Phú Quý tận dụng thế mạnh hai nguồn 'nội lực'

Cập nhật, 18:04, Thứ Bảy, 25/07/2020 (GMT+7)

Nằm cách đất liền 56 hải lý theo hướng Đông - Đông Nam, huyện đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) được biết đến là nơi có tiềm năng kinh tế biển rất lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch và đánh bắt hải sản.

Tận dụng những thế mạnh về hai nguồn “nội lực” này, Phú Quý đang đầu tư đẩy mạnh khai thác hiệu quả kinh tế biển, góp phần đổi thay đổi bộ mặt huyện đảo và nâng cao đời sống nhân dân.

Sáng sớm nhiều tàu bè cập đảo Phú Quý sau chuyến đánh bắt nơi khơi xa. Ảnh: Mạnh Linh
Sáng sớm nhiều tàu bè cập đảo Phú Quý sau chuyến đánh bắt nơi khơi xa. Ảnh: Mạnh Linh

Hai nguồn "nội lực"

Đảo Phú Quý thường được gọi là “hòn ngọc giữa biển khơi” có diện tích 17 km2 với dân số 30.000 người. Thiên nhiên đã ban tặng cho Phú Quý một phong cảnh hoang sơ với các bãi tắm đẹp.

Nơi đây khí hậu trong lành, biển bao bọc xung quanh, nước trong xanh cùng một thảm thực vật và rạn san hô đa dạng, phong phú. Phú Quý có nhiều bãi tắm đẹp như vịnh Triều Dương, bãi doi Dừa, bãi nhỏ Gành Hang…

Phú Quý còn có nhiều danh thắng nổi tiếng với 3 di tích cấp quốc gia và 8 di tích cấp tỉnh. Với nhiều thắng cảnh đẹp, người dân biển hiền hòa, mến khách, Phú Quý là đang dần trở thành một điểm đến du lịch rất hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

Từ đầu năm 2016 đến nay, du lịch Phú Quý đã có những bước phát triển mạnh, nhất là từ khi nguồn điện được phát 24/24 giờ/ngày đã mở ra một thời kỳ mới cho Phú Quý.

Trong năm 2019, đã có gần hơn 42.000 lượt du khách trong và ngoài nước đến Phú Quý (tăng 117% so với cùng kỳ), tổng thu từ du lịch ước đạt 105 tỷ đồng.

Hiện tuyến vận tải Phan Thiết – Phú Quý đã cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại với 3 tàu cao tốc và các tàu vận chuyển hàng hóa đang hoạt động thường xuyên... 

Giao thông đường biển từ đất liền ra đảo được cải thiện, du khách khắp nơi trong tỉnh, cả nước và khách quốc tế đến đảo ngày một đông để công tác, nghiên cứu lịch sử và ngắm cảnh thiên nhiên...

Đây là cầu nối quan trọng góp phần đưa Phú Quý gần hơn với đất liền, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế, du lịch phát triển.

Ông Trần Văn Thông, Trưởng khoa Quản trị Du lịch và Khách sạn, Trường Đại học Kinh tế Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, du lịch biển đảo hiện nay gồm các loại hình như: tắm biển, nghỉ dưỡng biển, tham quan cảnh quan, di tích, các hệ sinh thái biển…

So với các địa phương khác, du lịch Phú Quý còn khá non trẻ. Nhưng ngành du lịch tại đây đã có bước phát triển mạnh mẽ. Với việc hội tụ đủ các điều kiện cần thiết, Phú Quý sẽ trở thành một trong những điểm du lịch độc đáo và thu hút đông du khách.

Theo UBND huyện đảo Phú Quý, nhằm khai thác tối đa tiềm năng du lịch, những năm qua huyện đảo đã tập trung phát triển các loại hình và sản phẩm du lịch gắn với biển cũng như đa dạng hóa các loại hình du lịch hướng đến phát triển du lịch xanh và bền vững.

Ngoài ra, du lịch văn hóa cũng là sản phẩm hấp dẫn của Phú Quý như tham quan các di tích lịch sử văn hóa, trải nghiệm lễ hội truyền thống, tìm hiểu văn hóa đời sống địa phương…

Với ngư trường rộng lớn, Phú Quý có lợi thế về khai thác hải sản. Đảo Phú Quý hiện là một trong 4 trung tâm nghề cá của tỉnh, có nguồn lợi hải sản phong phú, quý hiếm.

Đặc biệt, nơi đây đã phát huy hiệu quả mô hình nuôi cá lồng bè, khai thác xa bờ, gắn với dịch vụ hậu cần, thu mua, sơ chế biến, bảo quản sản phẩm trên biển...

Ông Tạ Minh Nhựt, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện cho biết, với lợi thế về nghề biển, nhân dân đã tập trung nguồn vốn để phát triển đội tàu thuyền đánh bắt xa bờ.

Bên cạnh đó, ngư dân đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để trang bị thêm ngư lưới cụ và các phương tiện dẫn đường đi biển. Những chuyến đi biển dài ngày tạo cho đảo một nguồn thu lớn với sản lượng hải sản khai thác bình quân hàng năm đạt 29.000 tấn.

