Công an ngày ấy, bây giờ...

Cập nhật, 09:23, Thứ Ba, 10/09/2019 (GMT+7)

 

Công an huấn luyện quân sự- võ thuật.
Công an huấn luyện quân sự- võ thuật.

Ngày ấy mỗi khi ở vùng quê có chuyện lớn- tức là có xảy ra trọng án như đâm chém, cướp, hiếp, cháy nổ, tai nạn chết người… thì bà con làng xóm mới thấy tường tận bóng dáng anh công an ở tỉnh, huyện về mở cuộc điều tra với trang phục mũ mão, quân hàm, giày vớ chỉnh tề xuống đo đo, vẽ vẽ hiện trường, khám nghiệm tử thi, lấy lời khai nhân chứng, rải quân đi nắm tình hình, truy bắt thủ phạm.

Hồi ấy, một số người hiếu kỳ đứng ở xa xem công an khám nghiệm tử thi, chụp ảnh bằng đèn flash chớp nháng liền về “nổ” với gia đình, lối xóm: “Tao thấy công an chụp hình vào con mắt người chết, mấy ổng đem về tỉnh rửa ảnh ra là thấy hình thủ phạm liền!” và bà con luôn nghe ngóng chờ ngày công an phá án bắt thủ phạm đưa lên xe bít bùng, có còi hụ inh ỏi làm vang động một vùng quê.

Còn khi đưa tội phạm gây án đặc biệt nghiêm trọng về địa phương thi hành án tử hình thì bà con kéo đi xem đông nghẹt, bàn tán ì xèo về vụ án, chớ không phải lặng lẽ như từ khi áp dụng hình thức tử hình bằng cách tiêm thuốc độc trong Nhà thi hành án tử hình như bây giờ.

Nhưng được ở chỗ anh em thi hành án khỏi bị tâm lý, bởi trước đây khi còn thi hành án tử hình bằng cách xử bắn thì có đồng chí trong Đội thi hành án sau khi làm nhiệm vụ, xách súng trở về đơn vị bị ám ảnh, tối nằm ngủ thấy toàn mộng mị lung tung…

Phải nói làm công an thời ấy tiền lương ít ỏi, phương tiện đi lại, thông tin liên lạc, đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng được cái dân rất thương, sẵn sàng cung cấp thông tin, rồi cho công an tá túc, cơm nước, cho mượn phương tiện trong thời gian xuống cơ sở công tác.

Vì vậy, nhiều anh công an kiếm được vợ do nhờ làm tốt công tác dân vận, hết lòng giúp đỡ chính quyền và bà con, nhưng cũng có anh không chịu rèn luyện phẩm chất, đạo đức… dính vào sai phạm phải bị xử lý, tuy nhiên đây là số rất nhỏ trong toàn lực lượng.

Làm công an xã vào thời buổi kinh tế khó khăn, nên có anh về nhà phải lao động cật lực trong vườn, ngoài ruộng, thậm chí đi làm mướn để lo cuộc sống gia đình.

Vì vậy có khi muốn xác nhận giấy tờ, lý lịch phải đợi anh công an ấp, xã đi ruộng về ký là chuyện bình thường. Còn về trang bị, sau ngày giải phóng việc quản lý vũ khí chưa vào nề nếp nên Công an xã lúc ấy trang bị “khủng lắm”, tại trụ sở có tiểu liên như AK47, AR15, M79,… còn làm trưởng, phó công an xã thì xài côn 12 ly (Colt 45), lục Mỹ (Ru lô).

Nếu ai có quan hệ mạnh thì có thể lận lưng khẩu súng ngắn dành cho sĩ quan như K54, K59! Còn trình độ học vấn, kiến thức pháp luật của một số anh em cũng có phần hạn chế. Có một câu chuyện vui truyền miệng như vầy: Có lần công an xã nọ bắt một vụ mại dâm và giao cho một công an viên vừa mới tuyển dụng lập biên bản, cậu ta lúng túng ghi chỗ người vi phạm là “con đ… ký tên”!

