Hướng bền vững cho cây cam sành trên đất lúa

Cập nhật, 14:44, Thứ Tư, 04/09/2019 (GMT+7)

 

Một vườn cam sành trên đất lúa vừa xuống giống hơn tháng ở xã Hiếu Thành.
Một vườn cam sành trên đất lúa vừa xuống giống hơn tháng ở xã Hiếu Thành.

Trong 7 năm từ khi cây cam sành được trồng trên địa bàn Vũng Liêm đến nay (2012- 2019), diện tích đã tăng từ hơn 10ha lên gần 883ha và được dự báo sẽ còn tăng. Chiếm đa số là cam sành trên đất lúa.

Trước sự phát triển ồ ạt cây trồng này, nhiều vấn đề về diện tích, sản lượng, hiệu quả kinh tế, đầu ra... được đặt ra quanh cây cam sành, nhằm định hướng cây cam sành phát triển bền vững.

Diện tích cam sành tăng vọt

Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, năm 2012, cam sành được xuống giống đầu tiên ở xã Hiếu Nghĩa với diện tích 10,6ha. Diện tích sau đó tăng dần qua các năm, đến năm 2015 đã đạt hơn 290ha.

Nhưng gia tăng mạnh nhất là 2 năm 2016- 2017 khi tổng diện tích trồng cam sành đã lên hơn 503ha, rồi trên 883ha ở 16 xã trong huyện. Trong đó, Hiếu Nghĩa, Hiếu Thành là 2 xã có cây cam sành chiếm cao nhất với lần lượt khoảng 626ha và hơn 230ha.

Thống kê của Phòng Nông nghiệp- PTNT Vũng Liêm, trong tổng diện tích cam sành, số trồng trên đất lúa chiếm tỷ lệ rất lớn với 85,9% và có xu hướng tăng thêm, 14,1% còn lại là cam sành trồng xen với bưởi da xanh.

Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT Vũng Liêm, về cây cam sành giống hiện nay, qua khảo sát có trên 50% nông dân chọn mua cây giống từ vườn cây do các hộ nông dân khác sản xuất để trồng, nhiều nhất ở tỉnh Bến Tre. Đáng chú ý có tỷ lệ hộ sử dụng giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ (trên 36%) trong khi số hộ sử dụng giống mua từ các cơ sở sản xuất kinh doanh ít (hơn 12%).

Các năm qua, việc bén rễ và hình thành vùng trồng cam sành ở huyện đã đặt ra nhiều vấn đề quanh canh tác cây cam. Do chạy theo lợi nhuận, chu kỳ khai thác nhanh dẫn đến các hộ nông dân thường xử lý cho cây ra hoa rất sớm (12-17 tháng tuổi).

Đồng thời do quy trình xử lý ra hoa nên nông dân phải phun xịt thuốc bảo vệ thực vật nhiều (5-9 lần). Về chất lượng trái cam sành, theo ngành chức năng, qua đánh giá các chỉ tiêu bằng phương pháp cảm quang và phân tích các chỉ tiêu chính như trọng lượng trái, đường kính trái, độ dày vỏ, màu sắc vỏ trái, số múi mỗi trái, màu sắc múi cam... cho thấy chất lượng trái cam sành ở huyện (lấy mẫu đại diện một xã) nhìn chung chưa đạt yêu cầu.

Do trồng trên đất lúa chiếm đại đa số để có lúc nhiều người ví von “cam ruộng”, nên độ rộng của liếp trồng có khuynh hướng ngày càng giảm so với cam trồng trên đất vườn và mật độ trồng vì thế cao 2-3 lần so khuyến cáo.

Cây cam sành có chu kỳ khai thác ngắn (3-5 năm), đáng chú ý khi có hộ dân sau khi khai thác xong tiếp tục trồng lại cam sành do đã có hiệu quả từ chu kỳ đầu và cũng do chưa định hướng được phải trồng cây gì để thay thế cây cam sành khi phá vườn cam già cỗi.

Bên cạnh đó, vẫn còn nông dân trồng cam sành tự phát, không theo quy hoạch gây khó cho quản lý thủy lợi; tình trạng cung vượt cầu dẫn đến giá cả bấp bênh; tổ chức sản xuất cung ứng cho thị trường thông qua hợp tác xã vẫn chưa đem lại kết quả như mong muốn... là những rào cản đã đang đặt ra cho vùng cam sành ở nhiều xã trong huyện.

Hiệu quả và định hướng cho cam sành đất lúa bền vững

Ngày 30/8, Phòng Nông nghiệp- PTNT Vũng Liêm có hội nghị định hướng phát triển cây ăn trái bền vững cho vùng sản xuất cam sành trên đất lúa. Kết quả thống kê hiệu quả kinh tế cây cam sành đem lại gấp 8-9 lần trồng lúa trong một năm cùng khu vực.

