Gian nan nghề leo dừa

Cập nhật, 10:27, Thứ Ba, 16/03/2021 (GMT+7)

Công việc thường làm một mình, đối diện với những con ong bần, ong vò vẽ, rắn, rết... nhưng để có được “miếng cơm, manh áo”, những người “ăn cơm dưới đất, làm việc trên trời” này không chỉ vất vả mà còn luôn phải đối mặt với hiểm nguy, thậm chí có thể đánh đổi cả mạng sống của mình. Vì cuộc mưu sinh, họ chấp nhận rủi ro để kiếm tiền lo cho gia đình.

 Chỉ mất vài chục giây, bà Nguyễn Thị Kế (thị trấn Kế Sách, huyện Kế Sách) đã leo lên tới ngọn dừa cao hơn 10m. Ảnh: THI RE
Chỉ mất vài chục giây, bà Nguyễn Thị Kế (thị trấn Kế Sách, huyện Kế Sách) đã leo lên tới ngọn dừa cao hơn 10m. Ảnh: THI RE

Vất vả với nghề... leo dừa

Lần nào đi công tác về Kế Sách, tôi cũng ghé một quán nước để thưởng thức dừa tươi, rồi được nghe những câu chuyện “ly kỳ” từ nghề leo dừa. Từ trung tâm huyện Kế Sách, tôi chạy qua mấy con đường nhựa đến ấp An Ninh 2, thị trấn Kế Sách để gặp bà Nguyễn Thị Kế. Dù năm nay gần 60 tuổi đời nhưng bà Kế đã có hơn 40 năm tuổi mưu sinh bằng nghề leo dừa. Dưới cái nắng của mùa khô hạn, trước mặt tôi là một cây dừa xiêm cao chừng 10m, đứng sát dưới gốc dừa ngước mắt nhìn lên tận ngọn đang đong đưa vì vừa có một cơn gió lùa qua, tôi nhìn sang bà Kế, gương mặt khắc khổ, trông buồn buồn của người đàn bà vùng quê sông nước miệt vườn. Cao như vậy làm sao mà leo lên ngọn được?!. Thấy tôi tò mò, bà Kế mỉm cười: “Cây dừa này chưa ăn thua gì đâu. Tôi từng trèo lên những cây dừa cao tới 20m vào những lúc trời còn gió mạnh hơn thế này. Tuy nhiên, sợ nhất là khi leo lên gần tới ngọn thì gặp tổ ong bần, hoặc côn trùng khác ở đó, xử lý không kịp là nó tấn công, mình trở tay không kịp cũng phải chịu đòn”.

Trò chuyện đôi lời, bà Kế chuẩn bị đồ nghề với cọng dây thừng vài chục mét, chiếc nài, bình xịt thuốc diệt muỗi, dao yếm buộc chắc vào phía sau lưng. Còn cậu cháu trai khoảng 10 tuổi được xem là người giúp việc ở dưới đất. Bà Kế cầm cái đầu sợi dây ấy buộc vào mình, rồi bà xỏ cái chiếc nài vào hai cẳng chân. Sau đó, bà đưa hai bàn tay bám chắc vào thân cây dừa theo thế một bàn ở trên, bàn kia sát ngay bên dưới. Hai bàn chân của bà cũng quặp vào hai bên thân cây dừa. Sợi nài níu giữa hai cẳng chân, cũng bám chắc vào nửa vòng thân cây dừa. Bà bắt đầu bám chặt thân cây dừa để leo lên cao. Chỉ vài chục giây, với những động tác đu đẩy rất dứt khoát, nhanh nhẹn, bà Kế đã chạm vào những buồng dừa xiêm lủng lẳng trên cao. Khi đã đứng vững trên những bẹ dừa, bà lấy cái đầu sợi dây buộc chắc vào buồng dừa và nhanh nhẹn rút dao yếm để chặt buồng dừa. Chỉ sau vài giây, buồng dừa đã đứt rồi được thả dần đầu dây xuống đất để cậu cháu trai tháo sợi dây ra và tiếp tục chặt buồng dừa khác.
Sau khi thu gom xong, bà lại “đáp” xuống, với tốc độ nhanh chẳng kém gì lúc leo lên. Tôi hỏi bà cảm thấy thế nào? Bà Kế chia sẻ: “Việc leo dừa đã quen rồi, hồi còn con gái, bà đã đi mưu sinh với nghề leo dừa khắp các địa phương trong huyện. Leo dừa không cần chiếc nài đâu, chỉ cần hai bàn tay và hai bàn chân à leo được thôi. Nghề này, ai gan dạ mới làm được con ơi!”.

