Hàng hóa Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam

Cập nhật, 09:17, Thứ Ba, 07/04/2015 (GMT+7)

Thời gian qua, tình trạng hàng hóa Trung Quốc mạo danh hàng Việt Nam gây không ít lo lắng cho người tiêu dùng và ngành chức năng trong kiểm tra, xử lý. Và tình trạng này, đang có chiều hướng gia tăng.

Lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp hàng ngoại đội lốt hàng Việt Nam.
Lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp hàng ngoại đội lốt hàng Việt Nam.

Nông sản Trung Quốc đội lốt nông sản Việt Nam

Ghi nhận tại một số chợ nông thôn, nông sản Trung Quốc xuất hiện với số lượng ngày càng nhiều như: tỏi, gừng, cà rốt, khoai tây… Song, khi hỏi thì người bán luôn khẳng định là hàng của Việt Nam, lấy từ Đà Lạt, không phải hàng Trung Quốc. Hám lợi, nhiều tiểu thương sẵn sàng “hô biến” nông sản Trung Quốc thành nông sản Việt Nam.

Trong khi đó, một số tiểu thương cho biết, hàng Trung Quốc dễ bán vì giá rẻ hơn 4.000- 6.000 đ/kg, để được lâu, như cà rốt Đà Lạt 16.000- 18.000 đ/kg, còn cà rốt Trung Quốc chỉ từ 12.000 đ/kg. Chị Phạm Thị Quý- tiểu thương chợ thị trấn Long Hồ (Long Hồ) nói: “Người bán nhìn vào nông sản Trung Quốc là biết liền. Còn người tiêu dùng ít khi phân biệt được, vì nhìn bên ngoài khá giống nhau, chủ yếu là do người bán quảng cáo, giới thiệu…”

Cùng với việc “lập lờ” bán hàng không rõ nguồn gốc của các tiểu thương, thói quen tiêu dùng của phần lớn người dân tại chợ nông thôn, khiến hàng kém chất lượng luôn còn đất sống. Chị Nguyễn Thị Bích Huyền (Phường 8- TP Vĩnh Long) nói: “Tôi chỉ biết tin tưởng người bán, nói sao nghe vậy. Mấy lần mua tỏi, thấy củ to, giá rẻ sử dụng rất dễ, nên tôi hay chọn mua. Nhưng mới đây mới biết đó là của Trung Quốc”.

Bên cạnh đó, nhiều người tiêu dùng cho biết, muốn sử dụng nông sản Việt Nam cũng không phải dễ bởi hầu hết đều khó để lâu, giá lại khá cao, chưa phù hợp với túi tiền của người dân nông thôn. Như củ tỏi, nhánh gừng Việt Nam thì nhỏ giá lại cao (tỏi Lý Sơn hơn 100.000 đ/kg). Gừng Trung Quốc có màu vàng nhạt, lớp vỏ nhẵn nhụi, căng mọng, củ to, đều, ít nốt sần sùi, thường được vệ sinh rất sạch sẽ; cà rốt Trung Quốc da bóng láng, củ to, tròn đều, đẹp; khoai tây Trung Quốc to, dài…

Ông Phạm Tứ Phương- Phó Giám đốc Sở Công thương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Hiện nay, tình trạng hàng Trung Quốc mang danh hàng Việt Nam khá nhiều, nhất là các mặt hàng nông sản, thực phẩm, điện tử.

Cần ý thức hơn trong việc lựa chọn hàng hóa

Không chỉ có các mặt hàng nông sản bị gắn mác hàng Việt Nam mà hàng may mặc, hàng tiêu dùng thiết yếu, điện tử, điện gia dụng… cũng tương tự. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến cơ sở sản xuất mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng. Đầu năm 2014, lực lượng chức năng đã phát hiện một xe tải chở 5 thùng kẹo sữa bò, 6 thùng bánh bỏng cây, 20 thùng nước ngọt hiệu Coca, 5 thùng đồ chơi trẻ em, 2 thùng chén đều do Trung Quốc sản xuất. Tất cả số lượng hàng hóa nêu trên không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt số lượng hàng thực phẩm nêu trên có tên thương nhân và địa chỉ sản xuất ở Việt Nam nhưng mã vạch thể hiện ở Trung Quốc. Ngoài ra còn có 225 cây súng nhựa trẻ em, kiếm nhựa, kiếm nhựa siêu nhân là đồ chơi trẻ em mang tính kích động, bạo lực thuộc danh mục hàng cấm. Mới đây, một số lượng vợt muỗi mạo danh hàng Việt cũng bị phát hiện.

Anh Đỗ Hữu Quang- Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 4, cho biết thời gian qua tình trạng mạo danh ngày càng nhiều và có chiều hướng gia tăng. Các loại hàng hóa này thường được làm giả nhãn hiệu, kiểu chữ tiếng Việt song không đúng chính tả, hoặc không ghi cụ thể nơi sản xuất, có loại chỉ ghi mã vạch, người tiêu dùng khó thể nào nhận biết được. Lực lượng chức năng chuyên môn khi kiểm tra mới biết. Không phải người tiêu dùng nào cũng để ý, quan tâm đến nhãn mác. Chỉ cần thấy sản xuất tại Việt Nam là mua. Do đó, thời gian tới, sẽ tăng cường kiểm tra kiểm soát trên khâu lưu thông và sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

Có thể thấy, để tuồn hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, hàng không đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, các đối tượng vi phạm đã sử dụng đủ mọi chiêu trò để đánh lừa người tiêu dùng. Không chỉ vậy, thái độ không thành thật của người bán cũng góp phần mở đường sống cho hàng kém chất lượng. Việc đội lốt, gắn mác hàng ngoại là hàng nội ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp lẫn niềm tin của người tiêu dùng vào hàng Việt Nam. Do đó, thiết nghĩ ngoài việc tăng cường kiểm tra của ngành chức năng, người bán lẫn người mua cần phải ý thức hơn trong việc lựa chọn, mua bán hàng hóa. Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần chú trọng hơn trong các niêm yết hàng hóa, cách phân biệt, mở rộng hệ thống phân phối bán lẻ đến tận tay người tiêu dùng.

Ông Phạm Tứ Phương- Phó Giám đốc Sở Công thương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh: Thời gian qua, lực lượng chức năng phát hiện nhiều vụ vi phạm. Các loại hàng hóa này thường mập mờ thông tin sản xuất, ví dụ như chỉ ghi nơi sản xuất là Chợ Lớn, TP Hồ Chí Minh hoặc tại Việt Nam, chữ in mờ nhạt, không rõ ràng, nhãn mác rất đơn giản. Trong khi đó, các mặt hàng Việt Nam thông tin trên sản phẩm rất cụ thể, chi tiết, chữ rõ ràng. Theo quy định, trên nhãn hàng hóa phải có tên cơ sở sản xuất, địa chỉ xuất xứ hàng hóa, công dụng, thành phần. Do đó, người tiêu dùng cần chú trọng, xem kỹ nhãn mác trước khi mua để tránh nhầm lẫn.  

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN