"Đãi cát tìm vàng" cho thể thao Vĩnh Long

05:02, 07/02/2019

Dù qua bao thế hệ, thể thao Vĩnh Long vẫn luôn có những thầy cô giáo, những HLV nặng lòng với trách nhiệm đào tạo, huấn luyện VĐV cho thể thao tỉnh nhà. Trong đó, có nhiều cựu VĐV giờ đã là HLV kỳ cựu, họ chính là những người tinh mắt, nhạy bén trong việc tìm kiếm tài năng cho làng thể thao Vĩnh Long và đóng góp vào nền thể thao đỉnh cao của quốc gia nhiều gương mặt trẻ.

Dù qua bao thế hệ, thể thao Vĩnh Long vẫn luôn có những thầy cô giáo, những HLV nặng lòng với trách nhiệm đào tạo, huấn luyện VĐV cho thể thao tỉnh nhà. Trong đó, có nhiều cựu VĐV giờ đã là HLV kỳ cựu, họ chính là những người tinh mắt, nhạy bén trong việc tìm kiếm tài năng cho làng thể thao Vĩnh Long và đóng góp vào nền thể thao đỉnh cao của quốc gia nhiều gương mặt trẻ.

HLV Phạm Thị Hoàng Oanh trong buổi tập cho VĐV bóng chuyền trẻ Vĩnh Long.
HLV Phạm Thị Hoàng Oanh trong buổi tập cho VĐV bóng chuyền trẻ Vĩnh Long.

Thuyết phục mãi cho được mới thôi

Hàng năm, cô giáo Phạm Thị Hoàng Oanh phải tìm về vùng sâu, đến các trường phổ thông để tìm kiếm tài năng cho thể thao tỉnh nhà. Muốn tìm được một VĐV bóng chuyền như ý là điều không phải dễ, nhất là khi tầm vóc của người dân mình còn hạn chế thì tìm đâu ra những nữ sinh ở tuổi 14- 15 có chiều cao trên 1m70? Quả là khó!

Nhưng tìm được rồi thì khó khăn nhất là gia đình có đồng ý cho con em mình đi đào tạo tập trung hay không? Rất nhiều gia đình khước từ thẳng thừng “con tôi còn nhỏ lắm để lo học hành, rồi còn tương lai nữa…” Như những gáo nước lạnh tạt vào làm người ta chùn chân.

Nhưng, vì trách nhiệm và lòng yêu nghề, các thầy cô đã dùng hết “biện pháp nghiệp vụ” để các em được đến với thể thao. Từ đó, hàng loạt gương mặt, qua thời gian đã có tên trong danh sách tuyển chọn ngày một nhiều hơn.

Hà Ngọc Diễm (Truyền hình Vĩnh Long, áo vàng).
Hà Ngọc Diễm (Truyền hình Vĩnh Long, áo vàng).

Trong số này, 2 gương mặt của CLB Truyền hình Vĩnh Long đáng được chú ý là: tuyển thủ quốc gia Hà Ngọc Diễm và gương mặt vừa được gọi vào đội tuyển U.20 Việt Nam 2018 Nguyễn Thị Bích Tuyền. Đây cũng là 2 VĐV nữ lập kỷ lục với sức bật cao nhất Việt Nam: Ngọc Diễm bật cao 3m11, Bích Tuyền bật cao 3m14.

Nguyễn Thị Bích Tuyền (10, Truyền hình Vĩnh Long).
Nguyễn Thị Bích Tuyền (10, Truyền hình Vĩnh Long).

Chuyện tìm được Bích Tuyền cũng khá hy hữu. Khi đến ngôi trường em đang học, giáo viên thể chất cho biết “cao thì có cao, nhưng tướng tá ốm tong teo, không chơi bóng chuyền được đâu cô ơi!” Tưởng như phải bỏ cuộc, nhưng cô Hoàng Oanh vẫn kiên trì để gặp tận mặt, đến khi thấy thì: “Ồ, chiều cao rất tốt, sải tay rất dài. Được rồi!”

Mừng quýnh như nhặt được vàng! Ngay lập tức cô Hoàng Oanh ghi lại địa chỉ, xin số điện thoại để gặp gia đình và thuyết phục “sếu vườn”- tên gọi mà giới truyền thông thể thao yêu mến dành cho Bích Tuyền, để hôm nay có được VĐV bóng chuyền đẳng cấp quốc gia.

Trương Thị Kim Tuyền cùng gia đình trong ngày vui Tết Mậu Tuất 2018.
Trương Thị Kim Tuyền cùng gia đình trong ngày vui Tết Mậu Tuất 2018.

Có thể thuyết phục được anh Trương Văn Hạt (58 tuổi)- cha của Kim Tuyền- thì rất trần ai, gian khổ. Khi ấy, Trương Thị Kim Tuyền mới 12 tuổi, học hết lớp 6, gia đình cho con học võ chủ yếu để khỏe, để phòng thân thôi, chứ đâu có nghĩ tới con mình đi thi đấu quốc tế, đoạt HC.

