Nhớ về một họa sĩ- chiến sĩ ngã xuống trước thềm xuân

Cập nhật, 08:04, Thứ Bảy, 19/12/2020 (GMT+7)

 

Một bức tranh của Huỳnh Quốc Trọng vẽ phong cảnh Liên Xô (cũ).
Một bức tranh của Huỳnh Quốc Trọng vẽ phong cảnh Liên Xô (cũ).

Trong danh sách cá nhân được đề cử xét tặng giải thưởng Giải Văn học Nghệ thuật Văn Xương Các tỉnh Vĩnh Long năm 2020- giải thưởng cao quý dành xét tặng và truy tặng cho tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm, công trình giá trị xuất sắc về tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh về quê hương đất nước và con người Vĩnh Long qua các thời kỳ kháng chiến và công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tôi đặc biệt chú ý đến họa sĩ- liệt sĩ Huỳnh Quốc Trọng- người con của quê hương Mang Thít.

Tuổi thơ côi cút

Được sự giúp đỡ của Phòng Người có công (Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh) và Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long, tôi được tiếp cận nhiều tài liệu quý giá về cuộc đời hoạt động cùng hàng trăm bức tranh và di vật của họa sĩ, liệt sĩ Huỳnh Quốc Trọng. Họa sĩ Huỳnh Quốc Trọng sinh năm 1936, trong một gia đình truyền thống cách mạng tại ấp Hòa Phú (xã An Phước- Mang Thít).

Tuổi thơ anh sớm côi cút khi cha là ông Huỳnh Quốc Tôn tham gia cách mạng hoạt động tại địa phương bị địch bắt đày đi Côn Đảo, mẹ là bà Lê Thị Mới bị bệnh mất khi anh mới 10 tuổi, còn người em tên Huỳnh Quốc Thể chưa đầy 5 tuổi. Cả 2 anh em phải nương nhờ vào sự đùm bọc, dưỡng nuôi của cậu mợ. Noi gương người cha, anh sớm giác ngộ cách mạng tham gia làm liên lạc tại địa phương.

Họa sĩ Huỳnh Quốc Trọng.
Họa sĩ Huỳnh Quốc Trọng.

Sau hiệp định Genève năm 1954, Huỳnh Quốc Trọng tròn 18 tuổi, anh tập kết ra Bắc với tư cách là Thiếu sinh quân miền Nam. Tại đất Bắc, anh được bố trí học tại trường học sinh miền Nam số 16. Vốn có năng khiếu hội họa và học tập chăm chỉ nhiều năm đạt loại giỏi, 2 năm sau anh trúng tuyển vào Trường Mỹ thuật Hà Nội. Năm 1961- 1967, anh được Đảng và Nhà nước đưa đi đào tạo hội họa tại Liên Xô cũ, theo học tại ĐH Mỹ thuật Kiev (Ucraina ngày nay). Tại Liên Xô, anh đã có nhiều kỷ niệm đẹp với thầy cô, bạn bè và nhân dân lao động. Tác phẩm của anh giai đoạn này chủ yếu là vẽ ký họa chân dung và tranh phong cảnh. Từ chân dung em bé đến cụ già, chị nông dân, anh công nhân đang lao động sản xuất… Trong này, có bức chân dung tự họa với nét mặt cương nghị, trán cao, đôi mắt mở to thông minh, phảng phất nỗi buồn vì thương nhớ quê hương.

Về tranh phong cảnh, có rất nhiều tranh ký họa bằng màu nước, bút chì vẽ về đất nước và con người Liên Xô với mái nhà, hàng cây, dòng sông băng giá, những cảnh lao động sản xuất, những đàn ngựa, đàn bò trong các nông trường…

Đặc biệt là những bức tranh vẽ về quê hương và cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam cũng được họa sĩ thể hiện bằng những chất liệu thường gặp như màu nước, chì, than trên giấy gió, giấy can-son, ngoài ra còn có một chất liệu khá lạ được anh sử dụng đó là vẽ bằng kim loại và a xít trên bảng kẽm.

Như bức “Con mình đã lớn” gửi gắm tình cảm họa sĩ về một mái gia đình hạnh phúc, vợ chồng cha con đoàn tụ, về một thế hệ trẻ sẽ tiếp bước truyền thống cha ông. Hay bức “Tuyên ngôn Mặt trận Giải phóng đến với đồng bào” với bố cục chặt chẽ, sắc màu mạnh mẽ, nêu bật chủ đề sức mạnh của vũ khí tuyên truyền, cùng những người cha, người mẹ, người chị, người em của quê hương Nam Bộ thành đồng lòng luôn hướng về cách mạng như bức “Hành quân qua làng”, “Tiếp tế lương thực cho bộ đội”, “Tình mẹ con”…

Tiếp tế lương thực cho bộ đội (tranh khắc kẽm).
Tiếp tế lương thực cho bộ đội (tranh khắc kẽm).

Tham gia đoàn quân “xẻ dọc Trường Sơn”

Sau 6 năm du học ở miền đất xa xôi, lạnh giá, Huỳnh Quốc Trọng trở về nước trong lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang vào giai đoạn ác liệt nhất- đế quốc Mỹ bắt đầu tham chiến ở miền Nam và đem máy bay đánh phá miền Bắc gây nhiều tội ác với nhân dân. Người họa sĩ đã không thể ngồi yên mà xung phong vào đoàn quân “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, vượt qua bom đạn cùng bệnh tật trên đường vào Nam.

Đúng vào ngày sinh nhật lần thứ 78 của Bác (19/5/1968), anh đã có mặt tại chiến trường Nam Bộ (B2) vào thời điểm quân ta tấn công đợt 2 Xuân Mậu Thân.

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân là một đòn chiến lược, tấn công vào tận hang ổ quân thù, đạt nhiều ý nghĩa thắng lợi về quân sự lẫn chính trị, tạo bước ngoặt trong cuộc chiến, nhưng cũng phải đánh đổi bằng biết bao máu xương mất mát, hy sinh của đồng chí, đồng bào.

Sau năm 1968, nhiều đơn vị quân giải phóng phải tạm thời rút xa các vùng đô thị để củng cố lực lượng, nhưng đối với người họa sĩ- chiến sĩ Huỳnh Quốc Trọng thì trong giai đoạn khó khăn này nhiệm vụ của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa nghệ thuật càng nặng nề và quyết liệt hơn. Thế là những bức tranh ký họa, những khẩu hiệu tuyên truyền tiếp tục ra đời để cổ vũ, động viên quân dân tiếp tục vượt qua mọi khó khăn gian khổ, vững tin vào ngày mai chiến thắng.

Mỗi khi có dịp hành quân ở đồng bằng miền Tây, nhìn về rặng cây mờ xa là quê hương dấu yêu, giờ đây lửa đạn phủ trùm, nơi có mộ phần mẹ và người em Huỳnh Quốc Thể hy sinh năm 1962 càng làm sục sôi ý chí căm thù quân xâm lược, giúp anh hăng hái lao vào công việc của một cán bộ hội họa trên chiến trường với tay cọ, tay súng. Nhưng, chiến tranh ác liệt đã sớm cướp đi người họa sĩ tài hoa. Anh đã vĩnh viễn nằm lại trên chiến trường Cái Bè vào thời điểm chỉ còn 2 ngày nữa là chào đón giao thừa năm Canh Tuất.

Đi tìm người thân

Từ địa chỉ ban đầu ghi trong hồ sơ cách đây 10 năm, tôi tìm đến thì căn nhà người thân họa sĩ- liệt sĩ ở Bến Vân Đồn (Phường 8, Quận 4- TP Hồ Chí Minh), giờ đã giải tỏa trắng để làm đường. Được sự hỗ trợ nhiệt tình của Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội Quận 4, tôi lần theo địa chỉ mới để đến hẻm số 546 đường Bình Quới (Phường 28, quận Bình Thạnh- TP Hồ Chí Minh).

Tại đây, bà Nguyễn Thị Ngoa (75 tuổi)- vợ của họa sĩ- liệt sĩ Huỳnh Quốc Trọng- hiện đang sinh sống cùng người con gái là Huỳnh Hà Minh (sinh năm 1969). Khi biết tôi là người Vĩnh Long đến tìm, bà nén nỗi xúc động, bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm vui buồn dù ngắn ngủi với người chồng họa sĩ- liệt sĩ Huỳnh Quốc Trọng.

