Chỉ dẫn địa lý sản phẩm

Nâng tầm cho bưởi Năm Roi Bình Minh

Cập nhật, 13:55, Thứ Ba, 10/09/2019 (GMT+7)

Là loại trái mang lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định, nhiều năm qua, bưởi Năm Roi Bình Minh luôn được nông dân chú trọng đầu tư phát triển sản xuất, thị trường tiêu thụ ngày càng rộng mở hơn. Tuy nhiên, việc phát triển cây bưởi trên địa bàn thị xã chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế.

Việc phát triển trồng bưởi Năm Roi Bình Minh còn chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của vùng.  Ảnh: Tuyết Hiền
Việc phát triển trồng bưởi Năm Roi Bình Minh còn chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của vùng. Ảnh: Tuyết Hiền

Yêu cầu cấp thiết

Ông Nguyễn Văn Dân- Phó Chủ tịch Thường trực UBND TX Bình Minh- cho biết: TX Bình Minh có diện tích trồng bưởi Năm Roi trên 2.000ha, ở 2 xã Mỹ Hòa và Đông Thành, cung cấp cho thị trường 24.000 tấn bưởi/năm.

So với các loại giống cây trồng khác, hiệu quả kinh tế từ cây bưởi Năm Roi mang lại luôn cao và ổn định. Với năng suất bình quân 30 tấn/ha, giá bán trong các năm qua luôn ổn định, thu nhập của nông dân từ cây bưởi cao gấp 7- 9 lần so với trồng lúa. Điều này giúp nông dân trồng bưởi yên tâm đầu tư sản xuất.

Theo ông Nguyễn Văn Dân, việc phát triển cây bưởi Năm Roi trên địa bàn TX Bình Minh có nhiều thuận lợi như cơ bản đã hình thành vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn, phù hợp với quy hoạch của tỉnh.

Hệ thống giao thông vận chuyển mua bán sản phẩm bưởi dễ dàng, thuận tiện cả đường thủy lẫn đường bộ. “Đây là điều kiện thuận lợi so với các vùng trồng bưởi khác. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, bưởi Năm Roi Bình Minh chưa rơi vào tình trạng “thừa hàng, ế chợ” hay trúng mùa, mất giá”- ông nói thêm.

Thời gian qua, để hỗ trợ phát triển cây bưởi Năm Roi, các dự án hỗ trợ đầu tư của tỉnh đã có sự chuyển hướng tích cực từ việc chỉ tập trung nâng cao năng suất, phòng trừ dịch bệnh chuyển dần sang nâng cao giá trị, chất lượng, hiệu quả và bền vững.

Cụ thể, tập trung về mặt xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ tưới, tiêu, xây dựng nhãn hiệu và các tiêu chuẩn sản xuất an toàn GlobalGAP, VietGAP, hiệu quả mang lại rất khả quan, giá bán luôn cao hơn bên ngoài, được nông dân đồng tình ủng hộ cao.

Tuy nhiên, việc phát triển cây bưởi trên địa bàn thị xã chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế, sức cạnh tranh, giá trị tên tuổi trên thị trường có chiều hướng giảm, thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị.

Dù đã hình thành vùng nguyên liệu quy mô lớn nhưng quy mô sản xuất hộ gia đình nhỏ lẻ vẫn là chủ yếu, điều này gây khó khăn khi cần áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác thống nhất để tạo ra sản phẩm đồng nhất về chất lượng, mẫu mã.

Bên cạnh đó, theo Sở Khoa học- Công nghệ, công tác quản lý và phát triển chưa tốt, hầu hết các loại bưởi từ các nhà vườn đều được thương lái “gắn mác” bưởi Năm Roi Mỹ Hòa hoặc bưởi Năm Roi Bình Minh.

Lợi dụng sự khó nhận biết, một số cơ sở thu mua đã trà trộn bưởi trồng ở các nơi khác, thậm chí móc nối với các nhà vườn đánh đồng các loại nông sản trôi nổi với bưởi Năm Roi Bình Minh và đẩy giá thành bưởi lên cao.

Vì vậy, để đẩy mạnh phát triển sản phẩm, giữ vững và nâng cao thương hiệu bưởi Năm Roi Bình Minh trên thị trường, cần có sự vào cuộc quyết liệt và sự hỗ trợ của các cấp, ngành. Trong đó, việc thực hiện dự án quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bưởi Năm Roi Bình Minh của tỉnh là yêu cầu cấp thiết.

Nâng tầm và phát huy danh tiếng bưởi Năm Roi Bình Minh

Theo đánh giá của ngành chức năng, hiện nay, yêu cầu về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc ngày càng cao nên việc nông sản cần có chỉ dẫn địa lý càng cần thiết. Theo đó, Sở Khoa học- Công nghệ đã triển khai dự án quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý sản phẩm bưởi Năm Roi Bình Minh cho các hộ dân trồng bưởi trên địa bàn thị xã.

Sản phẩm bưởi Năm Roi Bình Minh cần được nâng tầm.  Ảnh: THẢO NGUYÊN
Sản phẩm bưởi Năm Roi Bình Minh cần được nâng tầm. Ảnh: THẢO NGUYÊN

Ông Nguyễn Trọng Danh- Phó Giám đốc Sở Khoa học- Công nghệ cho hay: “Mục tiêu của dự án là thiết lập và vận hành được mô hình quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý, góp phần đảm bảo chất lượng, phát huy danh tiếng của sản phẩm.

Đồng thời, kiểm soát được nguồn gốc và chất lượng sản phẩm bưởi Năm Roi, bảo vệ giá trị thương hiệu không thể nhầm lẫn với các sản phẩm khác của các vùng miền khác, bởi bưởi Năm Roi Bình Minh có đặc trưng ngọt thanh, không hạt, vỏ múi tróc. Do đó, được bảo hộ chỉ dẫn địa lý là rất quý”.

Ông Nguyễn Thành Chua- Giám đốc Hợp tác xã Bưởi Năm Roi Mỹ Hòa (xã Mỹ Hòa- TX Bình Minh) cũng cho rằng: “Chỉ dẫn địa lý cũng được xem là công cụ quan trọng cung cấp sự bảo đảm chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng, khách hàng sẽ tin tưởng hơn. Từ đó, thị trường tiêu thụ cũng sẽ được mở rộng hơn, “tiếng thơm” bưởi Năm Roi Bình Minh sẽ đi xa hơn”.

Có thể thấy, bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các đặc sản địa phương đang là hướng đi có hiệu quả nhằm bảo vệ tên tuổi và nâng cao giá trị hàng hóa trong nước, mở rộng thị trường tiêu thụ sang nước ngoài.

Ông Nguyễn Trọng Danh

Việc cấp chỉ dẫn địa lý có ý nghĩa quan trọng trên nhiều khía cạnh khác nhau. Dự án thực hiện thành công thì kết quả tham khảo rất lớn cho các thương hiệu, nhãn hiệu tập thể khác của tỉnh như: cam sành Tam Bình, khoai lang Bình Tân, tàu hủ ky Mỹ Hòa… Đồng thời, các địa phương lân cận cũng có thể tham khảo mô hình và biện pháp hữu ích từ việc quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Bình Minh”

 

THẢO NGUYÊN