Sứ mệnh bảo tồn di sản nông nghiệp ĐBSCL

Kỳ cuối: Trao truyền di sản cho mai sau

Cập nhật, 16:12, Thứ Sáu, 14/08/2020 (GMT+7)

Nền văn minh lúa nước ĐBSCL không chỉ là câu chuyện làm nông mà là một quá trình tiếp biến trên nền tảng lịch sử ngàn năm để hình thành nền văn hóa đỉnh cao của trí tuệ, nhân văn và đạo lý. Sự tôn vinh và tri ân người đi trước cũng là để trao truyền cho mai sau những di sản vô giá, để đồng bằng vững chãi bước tới tương lai.

Theo đó, một Bảo tàng Nông nghiệp ĐBSCL chính là thực hiện sứ mệnh cao cả, thể hiện khát vọng của người đồng bằng trong bao nhiêu năm qua. Nhưng làm như thế nào đạt được hiệu quả cao nhất, thể hiện được trọn vẹn hồn cốt, diện mạo và thật sự hấp dẫn để kể lại câu chuyện của nền văn minh lúa nước rực rỡ với hôm nay và mai sau- đó là vấn đề rất quan trọng!

Nhổ mạ trên ruộng ông Lê Quốc Việt (Kiên Giang). Ảnh: Trần Chí Kông
Nhổ mạ trên ruộng ông Lê Quốc Việt (Kiên Giang). Ảnh: Trần Chí Kông

Một nhánh “văn minh lúa nước”

TS. Dương Văn Ni- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm- Đa dạng sinh học Hòa An (ĐH Cần Thơ) nói một cách hình tượng: “Để hiểu trọn vẹn tiến trình lịch sử vùng đất đồng bằng này, như thể một bàn tay năm ngón, thì trong đó nền văn minh lúa nước là “ngón tay” quan trọng, như trục xương sống bên cạnh bốn nhánh còn lại là: điều kiện tự nhiên, đa dạng sinh học, lịch sử khẩn hoang và nền văn hóa tổng hợp”.

Chính nền văn minh lúa nước đã hình thành nên những giá trị vật thể và phi vật thể vô cùng đa dạng, độc đáo; đó là tài sản vô giá nhưng đang dần chìm vào sự lãng quên của lớp trẻ hôm nay.

Mà theo TS. Dương Văn Ni, nếu không am hiểu sâu sắc, trọn vẹn thì làm sao có thể trân trọng, yêu thương. Nói chi đến chuyện giữ gìn, phát huy để những giá trị di sản đó mãi song hành về phía tương lai.

Đó là lý do mà nhiều thập kỷ qua, Trường ĐH Cần Thơ với những nhà khoa học, những người thầy tâm huyết, chuẩn bị thận trọng từng bước từ công tác kết nối sưu tầm, tìm kiếm nguồn lực từ khắp nơi trên thế giới; đặc biệt là đào tạo những lớp sinh viên xuất sắc sẽ là những hạt nhân cùng gánh vác trọng trách. Có thể nói, mọi việc đã bắt tay thực hiện dày công, nghiêm túc, khoa học từ hơn 20 năm trước...

Và cuộc gọi trực tiếp của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Trần Văn Rón cho TS. Dương Văn Ni, đặt vấn đề về việc tư vấn xây dựng bảo tàng nông nghiệp ĐBSCL tại huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long) như đã khơi thông mạch nguồn cho một giấc mơ lớn, hoài bão lớn cũng là khát khao của hàng triệu người đồng bằng.

Với Trường ĐH Cần Thơ, Vĩnh Long cũng là “chọn mặt gửi vàng” với trọng trách và chất chứa bao tình cảm cùng sự ấp ủ, thai nghén, những bước chuẩn bị trong hơn 10 năm qua của Vĩnh Long, để tiếp nối mong muốn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Xây dựng bảo tàng nông nghiệp cần sự góp sức của nhiều nguồn lực trong và ngoài nước, nhưng trọng trách chính phải là những người con của đồng đất Nam Bộ này, không ai khác, chính họ phải là người trước tiên hiểu sâu sắc nhất và biết yêu thương gia tài của ông bà mình để lại.

Vậy nên, “được lời như mở tấm lòng”- theo TS. Dương Văn Ni, nhóm tư vấn đề án Bảo tàng Nông nghiệp ĐBSCL đã quyết định chọn một nhánh quan trọng nhất là nền văn minh lúa nước để xây dựng bảo tàng ở Vĩnh Long.

Và Vĩnh Long đã nhận được sự đồng thuận gần như tuyệt đối của các tỉnh- thành vùng ĐBSCL cùng các bộ, ngành Trung ương.

Các nơi đóng góp bằng văn bản và tham gia đề nghị bổ sung hoặc sửa chữa từng đề mục cụ thể. Đồng thời, cho biết sẽ hỗ trợ mạnh mẽ trong công tác sưu tầm hiện vật sau này.

Vấn đề còn lại là làm như thế nào để đạt hiệu quả nhất, hấp dẫn nhất và mang lại giá trị thực tế, lâu dài. Bởi thực tế, hoạt động của bảo tàng (trong cả nước) hiện nay vẫn còn nhiều trăn trở.

