Nhộn nhịp chợ đầu mối nông sản Sóc Tro

Cập nhật, 06:04, Chủ Nhật, 12/08/2018 (GMT+7)

Chợ đầu mối nông sản Sóc Tro là một khu chợ đặc biệt trước hết vì vị trí thuộc địa bàn 2 huyện Tam Bình và Trà Ôn. Địa thế thuận lợi với Đường tỉnh 904 đi qua, bên cạnh là con rạch Sóc Tro hiền hòa tạo nên bức tranh “trên bến dưới thuyền” tấp nập.

Tàu ghe tấp nập từ khắp nơi đổ về chuyển hàng hóa lên chợ Sóc Tro.
Tàu ghe tấp nập từ khắp nơi đổ về chuyển hàng hóa lên chợ Sóc Tro.

Những cái đặc biệt của Sóc Tro

Những chủ vựa rau củ lâu đời nhất chợ Sóc Tro này cho biết, năm 2010, khi cầu Trà Ôn và cầu Cần Thơ đưa vào hoạt động, giao thương đường bộ thuận lợi, chợ nổi Trà Ôn “chìm dần” chính là lúc chợ Sóc Tro bắt đầu nhóm họp.

Chợ đầu mối nông sản Sóc Tro được chia làm 2 khu rõ rệt, nhìn từ phía cầu Sóc Tro đổ xuống, bên phải chợ thuộc xã Ngãi Tứ (Tam Bình), bên trái chợ thuộc thị trấn Trà Ôn (Trà Ôn).

Giữa 2 khu chợ là Đường tỉnh 904, rạch Sóc Tro như giang tay ôm trọn cả 2 bên chợ.

Vì có vị trí đặc biệt, thuận lợi giao thương, chợ đầu mối nông sản Sóc Tro dần trở nên đông đúc. Nơi đây đã trở thành điểm tụ họp “sỉ” của rau, củ, quả không chỉ cho các chợ huyện Tam Bình, Trà Ôn, Bình Minh mà các tỉnh bạn như Trà Vinh, Hậu Giang, Kiên Giang, TP Hồ Chí Minh,… thậm chí là miệt Cà Mau cũng đến “ăn hàng”.

Một nét riêng khác là chợ bắt đầu “xôm tụ” từ khoảng đứng bóng nắng và tan lúc chạng vạng chiều. Bởi là chợ đầu mối, sáng sớm bạn hàng rau bán lẻ ở chợ đến trưa mới đi lấy rau củ; nông dân thì đi cắt rau củ nên đến tận trưa thì chợ mới đông vui.

Hơn 10 giờ sáng, chúng tôi ghé thăm chợ và định đậu xe cặp bên một vựa khoai lang lớn thì một chị hướng dẫn: “nhớ đậu sát rạt vô nhe, xe tải vô ra nhiều quẹt trầy hết”.

Xe tải từ các tỉnh đổ về, dưới sông thì các ghe lớn chở khóm, bắp cải, cà chua, bầu, bí,… xanh xanh, vàng vàng, đỏ đỏ từ trên bờ đến dưới bến sông. Vì là chợ đầu mối nên mọi mặt hàng đều “đóng khuôn bán sỉ” đã tạo một nét riêng của chợ, không lẩn vào đâu được.

Khi trời đứng bóng cũng là lúc hàng hóa lên xuống nhộn nhịp tạo thành bức tranh sinh động. Cả một khu đất ven sông rộng rãi nhưng không còn những khoảng trống vì chỗ nào cũng là người, xe, rau, củ, quả...

Trên lộ dưới thuyền

Khi chợ đầu mối nông sản Sóc Tro hình thành và bắt đầu buôn bán nhộn nhịp không chỉ giúp bạn hàng, chủ vựa làm ăn khắm khá mà còn tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương.

Niềm vui mỗi ngày của những nông dân: mang nông sản ra chợ bán.
Niềm vui mỗi ngày của những nông dân: mang nông sản ra chợ bán.

