Liên kết tìm đầu ra cho khoai lang

Cập nhật, 13:48, Thứ Sáu, 06/12/2019 (GMT+7)

Sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa theo quy trình kỹ thuật sản xuất khiến khoai lang từ thế chủ động của vùng nguyên liệu lớn chuyển sang thế bị động khi phải phụ thuộc giá cả vào thương lái. Do đó, để tìm đầu ra hiệu quả cho khoai lang, giải pháp đặt ra là phải xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ, phân phối xuất khẩu.

Để nâng chất lượng khoai lang, nông dân cần ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Để nâng chất lượng khoai lang, nông dân cần ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Đầu ra còn phụ thuộc

Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2017- 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định khoai lang là một trong 3 cây trồng chủ lực.

Theo ông Bùi Văn Ngọc- Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Tân, trong năm 2019, Bình Tân đã xuống giống trên 12.900ha khoai lang, với năng suất trung bình 30 tấn/ha, ước sản lượng 387.000 tấn.

Do điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi nên khoai lang được trồng quanh năm và chất lượng thơm ngon, tập trung tại các xã Thành Đông, Thành Trung, Tân Thành, Tân Hưng, Tân Lược,…

Trong đó, các giống khoai được trồng phổ biến là tím Nhật chiếm 80% diện tích xuống giống do thị trường xuất khẩu ưa chuộng, các loại trắng giấy, trắng sữa, bí đường xanh, Nhật cao sản,… chiếm 20% diện tích và chủ yếu phục vụ thị trường trong nước.

Đối với thị trường xuất khẩu thì chủ yếu vẫn là xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc với 86%, một phần khác xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu và Đông Nam Á.

Hiện nay, thương hiệu khoai lang Bình Tân khá nổi tiếng trên thị trường. Việc khai thác thương hiệu đã được doanh nghiệp Nhật Thành và các hợp tác xã (HTX) khoai lang, các vựa khoai thực hiện.

Trên địa bàn huyện có 4 HTX chuyên thu mua và cung cấp ra thị trường như HTX Khoai lang Thành Đông, HTX Khoai lang Tân Thành, HTX Chế biến nông sản Tân Lập, HTX Nông nghiệp dịch vụ Thanh Ngọc.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện Bình Tân và TX Bình Minh có hơn 40 điểm thu mua khoai lang để xuất sang Trung Quốc.

Tuy nhiên, nông dân chưa mạnh dạn chuyển đổi đất lúa sang trồng khoai, còn mang tính thụ động vì không có nhiều thông tin về người mua, người tiêu dùng.

Từ ưu thế chủ động sản xuất tập trung chuyên canh khoai lang đã rơi vào tình trạng bị động do giá cả bấp bênh. Giá khoai lang phụ thuộc vào thương lái quyết định.

Giám đốc một HTX thu mua khoai lang trên địa bàn huyện Bình Tân cho hay, việc xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc không có hợp đồng chắc chắn, luôn có sự thay đổi về quy cách sản phẩm nên việc sản xuất của nông dân chủ yếu là tự phát, hoàn toàn không biết thông tin về nhu cầu và yêu cầu sản phẩm từ thị trường tiêu thụ, kể cả thông tin về giá cả.

Trong khi đó, tập trung sản lượng lớn giống khoai lang tím Nhật dễ tạo nên dư thừa khi đến mùa thu hoạch nhưng các giống khác lại khan hiếm, nên rủi ro thị trường rất cao.

Xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ, phân phối xuất khẩu

Đánh giá về khả năng tiêu thụ, cung ứng khoai lang cho thị trường, trong đề tài “Nghiên cứu chuỗi cung ứng cho sản phẩm khoai lang tỉnh Vĩnh Long”, PGS. TS. Hồ Thanh Phong- Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc gia Hồng Bàng (TP Hồ Chí Minh) cho rằng: Để xây dựng chuỗi cung ứng, tìm đầu ra cho khoai lang, tỉnh Vĩnh Long cần quyết liệt triển khai một cách bài bản và áp dụng rộng rãi mô hình thu hoạch, sơ chế, bảo quản khoai lang tím tươi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm tăng thời gian tồn trữ và giảm tỷ lệ hư hỏng.

