"Đội quân tóc dài" huyền thoại

Kỳ 2: Khi "Đội quân tóc dài" cầm súng

Cập nhật, 14:57, Thứ Ba, 27/10/2020 (GMT+7)

 

 

Các pháo thủ của Đội nữ pháo binh Long An trên trận địa. Ảnh Tư liệu
Các pháo thủ của Đội nữ pháo binh Long An trên trận địa. Ảnh Tư liệu

Từ khi đế quốc Mỹ chuyển sang “Chiến tranh đặc biệt” ở chiến trường miền Nam, hàng vạn thanh niên các địa phương đã tham gia chiến đấu trong các lực lượng vũ trang, trong đó có nhiều nữ thanh niên.

Nhiều tỉnh đã thành lập được các đội vũ trang toàn nữ làm nhiệm vụ vũ trang tuyên truyền, các đội này đều có thể phối hợp chiến đấu với các đơn vị vũ trang khác hay tác chiến độc lập và đã lập được nhiều chiến công xuất sắc.

“Đội quân tóc dài” cầm súng

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp đô hộ, phụ nữ cũng có mặt trong các lực lượng vũ trang nhưng thường ở những lĩnh vực thông tin, hậu cần,… Còn trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược cứu nước, trong các thứ quân của Quân Giải phóng miền Nam, phụ nữ đều có mặt,… Nói như nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang Út Tịch: “Họ có thể làm tất cả mọi việc trong xã hội như nam giới vậy!”

Tính đến năm 1961, toàn miền Nam có khoảng 28.000 nữ chiến sĩ trong các lực lượng vũ trang. Ở Tây Nam Bộ từ năm 1961- 1965, có 4.820 nữ thanh niên tòng quân, 197 cô tham gia các đơn vị đặc công, trinh sát… Riêng 3 tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Cần Thơ, 6 tháng đầu năm 1964, có 1.747 chị em nhập ngũ (1).

Từ sự lớn mạnh của các “Đội quân tóc dài”, Bến Tre là tỉnh có nhiều phụ nữ tham gia ở các đơn vị vũ trang. Tính đến cuối năm 1961, các đội du kích xã, ấp tỉnh này đã có 3.080 đội viên là nữ, chiếm 1/9 số nữ du kích trong toàn miền.

Thời gian này, đội du kích mật của huyện Mỏ Cày là đội có thành tích nổi bật nhất, thành phần đội gần như toàn là nữ với tay không đã hạ đồn An Bình B – (không chỉ 1 mà đến 3 lần)- sau đó là các đồn Kênh Ngang, đồn Lò Heo. Các chiến công này đều có bàn tay khéo léo trong công tác binh vận của các chị Tạ Thị Kiều (Mười Lý) và Nguyễn Thị Tuyết (Út Tuyết)(2).

Những điểm sáng trong “Đội quân tóc dài” cầm súng

Được tôi luyện trong đấu tranh chính trị, Đội quân tóc dài Bến Tre nâng dần khả năng chiến đấu vũ trang. Điển hình như năm 1964, gần 400 phụ nữ xã Thành Triệu sát cánh cùng bộ đội đặt vật cản, đào công sự, tiếp lương giúp lực lượng vũ trang cơ động Bến Tre phục kích diệt 2 tiểu đoàn bảo an địch trong trận Lộ Thơ vang danh toàn miền.

Trong thời gian này, Bến Tre cho ra đời đơn vị vũ trang nữ đầu tiên của chiến trường Khu 8 (Quân khu 9). Đây là đơn vị mà từ đội viên đến chỉ huy toàn là nữ có phiên hiệu Đại đội 710, nhưng người dân thì chỉ thích gọi là “Bộ đội Thu Hà” (tên của người chỉ huy, là một cách gọi tên quen thuộc thời chống Pháp ở đây kiểu như “Bộ đội ông Cống”- đơn vị do ông Đồng Văn Cống chỉ huy thời đó).

“Bộ đội Thu Hà” chiến đấu vũ trang trên chiến trường Bến Tre suốt 10 năm liền (1964- 1974) lập nhiều chiến công xuất sắc với những trận đánh xuất quỷ nhập thần ngay hang ổ địch.

Cũng ở Bến Tre, tháng 4/1965 khi đế quốc Mỹ chuyển sang “chiến tranh cục bộ” ở chiến trường miền Nam, Tỉnh Đội Bến Tre quyết định thành lập đội thanh niên xung phong toàn nữ để phục vụ chiến trường đang rất căng thẳng. Đây là đơn vị thanh niên xung phong đầu tiên trên phạm vi cả miền, từ đó nhân lên thành 3 đại đội với biên chế như một tiểu đoàn, lúc đông nhất có đến 500 đội viên.

Ban chỉ huy đơn vị nổi tiếng với biệt danh “Ba Hồng” (Hồng Liên- tiểu đoàn trưởng, Hồng Phấn- tiểu đoàn phó, Hồng Tuyến- chính trị viên). Thực tế đây là một đơn vị chiến đấu theo chế độ thời chiến. Có khác chăng là chị em không được trang bị vũ khí đầy đủ do là đơn vị phục vụ chiến đấu nhưng xông pha trận mạc không thua các chiến sĩ thực thụ.

Và, đơn vị đã chiến đấu suốt cuộc kháng chiến vừa qua ở quê nhà(3). Sẽ thiếu sót khi không nhắc đến lực lượng này khi chiến đấu trên cung đường Trường Sơn huyền thoại: có lúc quân số tổng hợp của con đường này lên đến 120.000 cán bộ, chiến sĩ, 10.000 thanh niên xung phong.

Trong đó lực lượng nữ có khoảng 18.000 người, họ chủ yếu làm nhiệm vụ y tế, giao liên, mở đường… Nhiều người chiến đấu dũng cảm đã hóa thành các huyền thoại: “10 cô gái thanh niên xung phong ngã ba Đồng Lộc”, “12 cô gái Trương Bồn quyết tử cho mạch máu Trương Bồn”, thanh niên xung phong ở “Hang 8 cô”, trung đội nữ lái xe Trường Sơn,…

Thiếu tướng Võ Sở- Chủ tịch Hội Truyền thống đường Hồ Chí Minh khẳng định: “Đây là một lực lượng hùng hậu đã góp phần lập nên nhiều kỳ tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước…”

Khi nhắc đến các đội quân tóc dài cầm súng, không thể không nhắc đến các chiến sĩ của các đội nữ pháo binh tại các chiến trường miền Nam. Các đơn vị này thường được trang bị pháo cối và có biên chế gọn nhẹ trực thuộc các huyện đội. Trong thực tế chiến đấu, họ đã thể hiện là những pháo thủ “chân đồng vai sắt” và có “ý chí thép” chẳng chịu thua nam giới.

Lâu đời nhất là Đại đội trợ chiến cối 82 ly và súng máy 12 ly 7 toàn nữ của tỉnh Bến Tre ra đời cùng lúc với “Bộ đội Thu Hà” và đã từng gieo kinh hoàng cho các cứ điểm quân sự của địch trong tỉnh. Sau chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, nhiều đội nữ pháo binh ra đời tại các địa phương, các đội ngoài nhiệm vụ chiến đấu còn làm công tác vũ trang tuyên truyền rất hiệu quả.

Nhiều đội gây được tiếng vang như: Đội nữ pháo binh Quế Sơn (Quảng Nam), Đội nữ pháo binh 8 Tháng 3 (Lâm Đồng). Đội pháo binh 8 có 60 chiến sĩ, trong đó có 20 cô là người dân tộc K’ho, 2/3 trong số họ đều đạt danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”. Trong 6 năm kể từ ngày thành lập, đội đã đánh 30 trận, diệt gần 300 địch, bắn cháy 4 máy bay và 50 xe quân sự.