Trước mặt chúng tôi là mấy chị tay đang thoăn thoắt lặt hành nên “không ở không mà nói chuyện vì làm ăn sản phẩm mà”. Cạnh đó, mấy chiếc xe tải đang xuống hàng và dưới bến sông thì khóm, củ sắn được các anh vác lên chợ kìn kìn.

Anh Chín Rô- chủ một sạp rau ở Tam Bình- đang chọn hàng vui vẻ cho biết: “Tui bán rau từ hồi có cái chợ này.

Bạn hàng thì ăn lời lãi trên từng đồng rau, nông dân xung quanh hết mùa thì ra đây khuân vác, cũng kiếm được cỡ 200.000đ một buổi đứng. Còn có một nhóm người chuyên chở thuê cho mối lái, lấy nông sản từ ruộng rẫy về…”

Chú Ba Dầy ở xã Tân Mỹ (Trà Ôn) vừa bán xong 27 bịch dưa leo (270kg) đang chờ nhận tiền trong quán giải khát gần chợ.

Ngồi cạnh chú Ba là chú Năm Chánh cùng xã cũng đang chờ nhận tiền dưa leo, bầu bí. Họ cùng là mối của bạn hàng chợ này vì là nông dân “chuyên trồng rẫy”.

Cô Bảy Chiến- người buôn bán lâu năm nhất nhì chợ này- nói với chúng tôi “dưa leo ông Ba Đầy thì khỏi chê”.

Chú Ba cười hì hì, dù lấy tiền xong rồi nhưng chú vẫn còn đang ngồi đợi anh bạn ở Thới Hòa tới để giới thiệu chỗ mua 40 cục rơm, vì “không có phân rơm trồng rẫy không trúng được, mà có nó thì rau mình ngon lành luôn”.

Ngồi được một chút thì chú Năm Non- người được chú Ba Dầy giới thiệu mua rơm- đi tới cười hề hề: “Nhờ mấy ổng chỉ chỗ mua rơm để về trồng 3 công dưa leo. Ngày xưa trồng lúa, nay chuyển qua trồng dưa. Lên xuống chợ này riết thành thói quen luôn, như niềm vui mỗi ngày vậy hà”.

Một thời chèo ghe ra chợ nổi Trà Ôn bán dưa leo, chú Ba Dầy nói ngay tắp lự: “Bán ở đây ngon hơn”. Theo chú Ba, “ngon hơn” vì vừa đi đường lộ vừa đi đường sông được, buôn bán lại an toàn hơn ở giữa sông.

“Mối lái nhờ vậy cũng nhiều, mà họ vô tới vườn mình cân. Hồi đó, cắt một tam bản dưa leo đi chợ nổi, bạn hàng họ muốn trả nhiêu trả, mình không chịu không lẽ chở về”.

Một chiếc xe đỏ rực chôm chôm vừa chở đến, chú Ba Dầy chỉ tay nói “chôm chôm cù lao Lục Sĩ Thành là ngon nhứt xứ Ba Xuyên”.

Mà không chỉ có rau củ miền Tây, rau Đà Lạt, rau Sài Gòn cũng về chợ Sóc Tro này. Chợ không chỉ giúp cho giao thương, buôn bán để mưu sinh. Chợ còn là nơi anh chị em bạn bè gặp nhau trao đổi, học hỏi, giúp nhau khấm khá.

Đôi tay vẫn thoăn thoắt bên mớ khổ qua vừa được xe chở từ xã Ngãi Tứ (Tam Bình) về, cô Bảy Chiến cho biết: “Vợ chồng tui là dân chợ nổi Trà Ôn, qua đây hồi năm 2010. Khi đó những chủ ghe, chủ vựa có thể đếm được bằng đầu ngón tay, giờ đông gấp 5- 3 lần hồi đó”.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN- PHƯƠNG THÚY