"Theo chân Bác"...

Kỳ cuối: "Nhắc mãi tên Người: Hồ Chí Minh"

Cập nhật, 12:23, Thứ Năm, 21/05/2020 (GMT+7)

 

130 năm trước, cậu bé Nguyễn Sinh Cung cất tiếng khóc chào đời trên quê hương xứ Nghệ. Từ làng quê nghèo hiếu học với tình thương của mẹ, với hoài bão của cha, Người bước đi tạo nên sự nghiệp lớn, làm rạng danh quê hương, đất nước.

Tháng 5 về Nghệ An “Theo chân Bác”, để những cảm xúc và câu chuyện về Người lưu dấu trong tim. Nhắc mãi tên Người, chúng tôi được thôi thúc thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, viết tiếp những ước vọng của Người, phấn đấu vì Tổ quốc, dân tộc, quê hương Việt Nam mến yêu!

Mỗi lần đi ngang tượng đài của Bác, ông Nguyễn Ngọc Tư tháo nón, cúi đầu tưởng nhớ người con vĩ đại của quê hương Nghệ An.
Mỗi lần đi ngang tượng đài của Bác, ông Nguyễn Ngọc Tư tháo nón, cúi đầu tưởng nhớ người con vĩ đại của quê hương Nghệ An.

“Bác Hồ trong trái tim tôi”

Sáng sớm ở TP Vinh, Quảng trường Hồ Chí Minh tập trung khá đông người dân chạy bộ, tập thể dục, hít thở không khí trong lành. Trời hửng nắng, chú Nguyễn Ngọc Tư (phường Trường Thi) hoàn thành vòng đi bộ quanh quảng trường, chú đội nón cối che nắng đi về. Như thường lệ đi ngang tượng đài của Bác, chú Tư tháo nón, cúi đầu, rồi mới về nhà.

Chú Nguyễn Ngọc Tư chia sẻ: “Ngày trước tôi là bộ đội, trong cuộc đời có 2 lần được nhìn Bác từ rất xa. Lúc quân đội tiếp quản Thủ đô và lúc Bác về Nghệ An nói chuyện với người dân quê hương ở cổng thành Vinh. Sinh thời, Người dành tình cảm đặc biệt và rất quan tâm anh em chiến sĩ, bộ đội và mỗi chúng tôi cũng dành vị trí đặc biệt trong lòng hướng về Bác, không chỉ trong lúc gian nan chiến đấu mà cho đến ngày hôm nay. Không phải chỉ mình tôi đâu, mỗi ngày qua đây, người dân cũng nghiêng nón chào Bác, chấp tay khấn nguyện một điều gì đó”.

Trong tim mỗi người, tình cảm và những lời nhắn gửi của vị lãnh tụ trong lòng dân chưa bao giờ phai nhạt.

Về thăm làng Kim Liên lần này, có thể hiểu hơn cuộc đời và những bài học sâu sắc của Bác, chúng tôi thật xúc động với những lời thuyết minh giọng Nghệ An truyền cảm của chị Nguyễn Kim Thanh. Khi chia tay chị Thanh, chúng tôi mới biết, chị là con gái của ông Nguyễn Bá Hòe- nguyên giám đốc 15 năm quản lý Khu di tích Kim Liên.

Chị cười tươi, chia sẻ: “Cả cuộc đời bố dành hết tình cảm và tâm huyết cho khu di tích, tài sản lớn nhất ông để lại cho chúng tôi là nguồn tư liệu và lòng yêu kính vô cùng dành cho Bác. Như lẽ tự nhiên thôi, tôi cũng yêu và gắn bó với Kim Liên đã hơn 10 năm”.

Trong cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Bá Hòe trước đó, ông đã nói: “Sinh ra được sống trong độc lập, tự do, học dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, sau này khi ra trường được về công tác tại quê hương Nghệ An, không những riêng tôi mà những người con Kim Liên đều dành tình cảm sâu nặng, biết ơn công lao to lớn của Bác. Tôi ấn tượng nhất về câu chuyện khi Bác nói với các cụ lão thành cách mạng: “Thế hệ ta là thế hệ lấp đường, thế hệ con cháu ta thẳng xe mà tiến”.