Bên cạnh đó, cũng cần xem xét toàn diện từ khâu đầu vào để nâng cao năng suất chất lượng đến khâu bảo quản tiêu thụ, chú trọng xác định thị trường đầu ra để ứng phó với các khó khăn hiện nay và phát triển bền vững, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế tốt nhất cho nông dân.

Tại hội thảo xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ, phân phối xuất khẩu khoai lang Bình Tân mới đây, TS. Lê Minh Hùng- Giám đốc Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, thông tin: Đến nay, phân viện đã nghiên cứu thử nghiệm một số thiết bị và công nghệ sau thu hoạch đối với khoai lang.

Trên địa bàn tỉnh đã có một số doanh nghiệp chế biến khoai lang, đạt được kết quả tích cực.
Trên địa bàn tỉnh đã có một số doanh nghiệp chế biến khoai lang, đạt được kết quả tích cực.

Tuy nhiên, sắp tới cần nghiên cứu hoàn thiện quy trình sơ chế, xử lý và bảo quản khoai lang tím trồng tại Vĩnh Long. Đồng thời, nghiên cứu cơ giới hóa trong sản xuất khoai lang, chế tạo hoặc điều chỉnh thiết bị nước ngoài để phù hợp với tình hình sản xuất trong nước.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương- Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Sản xuất và Xuất nhập khẩu Việt Phúc (Việt Phúc Group)- cho biết: Cơ hội thị trường cho sản phẩm khoai lang gồm các yêu cầu phải có truy xuất nguồn gốc, đăng ký vùng trồng, các tiêu chuẩn chất lượng như VietGAP, GlobalGAP và cao hơn. Các tiêu chuẩn về chế biến thực phẩm như ISO 22000, HACCP, Halal,…

Bên cạnh, đa dạng hóa các sản phẩm khoai lang chế biến như sấy khô, sấy dẻo, bánh khoai lang, đồ uống từ khoai lang, khoai lát sơ chế, tinh bột, mì miến,… nhằm đáp ứng các thị trường tiềm năng gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, Trung Đông,…

Để xây dựng thành công chuỗi liên kết tiêu thụ khoai lang, bà Lan Hương khuyến nghị chính quyền địa phương tiếp tục giới thiệu và bảo đảm liên kết cho các bên trong chuỗi, hướng dẫn canh tác, quản lý theo VietGAP, GlobalGAP, có các chính sách hỗ trợ các HTX, nông hộ sản xuất theo kế hoạch, quảng bá giới thiệu sản phẩm theo các chương trình xúc tiến thương mại, đăng ký vùng trồng, truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý cho đơn vị sản xuất. Hỗ trợ đầu tư hạ tầng cho HTX, cơ sở sơ chế (nước sạch, máy rửa thô, hệ thống quạt sấy, nhà màng phơi,…) cũng như đưa vào chương trình OCOP và họp định kỳ các bên trong chuỗi.

Đối với HTX, nông trại cần thực hành sản xuất theo VietGAP, GlobalGAP, cam kết cung cấp sản phẩm theo hợp đồng đã ký. Hợp tác và tuân thủ các thỏa ước trong chuỗi.

Riêng cơ sở chế biến thì nhà xưởng phải đạt yêu cầu, máy móc quy trình đạt chuẩn, đáp ứng các tiêu chuẩn thực phẩm được công nhận (HACCP, Halal…), đưa ra các nhu cầu về nguyên vật liệu.

Còn đối với doanh nghiệp thì cần ký hợp đồng tiêu thụ theo giá ổn định, cung cấp các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, đóng gói, thông tin phát triển thị trường, dự báo; phối hợp quảng bá sản phẩm, giới thiệu khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong sản xuất và lựa chọn các ứng dụng, giải pháp công nghệ thông tin phù hợp để quản lý sản xuất.

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN- LÊ SƠN