Ngọn hải đăng mãi soi sáng trời Nam

Cập nhật, 19:07, Thứ Hai, 14/12/2020 (GMT+7)

Đã 80 năm từ khi cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai nổ ra ở cụm đảo tiền tiêu địa đầu cực Nam Tổ quốc, nhưng giá trị, ý nghĩa và cảm xúc của sự kiện lịch sử ấy vẫn còn nguyên vẹn không chỉ riêng Cà Mau mà còn là của cả cách mạng miền Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

 Thành phố Cà Mau hôm nay. Ảnh: Minh Tấn
Thành phố Cà Mau hôm nay. Ảnh: Minh Tấn

Đó là phát súng đầu tiên của cách mạng chính nghĩa đã làm rúng động, kinh sợ cho bè lũ thực dân cướp nước ta ở Nam Bộ. Và với tất cả niềm tự hào thiêng liêng, Đảng bộ, quân và dân Cà Mau lấy mốc ngày 13/12 hàng năm làm ngày truyền thống. 

Lịch sử đã chọn khởi nghĩa Hòn Khoai

Sự kiện khởi nghĩa Hòn Khoai nằm lòng từ trong huyết quản của người Cà Mau. Từ rất lâu rồi, những nhân vật của sự kiện ấy đã hiện diện trong tâm tư, suy nghĩ, qua những giai thoại truyền miệng, rồi cả những câu vọng cổ mẹ ru con, thế hệ này truyền sang thế hệ khác. Giáo Hiển, quê không ở Cà Mau, nhưng đã là một phần lịch sử, đã làm nên lịch sử và nằm lại trên đất mẹ Cà Mau - Giáo Hiển chính là người con ưu tú của Cà Mau.

Lịch sử có rất nhiều điều không thể lý giải. Lịch sử đã chọn khởi nghĩa Hòn Khoai theo một cách đẹp nhất, oanh liệt nhất và dạt dào cảm xúc nhất trong những trang sử cách mạng ở Cà Mau. Nói theo cách bây giờ, nếu có điện thoại, mạng xã hội, hay bất cứ phương tiện liên lạc thông thường nhất thì khởi nghĩa Hòn Khoai đã không nổ ra. Bởi, khởi nghĩa Hòn Khoai nằm trong kế hoạch khởi nghĩa Nam Kỳ của Xứ uỷ. Do không nắm bắt được thông tin dừng khởi nghĩa, Tỉnh uỷ Bạc Liêu (nay là Cà Mau - Bạc Liêu) thống nhất khởi nghĩa ở 3 khu vực. Hòn Khoai là điểm mở đầu.

21 giờ ngày 13/12/1940, cuộc nổi dậy ở Hòn Khoai nổ ra đúng kế hoạch, giết tên chúa đảo ác ôn Olivier và thu toàn bộ vũ khí. Dù diễn ra nhanh chóng, nhưng trước đó, thầy giáo Hiển đã bám trụ, làm công tác địch vận dưới vỏ bọc dạy học, chuẩn bị cơ sở nội tuyến và cảm hoá toàn bộ nhân viên nhà đèn trong suốt một thời gian dài (tháng 6-1940, giáo Hiển nhận nhiệm vụ ra đảo Hòn Khoai). Chính giáo Hiển đã thay mặt tổ chức kết nạp đồng chí Đỗ Văn Sến và Nguyễn Văn Đắc trở thành những đảng viên ngay trước khi khởi nghĩa nổ ra. Cả đồng chí Sến và đồng chí Đắc đều là nhân viên của nhà đèn và sau này trở thành những anh hùng, liệt sĩ làm rạng danh quê hương, xứ sở.

Dân Viên An, Tân Ân - Rạch Gốc truyền đời căm ghét những tên chúa đảo Hòn Khoai. Bởi đơn giản, những tên chúa đảo ấy chính là sự hiện diện của quân cướp nước bạo tàn. Hòn Khoai còn là mạch nước ngọt dồi dào, như sữa mẹ nuôi nấng phía đất liền cạnh biển khát mặn quanh năm. Những tên chúa đảo luôn tìm mọi thủ đoạn không cho người dân lấy nước ngọt về dùng. Khi giáo Hiển cùng đoàn quân trở về giương cao ngọn cờ chiến thắng, Nhân dân Rạch Gốc - Tân Ân đã tưng bừng mở hội.

Không ai tin rằng ở xứ sở xa xôi, hẻo lánh nhất Nam Kỳ, một cuộc khởi nghĩa chấn động nhất lại xảy ra và giành thắng lợi hoàn toàn. Sự kiện ấy còn cho thấy một ý thức chủ quyền biển đảo thiêng liêng, nhãn quan cách mạng tuyệt vời của Tỉnh uỷ Bạc Liêu (Cà Mau - Bạc Liêu). Cà Mau đã bắt đầu lịch sử thời đại Hồ Chí Minh bằng một chiến thắng từ biển - Để hôm nay, khát khao cháy bỏng hướng biển và làm giàu từ biển trở thành mạch nguồn xuyên suốt, diệu kỳ.

Lịch sử đã chọn khởi nghĩa Hòn Khoai, chọn những người con ưu tú nhất của Cà Mau đi vào bất tử. Cũng từ cuộc khởi nghĩa ấy, một anh hùng của biển đã được đào tạo, tôi rèn, và sau này tiếp tục trở thành một huyền thoại khác của Cà Mau. Ông được biết đến với tư cách là một trong những người khai mở đường Hồ Chí Minh trên biển, một trong những huyết mạch chiến lược để miền Nam giành hoàn toàn thắng lợi, thống nhất đất nước - Ông là Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Bông Văn Dĩa - người truyền lệnh khởi nghĩa từ đất liền đến tay giáo Hiển vào ngày 12/12/1940.

Tinh thần bất diệt

Khi tìm đọc những trang viết của cố Nhà báo Trần Thanh Phương trong quyển Minh Hải Địa chí, (NXB Mũi Cà Mau năm 1985), chúng tôi, những người con Cà Mau hôm nay cảm thấy niềm tự hào vô bờ với các bậc tiền bối làm nên cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai. “Trước khi hy sinh, đồng chí Phan Ngọc Hiển giật vải băng bịt mặt và kêu gọi đồng bào Bạc Liêu (Cà Mau - Bạc Liêu) hãy tiếp tục đấu tranh, đánh đuổi thực dân Pháp, giành lại độc lập, tự do và anh hô to:

Đả đảo thực dân Pháp

Đông Dương độc lập muôn năm

Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!".

Cũng từ quyển sách này đã ghi lại được lời của Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Liệt sĩ Nguyễn Mai, một huyền thoại của báo chí Cà Mau thuật lại: “Mười người cộng sản mỉm cười, chào nhau bằng một cái gật đầu. Phan Ngọc Hiển không bị bịt mắt (chi tiết này PV ghi trung thực với văn bản tư liệu). Anh đứng thẳng lên, thay mặt 9 anh em cộng sản xin nói chuyện với đồng bào nửa tiếng đồng hồ. Bọn Pháp chỉ chấp thuận 10 phút. Đồng chí Phan Ngọc Hiển dõng dạc nói “Người cộng sản coi cái chết rất bình thường. Chúng tôi sẵn sàng chết để đấu tranh cho đồng bào được ấm no. Nhất định những người kế tiếp chúng tôi sẽ tiêu diệt thực dân Pháp! Nhất định nước Việt Nam sẽ hoàn toàn độc lập” (Nguyễn Mai, Rừng do Văn nghệ giải phóng Tây Nam xuất bản năm 1975, trang 55-57).

Và đây, lời cố Bí thư Tỉnh uỷ Minh Hải Đoàn Thanh Vị nhân dịp kỷ niệm 43 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa và khởi nghĩa Hòn Khoai (23/11/1983): “Gần nửa thế kỷ trôi qua, trên mảnh đất đau thương và bất khuất này, thời gian không làm xoá mờ hình ảnh của 10 chiến sĩ Hòn Khoai. Bởi bóng cờ khởi nghĩa luôn luôn vẫy gọi. Bởi ngọn đèn hải đảo mãi chiếu sáng ở lòng người”. Cũng chính trong bài phát biểu này, một quyết định trọng đại đã được chính ông Đoàn Thanh Vị khẳng định: “Biết ơn và noi gương 10 liệt sĩ Hòn Khoai, hàng năm chúng ta lấy ngày 13/12 làm ngày Hội truyền thống toàn tỉnh”. Có lẽ chi tiết này, ít người để ý đến. Cũng năm 1983, chính ông Đoàn Thanh Vị là người đầu tiên đặt những viên đá để xây dựng Nghĩa trang 10 liệt sĩ khởi nghĩa Hòn Khoai, tiền thân của Đền thờ 10 anh hùng liệt sĩ khởi nghĩa Hòn Khoai ngày nay.

Còn một điều này nữa, ngày 12/7 âm lịch hàng năm, nếu có ngược xuôi ghé thăm vùng đất Rạch Gốc - Tân Ân, địa danh nay thuộc huyện Ngọc Hiển, hãy nán lại để cùng thân tộc, Nhân dân vùng đất này làm lễ cúng giỗ cho 10 anh hùng liệt sĩ khởi nghĩa Hòn Khoai. Để cảm nhận được sự kiện ấy chưa bao giờ bị lãng quên, những con người hy sinh vì quê hương, đất nước năm xưa vẫn hiện diện trong cuộc sống hôm nay. Gặp một người qua đường, nếu được nghe giới thiệu, “Tôi là cháu mấy đời…” của 1 trong 10 anh hùng khởi nghĩa Hòn Khoai thì cũng đừng ngạc nhiên. Nhất định, đó là sự thật.

Nghĩ tới lời Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân, mỗi địa phương ở Cà Mau nên tổ chức một lễ hội đặc sắc, chúng tôi trộm nghĩ, tại sao vùng đất Rạch Gốc - Tân Ân không chọn ngày 12/7 để trở thành ngày tri ân, tưởng nhớ và vinh danh những anh hùng cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai.

80 năm, Hòn Khoai vẫn ngời sáng ngọn hải đăng ở biển Đông. 80 năm, những người anh hùng khởi nghĩa Hòn Khoai đã đi vào bất tử. Mượn lời cố Bí thư Tỉnh uỷ Minh Hải Đoàn Thanh Vị, chúng tôi xin kết thúc bài viết này: “Bởi bóng cờ khởi nghĩa luôn luôn vẫy gọi. Bởi ngọn đèn hải đảo mãi chiếu sáng ở lòng người”.

Theo Báo Cà Mau