Lúa (Hoằng Trấn doanh) thuộc huyện Tuân Nghĩa, phủ Lạc Hóa (nay thuộc ấp Tân Dinh, xã An Phú Tân, Cầu Kè- Trà Vinh). Dinh Hoằng Trấn lúc bấy giờ có 1 châu (châu Định Viễn) và 3 tổng (Bình An, Bình Dương, Tân An).

Một năm sau (năm Canh Tý 1780), Nguyễn Ánh cho cắt một phần đất Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cần Thơ để lập Trấn Dinh. Lỵ sở từ bãi Bà Lúa lại dời về nơi cũ là xứ Tầm Bào, lấy tên là Vĩnh Trấn.

Ngày 2/5, năm Nhâm Tuất (1/6/1802), Nguyễn Ánh lên ngôi Hoàng đế lấy hiệu là Gia Long, chia nước thành 23 trấn, 4 dinh; trấn lại chia thành phủ, huyện châu, xã. Năm Gia Long thứ bảy (1808), dinh Vĩnh Trấn được đổi thành trấn Vĩnh Thanh.

Châu Định Viễn đổi thành phủ Định Viễn. Trấn Vĩnh Thanh là 1 trong 5 trấn của thành Gia Định với dân số khoảng 37.000 người. Có các đơn vị hành chính gồm: phủ Định Viễn và 3 huyện (Vĩnh Bình, Vĩnh An, Tân An và 2 đạo Long Xuyên và Kiên Giang).

Năm 1810, Gia Long tách 2 đạo Long Xuyên và Kiên Giang khỏi trấn Vĩnh Thanh, sáp nhập vào trấn Hà Tiên. Trấn Vĩnh Thanh chỉ còn 1 phủ và 3 huyện.

Năm 1813, Gia Long cho xây dựng thành trì và công thự trên phần đất thuộc thôn Bình An và thôn Trường Xuân của làng Long Hồ (nay thuộc Phường 1- TP Vĩnh Long), còn được gọi là thành Long Hồ.

Cũng vào năm này, Gia Long cho thành lập thêm huyện Vĩnh Định thuộc trấn Vĩnh Thanh. Lúc này, trấn Vĩnh Thanh có địa giới và tổ chức hành chính gồm: Phía Đông giáp huyện Kiến Hòa (trấn Định Tường), lấy sông Ba Lai làm ranh giới; phía Tây giáp 3 phủ: Nam Vang, Linh Quỳnh, Chấm Sâm (nước Chân Lạp).

Phía Nam giáp 2 đạo Kiên Giang, Long Xuyên (trấn Hà Tiên). Phía Đông Nam giáp biển Đông. Phía Bắc giáp huyện Kiến Đăng (trấn Định Tường), lấy sông Tiền làm ranh giới. Tổ chức hành chính của trấn Vĩnh Thanh bao gồm 1 phủ, 4 huyện, 6 tổng và 356 thôn (làng).

Sau khi vua Gia Long mất, vua Minh Mạng lên thay (năm 1820), tiếp tục tiến hành những cải cách hành chính, trấn Vĩnh Thanh có nhiều thay đổi.

Năm Minh Mạng thứ sáu (1925), lập phủ Lạc Hóa, trực thuộc thành Gia Định. Phủ Lạc Hóa bao gồm 2 huyện: Tuân Mỹ (tức phủ Mang Thít trước đó) và Trà Vinh (tức phủ Trà Vinh trước đó).

Đến năm 1832, sau khi Tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt mất, vua Minh Mạng cho bãi bỏ chức tổng trấn thành Gia Định, sáp nhập 2 huyện Vĩnh Định và Vĩnh An của trấn Vĩnh Thanh vào đạo Châu Đốc thuộc trấn Hà Tiên, đổi các trấn thành tỉnh.

Toàn bộ vùng đất Nam Bộ được chia thành 6 tỉnh, gọi là Nam kỳ lục tỉnh (bao gồm Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên). Tên gọi tỉnh Vĩnh Long được bắt đầu từ đây.

Tổ chức hành chính của tỉnh Vĩnh Long từ năm 1832- 1847 gồm có 4 phủ, 8 huyện, 47 tổng, 408 xã, thôn (bao gồm tỉnh Trà Vinh và một phần tỉnh Bến Tre ngày nay).

Có thể nói, đây là giai đoạn tổ chức hành chính tỉnh Vĩnh Long được kiện toàn, địa giới và các thiết chế hành chính được phân định rạch ròi và chặt chẽ so với trước. Đến thời Tự Đức (1848-1867), địa giới hành chính Vĩnh Long cũng có vài lần thay đổi nhỏ về địa giới hành chính nhưng không đáng kể.

Giai đoạn (1867-1945), sau khi chiếm được các tỉnh miền Tây (1967), thực dân Pháp tiến hành sắp xếp lại bộ máy hành chính để cai trị. Tỉnh Vĩnh Long được chia thành 4 tiểu khu hành chính gồm: Vĩnh Long, Bến Tre và Trà Vinh và Sa Đéc.

Như vậy, khu vực hành chính của Vĩnh Long mới dưới thời Pháp thuộc gồm lãnh thổ tỉnh Vĩnh Long cũ và thêm phần đất Sa Đéc (của tỉnh An Giang cũ).

Đến năm 1899, Tiểu khu hành chính Vĩnh Long được gọi là tỉnh Vĩnh Long, là 1 trong 20 tỉnh của Nam Kỳ. Tỉnh Vĩnh Long lúc này được phân chia thành 13 tổng, 105 làng.

Giai đoạn 1945- 1954, phong trào đấu tranh cách mạng chống Pháp diễn ra ác liệt ở miền Nam. Để tổ chức địa bàn phù hợp với tình hình chiến trường, giữa năm 1951, Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ cho sáp nhập 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh thành tỉnh Vĩnh Trà thuộc Phân Liên khu miền Tây.

Đến tháng 10/1954, Xứ ủy Nam Bộ và Liên tỉnh ủy miền Tây họp tại Chắc Bang-Cà Mau, quyết định chia lại địa bàn các tỉnh. Trong đó, tỉnh Vĩnh Trà được tách ra thành 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh.

Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Bộ Chính trị về việc điều chỉnh hợp nhất một số tỉnh ở miền Nam Việt Nam, tháng 2/1976, Chính phủ cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã ban hành Nghị định về việc giải thể khu, hợp nhất tỉnh ở miền Nam Việt Nam.

Theo đó, ở miền Nam có 21 đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Vĩnh Trà được sáp nhập và đổi tên thành tỉnh Cửu Long.

Tại kỳ họp lần thứ 10, Quốc hội khóa VIII, ngày 26/12/1991, quyết định tách tỉnh Cửu Long thành 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh. Đến tháng 5/1992, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Vĩnh Long chính thức đi vào hoạt động cho đến ngày nay.

(Còn tiếp)