Tản mạn cù lao

Cập nhật, 05:51, Chủ Nhật, 23/08/2020 (GMT+7)

Tôi đi chuyến phà An Bình, theo đường nhựa qua cầu liên xã An Bình- Hòa Ninh. Dừng lại trên cầu, tôi nhìn theo dòng chảy về hạ nguồn, đôi bờ xanh ngắt một màu của rừng nhãn.

Đường liên xã.
Đường liên xã.

Mùa này nhãn chớm bông, có nơi xuống nhụy, trong gió sớm mai có thể cảm nhận mùi hương mật thoang thoảng. Con sông này là ranh giới tự nhiên của 2 xã, ngày trước nó rộng lắm có hơn 400m chiều ngang. Dân An Bình gọi là sông Cái. Cuối dòng, sông Cái hợp lưu với dòng Cổ Chiên.

Nơi cửa sông rất rộng, bên phải là vàm Bà Vú thuộc xã An Bình. Bên trái là vàm Cái Muối thuộc xã Bình Hòa Phước, nay thuộc Hòa Ninh.

Vàm Cái Muối thông với kinh Mương Lộ thuộc xã Đồng Phú là thủy lộ cắt ngang cù lao, ghe thương hồ từ miệt Cái Bè qua, Bến Tre lên. Các ghe lớn thường đậu ở vàm Cái Muối treo bẹo.

Ngày trước, thỉnh thoảng tôi đi chợ cùng mẹ có ghé đong muối ở đây. Có lẽ do có nhiều ghe muối từ miệt Gò Công, Bến Tre neo bến nên gọi là Cái Muối chăng?

Về địa danh vàm Bà Vú, tôi nghe nhiều cách giải thích mơ hồ, nhưng đại loại nơi doi đất ở vàm này có người phụ nữ định cư, vú thuộc hàng khủng nên mới vang danh. Lớp trẻ bây giờ thấy em nào xinh, vòng một thuộc hàng đẳng cấp thì cứ đinh ninh là người xứ này.

Khi tôi lớn lên thì địa danh này đã có từ lâu. Vàm tách biệt với phần còn lại của xã bằng rừng bần. Sau này, phong trào lập vườn trồng cây ăn trái nên bờ bao kết nối cho một vùng đất mới gọi là Tân Tạo, có con đường liên xã đi qua hình thành vùng du lịch sinh thái giàu chất lãng mạn.

Từ cầu ngược dòng trở lên, sông về Tắc Lở, Tắc Cát, Đầu Cồn thuộc ấp An Thới, An Long của xã An Bình. Giáp giới An Bình- Hòa Ninh có cồn Tròn.

Trước 1975, cồn Tròn thuộc xã An Bình, sau nhập về Hòa Ninh, thuộc ấp Hòa Lợi. Thời Pháp, vùng này là cồn bần do dân trồng, nối dài lên cồn Tư Viết thông lên Doi Đồn ra sông Tiền, tàu lớn thường qua ngõ này.

Người dân hay thả trâu khu vực giáp giới khi xong mùa trục cấy, người nghèo cũng bơi xuồng đến đây bắt hến, mò tôm, tát cá, thụt lươn… Đến đây chẳng ai về tay không. Có nhóm, tiếng là chăn trâu nhưng tụ tập làm quốc sự.

Mẹ tôi lấy chồng khi 17 tuổi, mỗi bận về thăm quê, bơi chiếc xuồng nhỏ tắt ngang khu vực này mất khoảng tiếng đồng hồ từ An Bình về đình Hòa Ninh. Nước sông sóng lớn, rừng bần khỉ kêu, chiều nghe tiếng quạ, buồn thúi ruột.

Bà sinh chúng tôi, lớn lên vui đùa trên bến sông này.… Qua cầu, xe theo đường nhựa len lỏi trong rừng nhãn, chôm chôm đổ xuống cầu Hòa Ninh. Chợ Hòa Ninh nằm bên trái chân cầu trông có vẻ sung túc.

