Lạ, ngon với bánh tráng thanh long ruột đỏ

Cập nhật, 13:26, Thứ Hai, 21/12/2020 (GMT+7)

Làng nghề Bánh tráng Cù Lao Mây (ấp Tân Thạnh, xã Lục Sĩ Thành- Trà Ôn) hơn 100 năm tồn tại, nức tiếng gần xa với nhiều loại bánh ngon. Mới đây, làng nghề này tiếp tục ra mắt loại bánh mới, “vừa ngon, vừa lạ” và mang đậm chất dân dã- đó là bánh tráng thanh long ruột đỏ. Điều này, càng tạo thêm sự đa dạng sản phẩm cho làng nghề, thu hút bước chân du khách đến đây để trải nghiệm và thưởng thức.

 Bà Trần Thị Thúy Liễu tráng bánh từ nguyên liệu thanh long ruột đỏ.
Bà Trần Thị Thúy Liễu tráng bánh từ nguyên liệu thanh long ruột đỏ.

Làng nghề Bánh tráng Cù Lao Mây hiện có hơn 70 hộ chuyên làm nghề bánh tráng và đã thành lập được hợp tác xã với 14 thành viên tham gia. Những hộ làm bánh tráng ở đây chủ yếu theo truyền thống gia đình, có hộ “3- 4 đời nay rồi mà vẫn còn làm”. Từ làm bánh truyền thống như bánh tráng trắng, bánh dừa, bánh ngọt, họ tự học hỏi, nghiên cứu làm thêm bánh tráng muối ớt, bánh tráng sữa, nhằm tạo sự phong phú, tạo thêm đầu ra cho sản phẩm.

Không dừng lại ở đó, mới đây bà con “xứ nghề” này còn mài mò cho ra đời sản phẩm mới: bánh tráng ngọt mà nguyên liệu từ thanh long ruột đỏ. Bánh ra lò có màu tím sen đẹp mắt, vị béo ngọt lẫn vị hơi chua của thanh long, cảm giác là lạ!

Dĩa bánh tráng ướt từ nguyên liệu trái thanh long thơm phức với màu sắc bắt mắt.
Dĩa bánh tráng ướt từ nguyên liệu trái thanh long thơm phức với màu sắc bắt mắt.

Khởi nguồn làm loại bánh này là Cơ sở bánh tráng Thúy Liễu của bà Trần Thị Thúy Liễu (60 tuổi) và chồng là ông Lê Ngọc Nha. Cơ sở này đã cho ra đời loại bánh tráng này hơn 6 tháng qua và tạo sự chú ý của không ít khách hàng.

Hôm đến cơ sở, chúng tôi được dịp “mục sở thị” cách làm và thưởng thức món bánh tráng ướt (chưa phơi) thanh long cuốn dừa ngay sau khi mới ra lò, nóng hổi. Nhìn dĩa bánh màu tím cánh sen bày ra trước mắt ai cũng trầm trồ khen ngợi. Bánh nóng bốc mùi thơm phức làm ai cũng muốn ăn. Vị ngọt của đường, mùi thơm dẻo của bột gạo, vị chua thanh từ trái thanh long hòa quyện với dừa nạo béo ngậy ngon đáo để.

Theo bà Thúy Liễu, ý tưởng làm loại bánh tráng này do tình cờ ăn thanh long ruột đỏ, thấy màu sắc đẹp nên nghiên cứu làm thử. Song để có chiếc bánh ngon, đẹp thì cách làm không dễ, cần pha trộn nguyên liệu với tỷ lệ phù hợp.

“Tui phối hợp 1,5 kg thanh long với 3,3kg bột và đường cho vừa đủ độ ngọt, nhưng còn giữ được vị chua chua của thanh long. Coi vậy chứ không dễ, nếu để thanh long ít thì màu không đẹp, vị thanh long không đậm; còn nếu cho nhiều thanh long thì bánh không dai, đồng thời lúc tráng bánh, bột không kết dính làm bánh bị rách”- bà Trần Thị Thúy Liễu chia sẻ, đồng thời cho hay, hiện nay bánh tráng thanh long sản xuất theo người đặt hàng, chứ chưa làm đại trà bán trên thị trường, do giá thanh long ruột đỏ khá cao và “lúc có, lúc không” nên bước đầu chỉ được xem là làm để giới thiệu sản phẩm mới, chứ gần như không có lời.

Đây cũng là khó khăn, trăn trở chung của nhiều hộ làm nghề nơi đây trong việc tạo ra sản phẩm mới cũng như xây dựng nên thương hiệu mở rộng thị trường tiêu thụ. Bên cạnh, cái khó nữa là những hộ sản xuất bánh ở đây chưa thật sự gắn kết với nhau, bao bì tự in với tên riêng... Và trong những năm gần đây do giá nguyên liệu không ổn định nên người làm bánh khó có lời, dẫn đến việc nhiều hộ muốn bỏ nghề, gát lò.

Vỉ bánh tráng thanh long đỏ nổi bật trên giàn phơi.
Vỉ bánh tráng thanh long đỏ nổi bật trên giàn phơi.

Ông Nguyễn Văn Nở- Bí thư kiêm Trưởng ấp Tân Thạnh cho biết: Năm trước trong ấp có 70 hộ sản xuất bánh tráng, đến tết tăng thêm vài hộ, còn năm nay, do dịch bệnh bánh tiêu thụ ít nên nhiều hộ gát lò, hiện tại chỉ còn 36 hộ làm bánh cầm chừng. “Hiện gần Tết Nguyên đán rồi nhưng chưa thấy có thêm hộ nào làm bánh, chắc tết năm nay chỉ có bao nhiêu lò đây!”- ông Nguyễn Văn Nở nhận định.

Còn theo ông Nguyễn Tấn Tân- Phó Chủ tịch UBND xã Lục Sĩ Thành: “Bánh tráng Cù Lao Mây đã có thương hiệu, có logo nhưng còn nhiều hộ tự thiết kế mẫu mã in bao bì, nên thương hiệu sản phẩm bánh tráng ở đây chưa đủ lớn mạnh vươn ra thị trường lớn. Hiện nay UBND xã đang lập đề án thu hút du lịch tham quan làng nghề bánh tráng.

Đồng thời, hướng tới các hộ sản xuất bánh tráng phải sử dụng logo bánh tráng Cù Lao Mây trên bao bì như đã đăng ký thương hiệu. Có như vậy, sản phẩm bánh tráng mới cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại ở các nơi khác”.

Bánh tráng Cù Lao Mây đã có mặt nhiều nơi trong và ngoài nước. Thời gian qua, không ít Việt Kiều nhân dịp về thăm quê hương đã ghé thăm làm nghề Bánh tráng Cù Lao Mây rồi mua bánh mang đi nước ngoài làm quà.

Bài, ảnh: HÙNG HẬU