Nghề làm muối ở Bến Tre "bỏ thì thương, vương thì tội"

Cập nhật, 20:45, Thứ Tư, 07/04/2021 (GMT+7)

Bến Tre là một trong số ít địa phương của cả nước duy trì được nhiều diện tích muối thương phẩm. Đây là nghề sản xuất truyền thống rất vất vả nhưng hiệu quả kinh tế không cao do giá muối bấp bênh.

Hướng đi nào cho hạt muối Bến Tre, đây là vấn đề đang được đặt ra đối với chính quyền và các ngành chức năng địa phương.

Bà Nguyễn Thị Kiệp cũng như các diêm dân khác ở ấp 2, xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre đã 2 năm liền làm muối mất mùa, rớt giá. Bà Kiệp cho biết, do muối chất lượng kém nên giá chỉ ở mức 27.000 - 28.000 đồng/giạ (một giạ 45 kg) với mức giá  này người làm muối thu nhập không được cao.

“Vụ muối năm nay làm vất vả, không có muối, do là trời nắng không nhiều, mây mù nhiều ảnh hưởng đến sản xuất rất nhiều. Giá muối năm nay cũng thấp, chỉ có 28.000 đồng/giạ. Giá muối giảm liên tục. Ở đây giờ nhiều người bỏ làm muối” - bà Kiệp nói.

Ruộng muối chuẩn bị thu hoạch tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
Ruộng muối chuẩn bị thu hoạch tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.

Ông Đào Văn Út ở ấp Thạnh Phước, xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre cũng cho rằng, dù muối đạt chất lượng khá nhưng chỉ ở mức 31.000 - 32.000 đồng/giạ. Hiện nay, nhiều diêm dân không bán được muối phải trữ lại ngay tại ruộng.

Ông Út cho biết, không có nghề nào khác mới gắn bó với nghề làm muối: “Giá muối hiện nay tệ lắm, khó bán, không có lái mua luôn. Bây giờ dự trữ muối khi nào giá lên thì bán vậy”.

Làm muối là nghề truyền thống của tỉnh Bến Tre tập trung ở các xã ven biển của huyện Ba Tri, Bình Đại. So với các địa phương khác trong cả nước thì chất lượng và sản lượng muối ở Bến Tre không cao. Những năm gần đây, đầu ra hạt muối bấp bênh nên diện tích muối giảm dần.

Đến thời điểm này, toàn tỉnh Bến tre chỉ còn khoảng 1.400 ha muối với hơn 1.000 diêm dân; trong đó tại huyện Ba Tri có khoảng 800 ha, chủ yếu ở xã Bảo Thạnh, Bảo Thuận, An Thủy, Tân Thủy.

Ông Trịnh Hoàng Be, Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Thạnh cho biết, toàn xã có 600 ha muối, luân canh với nuôi thủy sản.

Vài năm gần đây, giá muối sụt giảm hơn 10.000 đồng/giạ nên diêm dân thu nhập thấp. Lượng muối năm ngoái và năm nay dù thấp nhưng các diêm dân còn tồn động vài chục nghìn tấn muối.

Mô hình làm muối phủ bạt chỉ có 75 ha, nhưng giá cả chênh lệch không cao so với hạt muối thường nên khó nhân rộng.

Dù muối tại xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri chất lượng khá nhưng giá chưa đến 35.000 đồng/giạ.
Dù muối tại xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri chất lượng khá nhưng giá chưa đến 35.000 đồng/giạ.

“Việc buôn bán thì từ trước giờ do tự diêm dân tìm kiếm đối tác. Hiện nay thị trường không ổn định, vì vậy phía xã nhờ các lãnh đạo, chính quyền cấp trên quan tâm tìm đầu ra để giúp diêm dân bán hết lượng muối tồn đọng. Hai năm gần đây, người dân làm nhiều về mô hình làm muối phủ bạt.

Muối phủ bạt thì năng suất, sản lượng tăng hơn muối làm bình thường mỗi năm khoảng 30%” - ông Trịnh Hoàng Be cho biết.

Do làm muối kém hiệu quả nên huyện Bình Đại không có chủ trương duy trì diện tích muối. Chính quyền địa phương vận động người dân chuyển qua nuôi thủy sản, trong đó ưu tiên nuôi tôm biển công nghệ cao hay mời gọi nhà đầu tư làm năng lượng tái tạo như: điện khí, điện mặt trời.

Tỉnh Bến Tre không nhân rộng diện tích muối thương phẩm mà chỉ duy trì đến năm 2030, vùng sản xuất muối tập trung  khoảng 600 ha, chủ yếu ở huyện Ba Tri với sản lượng muối đạt 32.400 tấn/năm. Trong đó, chú trọng sản xuất muối chất lượng cao, gắn với nhu cầu chế biến của các doanh nghiệp.

Trong chuyến làm việc tại tỉnh Bến Tre mới đây, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT cho rằng, muối là một trong sản phẩm thiết yếu của cuộc sống nên không thể bỏ ngành nghề này.

Bến Tre phấn đấu duy trì diện tích muối hàng hóa, tiến hành xây dựng mô hình sản xuất theo tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết với doanh nghiệp, sản xuất theo nhu cầu của thị trường.

“Trước hết là phải có hợp tác xã, thứ hai phải liên kết với doanh nghiệp để kiếm đầu ra. Yêu cầu của doanh nghiệp là chúng ta phải triển khai mô hình muối này theo yêu cầu của thị trường. Muối bạt hay muối trên nền đất, mỗi loại khác nhau có lợi thế khác nhau.

Thứ ba là ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao giá trị muối, giảm chi phí lao động, bớt lao động thủ công trên cánh đồng muối” - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.

Có thể nói nghề làm muối ở tỉnh Bến Tre đang đứng trước tình cảnh “bỏ thì thương, vương thì tội”. Người làm muối ở địa phương này vẫn một nắng hai sương, cuộc sống khó khăn.

Để duy trì diện tích muối cần thay đổi phương thức sản xuất, áp dụng cơ giới hóa vào các quy trình canh tác muối và xây dựng chuỗi liên kết để giải quyết đầu ra theo hướng có lợi cho diêm dân.

Để làm được điều này, chính quyền và ngành chức năng địa phương phải “vào cuộc” giải quyết những khó khăn, tồn đọng của nghề làm muối./.

Theo Nhật Trường/VOV