36 giờ, vượt hơn 300 hải lý, tàu tiếp cận đảo Sơn Ca lúc bình minh. Mặt trời vừa nhô lên khỏi mặt biển, những tia nắng đầu tiên trong ngày lấp lánh theo từng con sóng rì rào vỗ bên mạn tàu. Biển mùa này êm ả như mời gọi người hậu phương nhanh chân lên đảo.
36 giờ, vượt hơn 300 hải lý, tàu tiếp cận đảo Sơn Ca lúc bình minh. Mặt trời vừa nhô lên khỏi mặt biển, những tia nắng đầu tiên trong ngày lấp lánh theo từng con sóng rì rào vỗ bên mạn tàu. Biển mùa này êm ả như mời gọi người hậu phương nhanh chân lên đảo.
Thả xuồng chuẩn bị đưa đoàn vào đảo Sơn Ca. |
Đảo nhỏ nên thơ
Bữa sáng diễn ra vội vã hơn, mọi người mặc áo phao chờ đến lượt lên xuồng nhỏ vào đảo. Từ xa, đã thấy màu xanh cây cối giữa mênh mông sóng nước, ở một góc đảo là ngọn hải đăng nhô lên cao. Xuồng đưa mọi người vào đảo theo từng đợt, đầu tiên là xuồng chở quà rồi đến xuồng chở phóng viên được ưu tiên theo.
Xuồng lần lượt đưa đoàn vào đảo Sơn Ca. |
Hoạt động đầu tiên khi đặt chân lên đảo là lễ chào cờ. Giữa trùng khơi, bài Quốc ca được mọi người hát vang. Trung úy Nguyễn Minh Sáng dõng dạc đọc 10 lời thề danh dự của Quân đội nhân dân Việt Nam, thể hiện ý chí, quyết tâm của người chiến sĩ hải quân sẵn sàng hy sinh để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Tiếp theo, đoàn đến đặt vòng hoa tưởng niệm và dâng hương tại tượng đài Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong khuôn viên rộng chừng 100m2, bức tượng Đại tướng uy nghiêm hướng về đất liền, phía sau là lá cờ Tổ quốc và hàng trăm hình ảnh nói về cuộc đời hoạt động cách mạng vẻ vang của Đại tướng cùng sự hình thành, lớn mạnh của Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng.
Theo Thượng tá Phạm Văn Thọ- Chính trị viên đảo Sơn Ca, khi hay tin Đại tướng mất, cán bộ, chiến sĩ đảo huy động 103 ngày công (tượng trưng cho tuổi thọ của Đại tướng) xây dựng nên khuôn viên này. Từ một bãi cát trắng khô cằn, nơi đây giờ đã là một công viên xanh mát.
Đất, hạt giống mang từ đất liền ra theo mỗi chuyến tàu, được anh em chiến sĩ chăm sóc, nâng niu như báu vật. Cây xanh ở đảo giờ rất phong phú, nào là tra, bàng vuông, phong ba, dừa và nhiều loại hoa đủ màu sắc, tô thắm thêm vẻ đẹp của đảo.
Chào cờ trên đảo Sơn Ca. |
Ở cuối đảo là chùa Sơn Linh, được thiết kế theo kiến trúc Bắc Bộ nhưng có thêm các hoa văn hình sóng biển. Ngôi chùa giữa biển khơi không chỉ đáp ứng đời sống tâm linh của người dân mà còn thể hiện niềm tin, khát vọng về cuộc sống hòa bình, hữu nghị.
Chiến sĩ Nguyễn Trương Nam Triều (huyện Ninh Hòa- Khánh Hòa) nói rất vui khi có bà con ở đất liền và kiều bào khắp nơi trên thế giới đến thăm. Triều vừa nhập ngũ hồi đầu năm và được phân công ra đảo làm nhiệm vụ.
“Ở đây anh em chiến sĩ đến từ mọi miền Tổ quốc, cùng trang lứa và yêu biển, đảo như chính nơi mình sinh ra. Được ra đây làm nhiệm vụ, em sẽ phấn đấu thật nhiều để xứng đáng là người chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng”- chiến sĩ Triều nói quyết tâm.
Nước mắt giữa trùng khơi
Rời Sơn Ca, tàu tiếp tục hành trình đến Sinh Tồn Đông, sau đó thả neo tại cụm đảo Sinh Tồn, Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma để tổ chức lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh khi bảo vệ biển đảo.
Trong không gian tĩnh lặng của biển cả, khi hoàng hôn vừa buông xuống, những giọt nước mắt lặng lẽ rơi. Nơi đây, hơn 30 năm trước, vào ngày 14/3/1988, đã diễn ra cuộc chiến đấu anh dũng của chiến sĩ hải quân chống lại kẻ thù để bảo vệ chủ quyền biển đảo thân yêu của Tổ quốc.
Trong lịch sử ngàn năm của dân tộc, biển đảo luôn có vị trí chiến lược, là một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Theo suốt chiều dài lịch sử, các thế hệ người Việt Nam đã đổ biết bao mồ hôi và nước mắt để xác lập, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển Đông, trong đó có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Nhưng ngày 14/3/1988, Trung Quốc bất ngờ, ngang nhiên tấn công, bắn chìm, bắn cháy 3 tàu vận tải, đánh chiếm một số bãi đá ngầm của ta.
Chấp hành nghiêm mệnh lệnh của cấp trên, cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã kiềm chế đến mức tối đa, tránh sự khiêu khích, đối đầu, giữ vững nguyên tắc, đường lối đối ngoại của Đảng, không dùng vũ lực để giải quyết vấn đề tranh chấp.
Dẫu biết rằng có thể hy sinh nhưng trước sự đe dọa, hành động dã man của quân thù, các anh đã không hề run sợ, quyết không lùi bước, dũng cảm, ngoan cường, chiến đấu và hy sinh.
Từ cuộc chiến đấu anh dũng đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng ngời trong chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đó là cán bộ, chiến sĩ tàu HQ 505, HQ 604, HQ 605 thuộc Lữ đoàn 125, Lữ đoàn 146 và Trung đoàn Công binh 83.
Hay câu chuyện về Trung tá Trần Đức Thông- Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Đại úy Vũ Phi Trừ- Thuyền trưởng tàu HQ 604, Thiếu úy Trần Văn Phương- Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma.
Trước sự tấn công của kẻ thù, Thiếu úy Trần Văn Phương đã bình tĩnh, dũng cảm chiến đấu và trước lúc hy sinh đã quấn lá cờ Tổ quốc ngang thân mình rồi nói với đồng đội: “Không được lùi bước, phải để máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của quân chủng”.
Bà Nguyễn Thị Minh Hạnh- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng đoàn công tác tỉnh Vĩnh Long- trò chuyện cùng chiến sĩ trên đảo Sơn Ca. |
Nhiều người đã không kìm được nước mắt khi nghe câu chuyện về Thiếu tá Vũ Huy Lễ, trước tình thế mất đảo chỉ trong gang tấc, anh đã bình tĩnh, mưu trí chỉ huy tàu HQ 505 vừa chiến đấu, vừa nhanh chóng lao lên bãi đá ngầm Cô Lin để con tàu trở thành cột mốc chủ quyền bất khả xâm phạm.
Kể sao hết những tấm gương hy sinh của biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ hải quân ưu tú. Sự hy sinh đó đã kết thành bài học vô giá cho thế hệ hôm nay và mai sau. Hơn 30 năm trôi qua, sự hiên ngang, kiêu hãnh của các anh mãi mãi là niềm tự hào, tiếc thương vô hạn của đồng bào, người thân.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã cố gắng đưa các anh về gần với đất liền nhưng biển rộng, nước sâu mà sức người thì có hạn. Hoàn cảnh bất lợi ấy nên đến nay hình hài của các anh vẫn nằm lại đáy biển khơi, hàng ngày, hàng giờ quặn đau trong sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Nỗi đau đó, niềm tiếc thương đó vẫn ngày đêm trong lòng thế hệ tiếp nối.
Trong bài phát biểu tưởng niệm, Đại tá Đào Ngọc Quỳ- Chính ủy Cục Hậu cần Quân chủng Hải quân- xúc động: “Giữa biển trời Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc, trong không gian tĩnh lặng và nghiêm trang, trước anh linh các anh hùng liệt sĩ, trong niềm tin son sắc về Đảng, quang vinh của Bác Hồ vĩ đại, của dân tộc Việt Nam anh hùng, chúng tôi xin thề sẽ tiếp bước xứng đáng niềm tin, lý tưởng của thế hệ đi trước, quyết đem hết sức mình cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”.
Kỳ 3: Hội ngộ ở Đá Đông B
Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin