ĐBSCL: Sẽ có làn sóng đầu tư mới từ Nhật Bản

Cập nhật, 18:21, Thứ Năm, 29/05/2014 (GMT+7)


Ông Nakajima Satoshi- Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị giới thiệu môi trường đầu tư vùng ĐBSCL.

“Trong thời gian tới, Chính phủ Nhật Bản phối hợp cùng các tổ chức JETRO, JICA tiếp tục hỗ trợ một cách tích cực cho các doanh nghiệp (DN) Nhật đầu tư vào Việt Nam và đặc biệt tại các tỉnh- thành vùng ĐBSCL”- ông Nakajima Satoshi- Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh khẳng định tại hội nghị giới thiệu môi trường đầu tư vùng ĐBSCL.

Ông Nakajima Satoshi cho biết thêm, ĐBSCL hiện là trung tâm sản xuất nông nghiệp của cả nước, sở hữu lực lượng lao động dồi dào song do không có nhiều việc làm trong vùng mà nhiều lao động phải đi làm ở các tỉnh- thành khác. Do đó, việc tạo dựng công ăn việc làm cho người dân trong vùng là nhiệm vụ cấp thiết.

ĐBSCL có những nét đặc trưng riêng về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên, đồng thời sở hữu những lợi thế so sánh riêng biệt của từng vùng miền. Vì vậy, việc giới thiệu rộng rãi những nét đặc sắc đó của từng địa phương đến các nhà đầu tư nước ngoài và thu hút đầu tư vào những ngành nghề thế mạnh của địa phương là rất quan trọng.

Ngài tổng lãnh sự cũng mong muốn tiếp tục đẩy mạnh liên kết với Việt Nam và các tỉnh- thành vùng ĐBSCL, tăng cường trao đổi thông tin chặt chẽ nhằm truyền tải một cách tích cực sự hấp dẫn của môi trường đầu tư cũng như nền văn hóa truyền thống đa dạng của ĐBSCL không chỉ đến với các DN mà còn với cả nhân dân Nhật Bản.

Theo các nhà đầu tư Nhật Bản, ngành sản xuất vẫn tiếp tục chiếm phần lớn vốn đầu tư từ Nhật song đầu tư vào nông nghiệp và thủy sản sẽ là một xu hướng mới của các nhà đầu tư Nhật.
 
Với xu hướng đầu tư mới vào lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản của DN Nhật thì cơ hội để các địa phương ĐBSCL thu hút đầu tư của Nhật là rất lớn vì khu vực này vốn có thế mạnh về mặt hàng nông thủy sản đa dạng và dồi dào, giá đất rẻ, chi phí nhân công thấp…

Ông Võ Hùng Dũng- Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho biết: Hội nghị có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển kinh tế vùng ĐBSCL thông qua việc góp phần thúc đẩy đầu tư cho vùng.

Được tổ chức dưới hình thức trực tiếp giới thiệu tiềm năng và cơ hội đầu tư đến các nhà đầu tư nên thông tin trong hội nghị đã được giải đáp cặn kẽ và chi tiết đến các nhà đầu tư cũng như ghi nhận những yêu cầu từ phía doanh nghiệp các nước.

Sự kiện có sự tham dự của lãnh đạo các tỉnh- thành vùng ĐBSCL và các cơ quan chuyên môn. Đây là cơ hội tốt để gặp gỡ giữa lãnh đạo địa phương và các nhà đầu tư.

Do đó, địa phương có thể nắm bắt rõ ràng những mong muốn, nhu cầu của nhà đầu tư quốc tế và những kinh nghiệm của DN FDI khi đầu tư vào vùng ĐBSCL. Những thông tin từ hội nghị sẽ giúp các tỉnh- thành vùng ĐBSCL có cơ sở để thiết lập kế hoạch cải thiện hình ảnh, xây dựng chính sách thu hút đầu tư phù hợp.

Các DN cũng có điều kiện tham gia trong các hoạt động phát triển kinh tế của địa phương và xa hơn nữa, thúc đẩy trao đổi mua bán thương mại, tham gia các chuỗi ngành hàng được hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, tiệc giao lưu cuối hội nghị đã tạo điều kiện cho các DN cùng chính quyền địa phương có cơ hội trao đổi thêm bên lề hội nghị về môi trường đầu tư và tiềm năng kinh doanh tại địa phương, đồng thời nắm bắt được nhu cầu cụ thể của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo ông Đoàn Duy Khương- Phó Chủ tịch VCCI, thông qua hội nghị giới thiệu môi trường đầu tư vùng ĐBSCL, giúp vùng đẩy mạnh xúc tiến đầu tư các lĩnh vực gồm: thủy sản, chế biến lương thực thực phẩm, du lịch- bất động sản và hạ tầng khu công nghiệp. Qua đó, trực tiếp giới thiệu tiềm năng và cơ hội đầu tư vào vùng ĐBSCL đến các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản.

ĐBSCL là nơi được đánh giá cao về môi trường kinh doanh thông thoáng và có lãnh đạo điều hành năng động.

Theo báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), năm 2013 là năm thứ 5 ĐBSCL liên tiếp được đánh giá cao về chỉ số PCI, điển hình là Kiên Giang, Đồng Tháp, Bến Tre và Cần Thơ trong top 10 tỉnh có chỉ số cao nhất. Điều đó cho thấy các tỉnh- thành ĐBSCL rất nỗ lực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh cho các nhà đầu tư.

ĐBSCL tập trung phát triển 3 lĩnh vực trọng điểm gồm: hạ tầng kinh tế- xã hội (giao thông, thủy lợi, năng lượng, đào tạo, y tế, chống biến đổi khí hậu…), xây dựng nông thôn mới và phát triển hợp lý các trung tâm, đô thị, khu công nghiệp.


Bài, ảnh: LÊ SƠN