Y bác sĩ trong bệnh viện phong tỏa: 'Chúng tôi đang tạo thành một khối'

Cập nhật, 14:41, Thứ Sáu, 31/07/2020 (GMT+7)

Giữa áp lực công việc rất lớn, các y bác sĩ Đà Nẵng từ bệnh viện đang phong tỏa vẫn không quên khích lệ nhau củng cố tinh thần chống dịch.

Các y bác sĩ bên trong Bệnh viện Đà Nẵng sẵn sàng vào ca - Ảnh: BS KIỀU HẠNH
Các y bác sĩ bên trong Bệnh viện Đà Nẵng sẵn sàng vào ca - Ảnh: BS KIỀU HẠNH

Không chỉ động viên nhau, các y bác sĩ nơi tuyến đầu còn khích lệ ngược tinh thần những người bên ngoài rào chắn.

Đoàn kết tạo sức mạnh chiến thắng

Qua ngày thứ 5 chống dịch, anh Đào Duy Hải, điều dưỡng Khoa Nội tiêu hóa Bệnh viện Đà Nẵng, trao đổi nhanh với Tuổi Trẻ Online, cuộc sống bên trong khá vội vã nhưng ai nấy đều giữ nhịp, giữ sức vì biết cuộc chiến đang còn dài và nhắn nhủ mong mọi người ở bên ngoài yên tâm, tự ý thức bảo vệ bản thân tốt nhất.

Chúng tôi dần ổn định và quen với công việc hằng ngày. Không còn những lo lắng và hoảng sợ trên mỗi gương mặt mà thay vào đó là sự quyết tâm, đồng lòng đẩy lùi dịch COVID-19.

Sau ca trực, anh Hải chia sẻ trên trang cá nhân của mình: "Trong này lương thực và nhu yếu phẩm vẫn luôn đầy đủ cho mọi người và mỗi ngày nhận thêm nhiều đồ tiếp tế từ bên ngoài nên ai cũng cảm giác được nhận niềm động viên rất lớn.

Áp lực công việc nhiều hơn, những thông báo khẩn, những cuộc gọi chỉ huy từ trên gọi xuống, những mail báo cáo khẩn, tiếng điện thoại vang lên liên tục cả ngày và đêm, những thắc mắc từ người nhà.. Nhưng tôi cảm thấy trong mỗi người luôn tràn đầy nhiệt huyết và quyết tâm hết mình.

Những quyết định được đưa ra dứt khoát từ ban lãnh đạo khoa và được thực hiện nhanh chóng bởi các anh chị em nhân viên y tế. Những cái nhắc nhở nhau để cùng tốt hơn, cùng hoàn thành công việc chung và đảm bảo an toàn cho mọi người. Mỗi người một tay giúp nhau mà cảm nhận được tình đoàn kết hơn bao giờ hết.

Khoảng cách cấp bậc của mọi người dần như xóa bỏ, chúng tôi tạo thành một khối đoàn kết. Ai cảm thấy mình làm tốt phần nào thì vào nhận ngay phần đó và công việc được giải quyết lập tức".

Về phần bệnh nhân, anh Hải cho biết họ không tránh khỏi sự lo lắng và hoảng sợ nhưng đều chấp hành lệnh chia tách phòng để đảm bảo khoảng cách, lệnh điều động người nhà đi cách di, di dời cũng được thực hiện suôn sẻ.

Hiện bên trong bệnh viện Đà Nẵng, một số lượng người nhà đã được đưa đến cách khu cách ly tập trung, chỉ còn một số người nhà chăm bệnh cần phải ở lại. Các nhân viên y tế sẽ kiêm công việc chăm sóc.

"Những người bệnh và người nhà trong cùng một phòng bệnh cứ như một gia đình, họ chia sẻ với nhau từng tí cơm, từng ít bột giặt, dầu gội đầu,... Người trẻ thì xem tin tức trên điện thoại và kể lại cho người già. Người già thì ngồi kể những câu chuyện lúc chiến tranh cũng không khác gì bây giờ. Vì vậy mà tôi hiểu được vì sao dân ta chiến thắng được bao nhiêu cuộc chiến tranh"- anh Hải nói.