Rồi nguồn vốn thì có thể kêu gọi xã hội hóa nhưng còn phải lo về nhân lực (hơn 30 người ở giai đoạn 1 và 70 người giai đoạn 2), để bảo tàng đảm đương được trách nhiệm của mình và hoạt động hiệu quả.

Một bảo tàng vì tiền nhân và trách nhiệm với tương lai

Giặm lúa trên ruộng lúa ngày nay.
Giặm lúa trên ruộng lúa ngày nay.

TS. Lương Chánh Tòng (Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TP Hồ Chí Minh) đóng góp ý kiến: Khi triển khai thực hiện cần bổ sung nhân lực đa ngành, tránh thiên về kỹ thuật nông nghiệp.

Bổ sung các chuyên đề văn hóa và cư dân, các hoạt động giao thương các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, nuôi trồng, lễ hội, văn hóa ẩm thực, tập quán tín ngưỡng nông nghiệp… để thể hiện được nền văn hóa nông nghiệp của cư dân vùng ĐBSCL trong suốt tiến trình lịch sử.

Cần ứng dụng công nghệ hiện đại trong trưng bày và phục dựng, trình diễn mang tính tương tác cao.

TS. Dương Văn Ni cũng cho biết: “Nhiều năm qua chúng tôi đã “lùng sục” trên thế giới, kết nối những người con thành đạt của đồng bằng, các tổ chức khoa học.

Trong đó, có kết nối với bảo tàng Smithsonian của Mỹ. Thông qua Tổng lãnh sự Mỹ, bảo tàng còn hứa sẽ hỗ trợ đào tạo, thiết kế”. Theo TS. Dương Văn Ni, việc tổ chức trưng bày phải cẩn trọng, khéo léo, không ôm đồm thành một cái kho, đem cây cày, cây cuốc treo lên vách tường.

“Trách nhiệm của chúng tôi là phục dựng lại được câu chuyện, để thấy mỗi vật có một tâm hồn, có một cuộc đời. Mục đích lớn nhất của bảo tàng là hấp dẫn được giới trẻ và để mọi người cảm nhận được sự thông minh của ông bà mình và sự phong phú của đồng bằng này”- TS. Dương Văn Ni nói.

Nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường lại nhắc về kỷ niệm đặc biệt khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng đích thân đến nhà ông để đặt vấn đề về xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp ĐBSCL; qua đó, ông thể hiện sự trăn trở, nặng lòng với xứ sở và sự am hiểu sâu sắc về di sản của vùng đất này.

“Phải hiểu cho được ý tứ sâu xa của Thủ tướng Võ Văn Kiệt; bảo tàng không chỉ là câu chuyện sưu tầm những nông cụ về rồi bày ra đó thôi đâu”- ông Trương Ngọc Tường nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Xuân Hoanh- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long- giải thích việc xây dựng một “bảo tàng chuyển vị” là: Đưa những hiện vật, những hình ảnh đại diện về đây để phục dựng nên không gian văn hóa, để mọi người có thể hình dung trọn vẹn diện mạo, hồn cốt nền văn hóa đồng bằng; ở đây sẽ mang tính kết nối, chỉ dẫn để mọi người tiếp tục tìm hiểu, khám phá sâu hơn ở những “bảo tồn tại vị”- như những vùng bảo tồn rừng ngập ngọt, ngập mặn, những di chỉ, di tích trên khắp đồng bằng này. Do đó, bảo tàng không đóng khung mà mang tính chất mở, có sự tương tác của một “bảo tàng sống”.

Nhóm tư vấn đề án cho rằng quá trình thực hiện có chậm nhưng chắc, do phải đào tạo lớp trẻ đủ độ chín, đủ năng lực quản lý và khả năng “truyền lửa”, mới giữ được công trình, vì mọi người thấy trong đó có hình hài mình, có quyền lợi mình.

Và trước khi triển khai sẽ xây dựng “bảo tàng ảo” để tiếp tục nhận sự góp ý trực tiếp, cụ thể của toàn xã hội. Còn vấn đề xây dựng “phần ruột”, sưu tầm hiện vật cũng như nguồn vốn thì đã có được sự đồng thuận, góp sức từ nhiều phía.

Người dân Vĩnh Long làm sao quên được câu nói đậm chất nhân văn và tầm nhìn vượt trước của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Để có được ĐBSCL thành khoảnh như ngày hôm nay, thì công sức và sự sáng tạo của nông dân cũng quan trọng như vai trò của khoa học kỹ thuật và sự đầu tư của Nhà nước.

Vì vậy, phải có một nơi xứng đáng để tôn vinh sự đóng góp của họ và cũng để giáo dục con cháu sau này”.

Cần lắm việc khôi phục cho được hồn cốt, diện mạo di sản văn hóa trong suốt chiều dài đất nước, mà vùng đất phương Nam là “mảnh ghép” cuối cùng các tiền nhân đã đặt nét bút tài hoa để vẽ nên trọn vẹn dáng hình Tổ quốc thiêng liêng này.

Và hơn hết, lưu giữ không phải chỉ để nói về quá khứ, để hoài niệm mà còn để trao truyền được bản chất, tinh thần của nền văn hóa ngàn năm, để những thế hệ tiếp nối thêm trân trọng, yêu quý và chính những người trẻ sẽ tiếp tục bảo tồn và phát huy theo cách của mình.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- PHƯƠNG THÚY- MINH THÁI