Ngày trước mua sắm gì cũng qua chợ Vĩnh Long bằng đò dọc, mất mấy tiếng ngồi đò cho cả đi và về. Bây giờ, văn minh thị thành đã phủ khắp vùng quê.

Cái gì cũng có, từ hàng điện máy, thời trang, hát hò... Dòng sông bây giờ hẹp hơn, nhà san sát ken mặt nước. Mùa dịch, những chiếc đò du lịch cắm sào ru bến, nước xanh trong lồng bóng tròng trành.

Qua cầu, quẹo trái dẫn về xã Đồng Phú. Đây là con đường có mật độ xe dày, là trục lộ liên xã có nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn.

Qua cổng chào hơn một kí lô mét là đến trung tâm xã. Bên trái đường là một thánh thất bề thế, đó là thánh thất họ đạo Đồng Phú thành lập năm 1947, thuộc Cao Đài Tây Ninh. Năm 2004, thánh thất được khởi công xây mới, năm 2014 thì khánh thành.

Thánh thất tọa lạc vị trí “tiền lộ, hậu giang” tiện cho đồng đạo về hành lễ, tạo nên nét văn hóa nông thôn vùng sông nước.

Chợ Đồng Phú và chợ Hòa Ninh đều nằm dọc theo kinh, nước sông Cổ Chiên và sông Hàm Luông gặp nhau khoảng cổng chào dân gọi là Giáp nước.

Từ cầu có thể thấy cảnh quan chợ có vẻ sầm uất hơn chợ Hòa Ninh. Bên trái là nhà thờ họ đạo với tháp chuông cao vút. Lưỡng lự chọn con đường đi tiếp, tôi quyết định rẽ phải qua chợ theo tuyến đường dọc theo sông.

Con đường lót đan chạy dọc theo kinh đã xuống cấp, dẫn ngang đình Phú Mỹ. Hàng sao khoảng chục năm tuổi, vòng thân khoảng bốn tay được trồng để chống lở đất. Chiếc cổng rêu phủ, loang lổ những vôi. Nghe tiếng xạc… xạc, nhìn kỹ, có người quét lá sân đình. Tôi xuống xe vào chào.

Ông là Trần Văn Tỳ, gọi Hai Tỳ, 74 tuổi, cái tuổi nhìn đâu cũng thương nhớ kỷ niệm. 7 người con của ông đều có gia đình riêng, lập nghiệp ở thành phố, thỉnh thoảng mang cháu về chơi ít hôm rồi đi để lại vợ chồng già với 7 công vườn trồng chôm chôm.

Tuổi già, nhìn vườn cây đến kỳ ra hoa mà thở dài thườn thượt, nhân công bây giờ khó kiếm. Trai giỏi thì đi làm ăn xa, trai ở lại nhà đàn đúm ăn chơi. Chủ vườn làm đến hụt hơi, đến kỳ thu trái gọi người không ra. Tuổi đã xế chiều, kiếm tiền đối với ông không quan trọng lắm, ông dành thời gian chăm chút mái đình.

Mái đình gắn liền với ông từ bé. Ông nội, cha rồi tới ông ba đời làm thủ từ đình này. Những kỷ vật của đình tưởng chừng bỏ đi nhưng ông vẫn giữ, nhìn vật ông thấy bóng dáng tiền nhân.

Tổ tiên ông vốn người Cái Bè, đời ông nội, thuở trai đi đánh lưới vùng này nên ghẹo được bà. Khi ông về làm rể, sông Đồng Phú chỉ là con kinh nhỏ, người làng thả ngang cây cau làm cầu khỉ đi.

Để thông thủy lộ, Pháp cho đào mở rộng nên gọi kinh Mương Lộ, lâu ngày kinh lở rộng hai bờ dân gọi là sông. Chuyện trải mấy đời người, thương hồ dìu dập, mái đình soi bóng bên dòng, chuyện cũ nhạt dần cùng tuế nguyệt.