Đó là trách nhiệm của thế hệ hôm nay. Thế hệ tôi và mãi về sau sẽ luôn đau đáu làm thế nào để công tác tốt, có thể góp một phần nhỏ xây dựng quê hương, để sau này con cháu mình phát triển tốt hơn, xứng đáng là con cháu Bác Hồ”.

Truyền lửa yêu thương và truyền tải những bài học quý giá của Bác đến người dân muôn phương, ông Nguyễn Bá Hòe và con gái tự hào được góp phần xây dựng Tổ quốc này, xây dựng quê hương này.

Bùi Huy Bích đã từng nói về khí hậu Nghệ An bằng mấy câu thơ “Hè đến gió Lào như thổi lửa/Thu qua mưa phùn lấm tấm sa/ Tháng mười sông còn tràn nước lũ/ Mồng chín tháng chín cúc chưa hoa”.

Vùng đất thiên nhiên khắc nghiệt đã một phần hình thành nên tính cách khí khái, cứng cỏi của người xứ Nghệ. Nơi đây hội tụ của hồn thiêng sông núi biển rừng, sinh ra những bậc vĩ nhân của dân tộc như An Dương Vương, Mai Hắc Đế, Quang Trung- Nguyễn Huệ, La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, Phan Bội Châu, Lê Hồng Phong,… và đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh- Bác Hồ kính yêu của chúng ta.

Trong vùng sông Lam, núi Hồng ấy còn sản sinh ra đại thi hào Nguyễn Du, nhà thơ Hồ Xuân Hương làm rạng rỡ tinh hoa Việt Nam. Một lần về thăm Nghệ An mới thấm thía tự hào trang sử của dân tộc, tự hào được sinh ra trên mảnh đất hình chữ S. Trước bề dày truyền thống, tâm huyết và lòng yêu nước của các bậc tiền nhân, lớp hậu thế chúng tôi tự nhủ mình, phải nỗ lực, cố gắng hết sức để gìn giữ và phát huy nó.

“Trông cây lại nhớ đến Người”

Hình bóng Bác Hồ kính yêu, ngọn lửa ý chí, tinh thần và lối sống giản dị, chân tình của Người luôn sống mãi trong ký ức những người từng gặp Bác. Chuyến thăm Nghệ An lần này, chúng tôi đã gặp được một nhân vật đặc biệt đã từng 3 lần gặp Bác.

Cuối năm 1961, Bác Hồ về thăm quê lần thứ 2, Đoàn Văn công Nghệ An biểu diễn cho Bác xem, khi mới 19 tuổi, Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Song Thao lần đầu được gặp Bác. “Tôi rất xúc động, đứng trong cánh gà cứ nhìn ra để thấy Bác rõ hơn. Khi đoàn biểu diễn xong rồi, anh chị em nghệ sĩ vẫn đang đứng trên sân khấu, Bác ở dưới sân khấu cầm một giỏ kẹo đi lên phát cho từng người một”- NSƯT Song Thao cảm động nhớ lại.

Lần thứ hai NSƯT Song Thao được gặp Bác ở Hà Nội vào năm 1965, khi cô dự Liên hoan Tiếng hát chống Mỹ cứu nước. “Chúng tôi cùng Bác xem “đèn chiếu” các đoạn phim ngắn về miền núi. Xem xong, Bác hỏi thăm từng người, quê quán ở đâu, công việc thế nào”.

Một điều bất ngờ với NSƯT Song Thao là khi Bác hỏi: “Cháu người ở mô?”, cô Thao trả lời thật to: “Dạ, cháu quê Nghệ An”- những tưởng Bác sẽ “ưu ái” hơn, nhưng ngờ đâu Bác trả lời: “À các cháu đều là con cháu Bác cả nhỉ”. Thế mới thấy sự vĩ đại mà dung dị của con người Hồ Chí Minh, Bác không muốn những người có mặt hôm đó chạnh lòng khi Bác có ý ưu ái hơn đối với bất cứ ai- NSƯT Song Thao chia sẻ.

