"Những anh hùng vô danh" noi theo Bác không chỉ dạy tốt, là gương tốt cho bao thế hệ học trò, các thầy cô mà còn là những người không ngừng học hỏi, sáng tạo để nâng cao trình độ năng lực và phấn đấu không ngừng vì mục tiêu chung "bồi dưỡng nhân lực, đào tạo nhân tài".
Sinh thời, Bác Hồ cho rằng: “Người thầy giáo tốt là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không có trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”.
“Những anh hùng vô danh” noi theo Bác không chỉ dạy tốt, là gương tốt cho bao thế hệ học trò, các thầy cô mà còn là những người không ngừng học hỏi, sáng tạo để nâng cao trình độ năng lực và phấn đấu không ngừng vì mục tiêu chung “bồi dưỡng nhân lực, đào tạo nhân tài”.
Dù ở độ tuổi nào và vị trí gì, các thầy cô vẫn tận tâm với nghề mình chọn vì như Bác Hồ nói “Nhiệm vụ thầy giáo rất vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục,… Không có giáo dục thì nói gì đến kinh tế, văn hóa”.
Kỳ 1: Người thầy 40 năm học hỏi và sáng tạo
Đối với thầy Tấn, việc nghiên cứu, học hỏi và dạy tin học là một niềm vui. |
Thầy Trần Ngọc Tấn- Phó Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ- Tin học Vĩnh Long, Trưởng Bộ môn Tin học- Sở GD- ĐT Vĩnh Long đã có 40 năm gắn bó với nghề giáo, 30 năm gắn bó với môn Tin học, cái ngành mà lúc thầy chọn nó, Vĩnh Long này không mấy người biết sử dụng máy vi tính. Để rồi sau bao nhiêu năm, thầy vẫn không ngừng viết ra những phần mềm mới, có ích cho học viên và trung tâm.
40 năm tận tụy với nghề
Vào ngành giáo dục năm 20 tuổi với chuyên ngành sư phạm Toán năm 1980- khoảng thời gian “lửa thử vàng” vì đồng lương giáo viên ít ỏi, nỗi lo cơm áo gạo tiền khiến nhiều người bỏ nghề- thầy Tấn vẫn đều đặn đến trường vì thương đám học trò như con em mình, không bỏ được.
Nhớ về khoảng thời gian đầu dạy học ở Trường THCS Song Phú B (Tam Bình), ngày 2 buổi đạp xe chạy đi chạy về hơn 40km, thầy Tấn cười: “Cực khổ nhưng vui vì học sinh quý mình, lương không đủ sống nhưng được phụ huynh và học sinh thương, cho cá mắm ăn không hết”.
Tình yêu nghề đã níu chân thầy với ngành giáo dục và trong bất kỳ vị trí hay cương vị nào thầy cũng không ngừng phấn đấu, cố gắng hết sức hoàn thành tốt nhất có thể nhiệm vụ của mình.
Đến năm 1990, thầy Tấn đi học để trở thành giáo viên Tin học. Cái duyên đưa thầy đến với tin học từ cái thuở “nhiều người chưa biết cái máy tính là cái gì”. Khi những bộ máy tính đầu tiên được chuyển về Vĩnh Long những năm 80 ở Trường CĐ Sư phạm Vĩnh Long, thầy được người bạn thân- thầy Thái- làm việc trong trường này giới thiệu về những bộ máy vi tính ấy.
Thầy Tấn đã thích ngay từ lần đầu tiên “xài thử”, đến năm 1990, ĐH Bách Khoa TP Hồ Chí Minh có mở ngành tin học thì thầy đi học. 30 năm gắn bó với công nghệ thông tin, thầy Tấn chưa bao giờ ngừng học để đáp ứng nhu cầu công nghệ ngày càng đổi mới.
Thầy Tấn chia sẻ: “Làm nghề gì cũng phải học thêm để đáp ứng nhu cầu công việc, tôi dạy tin học- một môn có thể nói là đổi mới từng ngày- nên tôi cũng phải học, nghiên cứu từng ngày để cung cấp kiến thức cho học trò mình”.
Với thầy Tấn, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không phải việc gì cao xa, mà cụ thể ở những việc mình làm hàng ngày. Có trách nhiệm với bản thân, với trung tâm và những công việc mình đang phụ trách “nói đi đôi với làm”.
Có lẽ vì vậy một ngày làm việc của thầy Tấn như dài hơn vì thầy không chỉ là Phó Giám đốc trung tâm kiêm giáo viên dạy tin học, thầy còn là Tổ trưởng Bộ môn Tin học của Sở GD- ĐT Vĩnh Long. Mái tóc đã chuyển màu hoa râm, trước đây mỗi cuối tuần thầy Tấn vẫn chạy 80km đi về Trà Ôn để dạy tin học. Bây giờ, mỗi tuần 3 buổi tối, thầy dạy ở Trường THCS và THPT Phú Quới (Long Hồ).
Miệt mài nghiên cứu và sáng tạo
Bước vào tuổi 60, thầy Tấn viết nhiều phần mềm cho Trung tâm Ngoại ngữ- Tin học Vĩnh Long. Trong đó, đáng kể nhất là phần mềm “Ôn tập và thi thử trắc nghiệm công nghệ thông tin” đã giúp Trung tâm Ngoại ngữ- Tin học Vĩnh Long trở thành trung tâm duy nhất ở tỉnh Vĩnh Long, trực thuộc Sở Giáo dục (trừ 3 trung tâm của 3 trường ĐH) được cấp chứng chỉ tin học.
Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ- Tin học Vĩnh Long Nguyễn Hoàng Phong cho rằng: “Những phần mềm thầy Tấn viết giúp ích rất nhiều cho trung tâm, từ việc quản lý và giảng dạy thuận tiện, nhanh chóng hơn đến việc ôn luyện và tổ chức thi. Phải có lòng với trung tâm lắm mới làm được vì nếu đem bán, phần mềm có giá vài chục triệu”.
Từ khảo sát nhu cầu của học viên, cần được hỗ trợ tự học và cần phần mềm tự học tại nhà, thầy Tấn đã biên soạn các phần mềm cơ bản và nâng cao với 2 chức năng: ôn tập và thi thử. Nhờ đó, học viên tránh được việc nhớ máy móc khi ôn tập, có thể thi thử tại nhà để rút kinh nghiệm cho bản thân. Tỷ lệ thi đậu phần trắc nghiệm của các lớp tin học do trung tâm giảng dạy từ 80% trở lên.
Thầy Tấn dành hầu hết thời gian cho công việc. |
Đối với các thầy cô giáo trong trung tâm, thầy Tấn là một tấm gương miệt mài sáng tạo. Cô Nguyễn Thị Ngọc Hạnh- Tổ trưởng Bộ môn Tiếng Anh của trung tâm- cho rằng: “Thầy Tấn là người cống hiến rất nhiều cho trung tâm, luôn dùng nhiệt huyết của mình giúp chúng tôi vững tin và cùng cố gắng xây dựng và phát triển trung tâm này. Một ngày thầy làm việc từ sáng đến chiều tối, thứ bảy, chủ nhật thầy cũng không nghỉ”.
Bằng cái tâm trong sáng, nghề thầy giáo không phải làm mục đích kinh tế thuần túy mà động cơ giáo dục gắn liền với mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể theo nhu cầu của xã hội, phải đáp ứng được lợi ích của nhân dân, vì sự mưu cầu hạnh phúc cho con người. Trung tâm Ngoại ngữ- Tin học Vĩnh Long đã trở thành đơn vị được phụ huynh tín nhiệm với hơn 1.200 học viên đang theo học.
Thầy Tấn luôn cho rằng: “Đối với trung tâm chúng tôi, việc dạy ngoại ngữ, tin học là thực hiện nhiệm vụ chính trị nhằm góp phần giúp nâng cao chất lượng nhân lực địa phương, không vì mục đích lợi nhuận. Chương trình học luôn được đổi mới đáp ứng nhu cầu học viên dựa trên thực tế xã hội”.
Người thầy ấy luôn là tấm gương không ngừng học tập để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, là tấm gương sáng cho học trò noi theo.
Trăn trở của thầy Tấn cũng như nhiều cán bộ, giáo viên của Trung tâm Ngoại ngữ- Tin học Vĩnh Long là có một cơ sở để giảng dạy, không phải thuê mướn như nhiều năm nay. Thầy Tấn nói: “Nhiều lần trung tâm đổi địa điểm cũng gây khó khăn cho người học, bên cạnh đó tiền thuê trụ sở, phòng ốc cũng là một khó khăn”.
Ông Nguyễn Hoàng Phong- Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ- Tin học Vĩnh Long cho rằng: Thầy Tấn là người rất tâm huyết với các hoạt động và luôn vì sự phát triển của trung tâm. Những phần mềm thu học phí, sát hạch,… thầy viết đã hỗ trợ trung tâm rất nhiều, giúp mọi việc nhanh chóng hơn và đặc biệt là giúp trung tâm được cấp chứng chỉ tin học. Thầy là người gắn bó, tận tụy, tận tình và sẵn sàng giúp đỡ những giáo viên trong trung tâm. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
(Còn tiếp)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin