Lặng nghe "Thu hát cho người"!

Cập nhật, 12:13, Chủ Nhật, 10/05/2020 (GMT+7)

Một sáng nghe tin anh Vũ Đức Sao Biển qua đời, chợt nghe tim mình thắt lại. Với tôi, anh là cây bút lớn, đa tài trên nhiều lĩnh vực từ làm báo, nghiên cứu, khảo cứu, khảo luận và viết nhạc. 

Một người con xứ Quảng, anh lại quá nổi tiếng với những bài hát mang giai điệu phương Nam; nhưng riêng tôi, chỉ với “Thu hát cho người”, Vũ Đức Sao Biển đã là một nhạc sĩ lớn, đáng trân trọng.

Vũ Đức Sao Biển qua đời ở tuổi 72. Nguồn: ngoisao.vn
Vũ Đức Sao Biển qua đời ở tuổi 72. Nguồn: ngoisao.vn

Giai điệu da diết, vời vợi mang nỗi buồn “sang trọng” không ủy mị, sướt mướt, tôi lại lặng nghe Cao Minh hát, như những lời tiễn đưa “Hoàng hạc” bay về với bến mơ.

Hoàng hạc đã một đi không trở lại. Bao nhiêu kỷ niệm ùa về của một thời không xa lắm. Thôi thì lẩm nhẩm những ca từ, những giọt đàn thong thả mà như nặng đầy chất chứa của Cao Minh và nhớ góc phố, những giọt cà phê như đong đếm đợi chờ.

Cái quán cà phê trên đường Nơ Trang Long (TP Hồ Chí Minh) của anh Cao Minh thời ấy chưa nổi tiếng đâu và khá ít khách, sân vườn rộng nên càng vắng vẻ, lại khá “cũ kỹ” không hợp thời của mấy chiếc xe cổ cổ, cà tàng là thú đam mê sưu tầm của ca sĩ.

Ở đó, lại rất hợp cảnh, hợp tình mỗi khi nghe Cao Minh ôm đàn ghi ta thả từng giọt, từng giọt buồn của “Thu hát cho người”. Không cần sự ồn ào của nhạc khí, không cần những bản hòa âm kỳ công, cần sự tĩnh lặng để lắng lại, để thắm từng lời ca, để rồi vút cao và để hồn ta bay theo giai điệu bài hát, trở về với chốn xa nào…

Nhớ cái quán cóc vỉa hè trên đường Cống Quỳnh (TP Hồ Chí Minh), nơi có trụ sở cũ của Báo Thanh Niên, sáng sáng mấy anh em tập hợp cà phê rất vui. Anh Vũ Đức Sao Biển cũng sà vào cùng mấy bạn trẻ cũng chuyện trò rôm rả, cũng góp vui tếu táo, thỉnh thoảng lại cười cười, trầm ngâm nghĩ ngợi, nhưng anh chưa bao giờ xa cách, lúc nào cũng gần gũi, thân tình và chân tình.

Đó là lúc chuyên trang do Đồ Bì (bút danh của anh Vũ Đức Sao Biển) phụ trách, đã tạo nên sự cuốn hút đối với nhiều bạn đọc; nhưng nếu có thời giờ rảnh rỗi, ai “khều” trúng chỗ ngứa kiếm hiệp thì Đồ Bì có thể nói một ngày chưa thấy đã.

Mà thực sự, có ai dù một thời “nghiền nát” truyện Kim Dung, mà khi nghe anh nói về Kim Dung mới thấy một sự cần thiết phải… đọc lại truyện Kim Dung. Một vốn kiến thức sâu rộng và nền tảng chữ nghĩa thâm sâu giúp anh khai phá nhiều góc nhìn độc đáo, mới lạ của truyện Tàu.

Tôi rất quý anh ở chỗ luôn luôn sẵn sàng chỉ giúp không nề hà. Cái thời đi làm nghề hướng dẫn du lịch tiếng Nhật, chữ nghĩa không được bao nhiêu, vốn tiếng Hán của 4 năm Đại học Tổng hợp Văn cũng “trả về” cho sư phụ, vốn Kanji (Hán tự của Nhật ngữ) thì chưa học được tới nơi, tới chốn; khổ cái Báo Thanh Niên thời đó có một cộng tác viên đặc biệt- chị Hashiba Michiko- lại thường xuyên gửi bài.

Có khi 1 câu trong bài báo mà Michiko phải ngồi giải thích cả buổi vẫn không hiểu. Thời đó, những câu Kanji cổ, những thành ngữ chơi chữ thâm sâu trong văn hóa Nhật Bản, tôi lại mò tới cái quán cóc trên đường Cống Quỳnh nhờ anh Đồ Bì chỉ giáo. Chưa bao giờ thấy anh khó chịu, luôn vui vẻ và cũng chưa bao giờ những chữ nghĩa làm khó anh Đồ Bì.

Michiko rất quý và thường nhắc đến anh mỗi khi nhắc đến Báo Thanh Niên và một số người bạn khác. Đó cũng chính là cái cớ, để tôi quyết tâm tìm cơ hội học thêm chút đỉnh chữ nghĩa cho nó căn cơ hơn, học để bớt dốt, không để làm gì. Trong thâm tâm tôi, anh Vũ Đức Sao Biển cũng là một người thầy khiêm tốn.

Đầu những năm 2000, có một chị Việt kiều bên Mỹ thường xuyên về chơi, có lẽ vì quá mê “Thu hát cho người”, chị… tự nhận mình là người trong “bến mơ” và mong mỏi được gặp tác giả bài hát.

Khoảng năm 2005 chị về nước, tôi có kết nối cho “hai người” gặp nhau, lúc đó anh Vũ Đức Sao Biển đang công tác ở Báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh; đó là khoảng thời gian nghe nói có lúc anh cũng bị bệnh nặng. Sau nhiều lần lỡ hẹn, khi khỏe lại anh đã rất vui vẻ, sẵn lòng gặp fan hâm mộ của “Thu hát cho người”.

Có những lúc chúng ta cần niềm tin mà không cần thiết “đi đến cùng” sự thật, nếu niềm tin đó kết nối sự chân thành, kết nối những tri kỷ, tri âm. Cũng như có lần cà phê, tôi hỏi anh thiệt lòng: “Cái bài “Thu hát cho người”, hay thì khỏi nói rồi đó, mà có mấy chỗ em không hiểu nha”. Anh cười cười: “Thấy hay được rồi, biết rõ chi mi!”

Xin phép ghi chép vài kỷ niệm rất nhỏ đối với anh, nhưng là những cột mốc đáng nhớ đối với riêng tôi. Một sự cảm nhận sâu sắc những cảm xúc chân thành từ “Thu hát cho người”, một sự tri ân những chữ nghĩa rất quan trọng đã được lĩnh hội từ anh và cả những công trình khá hay anh để lại cho đời. Ngậm ngùi vĩnh biệt anh, mong “Hoàng hạc” sẽ về được bến mơ dù mãi mãi hạc vàng không bao giờ quay trở lại!

NGỌC TRẢNG