Cây dương trước đình gánh sức nặng thời gian nay phất phơ mấy tờ quảng cáo. Đình gắn liền ký ức thời mở cõi. Thời ấy, vùng này mênh mông nước, theo thời gian, sông Tiền mang phù sa bồi đắp tạo nên những gò nổi, bao bọc xung quanh là rừng bần xen lẫn quao, mù u, lác, sậy, dừa nước…

Di dân theo hai đường: Từ cửa biển ngược dòng về phía thượng nguồn và định cư trên những gò nổi giữa sông, nhóm khác theo đường thiên lý, gặp sông lớn nên định cư lại bên bờ tả sông Tiền. Thế sự đổi dời, vì cuộc mưu sinh, người trên đất liền cũng ra gò nổi giữa dòng sông nước lập làng.

Chỉ riêng vùng cù lao 4 xã thuộc huyện Long Hồ hình thành nên những vùng dân cư có nguồn gốc hoặc quan hệ họ hàng với nhau: Vùng Đồng Phú, Bình Hòa Phước, Hòa Ninh có quan hệ họ hàng với người vùng Tân Phong- Cai Lậy, vùng Hòa Khánh, Hòa Lộc- Cái Bè. Vùng An Bình có thân thuộc từ vùng Long Thanh, Long Mỹ trên nữa là Tân Hạnh, Tân Ngãi...

Làng gắn với đình. Đình là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người xưa và cũng là nơi thể hiện quyền lực của chế độ chính trị. Nhìn vào đình, người ta đoán được sự thịnh suy của một làng.

Vì lẽ đó, người làng rất quan tâm đến việc tu bổ đình để mong được thịnh, được phước… Đình bây giờ không còn vị trí quan trọng trong lòng lớp trẻ. Chỉ có lớp già hoài cổ, một năm mấy bận họp nhau cúng bái như một cách tưởng vọng tiền nhân.

Len lỏi dưới bóng cây, theo đường đan dẫn ra lộ liên xã đang thi công. Con đường có đoạn đang trải nhựa, đoạn thì san cát tiến dần về Bà Cò, Doi Đồn để đấu nối với An Bình.

Nắng trưa như muốn làm khô người, chợt thấy bên đường một vùng cây xanh um mát rượi, dừng xe, tôi lần dốc xuống để lấy chút sự yên tĩnh, trong lành.

Trước mắt tôi là một không gian thanh tịnh, không một bóng người nhưng nhìn vật biết có người chăm sóc nơi này.

Ngôi cổ tự chăng? Không phải, bởi vôi tường còn mới. Đến từ phía sau không biết là gì nên tôi thấy rờn rợn và cẩn thận ngó quanh, quan sát lùm bụi sợ có linh vật đâu đây lỡ sơ ý làm điều bất kính.

Vòng qua phía trước, nhìn rõ 4 mặt, lòng tôi đinh ninh đây là miếu thờ. Nhưng thờ ai?

“Ân Sư Từ”- 3 chữ nổi rõ trên cửa chính. Trong lòng tôi ngờ ngợ, có lẽ đây là nơi thờ tự những người có công đức với vùng này chăng? Miếu thờ được thiết kế theo dạng cửa mở 3 mặt. Nơi cửa chính có câu đối được đắp nổi bằng chữ quốc ngữ:

“Thầy cô cũ qua rồi, lời dặn dò vẫn còn văng vẳng

Nền trường xưa còn đó, tuổi ngây thơ sống dậy ngậm ngùi”.

Xét về ý nghĩa, câu đối này không nói về đạo giáo. Sự tò mò thôi thúc tôi lần bước vào trong.

Chính giữa miếu thờ là bức phong màu đỏ với dòng chữ lớn, trang trọng: “Tôn Sư Trọng Đạo”. Dưới là 2 hàng dọc đề danh 20 vị ân sư. Hai bên cánh là câu đối:

“Đức hạnh sáng soi đèn Bắc đẩu

Hiền tài nối tiếp nước Tiền giang”. 