Bên cạnh việc khuyến khích ngư dân đầu tư đóng mới tàu công suất lớn, việc phát triển đội tàu dịch vụ hậu cần (thu mua chế biến hải sản trên biển) đang tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân bám biển dài ngày, tiết kiệm chi phí vận chuyển, nâng cao giá trị khai thác thủy sản.

Phú Quý hiện đang dẫn đầu với mô hình nuôi trồng hải sản bằng lồng bè bán tự nhiên lớn nhất trong tỉnh với 59 cơ sở với tổng diện tích 7.248m2, sản lượng nuôi trồng hải sản bằng lồng bè bình quân hàng năm được 103 tấn.

Cùng với đó, Phú Quý tập trung lãnh đạo tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, không khai thác hải sản bằng chất nổ, chất độc hại, vi phạm vùng biển nước ngoài.

Cơ quan chức năng cũng tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, góp phần hạn chế đáng kể vào bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Phát triển bền vững kinh tế biển

Đảo Phú Quý là một điểm đến du lịch đầy thú vị. Ảnh: Mạnh Linh
Đảo Phú Quý là một điểm đến du lịch đầy thú vị. Ảnh: Mạnh Linh

Ngày 16/6/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận có Quyết định công nhận Khu du lịch Phú Quý là khu du lịch cấp tỉnh. Đây là địa phương đầu tiên được công nhận là khu du lịch cấp tỉnh. Từ đây, hứa hẹn sẽ mở ra thời kỳ mới phát triển du lịch biển chuyên nghiệp hơn, đa dạng hơn cho “đảo ngọc”.

Ông Ngô Minh Chính, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận cho biết, theo quy hoạch phát triển du lịch, mục tiêu tổng quát đến năm 2025, Phú Quý cơ bản trở thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh Bình Thuận, phát huy tiềm năng lợi thế về du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo gắn với di sản, tiềm năng văn hóa biển. Từng bước xây dựng Phú Quý là khu du lịch phát triển theo hướng du lịch xanh, bền vững.

Đến năm 2030, Phú Quý sẽ đáp ứng đấy đủ các tiêu chí của Khu du lịch cấp tỉnh, là khu du lịch biển đảo hấp dẫn, có vị trí quan trọng của vùng Duyên hải Nam trung bộ Viêt Nam.

Dự kiến đến năm 2030, Phú Quý sẽ đón 74.000 lượt khách (trong đó khách quốc tế khoảng 6.000 lượt), tốc độ tăng trưởng khoảng 10,46%/năm và tổng nguồn thu từ du lịch đạt khoảng 380 tỷ đồng/năm, giúp giải quyết việc làm cho trên 2.000 lao động…

Ông Bùi Thế Nhân, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quý cho biết, để du lịch Phú Quý phát triển bền vững và thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ tập trung triển khai thực hiện các giải pháp phát triển một cách đồng bộ và hiệu quả.

Huyện sẽ chú trọng bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên tự nhiên và nhân văn, giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương; đảm bảo môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh, chất lượng dịch vụ du lịch luôn đảm bảo và từng bước nâng cao.

Để khai thác hiệu quả bền vững kinh tế biển và phù hợp với Chiến lược Biển Việt Nam trong thời gian tới, Phú Quý đã đề ra các chính sách để huy động tối đa các nguồn vốn đầu tư hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế biển đảo.

Trọng tâm là tập trung cải tiến, nâng cấp năng lực tàu thuyền theo hướng hiện đại, phù hợp với xu thế mới, xác định ngư trường trọng điểm và hải sản khai thác chủ lực, đổi mới và nâng cao năng lực dịch vụ trên biển.

Huyện cũng xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hải đặc sản Phú Quý; nâng cao giá trị gia tăng của hải sản sau khai thác, đẩy mạnh xuất khẩu. Với mục tiêu đó, huyện quy hoạch, mở rộng, đổi mới và nâng cao chất lượng nuôi trồng hải sản trên biển…

UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã quy hoạch xây dựng và phát triển mạnh khu kinh tế huyện đảo Phú Quý. Theo đó, tập trung xây dựng huyện đảo trở thành trung tâm khai thác, bảo quản, chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá và là trung tâm cứu hộ, cứu nạn của khu vực Nam Trung Bộ.

Tỉnh tập trung vận động, kêu gọi đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp Phú Quý, các công trình hạ tầng thương mại theo quy hoạch được phê duyệt nhằm thu hút đầu tư mới và di dời các cơ sở chế biến trong khu dân cư vào cụm công nghiệp tập trung…

Trong tương lai không xa, Phú Quý sẽ trở thành trung tâm dịch vụ nghề cá, chế biến hải sản xuất khẩu, đóng mới và sửa chữa tàu thuyền…

Tuy vẫn còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng phải thấy rằng những gì đã đạt được trong những năm qua là sự cố gắng hết mình, là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của Đảng bộ và nhân dân huyện đảo đã gắn bó, đã yêu thương mảnh đất này như máu thịt.

Những thành tựu đó là nền tảng, là cơ sở vững chắc để nhân dân Phú Quý tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu phát triển huyện đảo trong tương lai.

Theo Nguyễn Thanh (TTXVN)