Chính sách đặc xá, tha giảm án phạt tù

Giúp người lầm lỡ quay về nẻo thiện

Cập nhật, 17:23, Thứ Tư, 02/09/2015 (GMT+7)

“Một ngày tù bằng ngàn thu ở ngoài” là câu nói của nhiều phạm nhân đang chấp hành án phạt tù, khát khao được trở lại cuộc sống tự do nên chính sách đặc xá, tha giảm án của Đảng, Nhà nước luôn là động lực để những người lầm lỡ phấn đấu cải tạo.

Phạm nhân cùng lao động, trồng rau cải thiện bếp ăn.
Phạm nhân cùng lao động, trồng rau cải thiện bếp ăn.

Khi thực hiện hành vi sai phạm, ít ai nghĩ đến hậu quả mà mình và gia đình sẽ gánh chịu. Chỉ khi đối diện với tội tù, nhiều người mới nhận ra giá trị của cuộc sống tự do và mong sớm quay về làm lại cuộc đời. “Đa số người vi phạm pháp luật khi mới vào đây đều có chung tâm trạng hụt hẫng, bi quan. Nhưng qua tuyên truyền, giải thích, phạm nhân đều nhận thức được Đảng, Nhà nước luôn khoan hồng đối với người lầm lỡ, nếu họ biết ăn năn, cải tạo tốt và thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật sẽ được đặc xá, xét giảm án, tha về trước hạn tù vào các dịp lễ, tết hàng năm nên nhiều người thích nghi dần với môi trường mới và phấn đấu cải tạo tốt để sớm được quay về đoàn tụ với gia đình”- Thiếu tá Hồ Thanh Hùng- Phân trại trưởng Phân trại Trại Tạm giam thuộc Công an tỉnh Vĩnh Long- cho biết.

Chính sách đặc xá, tha giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với người phạm tội là chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước, thể hiện truyền thống nhân đạo, bao dung của dân tộc đồng thời khuyến khích người bị kết án tù ăn năn, hối cải, tích cực học tập, lao động, chấp hành nghiêm nội quy, phấn đấu rèn luyện trở thành người tốt, có ích cho xã hội. Theo Thượng tá Phan Kim Diện- Phó Giám thị Trại Tạm giam thuộc Công an tỉnh Vĩnh Long: “Việc triển khai các quy định về tha giảm án phạt tù cho phạm nhân là một trong những hoạt động thường xuyên của trại. Năm nay, kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh (2/9), Chủ tịch nước quyết định đặc xá là điều mà phạm nhân nào cũng mong muốn nên không khí thi đua trong trại có phần sôi nổi hơn vì phạm nhân nào cũng cố gắng phấn đấu để được đủ điều kiện có tên trong danh sách đề nghị đặc xá, tha giảm án”.

Chia sẻ, phạm nhân Võ Văn Thắng (SN 1993- ngụ ấp Vĩnh Hòa, xã Tân Ngãi- TP Vĩnh Long), bảo: “Gần 3 năm ở trong này, em khát khao cuộc sống ở bên ngoài lắm. Nhớ nhất là cha mẹ già, tháng nào cũng lặn lội đến thăm em, khuyên em cải tạo tốt nên em cố gắng lao động, không để vi phạm nội quy. Khi biết mình có tên trong danh sách đề nghị đặc xá, em không ngủ được, cứ lo lo. Giờ biết chắc là được về trước hạn hơn 1 năm 7 tháng, em mừng quá. Hồi trước ham chơi, theo bạn bè ăn nhậu đánh nhau, bị phạt 5 năm tù tội “Cố ý gây thương tích” làm khổ gia đình nên điều đầu tiên khi ra khỏi đây là em về cảm ơn cha mẹ. Sau đó, em cố gắng tìm việc làm phụ gia đình để bù đắp lại những lỗi lầm đã gây ra”.

Không riêng gì Thắng mà 25 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại trại tạm giam và các nhà tạm giữ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đều có chung tâm trạng như thế. “Em bị phạt 3 năm tù tội “Mua dâm người chưa thành niên”. Lúc đó, em nghĩ bị bắt chỉ phạt hành chính thôi, không ngờ lại bị tù. Vô đây, được cán bộ giải thích, em nhận ra nhiều điều lắm. Chứ lúc ở ngoài, học hành ít, không am hiểu nhiều về pháp luật, lại buồn chuyện gia đình đổ vỡ nên theo bạn nhậu qua Vĩnh Long “giải khuây” thì bị bắt. Nhờ cải tạo tốt, em được đặc xá về trước hạn tù 1 năm 1 tháng. Mấy bữa rày, nôn nao trông đến ngày công bố kết quả. Giờ được về, “tởn” tới già luôn”- phạm nhân Phan Minh Hùng (SN 1988- ngụ phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc- Đồng Tháp), bộc bạch.

Niềm vui sắp được đoàn tụ với người thân không chỉ lan tỏa trong các phòng giam có người được đặc xá mà với những gia đình có con em lầm lỡ cũng “trông ngóng từng ngày với tâm trạng lâng lâng khó tả”. “Tôi ở Mỹ Lộc, lên đây chờ từ hồi sớm. Mấy bữa trước nghe nói con gái sắp được về mà không chắc, giờ thấy nó tui mừng lắm”- cụ bà tóc bạc phơ, móm mém môi cười đứng chờ con trước cổng trại giam là mẹ của phạm nhân Nguyễn Thị Nhanh (SN 1976- ngụ Ấp 8, xã Mỹ Lộc- Tam Bình) bị kết án 5 năm tù tội “Giết người”, được đặc xá về trước hạn 3 năm 1 tháng 5 ngày, không giấu niềm vui, tâm sự.

Chia sẻ cùng niềm vui này với những người được trở về sau thời gian bị cách ly khỏi xã hội, Đại tá Phan Vĩnh Lạc- Phó Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Long- cho rằng: “Gia đình và cộng đồng nơi người được đặc xá cần mở rộng vòng tay, giúp họ xóa bỏ mặc cảm, tự ti và tạo điều kiện cho người lầm lỡ được tham gia vào các phong trào học tập, lao động ở địa phương. Bên cạnh, bản thân người được đặc xá cũng phải nỗ lực không ngừng, sớm hòa nhập cộng đồng, trở thành những công dân tốt để chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước được trọn vẹn ý nghĩa”.

Bài, ảnh: DIỄM PHƯỢNG