"Theo chân Bác"...

Cập nhật, 08:35, Thứ Bảy, 16/05/2020 (GMT+7)

Từ miền Nam, chúng tôi vượt ngàn cây số ra thăm Nghệ An vào đúng dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Bác. Nắng tháng 5 vàng như rót mật, dẫn lối vào ngôi nhà tuổi thơ của Bác. Mỗi kỷ vật, mỗi góc nhà, chái bếp, hàng hiên đều có bóng dáng của Người. Chúng tôi thấm thía, hạnh phúc trong mỗi khoảnh khắc, phút giây tiếp cận, lắng nghe những bài học, những câu chuyện về Bác Hồ vô vàn kính yêu.

Chúng tôi “Theo chân Bác” trong cuộc tiếp nối không ngừng nghỉ học theo Người, như cả đất nước này, cả dân tộc này đã đi theo Người, đi theo Đảng để làm nên những trang sử vàng chấn động năm châu. Những giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, như ngọn đuốc soi đường cho dân tộc tiến lên, trường tồn mãi đến muôn đời sau.

Kỳ 1: Từ làng Sen

Ngôi nhà nhỏ 3 gian ở làng Hoàng Trù là nơi Bác Hồ cất tiếng khóc chào đời.
Ngôi nhà nhỏ 3 gian ở làng Hoàng Trù là nơi Bác Hồ cất tiếng khóc chào đời.

Từ TP Vinh, chúng tôi chỉ có 2 ngày rong ruổi ở Nam Đàn để tìm kiếm câu chuyện tuổi thơ của Bác. Những người con đất Việt về đây sẽ thấy nỗi xúc động kỳ lạ bởi mỗi góc nhà, mỗi nhành cây, ngọn cỏ đều còn đọng lại hơi ấm của Người.

Những bài học giản dị được viết nên từ sự hy sinh thầm lặng và tình cảm sâu nặng của Bác và các thành viên trong gia đình với quê hương. Lời ru, câu hát quê hương đã theo Nguyễn Sinh Cung từ thuở lọt lòng cho tới trước lúc đi xa: “À ơi, con ơi mẹ dặn câu này/ Chăm lo đèn sách cho tày áo cơm/ Làm người đói sạch rách thơm /Công danh phủi nhẹ, nước non phải đền”.

Câu chuyện kể từ làng Sen

Làng Sen quê nội và làng Hoàng Trù quê ngoại của Bác mùa này thơm ngát hương sen. Chậm rãi dẫn chúng tôi băng qua lũy tre, qua hàng dâm bụt, luống rau xanh rì, chị Nguyễn Kim Thanh cất giọng nói truyền cảm của người dân xứ Nghệ giới thiệu mái cỏ tranh nhà Bác và những kỷ vật.

Án thư nơi cụ Nguyễn Sinh Sắc thường dạy các con học vẫn còn. Có chiếc khung cửi- nơi người mẹ Hoàng Thị Loan tảo tần cả đời vì chồng vì con ngồi dệt vải. Phản gỗ là nơi các nhà nho yêu nước thường đến bàn chuyện thời cuộc nước nhà với cụ Nguyễn Sinh Sắc. Chiếc rương gỗ vẫn ở nguyên vị trí mà trước đây cậu bé Nguyễn Sinh Cung chập chững, vịn tay vào mép rương bước ra chỗ cha đọc sách…

Đường về quê Bác mùa này ngát hương sen, đẹp như một bức tranh yên bình, như chính tâm hồn của người dân nơi đây.
Đường về quê Bác mùa này ngát hương sen, đẹp như một bức tranh yên bình, như chính tâm hồn của người dân nơi đây.

Thân sinh của Bác- cụ Nguyễn Sinh Sắc- mồ côi cả cha lẫn mẹ, lúc nhỏ ở với anh, phải chịu nhiều vất vả, thiệt thòi. Có tài, có chí, thông minh, hiếu học mà không được học, bước đầu cảm thấy ít nhiều bất công trong xã hội, hình thành quyết chí học tập, vươn lên, mong thoát khỏi khổ.

Cậu bé Nguyễn Sinh Sắc hiếu học nên được ông đồ làng Hoàng Trù tên Hoàng Xuân Đường mang về nuôi. Với tư tưởng tiến bộ, cụ Hoàng Xuân Đường đã tác thành Nguyễn Sinh Sắc với con gái đầu lòng của mình là Hoàng Thị Loan.