Năm 1954, cô bé Nguyễn Thị Ngoa (quê xã Hữu Định, huyện Châu Thành- Bến Tre) xuống tàu thủy tập kết ra Bắc. Trên đất Bắc, bà học ở trường học sinh miền Nam số 6 đặt tại Hải Phòng. Duyên số cho 2 người gặp nhau khi họ cùng say mê hội họa và quen nhau khi học chung Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội. Huỳnh Quốc Trọng học hệ ĐH, còn bà hệ trung cấp.

Trong 6 năm trời Trọng du học ở ĐH Mỹ thuật Kiev, dù xa xôi cách trở 2 người vẫn giữ liên lạc với nhau qua thư tín và tình yêu càng sâu đậm hơn mỗi khi Trọng về nước vào dịp nghỉ hè. Tháng 11/1967, Huỳnh Quốc Trọng tốt nghiệp trở về. Nhà nước định giữ anh làm công tác giảng dạy ở Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội, thế nhưng cánh chim bằng vùng đất phương Nam vì nợ nước, thù nhà đã quyết xung phong vào chiến trường B2 chiến đấu.

Suốt hơn 2 tháng trời vượt Trường Sơn, anh đặt chân đến mảnh đất Tây Ninh và nhận nhiệm vụ ở Phòng Hội họa Giải phóng thuộc Trung ương Cục Miền Nam, cũng là lúc anh nhận được thư của người yêu báo tin đã mang thai, kết quả của lần chia tay trước khi anh bước vào chuyến đi sinh tử.

Tranh của Huỳnh Quốc Trọng.
Tranh của Huỳnh Quốc Trọng.

Và cô con gái Huỳnh Hà Minh ra đời không hề biết mặt cha. Khoảng đầu tháng 2/1970 (28/12/1969 âm lịch)- trong trận chống càn với lực lượng địch đông gấp bội vào xã Mỹ Thiện (quận Cái Bè- Mỹ Tho, nay thuộc huyện Cái Bè- Tiền Giang), Huỳnh Quốc Trọng đã anh dũng hy sinh trong tư thế người chiến sĩ bên cạnh khẩu súng cầm chắc trên tay và túi tài liệu ký họa đeo bên mình.

Sự hy sinh của anh đã để lại bao đau đớn, tiếc thương của người thân và đồng đội. Thi hài liệt sĩ được an táng tại xã Hậu Mỹ Trinh (Cái Bè). Sau này, hài cốt được cải táng đưa vào Nghĩa trang Liệt sĩ TP Hồ Chí Minh. Với 2 người con anh dũng hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, mẹ anh là bà Lê Thị Mới được Nhà nước truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

Vinh danh những cống hiến trên lĩnh vực hội họa

Ra đi ở lứa tuổi 33 tràn đầy sức sống, để lại sự đau đớn, tiếc thương cho người vợ trẻ, nhưng tài sản của họa sĩ- liệt sĩ Huỳnh Quốc Trọng để lại cho ngành mỹ thuật nước nhà thật vô cùng quý giá. Đó là 120 tác phẩm hội họa cùng 72 vật lưu niệm hiện đang được Bảo tàng Vĩnh Long lưu giữ.

Những tác phẩm hội họa của anh đã được tổ chức triển lãm ở nhiều địa phương trong nước và tại đất nước Liên Xô. Những tác phẩm của anh cũng có mặt trong Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội và Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Đặc biệt, anh là họa sĩ đầu tiên của tỉnh Vĩnh Long được khắc tên trên bia đá ở Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh.

Ghi nhận những đóng góp của liệt sĩ- họa sĩ Huỳnh Quốc Trọng cùng với những văn nghệ sĩ có tác phẩm, công trình có giá trị xuất sắc về tư tưởng và nghệ thuật, theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy- UBND tỉnh Vĩnh Long, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã lập hồ sơ, thủ tục đề nghị xét tặng Giải thưởng văn học nghệ thuật Văn Xương Các tỉnh Vĩnh Long năm 2020.

Bài, ảnh: TRẦN THẮNG