Nhà nông tìm hiểu

Một số lưu ý khi cải tạo chuồng heo sang nuôi gia cầm

Cập nhật, 05:24, Thứ Ba, 03/12/2019 (GMT+7)

Trước đây, tôi có nuôi heo nhưng hiện giờ không nuôi nữa, nên chuồng heo bỏ không. Gần đây, tôi thấy nhiều người tận dụng chuồng heo nuôi gia cầm, tôi muốn hỏi phải sửa sang lại chuồng như thế nào để nuôi an toàn?

Tạ Thị Sáu (xã Trung Hiệp- Vũng Liêm)

Cô Sáu mến! Để cải tạo từ nuôi heo sang nuôi gia cầm có hiệu quả, cô cần tháo dỡ toàn bộ dụng cụ chăn nuôi heo như máng ăn, máng uống,… để thuận tiện cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng đàn gia cầm cũng như vệ sinh chuồng trại.

Cụ thể, để cải tạo nền chuồng và vách ngăn, nếu chuyển đổi đối tượng nuôi lâu dài, cô nên phá bỏ toàn bộ vách ngăn, tôn cao nền chuồng sao cho cao hơn khu vực xung quanh từ 30- 40cm để giữ cho chuồng nuôi luôn khô ráo.

Nếu chuyển đổi đối tượng nuôi trong thời gian ngắn, cô có thể để nguyên vách ngăn, dùng các vật liệu như tre, lưới nhựa để làm sàn cho gia cầm nằm ngay trên mặt vách ngăn.

Đồng thời cô cũng cần cải tạo tường bao xung quanh bằng cách dùng lưới B40 để che các khung cửa sổ, cửa ra vào, nhằm giúp cho chuồng trại được thông thoáng.

Trước khi nhập giống gia cầm về nuôi, cô cần dọn sạch phân rác, rửa sạch toàn bộ nền, tường chuồng nuôi, sau đó để khô, quét nước vôi và phun thuốc sát trùng.

Về diện tích, 1m2 chuồng cô có thể nuôi được từ 30- 35 con gia cầm ở giai đoạn úm, ở giai đoạn trưởng thành có thể nuôi được từ 8- 10 con đối với nuôi bán chăn thả và 4- 6 con đối với nuôi nhốt.

Cô cũng cần chuẩn bị đầy đủ thiết bị (đã vệ sinh sạch sẽ) chuyên dùng cho nuôi gia cầm như máng ăn, máng uống, đèn sưởi, cót quây úm, thức ăn, thuốc thú y,... trước khi nhập giống gia cầm về nuôi.

Đối với khâu chăm sóc nuôi dưỡng, cô cần tìm hiểu kỹ trước khi nhập giống, nhờ tư vấn của cán bộ khuyến nông, cán bộ thú y hoặc các hộ xung quanh đã có kinh nghiệm. Đặc biệt trong quá trình nuôi, cô cần tuân thủ quy trình kỹ thuật nuôi (nhất là công tác thú y) tránh gia cầm bị bệnh, hạn chế thiệt hại.

BẠN NHÀ NÔNG