Nguyễn Sinh Sắc có ý chí vươn lên với tinh thần khổ học, 2 lần thi Hương, 3 lần thi Hội đưa cả gia đình vào Huế vừa lo kế sinh nhai vừa lo học, sinh con vẫn thi, vợ chết vẫn thi. Quyết tâm sắt đá của ông để đạt được mục tiêu đã trở thành tấm gương sáng cho con cái noi theo.

Nguyễn Sinh Sắc có điều kiện đi sâu vào cuộc sống của nhân dân, tiếp xúc với nhiều sĩ phu yêu nước (Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý)… Những ngày còn thơ ấu, Bác đã theo cha đến thăm cụ Phan, được nghe các bậc cha chú luận bàn việc nước.

Lòng yêu nước, thương dân, sự tỉnh táo trong cách nhìn thời cuộc của Nguyễn Sinh Sắc đã có ảnh hưởng sâu sắc đến Bác. Thuyết “Nước là dân, yêu nước là yêu dân... chủ trương lấy dân làm hậu thuẫn cho tất cả các phong trào cải cách chính trị hay xã hội” của cụ Phó Bảng đã thấm vào Nguyễn Ái Quốc từ lúc còn thơ.

Tại TP Vinh, chúng tôi tìm gặp nhà văn Nguyễn Thế Quang. Với tác phẩm “Khúc hát những dòng sông”, ông đã được tặng giải C trong cuộc thi sáng tác những tác phẩm văn học nghệ thuật chủ đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Cảm phục trước hình ảnh người mẹ của Bác- cụ bà Hoàng Thị Loan- nhà văn đã dành 2 năm ở Nghệ An và đi đi về về ở Huế tìm kiếm tư liệu, gặp gỡ những nhà nghiên cứu để tìm hiểu thêm về cuộc đời của cụ bà.

Tiểu thuyết “Khúc hát những dòng sông” tái hiện lại quãng đời ngắn ngủi của bà Hoàng Thị Loan, kể từ khi bà ở quê nhà, khi bà gồng gánh đưa con theo chồng vào kinh thành Huế dệt vải nuôi chồng, nuôi con đến khi qua đời ở tuổi 33. Bà đã đưa Nguyễn Sinh Cung từ làng Kim Liên đến kinh thành Huế, từ trường làng đến trường nước để Nguyễn Sinh Cung trưởng thành.

Để rồi, từ sông Lam, Nguyễn Sinh Cung đến sông Hương, từ sông Hương đến sông Sài Gòn và sang sông Seine tìm được con đường cứu nước.

Nhà văn Nguyễn Thế Quang cho biết: “Tôi nghĩ rằng để hình thành nên nhân cách cao đẹp của Hồ Chí Minh thì vai trò của người mẹ vô cùng quan trọng. Bởi vì cha ông đã nói rằng “Đức hiền tại mẫu”. Và Hồ Chí Minh đã có khoảng thời gian 10 năm liên tục sống với người mẹ của mình. Cốt cách cứng cỏi và đức hy sinh vô bờ bến ảnh hưởng rất lớn đến Hồ Chí Minh sau này”.

“Núi Chung khí vượng sinh hào kiệt”

Ở giữa huyện Nam Đàn, từ bao đời nay đã mọc lên một ngọn núi đất, gọi là núi Chung, với 3 đỉnh tạo thành chữ “Vương”, là điều cực hiếm. Danh sĩ La sơn phu tử Nguyễn Thiếp- người quân sư tài ba của hoàng đế Quang Trung- đã có lời vịnh ngọn núi này: “Chung sơn tam đỉnh hình vương tự/ Kế thế anh hùng vượng tử tôn”.

Ông Nguyễn Bá Hòe- nguyên Giám đốc 15 năm quản lý Khu di tích Kim Liên- giải thích: “Trên đỉnh núi Chung được truyền tụng 2 câu thơ trên, nghĩa là: Trên đỉnh núi Chung này là hình chữ vua, kế thế anh hùng là từ thời này đến thời sau kế tục sự nghiệp của cha ông làm rạng danh cho đất nước”.