Theo ông Dương Ái Đạo- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT Vũng Liêm, ước tính với đầu tư 1ha lúa trong 1 năm hơn 71 triệu đồng, mức đầu tư này với diện tích trồng cam sành (từ năm 2-3) tương tự là 345 triệu đồng.

Với năng suất 70 tấn mỗi ha, giá bán 10.000 đ/kg, cây cam sành cho thu nhập 700 triệu đồng; trừ chi phí, người trồng cam đã thu lợi nhuận 355 triệu đồng. Còn trồng lúa, với năng suất, giá bán, tổng thu rồi trừ chi phí đầu tư, nông dân lời khoảng 39 triệu đồng.

Anh Lương Thái Bình (ấp Hiếu Trung, xã Hiếu Nghĩa) trồng 4 công cam sành từ tầm 5 năm trước. Năm thứ nhất anh đầu tư hơn 50 triệu đồng mỗi công đất trồng cam, xử lý cho trái sớm, anh thu hoạch 5,6 tấn/công tầm cấy, giá bán (tại thời điểm đó 25.000 đ/kg), doanh thu hơn 141 triệu đồng, lời hơn 90 triệu đồng. Năm thứ hai là vụ chính, cộng chi phí sản xuất ít lại, vụ cam cho doanh thu hơn 146 triệu đồng, anh lời hơn 127 triệu đồng.

Đầu tư và lợi nhuận các năm thứ 3, 4, 5 giảm dần do chu kỳ cây cam, bình quân lợi nhuận mỗi công đất trồng cam trong 5 năm của anh Bình là hơn 88 triệu đồng. “Hiệu quả giữa trồng cam sành gấp 10 lần trồng lúa”- anh Bình cho biết.

Theo ông Phan Văn Sơn- Phó Chủ tịch UBND xã Hiếu Nghĩa, xã này có diện tích trồng cam sành nhiều nhất huyện và nông dân có lợi nhuận cao. Tuy nhiên, vấn đề giải quyết đầu ra là đáng quan tâm, hiện nay xã chưa có doanh nghiệp tổ chức thu mua và bà con chủ yếu bán qua thương lái. Toàn huyện ước có 95% nông dân bán cam qua trung gian rồi chuyển tiêu thụ các tỉnh.

Dẫu giá cam sành 1-2 năm nay xuống thấp, bà con vẫn đạt lợi nhuận rất khá trên cây trồng này.
Dẫu giá cam sành 1-2 năm nay xuống thấp, bà con vẫn đạt lợi nhuận rất khá trên cây trồng này.

Ông Lê Văn Đôi- Phó Chủ tịch UBND huyện Vũng Liêm- cho biết: Hiện nay trên địa bàn 3 xã có cam sành nhiều, một số diện tích vào giai đoạn già cỗi buộc phá bỏ và người dân cần định hướng để chọn giống cây mới. Khi định hướng tốt hơn, huyện sẽ chỉ đạo thực hiện hiệu quả kế hoạch cơ cấu lại nông nghiệp.

Theo ThS. Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT Vĩnh Long, xét về khoa học và tính bền vững, thì cần có sự kết hợp giữa kinh nghiệm của nông dân với ứng dụng khoa học kỹ thuật (đất, nước, xử lý ra hoa, đậu trái) trong canh tác cây cam; bên cạnh sự đoàn kết chia sẻ kinh nghiệm của nông dân được đánh giá rất cao.

Việc chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang cam sành đã mang lại lợi nhuận cao cho bà con, phù hợp định hướng chuyển đổi cây trồng vật nuôi và cơ cấu lại nông nghiệp của tỉnh. Và để phát triển bền vững, đã đến lúc cần tính đến vùng nguyên liệu tập trung, có doanh nghiệp chế biến, liên kết tiêu thụ đảm bảo đầu ra cho hàng hóa nông nghiệp...

Đề xuất hướng bố trí cơ cấu cây ăn quả trong vùng trồng cam sành trên đất lúa

Căn cứ vào định hướng quy hoạch của bộ và ngành chức năng tỉnh và thực tế sản xuất, Phòng Nông nghiệp- PTNT Vũng Liêm đề nghị bố trí sản xuất một số cây ăn quả sau chu kỳ khai thác cam sành, như sau: một số loại cây trồng lâu năm (xoài cát núm, xoài Đài Loan), cây có múi (bưởi da xanh, chanh không hạt, quýt đường...), thanh long, dừa. Bên cạnh đó, bà con có thể trồng mãng cầu, ổi, một số rau màu trong thời gian xử lý đất hoặc đất còn trống trước khi trồng lại cây ăn trái khác.

Bài, ảnh: MINH THÁI