Vào cuối năm 1965, sau khi tham gia Liên hoan Tiếng hát chống Mỹ cứu nước xong, Đoàn Nghệ An và Hà Tĩnh ở lại biểu diễn phục vụ cho nhân dân Hà Nội và vinh dự được chọn vào Phủ Chủ tịch hát cho Bác nghe.

Trong câu chuyện vui cùng anh chị em nghệ sĩ, Bác kể về thuở ấu thơ, Người lớn lên với những câu hát phường vải, phường nón của mẹ, của dì và vào những đêm hội làng, cũng vì thế mà Bác yêu câu hò, điệu ví quê nhà. Cho đến trước lúc mất, Người cũng muốn nghe tiếng hát quê hương. “Bất chợt Bác quay sang nói với tôi: “Lúc nãy cháu hát là “nước sông Lam” nhưng ngày xưa các cụ nói là “nác sông Lam” đó cháu ạ!”  Tôi bất ngờ và vô cùng xúc động”- nghệ sĩ Song Thao bồi hồi.

NSƯT Song Thao là người đầu tiên thể hiện ca khúc “Trông cây lại nhớ đến Người”. Hơn 50 năm trôi qua nhưng bà vẫn rơi nước mắt kể lại: “Đó là tháng 9/1969, chúng tôi đi tập huấn ở Hà Nội, hy vọng được gặp Bác Hồ lần nữa nhưng đau buồn nhận tin Bác mất. Quá đột ngột, tất cả đều bật khóc, ai cũng mang tâm trạng buồn thương như vừa mất đi một người thân yêu ruột thịt của mình.

Đúng lúc này, bài hát “Trông cây lại nhớ đến Người” được nhạc sĩ Đỗ Nhuận cải biên từ làn điệu dân ca “Giận mà thương” của Nghệ Tĩnh vừa hoàn thành. Chúng tôi chỉ có 15 phút để luyện tập, sau đó thu âm phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam”. Những ngày tháng 9 năm ấy, tại Quảng trường Ba Đình, câu hát hòa cùng dòng nước mắt của các đoàn khách quốc tế và nhân dân vào viếng Người.

Tiếp nối tình yêu của bố dành cho Kim Liên, chị Nguyễn Kim Thanh tự hào kể tiếp câu chuyện về cuộc đời vĩ đại của Bác.
Tiếp nối tình yêu của bố dành cho Kim Liên, chị Nguyễn Kim Thanh tự hào kể tiếp câu chuyện về cuộc đời vĩ đại của Bác.

Gần 80 tuổi, giọng hát của bà vẫn còn cao vút, ngọt ngào thay lời thương nhớ người Cha già vĩ đại của dân tộc: “Ai ơi… chứ trông cây, tôi lại nhớ Người. Rừng bao nhiêu cây mọc thì tôi ơn Người bấy nhiêu… Ai ơi, chứ còn non còn nước còn Người… Lòng dân ta xứ Nghệ càng nhớ những lời Bác răn…”

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng ta, dân tộc ta, nhân dân ta và bạn bè quốc tế. Tên tuổi và sự nghiệp của Người còn mãi với non sông đất nước ta, sống mãi trong lòng dân tộc ta và trong trái tim nhân loại. Người để lại cho Đảng ta, nhân dân ta, các thế hệ hôm nay và mai sau một di sản tư tưởng vô cùng quý báu, một tấm gương đạo đức và phong cách, lối sống hết sức sáng ngời”.

Ở Nam Đàn, ao nối ao, sen thơm suốt dọc đường, mùa sen tháng 5 về thăm quê Bác, con được hiểu thêm về Người. “Theo chân Bác”, chúng con tự hào là con cháu của Bác, được tiếp thêm sức mạnh thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, xây dựng đất nước ta “ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong muốn của Người. Mỗi nỗ lực của thế hệ hôm nay, xin được là đài sen dâng lên Bác!

Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY