Bạn trẻ "hiểu để bảo vệ sức khỏe cho mình"

Cập nhật, 06:15, Thứ Sáu, 06/12/2019 (GMT+7)

Tưởng rằng các bạn trẻ sẽ “đỏ mặt” khi nói về chuyện tình dục, giới tính nhưng hóa ra các bạn lại có những chia sẻ rất gần gũi với chuyên gia để được hiểu thêm về vấn đề sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục.

Chia sẻ những chuyện về giới tính, sức khỏe sinh sản là cách để bạn trẻ hiểu, trang bị kiến thức cho bản thân.
Chia sẻ những chuyện về giới tính, sức khỏe sinh sản là cách để bạn trẻ hiểu, trang bị kiến thức cho bản thân.

Mạnh dạn chia sẻ những điều “thầm kín”

Mới đây, trong chương trình truyền thông về giới tính, sức khỏe sinh sản cho đoàn viên thanh niên với chủ đề “Hành trình SV- OK”, các bạn trẻ đã không ngần ngại chia sẻ những chuyện “thầm kín” và đã đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến sức khỏe sinh sản, tình dục, giới tính như: Mang thai khi còn là học sinh, sinh viên sẽ có tác hại gì?

Nếu phải dùng biện pháp tránh thai thì dùng biện pháp nào là tốt nhất? Làm thế nào để giữ tình yêu trong sáng tuổi học trò?...

Trong đó, vấn đề tình dục trước hôn nhân không còn là câu chuyện xa lạ mà đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của các bạn.

Một bạn sinh viên đưa ra câu hỏi: “Giới trẻ hiện nay quan niệm tình yêu phải đi kèm với tình dục thì đó có phải là tình yêu không?”

Có bạn lại không e ngại chia sẻ rất chân thành chuyện khó nói của mình đang gặp phải. Một bạn gái hỏi: Bạn trai em luôn đòi hỏi em làm “chuyện ấy”, em không đồng ý thì đòi bỏ em. Nếu như thế có phải là tình yêu không? Cũng có ý kiến băn khoăn việc nên hay không nên quan hệ trước hôn nhân?...

Nói về vấn đề này, sinh viên T.L. đã nêu quan điểm của mình rằng: “Tùy theo quan điểm của mỗi người, nhưng với mình thì quan hệ tình dục trước hôn nhân là không xấu, giúp tình cảm thăng hoa hơn.

Nhưng cả hai phải có trách nhiệm với quyết định của bản thân”. Còn bạn H.L.- học sinh lớp 12 thì bày tỏ là “không nên” vì trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa Á Đông.

Những “nỗi niềm khó nói” của các bạn trẻ đã được TS. bác sĩ Hồ Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long- tháo gỡ.

Theo đó, các bạn trẻ không nên xấu hổ, e dè mà nhất thiết phải tìm hiểu, trang bị những kiến thức cần thiết về giới tính, sức khỏe sinh sản cơ bản để tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc.

Ông Nguyễn Toàn Thắng- Tổng Biên tập Tạp chí Thanh niên, Trưởng BTC chương trình, cho rằng sự phát triển kinh tế- xã hội ngày càng đa dạng và phức tạp đã tác động trực tiếp đến đời sống tâm lý lứa tuổi học sinh, sinh viên với nhiều biểu hiện đáng lo ngại, những thay đổi về tâm sinh lý của các em cũng trở nên phức tạp hơn.

Nguy hiểm hơn là tình trạng quan hệ tình dục sớm, nạo phá thai sẽ để lại những hậu quả lâu dài cho gia đình và xã hội.

Chính vì thế công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức, nhận thức và trách nhiệm của thanh niên về sức khỏe sinh sản, phòng chống HIV/AIDS, nạo phá thai cho học sinh, sinh viên giúp các bạn biết cách bảo vệ chính mình là hết sức quan trọng và cần thiết.

Mỗi bạn trẻ là một tuyên truyền viên

Tại “Hành trình SV- OK”, tưởng rằng các bạn trẻ sẽ “ngượng chín mặt” khi tham gia biểu diễn tiểu phẩm về giới tính, sức khỏe sinh sản nhưng các bạn lại giống như những tuyên truyền viên thực thụ.

Các bạn trẻ đã đem đến hội thi những câu chuyện sống động từ thực tế như chuyện trót lỡ mang thai của cô sinh viên sau khi nhậu xỉn, chuyện của nữ sinh lén la lén lút đi phá thai chui vì lỡ dính bầu hay chuyện viễn tưởng của những đứa con chưa kịp chào đời đã bị những người mẹ vô trách nhiệm phá bỏ…

Trong vai cô sinh viên năm nhất xa nhà, lỡ mang bầu mà “không biết tác giả là ai”, bạn Trịnh Ngọc Mai Khanh- sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long- cho biết: Tuy kết cục nhân vật được gia đình tha thứ và xã hội đón nhận nhưng đây cũng chẳng phải là cái kết có hậu cho một sinh viên còn rất trẻ, tương lai còn rộng mở.

“Tác phẩm muốn nói đến những tác hại khi quan hệ ở tuổi sinh viên sẽ để lại những hậu quả ngoài ý muốn. Vì thế các bạn trẻ phải biết cách phòng tránh và trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để bảo vệ sức khỏe sinh sản, bảo vệ bản thân cũng như phòng tránh HIV/AIDS”- Mai Khanh nói.

Còn bạn Nguyễn Huỳnh Phương Giao- học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm- thì cho rằng: Chương trình này rất bổ ích, giúp em biết những nguy cơ dẫn đến việc có thai và HIV/AIDS cũng như những biện pháp phòng tránh khi mình có người yêu hay bạn đời trong tương lai. Và em cũng sẽ chia sẻ với các bạn để cùng bảo vệ sức khỏe sinh sản.

Theo thống kê, ở Việt Nam hiện nay có gần 2 triệu sinh viên đang theo học tại các trường ĐH, CĐ và trung cấp chuyên nghiệp.

Giới trẻ ngày càng có suy nghĩ và quan niệm cởi mở hơn trong tình yêu và tình dục. Nhiều người trẻ có quan niệm tình yêu đi liền với tình dục, sẵn sàng trao thân và chấp nhận “giải quyết” khi để lại “hậu quả” ngoài ý muốn.

Theo số liệu của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, trung bình mỗi năm cả nước có gần 300.000 ca nạo hút thai, chủ yếu ở độ tuổi 15- 19, trong đó 60- 70% là học sinh, sinh viên.

Để góp phần ngăn chặn “căn bệnh” nguy hiểm này, cũng như hạn chế tối đa những hậu quả ngoài ý muốn, vấn đề là phải tập trung công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức, nhận thức và trách nhiệm của đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên và kế hoạch hành động cụ thể có sự chung tay của các ban ngành, đoàn thể.

“Chúng tôi mong muốn sẽ đồng hành cùng các bạn sinh viên trong việc nâng cao kiến thức về sức khỏe sinh sản, cung cấp các giải pháp phòng tránh thai, các bệnh lây qua đường tình dục.

Từ đó các bạn sinh viên biết hãy tự bảo vệ mình, nâng cao chất lượng cuộc sống của các bạn, đúng như thông điệp của chương trình SV- OK”- ông Nguyễn Toàn Thắng nói.

Bài, ảnh: CẨM HUỆ