HLV Trần Lê Thùy Trân tâm sự: “Lúc đầu, gia đình em Kim Tuyền không đồng ý. Chúng tôi phải đến nhà nhiều lần để thuyết phục. Cuối cùng, gia đình mới cho em sang TP Vĩnh Long tập luyện. Mới được 1 năm em đã giành 2 chiếc HC tại giải khu vực ĐBSCL, rồi Trẻ quốc gia”.

Khi Trương Thị Kim Tuyền được tuyển vào đội tuyển trẻ Việt Nam, tập trung tại Đà Nẵng. Đâu phải dễ, HLV Trần Lê Thùy Trân lại có những ngày sang xã Hòa Ninh tiếp tục thuyết phục gia đình…

Và rồi, Kim Tuyền khăn gói lên sân bay Tân Sơn Nhất. Đấy cũng là ngày giọt nước mắt mừng vui chảy dài trên khuôn mặt người mẹ mà lần đầu tiên trong đời đặt chân đến đô thị rộng lớn- TP Hồ Chí Minh.

Nỗ lực để tỏa sáng

Giờ đây, Kim Tuyền được mệnh danh là cô gái vàng của Taekwondo Việt Nam. Bởi vào năm 2017, Kim Tuyền có tấm HCB Giải Vô địch thế giới- là chiếc HC lịch sử của thể thao Việt Nam.

Sự nghiệp thăng tiến, cô gái nhỏ của mảnh đất Vĩnh Long ngày nào, nay đã choàng vào cổ những chiếc HC sáng giá: HCV SEA Games, nhiều lần giành HCB Giải Grand Prix 2017, 2018; HCV giải Trẻ Châu Á, HCV giải Vô địch Châu Á 2018.

Lê Ngọc Hân từng cùng mẹ “vượt khó” để đạt được thành tích cao.
Lê Ngọc Hân từng cùng mẹ “vượt khó” để đạt được thành tích cao.

Còn với em Lê Ngọc Hân, từ khi học tiểu học, Hân đã thể hiện năng khiếu múa hát, vẽ và... võ thuật. Tuy nhiên, võ thuật có sức cuốn hút mãnh liệt nhất.

Tập luyện tại CLB Taekwondo Trường THCS Nguyễn Khuyến (xã Tân Ngãi- TP Vĩnh Long) khi chưa đầy 10 tuổi, Ngọc Hân đã thực hiện rất tốt những động tác khó.

Không lâu sau, khi tham dự Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Vĩnh Long 2014, ông Trần Lê Dung- Trưởng bộ môn Taekwondo tỉnh Vĩnh Long (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã bị chinh phục bởi tài năng của cô bé Ngọc Hân sau bài thi diễn.

Đặc biệt, bé Hân được sự trợ giúp đắc lực của gia đình, chị Thu Quyên gác lại mọi công việc để đưa con gái lên luyện tập tại TP Hồ Chí Minh. Mức lương của Ngọc Hân là 4 triệu đồng/tháng cùng tiền hỗ trợ “lưu trú” thêm 1 triệu đồng (vào năm 2015).

Số tiền này chị Thu Quyên phải rất gói ghém, bởi tiền thuê phòng đã hết 3 triệu đồng/tháng. Bất chấp mọi khó khăn, niềm mong mỏi của chị Thu Quyên là sẽ có một ngày con mình đạt được thành công ở đấu trường quốc tế, như thần tượng của Ngọc Hân là VĐV Châu Tuyết Vân vậy.

Không phụ lòng thầy, mẹ, tháng 10/2016, Lê Ngọc Hân đã giành chiếc HCV tại Giải Vô địch quyền Taekwondo thế giới tại Peru; tháng 11/2018, cô tiếp tục giành HCĐ Giải vô địch thế giới tại Hàn Quốc.

Thầy Huỳnh Trung Toàn- Hiệu trưởng Trường Năng khiếu TDTT tỉnh- cho biết: “Việc tìm kiếm, tuyển sinh các VĐV trẻ như ý muốn là rất khó, không phải đi đâu cũng tìm được. Nhất là hiện nay gia đình ai cũng chỉ có 1- 2 con, nên không muốn con cái của mình đi xa.

Ngoài việc tìm cách thuyết phục, giải thích, thì công tác huấn luyện cũng không dễ. Các em còn quá nhỏ nên nhớ nhà, nhớ gia đình, chưa quen với cuộc sống tự lập. Trong quá trình huấn luyện cho VĐV, các thầy cô luôn uốn nắn từng động tác kỹ thuật cơ bản, rồi đấu pháp, chiến thuật.

Bên cạnh đó, phải giúp cho VĐV trẻ có tâm lý ổn định, tinh thần thi đấu cao và học hỏi, tích lũy kinh nghiệm thi đấu. Có như vậy, các em mới có thể tỏa sáng”.

Hy vọng, cùng với sự chăm bồi của HLV và sự nỗ lực của các em, những tài năng thể thao trẻ sẽ được sự ủng hộ của mọi phía để các em thỏa lòng đam mê và trở thành gương mặt sáng giá của thể thao Việt Nam.

Bài, ảnh: ĐỒNG BẰNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh