Làng nghề đan lợp vào mùa

Cập nhật, 16:51, Thứ Năm, 09/08/2018 (GMT+7)

Mùa nước nổi không chỉ đem đến cho bà con các tỉnh ĐBSCL nguồn lợi lớn về thủy sản, bồi lắng phù sa cho đất đai thêm phần màu mỡ mà còn “nuôi sống” những làng nghề làm ngư cụ.

Những ngày này nếu có dịp đến với nghề làm lợp ở xã Bình Thạnh (TX Hồng Ngự- Đồng Tháp), chúng ta sẽ cảm nhận được sự hối hả, tất bật của một trong những làng nghề ngư cụ nổi tiếng ở miền Tây.

Người dân làng nghề làm lợp cũng ăn nên làm ra nhờ mùa nước.
Người dân làng nghề làm lợp cũng ăn nên làm ra nhờ mùa nước.

Ngay từ sáng sớm, căn nhà nhỏ của anh Nguyễn Văn Phước (người có gần 20 trong nghề) đã được “bày binh bố trận” nào là những dây gân, khung dệt, rẽ,…sẵn sàng cho công việc của một ngày mới.

Theo anh Phước, việc hoàn thành một cái lợp phải trải qua rất nhiều công đoạn và “các công đoạn dễ làm như chuốt rẽ, gióng, đốt thui rẽ,…thì mình thuê người ta “gia công”, còn các công đoạn khó như bện hom, dệt mình (miếng vỉ), ráp vỉ- hom- bửng… thì người trong nhà mình làm hết nhằm đảm bảo chất lượng của lợp”.

Tùy theo công đoạn, mỗi người “thợ phụ” có thu nhập khác nhau, bình quân khoảng 100.000- 150.000 đ/ngày hoặc có thể được trả công theo sản phẩm.

Chị Huỳnh Thị Tuyết Minh (vợ anh Phước) đôi tay cứ thoăn thoắt dệt mình lợp, vui vẻ tiếp lời: “Nghề này làm quanh năm, nhưng cao điểm nhất là mùa lũ.

Từ sau tết Nguyên đán bà con ở đây phải chủ động làm lần lần, bán được nhiêu bán còn lại thì bán trong mùa lũ.

Mùa lũ đến có hộ cung ứng khoảng 3.000 cái lợp, riêng nhà tôi thì khoảng 2.000 cái. Mình cũng chừa lại vài trăm cái để đi đặt cua kiếm thêm trong mùa lũ”.

Cách đó không xa, bến sông trước nhà anh Bùi Thanh Tùng cũng đông vui không kém. Người ra rẻ, kẻ bện hom, người nọ thì đốt thui rẽ,…“Năm nào vô mùa lũ cũng vậy, nhà tui ba người thức làm từ khuya đến 5 giờ chiều”- anh Hùng cho biết.

Để hoàn thành một cái lợp phải qua rất nhiều công đoạn: chuốt rẽ, gióng, bện hom, dệt mình (miếng vỉ),….
Để hoàn thành một cái lợp phải qua rất nhiều công đoạn: chuốt rẽ, gióng, bện hom, dệt mình (miếng vỉ),….

“Nhà tui làm tư niên mãn mùa mới đủ giao cho mối trong mùa lũ. Tới mấy ngàn cái. Nói chung nghề này không giàu, nhưng cũng đủ trang trải trong gia đình”- chị Phạm Ngọc Thúy (vợ anh Tùng) vừa ra rẽ, vừa nói.

Ngồi cách cái hàng lợp cua nối dài như hàng rào, giọng chị Bùi Thị Ngân nói vọng lại: “Thấy cái lợp vậy chứ một người giỏi lắm làm một ngày chừng 3 cái là cùng.

Nhà tôi 2 vợ chồng làm suốt từ tết đến nay cũng chừng 1.000 cái. Làm nghề này cũng cực lắm, nhưng tính ra còn đỡ hơn đi bắt cua, bắt cá ngoài đồng”.

Cũng theo bà con, năm nay, nguyên liệu làm lợp là tre khan hiếm, nên bà con chuyển sang sử dụng lồ ồ. “Lồ ồ thì không lợi bằng tre, trong khi giá bán vẫn duy trì như cũ.

Nhưng nhờ số lượng lớn với lại mình cải tiến làm bửng, hôm bằng lưới kẽm để tiết kiệm chi phí nên bà con cũng sống khỏe”- anh Nguyễn Minh Luân phấn khởi nói.

So với mọi năm, hiện giá của mỗi cái lợp cua không thay đổi, dao động từ 25.000- 30.000 đ/cái, bà con sẽ thu lợi nhuận 10.000- 15.000 đ/cái.

Bình quân mỗi người có thể kiếm được từ 100.000- 200.000đ.
Bình quân mỗi người có thể kiếm được từ 100.000- 200.000đ.

Hiện làng nghề lợp cua ở xã Bình Thạnh có khoảng 60 hộ tham gia sản xuất thường xuyên. Ông Nguyễn Phi Long- Chủ tịch Hội nông dân xã Bình Thạnh cho biết: “Sau khoảng 20 năm hình thành, đến nay làng nghề lợp cua vẫn được tiếp tục duy trì và phát triển.

Hàng năm góp phần giải quyết cho 250- 300 lao động có việc làm thường xuyên. Năm nay lũ về sớm hơn so với cùng kỳ thì khả năng lượng lợp bà con làm ra tiêu thụ sẽ dễ dàng hơn. Tính đến thời điểm này bà con xuất bán trên dưới 4.000- 5000 cái lợp”.

Một ngày được “sống” ở làng nghề, trong không gian yên ắng, mộc mạc của miền biên viễn, chúng tôi cảm nhận rằng mỗi khi mùa nước nổi về không chỉ đem lại nguồn lợi về cho sông ngòi, đất đai mà còn góp phần “nuôi sống” những làng nghề ngư cụ như nghề làm lợp ở như xã Bình Thạnh này vậy!

Bài, ảnh: TRẦN NGỌC