Một ban thờ với bát hương, bình bông và hàng chục tượng bán thân bằng gốm đỏ xếp thành hàng dài bên vách. Cảm nhận đây là tấm lòng của người dân đất này, ghi ân tiền nhân đến đây dạy chữ cho dân thời cha ông đi mở cõi. Bần thần giây lâu, tôi lùi bước dạo ngắm cảnh phong quang.

Trước miếu Ân Sư là nền đất được xáng cạp đổ lên, có lẽ người ta chuẩn bị tôn tạo cảnh quan nơi đây thành nơi lưu niệm hữu tình.

Phía trước mặt là con sông Tiền nước đang xuôi dòng, sóng nhảy nhấp nhô. Bốn chiếc xáng cạp án giữa dòng trước cồn Đồng Phú. Xa hơn nữa, bên kia sông, là đất Hòa Lộc thuộc huyện Cái Bè, nơi có đặc sản vang danh: xoài cát Hòa Lộc.

Những chiếc ghe tải trọng thấp là 4 tấn, lớn là 50 tấn tấp nập ngược xuôi. Những ghe này, có chiếc, trước thường thì đi chở cát, đậu bu quanh xáng cạp như kiến bu cục đường, còn bây giờ thì hối hả chạy lên hướng cầu Mỹ Thuận để hút nước ngọt mang về bán cho nhà vườn đang lên cơn khát vì hạn mặn. Vận chuyển nước ngọt lời trọn gói, vì không phải mua, không phải sợ như trộm cát…

Cồn Đồng Phú nổi giữa dòng sông Tiền, một thời là khu du lịch Mê Công đình đám với những công trình dã ngoại ấn tượng, nay tiêu điều, có lúc người ta định san phẳng nó lấy cát bán. Mà nói sao được chuyện bãi bể nương dâu!

Rời Ân Sư từ, tôi tiếp tục theo đường hướng về đầu cồn An Bình, nhưng đường chưa thông. Quan sát thấy cụm cây sao, dầu, áng chừng đấy là đình Hòa Ninh, quay lại tìm lối rẽ, tôi qua chợ Bà Cò.

Bà Cò là một địa danh thuộc ấp Phú Thuận, xã Đồng Phú. Một nơi tách biệt “khỉ ho cò gáy”, là quê của nhà báo Nguyễn Ngọc (Nguyễn Văn Tấn).

Tôi biết anh khi còn học phổ thông cùng khóa Trường Cấp 3 TX Vĩnh Long- khóa 1978-1980. Lên TP Hồ Chí Minh, tôi lại gặp anh ở Trường ĐH Tổng hợp, cùng trú Ký túc xá Ngô Gia Tự.

Ra trường, lại gặp nhau ở Vĩnh Long, anh làm việc với vợ tôi ở Nhà xuất bản Cửu Long. Thời trẻ, anh là người hay đưa ra vấn đề để tranh luận, thiên hướng nhà báo xuất lộ sớm và đi cùng anh trong suốt cuộc đời. Anh là nhà báo được nhiều người biết đến và quý mến.

Những bài viết khảo cứu, điền dã của anh gần gũi với phong cách nhà văn Sơn Nam, cung cấp cho người đọc những hiểu biết bất ngờ, thú vị. Anh đã dừng bút vĩnh viễn ở tuổi 60, khi mà bút lực của anh ngày một thăng hoa.

Ngày trước, người xứ Bà Cò muốn đi chợ phải đi đò sang Hòa Lộc, Cái Thia. Muốn sang Vĩnh Long, phải lội bộ sang đình Hòa Ninh từ sáng sớm đi đò dọc và xế chiều mới về nhà.

Trễ chuyến đò thì đợi hôm sau. Gian nan là thế, nên xứ này có nhà báo thành danh như anh Nguyễn Ngọc là điều hiếm hoi. Sự học ở đây vất vả, có lẽ vì vậy mà người dân quý thầy lập Ân Sư từ.

Bây giờ, tiếng là chợ nhưng cũng chỉ lưa thưa mấy gian hàng tạp hóa bán kèm rau củ, một tiệm uốn tóc, một bàn bi da… đôi ba người cụng ly mặt gay đỏ.

