Cần xử lý nghiêm tình trạng xe "điên" gây tai nạn rồi bỏn

09:04, 06/04/2016

Thời gian gần đây, các vụ lái xe ô tô gây tai nạn liên hoàn rồi bỏ trốn, chống người thi hành công vụ có chiều hướng gia tăng. Những hành vi vi phạm pháp luật, coi thường tính mạng người dân nêu trên cần phải xử lý nghiêm minh.

Thời gian gần đây, các vụ lái xe ô tô gây tai nạn liên hoàn rồi bỏ trốn, chống người thi hành công vụ có chiều hướng gia tăng. Những hành vi vi phạm pháp luật, coi thường tính mạng người dân nêu trên cần phải xử lý nghiêm minh.

Hiện trường một vụ xe
Hiện trường một vụ xe "điên" gây tai nạn liên hoàn. Ảnh : Chí Thạch

Hàng loạt vụ xe “điên” gây náo loạn

Vào 15h chiều 4/4, trên đường Xã Đàn (Hà Nội), khi bị yêu cầu xuống xe để giải quyết vi phạm giao thông, tài xế chiếc Toyota Innova biển Hà Nội đã lái xe lao thẳng vào Cảnh sát giao thông và bỏ chạy gây náo loạn đường phố. Tới đường Lương Định Của, xe mới dừng lại do bị Cảnh sát và người dân chặn đầu.

Vào khoảng 16h30 ngày 21/3, tại đường Trần Phú kéo dài, Tp Móng cái, Quảng Ninh, xe ô tô BKS 16N-2773 do Đồng Văn Trường (SN 1980, xã Hải Tiến, TP Móng Cái) chở theo Phạm Đình Minh (SN 1981) và Nguyễn Ngọc Thắng (SN 1981) đã va chạm với xe máy của chị Nguyễn Thị Dịu (SN 1991, phường Trần Phú) chở theo 2 con nhỏ.

Vụ va chạm khiến cháu bé 5 tuổi bị thương nhẹ, xe máy bị hư hỏng. Sau khi gây tai nạn, Trường không dừng lại mà tiếp tục điều khiển xe rồi đâm vào xe máy của anh Chu Đình Chiến (SN 1988) đi cùng chiều. Lúc này, các đối tượng trên ô tô xuống xe đuổi đánh anh Chiến.

Khoảng 9 giờ 10 ngày 2/1, tổ công tác Đội CSTT số 2 thuộc Phòng CSTT Công an TP Hải Phòng nhận được tin báo có vụ tai nạn giao thông giữa xe ô tô 7 chỗ và một phụ nữ đi xe mô tô tại khu vực 192 đường Văn Cao đang bỏ chạy.

Nhận được thông tin tổ công tác của Đội CSGT số 1 đã bố trí các xe đỗ chắn. Tuy nhiên khi chạy đến khu vực này, đối tượng lái xe đã luồn lách và đâm thẳng vào 2 mô tô của CSGT, hất Trung úy Nguyễn Anh Dũng và Trung úy Nguyễn Khắc Quyết lên nắp ca pô xe làm hai chiến sĩ bị thương, 2 xe mô tô bị hư hỏng nhẹ.  Danh tính đối tượng được làm rõ là Trần Trung Hiếu (27 tuổi, ĐKTT 8/42 Hạ Lý, Hồng Bàng, Hải Phòng). Được biết đối tượng này chưa có giấy phép lái xe, kể cả giấy phép lái xe mô tô.

Trước đó, khoảng 21h ngày 19/12/2015, tại quốc lộ 39 đoạn qua huyện Kim Động (Hưng Yên), xe BMW X5 biển Hà Nội đâm vào xe máy do anh Đỗ Đức Việt (23 tuổi, trú tại xã Đức Hợp, Kim Động) điều khiển, khiến anh Việt bị chấn thương, nhập viện cấp cứu.

Theo Công an Hưng Yên, thay vì xuống giải quyết, tài xế xe BMW bỏ chạy theo hướng Hưng Yên - Hà Nội.  Thấy hiệu lệnh dừng của Cảnh sát giao thông, tài xế lao thẳng chiếc BMW vào xe của tổ công tác đỗ bên đường khiến chiếc xe bay xa khoảng 20 m, rớt xuống vườn chuối. Chiến sĩ Toàn đứng gần đó bị thương nặng. Công an xác định người lái chiếc BMW gây tai nạn là Bùi Văn Sang (34 tuổi, trú phường Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Cần xử lý nghiêm

Nói về những trường hợp gây tai nạn như trên, đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho rằng, có tới 99% nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn là do đạo đức và ý thức người điều khiển phương tiện.

Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, có những vụ tai nạn do kỹ năng lái xe, do đào tạo chưa tốt. Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng là ý thức người tham gia giao thông. Khi người cầm lái ý thức kém, lái xe hung hăng thì việc họ có bằng lái hay không lại không phải là vấn đề.

Còn theo đại tá Trần Sơn, nguyên Phó trưởng phòng Tuyên truyền (Cục CSGT, Bộ Công an), qua phân tích các vụ tai nạn nghiêm trọng cho thấy, nguyên nhân chủ yếu là người điều khiển chạy xe quá tốc độ cho phép, đi sai làn đường, tránh, vượt không đúng quy định, lái xe xử lý tình huống kém.

Thời gian gần đây, các vụ gây tai nạn liên hoàn rồi bỏ trốn có chiều hướng gia tăng. Khoản 2 Điều 202 BLHS quy định, lái xe gây tai nạn bỏ chạy để trốn trách nhiệm sẽ bị xử phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.

Đối với hành vi lao xe vào CSGT, người vi phạm còn có thể bị xử lý hình sự về tội Chống người thi hành công vụ theo Điều 257 BLHS, hoặc tội Giết người theo Điều 93 BLHS.

Về xử lý hành chính, Nghị định 71/2012/NĐ-CP ngày 19-9-2012 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, cụ thể như sau: Phạt tiền người điều khiển, người ngồi trên ô tô và các loại xe tương tự ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ từ 4 triệu đến 6 triệu đồng nếu gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường; bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn.

Theo điều 38 Luật Giao thông Đường bộ (GTĐB) năm 2008, người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm dừng ngay phương tiện, giữ nguyên hiện trường, phải có trách nhiệm đưa người bị nạn đi cấp cứu và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

Khoản 17 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ quy định về các hành vi bị nghiêm cấm cũng nêu rõ việc bỏ trốn sau khi gây tai nạn để trốn tránh trách nhiệm là một hành vi bị ngăn cấm.

Tuy nhiên, Luật Giao thông đường bộ cũng quy định: Trong trường hợp sau khi gây tai nạn dẫn đến chết người, tài xế được phép tạm lánh khỏi hiện trường trong vòng 24 giờ để bảo vệ tính mạng trong trường hợp người nhà hay thân nhân của người bị tai nạn có phản ứng quá khích.

Trên thực tế nhiều lái xe đã lợi dụng quy định này, không cứu giúp người bị nạn mà rời khỏi hiện trường, không ra trình báo cơ quan chức năng. Với hành vi này, cần xem xét có mức hình phạt, chế tài cao hơn nữa để đảm bảo tính răn đe.

Theo  Công lý

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh