MẶT BẰNG ĐỂ THI CÔNG LƯỚI ĐIỆN NÔNG THÔN

Cần sự đồng thuận của người dân

Cập nhật, 07:29, Thứ Năm, 31/07/2014 (GMT+7)


Đầu tư nâng cao hiệu quả năng lượng nông thôn góp phần giải quyết nhu cầu bức xúc về điện cho sản xuất và dân sinh.

Sắp tới đây, có trên 300 danh mục công trình điện nông thôn được đầu tư cải tạo, xây dựng mới trên toàn tỉnh. Với áp lực thực hiện trong một thời gian ngắn, khối lượng công việc lại nhiều, BCĐ Dự án Nâng cao hiệu quả năng lượng nông thôn tỉnh Vĩnh Long rất cần sự đồng thuận của người dân trong giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi công.

Ý nghĩa thiết thực

Mới đây, BCĐ Dự án Nâng cao hiệu quả năng lượng nông thôn tỉnh Vĩnh Long thông qua kế hoạch triển khai dự án trên.

Theo đó, từ nguồn vốn vay 105 tỷ đồng của Ngân hàng Tái thiết Đức, Tổng Công ty Điện lực Miền Nam làm chủ đầu tư dự án, đơn vị quản lý là Ban Quản lý Dự án Điện lực Miền Nam. 303 danh mục công trình điện nông thôn sẽ được đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới trong toàn tỉnh.

Theo ông Nguyễn Phước Năng- Giám đốc Công ty Điện lực Vĩnh Long, hiện Tổng Công ty Điện lực Miền Nam đang gấp rút hoàn tất hồ sơ, trong tháng 8 hoàn thành việc đấu thầu. Do đó nhiều khả năng dự án được khởi công sớm hơn so với kế hoạch.

Dự kiến dự án sẽ được khởi công trong tháng 9/2014. Các hạng mục công trình gồm cải tạo và xây dựng mới 132km đường dây trung thế, 233km đường dây hạ thế, lắp đặt mới 134 trạm biến áp với tổng dung lượng 4.792,5 KVA.

Giai đoạn từ nay đến cuối năm 2014, UBND các huyện- thị và các xã trong vùng dự án tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động phát quang hành lang tuyến, tạo sự đồng thuận trong nhân dân chấp hành việc di dời ra khỏi vùng ảnh hưởng của dự án, cũng như ủng hộ hiến đất, hoa màu để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào tháng 6/2015, góp phần cung cấp điện cho khoảng 12.000 hộ dân chưa có điện hoặc sử dụng điện không qua điện kế chính trong toàn tỉnh.

Dự án Nâng cao hiệu quả năng lượng khu vực nông thôn khi hoàn thành các công trình đưa vào sử dụng góp phần hoàn chỉnh và kết nối lưới điện, đảm bảo cung ứng sản lượng điện ổn định, góp phần phục vụ phát triển sản xuất, dân sinh.

Chú trọng tiến độ, hiệu quả

Theo ông Nguyễn Phước Năng- Giám đốc Công ty Điện lực Vĩnh Long, mặc dù số hộ dân có điện nhiều, tuy nhiên chất lượng điện, độ tin cậy cung cấp điện thì chưa đảm bảo. Để đáp ứng được nhu cầu về cung cấp điện của tỉnh Vĩnh Long đạt tiêu chí, thông số kỹ thuật, chất lượng điện, hạn chế mất điện thì nhu cầu vốn khoảng 250 tỷ đồng.

Do đó, Dự án Nâng cao hiệu quả năng lượng khu vực nông thôn hoàn thành góp phần cải thiện chất lượng điện, giải quyết được những nhu cầu bức xúc điện nông thôn hiện nay. Dự án này cũng góp phần hoàn chỉnh và kết nối lưới điện, nâng cao chất lượng điện, hạn chế việc cắt giảm điện tại một số địa phương.

Còn theo ông Nguyễn Thành Phan- Chủ tịch UBND TX Bình Minh, cấp huyện- thị- thành cần thành lập BCĐ, cấp xã- phường thành lập ban vận động thực hiện. Bên cạnh, cần sớm đưa ra bình đồ tuyến để người dân đóng góp ý kiến.

Khi vận động giải phóng mặt bằng cần có biên bản vận động từng hộ để có được sự đồng thuận ngay từ đầu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi công. Ngoài ra, cần nâng cao hiệu quả hoạt động của các ban giám sát đầu tư cộng đồng tại các địa phương để đánh giá tiến độ thi công, giám sát chất lượng công trình.


Cần có sự đồng thuận của người dân trong việc giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ dự án. Trong ảnh: Người dân tham gia phát quang cây cối, giải phóng mặt bằng thi công lưới điện nông thôn.

Liên quan đến danh mục công trình, ông Nguyễn Thanh Triều- Chủ tịch UBND huyện Trà Ôn cho biết: Trà Ôn hiện còn trên 2.000 hộ sử dụng điện chưa có điện kế chính. Trong khi dự án này chỉ giải quyết khoảng 300 hộ trên địa bàn huyện. Do đó cần rà soát, thống kê lại danh mục công trình để đầu tư thích hợp, giải quyết kịp thời nhu cầu bức xúc của người dân.

Do thời gian gấp rút, khối lượng công việc lớn, ông Phan Anh Vũ- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ Dự án Nâng cao hiệu quả năng lượng nông thôn tỉnh Vĩnh Long cho rằng: Vấn đề trọng tâm hiện nay là công tác vận động giải phóng mặt bằng.

Ban vận động các địa phương cần tập trung giải quyết khâu này thật hiệu quả để sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Trong quá trình triển khai thực hiện, cần thiết xây dựng phương án dự phòng một số công trình ngoài kế hoạch để linh hoạt chuyển đổi khi công trình bị vướng mặt bằng.

Phát biểu tại buổi họp triển khai dự án, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tiếp tục rà soát, bổ sung, đối chiếu danh mục công trình, tổng hợp nhu cầu để sắp xếp thứ tự ưu tiên. Các địa phương triển khai dự án khẩn trương trên cơ sở thành lập các BCĐ, ban vận động thực hiện để hoàn thành dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, phát huy hiệu quả các công trình khi đưa vào sử dụng.

Vĩnh Long hiện có 99,46% hộ dân có điện nhưng tỷ lệ hộ dân có điện kế chính chỉ đạt trên 95%. Trong khi đó, toàn tỉnh hiện còn 1.600 hộ chưa có điện và trên 12.800 hộ dân sử dụng điện câu kéo không đảm bảo an toàn. 

Bài, ảnh: LÊ SƠN