Ở miền Đông Nam Bộ từng vang danh Đội nữ pháo binh Bến Cát (Bình Dương) có phiên hiệu C5, lúc đông nhất đội có 65 chiến sĩ, được trang bị súng cối 82 và 60 ly, đã đánh 171 trận, diệt trên 500 địch, thu 82 súng, bắn cháy 2 trực thăng. Đội nữ pháo binh Trảng Bàng (Tây Ninh) cũng gây nhiều thiệt hại cho địch…

Ở miền Trung Nam Bộ và Tây Nam Bộ, Đội nữ pháo binh Châu Thành (Long An) đã để lại ấn tượng đẹp trong chiến đấu trong lòng người dân đồng bằng và vinh dự được mang tên “Đội nữ pháo binh Long An” trên vành đai diệt Mỹ của tỉnh này. Đội có biên chế gồm 3 tiểu đội được trang bị 3 cối 60 ly nhưng đã gieo nhiều kinh hoàng cho địch với thành tích diệt 475 địch (có nhiều lính Mỹ), phá hủy 2 khẩu pháo, 18 xe tăng và xe quân sự…

Đội nữ pháo binh Châu Đốc (An Giang) và các đội nữ pháo binh của Cà Mau - vùng cực Nam của Tổ quốc- như Đội nữ pháo binh Đầm Dơi và Đội nữ pháo binh Thới Bình cũng gây được nhiều tiếng vang. Đặc biệt, Đội nữ pháo binh Cái Nước tuy sinh sau đẻ muộn (1972) nhưng chỉ trong 3 năm đã đánh 49 trận, diệt hàng trăm địch, bắt sống 105 tên khác, thu 191 súng các loại, 10 máy thông tin… đã đĩnh đạc cùng các đơn vị bạn vào Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Tuy là các pháo thủ, nhưng khi buộc phải chiến đấu với vai trò lính bộ binh, họ chẳng thua gì nam giới, như trận công đồn Chà Là ở huyện Đầm Dơi, 2 nữ pháo thủ Lê Hồng Hà và Nguyễn Thanh Hồng đã cùng trung đội trưởng của mình dũng mãnh vượt qua rào thép gai đánh sập một góc đồn, tạo điều kiện cho đơn vị bạn xông lên tiêu diệt địch.

Hay như pháo thủ Nguyễn Thị Bé, một mình với khẩu B40 bám bờ kinh Vĩnh Tế bắn chìm 4 tàu địch và anh dũng hy sinh. Hay như pháo thủ Dư Kim Hoa chiến đấu với địch đến viên đạn cuối cùng. Khi địch gọi hàng, chị đã dõng dạc nói “Đội nữ Bến Cát chỉ biết đánh giặc, không biết đầu hàng” và chấp nhận bị chúng đâm chết.

Trong chiến đấu vũ trang, những người phụ nữ phải cầm súng không ai quên những gian khổ và hy sinh của họ: Đội nữ pháo binh Châu Đốc được dựng tượng đài ở chân núi Sam; 2 đội nữ pháo binh Bến Cát và Long An đã được Chủ tịch nước tuyên dương Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Riêng tại tỉnh Bến Tre qua 2 cuộc kháng chiến đã có 2 đơn vị nữ và 15 cá nhân nữ được Chủ tịch nước truy tặng và phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Nhân dân Long An đã xây nhà tưởng niệm các liệt sĩ của Đội nữ pháo binh Long An tại xã Phước Tân Hưng.

Nhưng, cái quý nhất là những tình cảm của nhân dân đối với họ, tình cảm ấy được thể hiện rõ trong bài thơ “Các em đi” của nhà thơ Nguyễn Chí Hiếu: “ Các em đi/ Nòng pháo in ráng chiều cháy đỏ/ Các má, các ba tần ngần trước ngõ”(…) “Nhưng từ ấy các em đi/ Chiến trường xa vui chiến đấu mãi chưa về/ Và những chân trời đêm đêm chớp lửa/ Quê hương nhắc tên em từng ngày từng bữa/ Khế chín gọi chim về/ Me dốt rụng đầy sân”.

HỒNG VÂN

* (1),(2),(3) Tư liệu của Báo Đồng Khởi, Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bến Tre và các nguồn tư liệu khác.

(Mời xem kỳ cuối trên VLCN)