"Ngày hôm nay chúng tôi sẽ tách một nhóm nhân viên y tế đi cách ly, đồng thời nghỉ ngơi để đảm bảo sức khỏe tiếp tục cho cuộc chiến này. Nhóm khác sẽ trở về để tiếp tục chiến đấu với chúng tôi. Nhưng hầu như ai cũng muốn ở lại để tiếp tục góp hết sức mình cùng anh em đồng nghiệp chống lại đại dịch" - anh Hải cho biết.

 Đội hình sinh viên của hai trường Đại học Y Dược Đà Nẵng và Huế tình nguyện vào phục vụ bệnh nhân trong bệnh viện đang phong tỏa sáng 31/7 - Ảnh: TRẦN TUẤN NGỌC
Đội hình sinh viên của hai trường Đại học Y Dược Đà Nẵng và Huế tình nguyện vào phục vụ bệnh nhân trong bệnh viện đang phong tỏa sáng 31/7 - Ảnh: TRẦN TUẤN NGỌC

Chia sẻ niềm vui để động viên bên ngoài rào chắn

Đêm khuya sau ca trực mệt nhoài, bác sĩ Kiều Hạnh, khoa nội hô hấp Bệnh viện Đà Nẵng, vẫn không quên đăng những dòng trạng thái ngắn trên Facebook cá nhân về những khoảnh khắc vui vẻ hiếm hoi trong bệnh viện đang phong tỏa để trấn an ngược cho người thân, bạn bè ở bên ngoài rào chắn.

Bác sĩ Hạnh viết: "Niềm vui ở đây là những lúc mở quà của người nhà gửi vào, của mạnh thường quân, của đội công tác xã hội bệnh viện tiếp tế cho mọi người. Và mỗi ngày đều được ăn ngon. Hôm nay bỗng dưng nhận được hàng loạt đồ ăn. Lòng bồi hồi xúc động. Chia cho bệnh nhân người nhà đang kẹt lại khoa. Cô người nhà bảo dịch làm các bác sĩ với điều dưỡng cực quá, tụi tui cũng kẹt lại đây biết lấy gì để bồi dưỡng cho mấy bác. Mình lại cười: Bác ăn bánh không tí chiều con lại mang bánh mời bác".

Trao đổi nhanh với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Hạnh cho biết mỗi ngày ở trong khu vực cách ly tâm lý cực kỳ căng thẳng, từ hôm xét nghiệm dịch họng Rt Pcr âm tính về. Nỗi lo của mọi người trong khoa tưởng như vơi đi một nửa. Nhưng lần lượt những cái tên xướng lên ở rải rác, có bệnh nhân, có người nhà đi chăm nuôi, có đồng nghiệp, có nhân viên y tế..., bầu không khí vừa căng thẳng vừa u ám.

Lập đội "shipper phản ứng nhanh"

Một bác sĩ ở bệnh viện Đà Nẵng chia sẻ ngày thường khoác trên mình bộ blouse trắng, bây giờ cả ngày đẫm mồ hôi trong những bộ đồ bảo hộ. Ngày thường làm việc chuyên môn: dược lâm sàng, cấp phát thuốc,... Còn bây giờ bỏ qua cao thấp học vị, bỏ qua vị trí công việc, làm tất cả những việc có thể để chiến đấu hết mình cùng đồng đội đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc men, vật tư y tế đến bệnh nhân.

Theo bác sĩ này, bình thường các công ty nhập hàng thẳng vào khoa, nay bệnh viện phải tự tải hàng vào từ điểm chốt chặn cách hàng chục mét.

Các nhân viên y tế phải trực tiếp khuân vác, tải hàng về khoa. Thiết lập đội "shipper" "Phản ứng nhanh" trong đợt dịch vận chuyển hàng hóa đến tận khoa phòng. Công việc quá tải, những bữa cơm lỡ bữa, ăn vội xong nhìn đồng hồ đã 2h chiều, 9-10h đêm vẫn nhập hàng đều đều, kho hàng chống dịch đầy rồi lại vơi. Đêm đến lót đại miếng carton nằm ngã lưng xuống là không biết gì vì quá đuối sức. Áp lực công việc rất lớn nhưng ai cũng động viên nhau cố gắng.

Theo ĐOÀN NHẠN/TTO