Ra Lý Sơn sẽ “gặp” Hoàng Sa

Cập nhật, 07:16, Thứ Ba, 27/05/2014 (GMT+7)


Cụm tượng đài và Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải.

Những ngày này, trong lòng tôi cứ thôi thúc mãi về một chuyến đi: trở lại Lý Sơn. Còn với tất cả những ai có điều kiện, nhất là các bạn trẻ, rất nên làm chuyến du lịch, hãy “phượt” một lần ra thăm hòn đảo thân thương này.

Một vẻ đẹp còn hoang sơ cùng dấu tích của núi lửa triệu năm, tạo nên những hang động, vách núi mang vẻ đẹp kỳ bí.

Một điều vô cùng thiêng liêng, đó là khi đặt chân ra Lý Sơn, chúng ta sẽ nghe, sẽ thấy tràn ngập những câu chuyện, những chứng lý hùng hồn, minh bạch rằng: Hoàng Sa, Trường Sa, đã được cha ông ta ra đó thăm dò, đo đạc vẽ bản đồ, và chính thức có sự cai quản của nhà nước phong kiến Việt Nam. Còn trước đó, ngư dân đã thông thuộc đường ra khai thác vùng biển rất giàu có sản vật quý này rồi.

Điểm quan trọng phải đến thăm trước tiên là Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, để tận mắt chứng kiến những dấu tích lịch sử và những ghi chép cụ thể dưới đây:

“Bính Thân, năm Minh Mệnh thứ 17 (1836). Thanh Đạo Quang năm thứ 16. Bộ Công tâu: Cương giới bờ biển nước ta có xứ Hoàng Sa rất là hiểm yếu, đã phái vẽ bản đồ mà hình thể của nó xa rộng, mới chỉ được một nơi…

Hàng năm nên phái người đi dò xét cho khắp để thuộc đường biển. Xin từ năm nay (1834) trở về sau, chọn phái biền binh thủy quân và vệ giám thành đáp 1 chiếc thuyền ô, nhằm thượng tuần tháng hai thì đến Quảng Ngãi, bắt 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định thuê 4 chiếc thuyền của dân, hướng dẫn ra đúng xứ Hoàng Sa.

Không cứ là đảo nào, hòn nào, bãi cát nào, khi thuyền đi đến cũng xét xem xứ ấy chiều dài, chiều ngang, chiều cao, chiều rộng, chu vi và nước biển bốn bên xung quanh nông hay sâu, có bãi đá ngầm, đá ngầm hay không, hình thế hiểm trở, bình dị thế nào, phải tường tất đo đạc, vẽ thành bản đồ”. (Trích “Đại Nam thực lục” chính biên- soạn xong năm 1861).


Ghe câu của binh phu Hoàng Sa, có dòng chữ Hán: “Đệ nhất hải thuyền Hoàng Sa”.

Ghi chép về lịch sử ghe câu của binh phu có nói rõ rằng: “Từ đầu thế kỷ XVII, đến những năm 50 của thế kỷ XIX, nhà nước phong kiến Việt Nam đã dùng ghe câu đưa binh phu đi tuần thú và tìm kiếm hải vật trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.

Ngoài ra, những ngư dân ở đây sẽ kể cho chúng ta nghe về những câu chuyện thú vị về Hoàng Sa. Cái thuở mà chưa có dấu chân người, thì ngư dân Lý Sơn đã hiểu quá rõ “bãi cát vàng” này rồi. Còn xét về mặt nhà nước thì “Cương giới bờ biển nước ta có xứ Hoàng Sa”. Chúng ta đo đạc, vẽ bản đồ có tất cả các đảo, hòn, bãi cát, bãi đá ngầm, đá ngầm…

Hiện là thời điểm đẹp nhất để ra du lịch Lý Sơn, vì trong khoảng từ tháng 6 đến tháng 9 thời tiết khá đẹp và có nắng, phù hợp cho việc đi biển. Nếu không, nên đi vào mùa tỏi Lý Sơn, bắt đầu được trồng vào tháng 9 và thu hoạch vào khoảng đầu tháng 12. Hoặc chọn thời điểm diễn ra lễ Khao thề thế lính Hoàng Sa diễn ra vào các ngày 18-19-20 tháng 3 (âm lịch).

Mỗi ngày từ cảng Sa Kỳ và cảng Lý Sơn đồng thời có 1 chuyến tàu ra đảo và 1 chuyến tàu vào đất liền. Giờ tàu chạy là khoảng 7 giờ 30- 8 giờ, tàu cao tốc chỉ mất 1 giờ là đến nơi, giá vé là 110.000 đ/người.

Hiện mỗi ngày có 4 chuyến tàu cao tốc. Ngoài ra, còn có tàu gỗ chạy chậm hơn mất khoảng 3 giờ (8 giờ- 11 giờ). Ngoài đảo có khách sạn Lý Sơn, ngoài ra đã phát triển nhiều dịch vụ nhà nghỉ bình dân.

Bài, ảnh: QUANG THUẦN