Lão nông làm kinh tế từ những chiếc đũa, muỗng bằng cây mắm

Cập nhật, 13:56, Thứ Hai, 16/11/2020 (GMT+7)

 

 Ông Phương tự tìm tòi để chế tạo ra máy phục vụ việc gia công đũa, muỗng.
Ông Phương tự tìm tòi để chế tạo ra máy phục vụ việc gia công đũa, muỗng.

Với giá bán 20.000 – 30.000 đồng/chục đũa và 15.000 – 20.000 đồng/chiếc muỗng, gia đình ông Phương có thêm nguồn thu nhập khá.

Cây mắm rất quen thuộc với người dân vùng đất ngập mặn Cà Mau. Đi ra khỏi nhà là bà con vùng đất nuôi tôm nơi đây nhìn thấy cây mắm khắp nơi. Nhưng ngoài tạo cảnh quan, phục vụ phát triển du lịch thì bản thân cây mắm dường như không có giá trị về mặt kinh tế. 

Tuy nhiên, bằng bàn tay khéo léo cùng sự sáng tạo, ông Mai Lam Phương (ở thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước, Cà Mau) đã biến những cây mắm thành những vật dụng đẹp mắt, có giá trị.

Trước đó, ông Mai Lam Phương đã đi nhiều nơi để học hỏi mô hình phát triển kinh tế. Ông rất ấn tượng với các mô hình phát triển kinh tế của người dân tỉnh Bến Tre gắn liền với cây dừa.

Cây mắm ở nơi ông đang ở gần gũi với bà con vùng đất Đồng Khởi như cây dừa vậy. Nhìn cây dừa giúp người dân Bến Tre ngày càng vươn lên khá giả mà ông Phương không khỏi băn khoăn cho giá trị của cây mắm.

Đặc biệt, thân cây mắm cũng có những đường vân rất đẹp như cây dừa nên ông đã nghĩ đến việc, thay vì tỉa, chặt bỏ thì gia công chúng thành những cái muỗng (muôi), chiếc đũa để có giá trị sử dụng.

Người đàn ông có “hoa tay”, ban đầu thực hiện thủ công và dùng trong gia đình. Sau đó, có những hộ dân ở địa phương hỏi mua nên ông nảy sinh ý định làm đũa, muỗm để phát triển kinh tế.

Ông đi nhiều nơi học hỏi cách làm đũa, muỗng sao cho đẹp mắt hơn. Đặc biệt, là làm sao biết cách chế tạo ra chiếc máy sản xuất đũa để thuận tiện cho công việc và ông đã thành công.

“Cái máy làm đũa, muỗng do tôi tự thiết kế. Ban đầu tôi đi học hỏi xem người ta làm như thế nào, sau đó về mình tìm hiểu thêm và thực hiện lắp ráp, sửa chữa để tạo ra cái máy”, ông Phương chia sẻ.

Chiếc máy làm đũa của ông Phương có bộ phận chính là 1 cái mô tơ điện. Máy giúp ông Mai Lam Phương làm các công đoạn từ xẻ gỗ đến chuốt, đánh bóng đũa, muỗng.

Theo ông Phương, thuận lợi của việc gia công đũa, muỗng từ cây mắm chính là nguồn nguyên liệu phong phú. Đặc biệt, nếu cây dừa cần nhiều năm mới có thể lấy gỗ thì cây mắm chỉ cần khoảng 2 – 3 năm là có thể dùng làm đũa được.

Hiện nay, mỗi ngày gia đình ông Phương gia công được khoảng 100 đôi đũa, 30 chiếc muỗng. Với giá bán 20.000 – 30.000 đồng/chục đũa và 15.000 – 20.000 đồng/chiếc muỗng, gia đình ông có thêm nguồn thu nhập khá.

Việc làm đũa, muỗng từ cây mắm giúp gia đình ông Phương có thêm nguồn thu khá.
Việc làm đũa, muỗng từ cây mắm giúp gia đình ông Phương có thêm nguồn thu khá.

Tuy nhiên, lão nông vẫn chưa hài lòng về chiếc máy mà mình tạo ra, ông Mai Lam Phương đang suy nghĩ để cải tiến chiếc máy, nhằm nâng cao năng suất hơn nữa.

“Hiện tại cái máy này chưa đủ mạnh, công suất chưa cao nên mỗi ngày thu lãi chỉ khoảng 100.000 đồng. Nếu máy hoàn chỉnh hơn và có tiền đầu tư thêm để nâng công suất, mỗi ngày máy có thể kiếm vài trăm nghìn đồng”, ông Phương cho biết.

Không chỉ là người đi tiên phong tại địa phương trong việc làm muỗng, đũa bằng cây mắm, trước đây, ông Mai Lam Phương cũng từng được biết đến là người đi đầu thực hiện mô hình trồng thanh long trên cây mắm.

Với ý chí cầu tiến, dám nghĩ dám làm, ông không chỉ giúp gia đình mình phát triển kinh tế mà còn mở ra hướng đi mới cho người dân địa phương./.

Theo Trần Hiếu/VOV