Những kỷ vật trong ngôi nhà Bác và câu chuyện thuở thơ ấu của Người là bài học giáo dục thế hệ mai sau.
Những kỷ vật trong ngôi nhà Bác và câu chuyện thuở thơ ấu của Người là bài học giáo dục thế hệ mai sau.

Thuở niên thiếu, Nguyễn Sinh Cung hay lên núi Chung chăn trâu, thả diều, đánh trận giả. Cậu bé Nguyễn Sinh Cung thường lên thăm đền Thánh Cả, cùng các bạn ôn lại trang sử hào hùng của dân tộc, hun đúc thêm tinh thần yêu quê hương đất nước và ý chí cứu nước, cứu dân.

Chùa Đạt nằm trên đỉnh của núi Chung là nơi các sĩ phu yêu nước đầu thế kỷ XX thường tổ chức họp kín bàn chuyện cứu nước, bình thơ văn. Nhà dưỡng tăng là nơi thầy đồ Trần Thân dạy học và Nguyễn Sinh Cung có những ngày tháng ngồi học ở đây. Văn hóa Phật giáo và văn hóa truyền thống dân tộc cũng đã thấm sâu vào tâm hồn Bác, trong những buổi thăm vãn cảnh chùa Đạt, đền Thánh Cả.

Những ngày đầu tháng 5 này, không khí trên đỉnh núi Chung vô cùng nhộn nhịp bởi hàng chục người đang ráo riết hoàn thành công trình đền thờ các cụ thân sinh và anh chị em ruột của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Được khởi công từ năm 2012, công trình khánh thành vào ngày 16/5 năm nay nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Bác.

 

Trên đỉnh núi Chung, đền thờ các cụ thân sinh và anh chị em ruột trong gia đình Bác đang được ráo riết thi công để hoàn thành nhân dịp 130 năm ngày sinh nhật Bác.
Trên đỉnh núi Chung, đền thờ các cụ thân sinh và anh chị em ruột trong gia đình Bác đang được ráo riết thi công để hoàn thành nhân dịp 130 năm ngày sinh nhật Bác.

Anh Trần Đức Hùng- nghệ nhân đến từ Hà Nội- chia sẻ: “Chúng tôi đã nhận thi công nội thất cho ngôi đền, miệt mài trong 1 năm. Những ngày này, 40 anh em làm cả ngày lẫn đêm, các chi tiết sơn son thếp vàng… làm hoàn toàn bằng thủ công thật trau chuốt.

Nội thất có thể nói là trái tim của ngôi đền, chúng tôi rất vinh dự được đem khả năng, tay nghề của người thợ thực hiện công trình tại quê hương của Bác Hồ. Trong cuộc đời 20 năm làm nghề, đây là điều tự hào khó mà quên được vì vừa được thể hiện tay nghề mà cũng vừa gửi gắm tình cảm của người con Việt Nam dành cho Bác”.

Điều chúng tôi ấn tượng nhất ở ngôi đền là những câu đối được chạm khắc tinh xảo. Trong đó có câu: “Non lĩnh mây lành xuất vĩ nhân- Núi Chung khí vượng sinh hào kiệt”. Trên đất Nam Đàn này, “từ làng Sen có một người trai chí lớn, mang lý tưởng cách mạng giải phóng quê hương. Ra đi tìm khắp muôn phương, đường đi cho cả dân tộc…

Từ làng Sen đã tỏa làn hương thơm ngát, buông mát tên thanh bạch Hồ Chí Minh. Một lần rạng rỡ non ngời, mà non sông vẫn muôn thuở. Ngàn đời mà không phai…” (Trích “Từ làng Sen”- Phạm Tuyên)

Chúng tôi “Theo chân Bác” đến mỗi ngọn núi, mỗi khúc sông, mỗi xóm làng, mỗi thửa ruộng, mỗi đoạn đường… để nhìn thấy dấu vết lịch sử chồng chất lên nhau tạo thành một bề dày truyền thống ẩn sau những hiện đại đương thời. “Theo chân Bác” mới thấm thía nghĩa tình mà Người dành cho non nước này và các thế hệ người dân Nghệ An đã tự hào, tin yêu, cố gắng đến dường nào để tiếp nối những gì bậc tiền nhân đã dày công vun đắp.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY

(Còn tiếp)