Theo bà Kế, tuy là phận gái nhưng từ nhỏ (14 tuổi), bà đã ưa thích leo trèo như đám con trai, kể cả leo lên những cây dừa trong xóm. Leo nhiều thành quen rồi trở thành người leo dừa giỏi. Một ngày bà leo được từ 20 - 30 cây dừa, thu gom được khoảng 200 - 300 trái, kiếm được vài trăm ngàn đồng để nuôi con. “Do hoàn cảnh khó khăn, ruộng đất chẳng có, nghề nghiệp khác cũng không, nên đành phải bám vào nghề này suốt để khi nào không còn sức leo nữa thì mới nghỉ. Thấy vậy, leo lên ngọn chặt từng buồng dừa không sợ, mà sợ và mệt nhất là vác, vận chuyển dừa ra tới điểm tập kết để bán cho thương lái” - bà Kế bộc bạch.

Chấp nhận rủi ro

Hàng ngày sau khi ăn sáng, anh Thạch Hoàng Dũng (thợ leo dừa được 6 năm qua) ở ấp Ba Lăng, xã Kế Thành (Kế Sách) cùng với đồng nghiệp của mình bắt đầu ra khỏi nhà, dạo hết vườn này đến vườn kia, ai bán dừa thì vào mua. Bình quân một ngày, anh chạy xe vài chục cây số trên địa bàn huyện Kế Sách, thậm chí đến một số xã lân cận của huyện Châu Thành. Khi hỏi về nghề mưu sinh “trên trời” này, anh Dũng ngậm ngùi: “Nghề này thịnh nhất là vào mùa nắng nóng, đây cũng là khoảng thời gian mà ong bần rất khoái làm tổ trên đọt dừa. Có lần, khi leo đến nơi, nghe động ong vù vù túa ra đốt. Đôi tay mắc bám cây dừa nên không thể đuổi, đành cắn răng chịu đựng. Để có thể leo từ 20 - 30 cây dừa mỗi ngày, cây cao từ 10 - 20m, đòi hỏi người làm nghề phải có sức khỏe tốt, không sợ độ cao, nhanh nhẹn và đánh cược cả mạng sống của mình”.

 Nặng nhọc, mệt mỏi khi phải vác cả buồng dừa ra điểm tập kết. Ảnh: THI RE
Nặng nhọc, mệt mỏi khi phải vác cả buồng dừa ra điểm tập kết. Ảnh: THI RE

Tiếp lời, anh Lâm Thanh Xuân bày tỏ: “Đôi lúc tôi đã leo lên cao, tay, chân bất ngờ bị chuột rút, muốn leo lên tiếp tục không được, xuống cũng không xong. Lúc đó, người leo dừa phải bình tĩnh bám chặt thân dừa, chờ cơn vọp bẻ đi qua mới thoát nạn. Vì cuộc mưu sinh nên chúng tôi phải chấp nhận tất cả”.

Theo kinh nghiệm của những người làm nghề leo dừa mướn, không chỉ làm mỗi việc bẻ dừa hay hái dừa mà còn sửa, dọn mo nang, bùi nhùi cho từng ngọn dừa trống trải, thông thoáng để cây phát triển tươi tốt, điều mà các chủ vườn dừa luôn mong muốn khi mướn người bẻ dừa.

Theo STO