Con đường đan ngoằn ngoèo đủ cho 2 xe ngược chiều lách qua, tôi nhắm hướng đình mà đi. Đến gần đoạn giao nhau ranh giới 2 xã, nơi khúc cua, tôi chợt nhận ra có một Từ đường đề họ Mạc. Ở xứ này dân có từ đường là hiếm.

Đến khu vực Trường Tiểu học Trương Văn Ba, phía trước trường là con đường trải nhựa còn bốc bụi đá khi xe qua. Con đường kết nối với cầu Tân Tạo sang An Bình về Vĩnh Long. Tôi không theo đường nhựa mà chọn lối tắt về An Bình ngang đình Hòa Ninh, qua ngõ Cồn Dơi.

Về nơi giáp ranh 2 xã là đường đất hẹp có cầu đúc bắc qua nơi xưa kia gọi là sông dẫn về Doi Đồn. Những rặng bần bạt ngàn ngày trước đã được thay bằng vườn cây ăn trái với bờ bao vòng quanh.

Chạy dọc theo đường đê tôi ghé thăm người quen ở Đầu Cồn thuộc ấp An Long.

Đầu Cồn là tên gọi chỉ doi đất đầu cù lao Minh. So với xưa, doi đất bị lở sâu vào hàng trăm mét. Đất lở do gió Tây Nam tạo sóng vỗ bờ, do nạn khai thác cát làm thay đổi dòng chảy. Cứ thế, người dân nhìn thấy đất mất đi mà chỉ biết trách tại trời.

Ngay trên doi đất, một ngôi nhà lẻ loi, sàn nước sắp sụp xuống sông, rồi sẽ đến buồng ngủ, nhưng đôi vợ chồng già cũng cố bám lấy để bán vài chai nước ngọt, lít rượu qua ngày cho dân làng bè. Một dự án làm bến phà có cách đây 20 năm nhưng nay vẫn là bến lở, đêm nằm nghe đá rơi theo đất lõm tõm mà buồn.

Thuở trước nơi này là một bãi lài, nước xuống, cát trải dài tha hồ tắm sông bắt hến. Ông Nược- một loại cá heo nước ngọt- thường quần tụ nơi này trửng giỡn cùng người. Từ đây nhìn thấy phà qua lại mà thèm, mong được một lần đi.

Những năm trước giải phóng, có một ông đạo, xưng là Đạo Tám, đến cất am thiền trên nhà sàn. Trai làng đến tuổi xin vào tu, làm công quả để tiện bề trốn quân dịch. Đạo Tám thu nạp và ngày càng mở rộng quy mô đặt tên Thiền Bát Nhã. Chẳng rõ tu tập thế nào lại khiến chính quyền ông Thiệu để ý.

Rồi một ngày, kịp trước giải phóng không lâu quân đội đến giải giáp. Sự nhộn nhịp, lao xao một thời đi qua.

Bây giờ chỉ có tiếng gió rung cây, tiếng sóng vỗ bờ, dân làng bè tụ tập uống rượu hát đôi bài boléro, vọng cổ để nghe nỗi buồn thấm sâu mỗi bận thất bát vụ cá.… Gió đầu vùng cù lao thật dễ chịu.

Một ly nước mát làm dịu cơn khát, câu chuyện mới lại bắt đầu. Con chủ nhà hiếu khách, thấy có người quen vội làm con cá trê sông non 3 ký, nấu canh chua.

Ly rượu đưa đẩy hỏi chuyện làm ăn, dần dà câu chuyện trở về mấy mươi năm trước, nơi khách ngồi còn là bãi bần, dưới nước đầy những cá tôm.

Thế cuộc đổi dời, người còn, người mất, tiếng rú máy của phà Mỹ Thuận thay bằng tiếng còi xe theo gió vọng về. Dưới sông nước lớn, mấy gợn sóng vỗ mạn xuồng chạm vào cầu bến nghe lách cách. Tiếng ly chạm nhau cũng nghe lách cách… Hôm ấy tôi về khá muộn.

7/2020

Bài, ảnh: LÊ MINH HÀ