Tại một địa phương có tệ nạn đá gà hoạt động ì xèo, công an liền họp bàn kế hoạch triệt xóa, một đồng chí liền đề xuất: “Dân đá gà đông quá, đề nghị mỗi đồng chí đem theo một bình xịt nước sơn để xịt vào các đối tượng này, dẫu chúng có chạy thoát thì chúng ta sẽ bắt nguội những người bị dính sơn, dấu vết ràng ràng chúng không thể chối cãi được! “Nhưng có ý kiến: “Không lẽ mấy tay đá gà thấy bóng công an mà chịu ngồi yên cho tụi mình xịt nước sơn vào người!” Thế nên đề xuất này nhanh chóng bị “phá sản”.

Ngày nay thực hiện chủ trương của Bộ Công an về việc đưa công an chính quy tăng cường đảm nhiệm các chức danh công an xã đã được triển khai khắp các địa phương trong cả nước.

Đây là một chủ trương lớn, đáp ứng yêu cầu sắp xếp tinh gọn, tổ chức bộ máy theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”. Với những bước chuẩn bị kỹ càng theo lộ trình (Hoàn thành chính quy hóa công an xã trước ngày 31/12/2021), xem xét, lựa chọn cán bộ có đạo đức, trình độ, năng lực.

Với kiến thức chuyên môn nghiệp vụ được đào tạo tại nhà trường của ngành nên phần lớn lực lượng công an chính quy được bố trí về đảm nhận chức danh công an xã- thị trấn, sau khi nhận nhiệm vụ mới đã chấp hành nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của công an cấp trên mà trực tiếp và toàn diện là cấp ủy và UBND xã.

Với tinh thần trách nhiệm đã chủ động tham mưu cho cấp ủy và chính quyền địa phương xây dựng các chương trình, kế hoạch công tác, phối hợp với ban chỉ huy quân sự xã tổ chức tuần tra vũ trang, làm tốt công tác nắm hộ, nắm người, phát huy phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng nhiều mô hình đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội nên tình hình tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật được kéo giảm, nhiều đồng chí công an chính quy qua thực tiễn công tác tại xã đã được đồng đội, nhân dân tin tưởng, cấp trên khen ngợi.

Còn đối với những đồng chí trưởng- phó công an xã, công an viên thường trực (lực lượng bán chuyên trách) tất nhiên sẽ có chút tâm tư, trăn trở bởi lâu nay họ đã gắn bó với địa bàn, bà con làng xóm, nhiều đồng chí công an xã có năng lực, tận tụy với công việc, được đào tạo bồi dưỡng về nghiệp vụ, pháp luật nhưng phải chấp hành sự phân công của tổ chức, nên sẽ có đồng chí trưởng công an xã được bố trí sang UBND xã làm công chức ở vị trí phù hợp, còn những đồng chí khác yêu ngành, yêu nghề có nguyện vọng tiếp tục làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự sẽ được tiếp tục bố trí công tác mà sau này khi Luật Lực lượng trị an cơ sở được thông qua sẽ gọi là trị an viên.

Trị an viên do Chủ tịch UBND xã công nhận, sẽ chấp hành theo sự lãnh đạo, hướng dẫn của lực lượng công an xã chính quy để thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo ANTT trên địa bàn xã. Hình ảnh lực lượng công an chính quy sát cánh cùng các lực lượng chức năng ở xã- thị trấn đã và đang trở thành hình ảnh quen thuộc với nhân dân ở mỗi xóm làng.

Chủ trương đưa công an chính quy về xã là một chủ trương đúng đắn nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo Luật Công an nhân dân và điều quan trọng nhất là làm ổn định tình hình an ninh trật tự, giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh trật tự từ cơ sở và ngay tại cơ sở, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng- an ninh tại địa phương.

Bài, ảnh: TRẦN THẮNG