Ngăn ngừa dịch tả heo Châu Phi lây lan diện rộng

Cập nhật, 05:16, Thứ Ba, 11/06/2019 (GMT+7)

Vệ sinh, tiêu độc khử trùng là một trong những biện pháp quan trọng nhằm ngăn chặn bệnh dịch tả heo Châu Phi lây lan rộng. Do đó, BCĐ Phòng chống bệnh dịch tả heo Châu Phi đã phát động tháng tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng (TĐKT) môi trường chăn nuôi trong phạm vi toàn tỉnh.

Ông Trần Hoàng Tựu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ Phòng chống bệnh dịch tả heo Châu Phi- kiểm tra công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng tại cơ sở mua bán heo ở xã Tân An Luông (Vũng Liêm).
Ông Trần Hoàng Tựu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ Phòng chống bệnh dịch tả heo Châu Phi- kiểm tra công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng tại cơ sở mua bán heo ở xã Tân An Luông (Vũng Liêm).

Theo ông Đoàn Quốc Thụy- Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp- PTNT), đến nay toàn tỉnh đã có 6 huyện, 18 xã- phường có ổ dịch tả heo Châu Phi, số heo chết, tiêu hủy đã gần 1.000 con.

Bệnh dịch tả heo Châu Phi không như bệnh tai xanh, lở mồm long lóng, cúm gia cầm, bởi những bệnh này có vắc xin phòng bệnh, còn dịch tả heo Châu Phi chưa có vắc xin nên bệnh có khả năng kéo dai dẳng.

Tiêu độc khử trùng là một trong những biện pháp quan trọng giúp ngăn dịch tả heo Châu Phi lây lan rộng.
Tiêu độc khử trùng là một trong những biện pháp quan trọng giúp ngăn dịch tả heo Châu Phi lây lan rộng.

Do đó, để ngăn chặn sự lây lan và phòng chống dịch có hiệu quả, cần phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch sớm, kịp thời, kiểm soát tốt việc vận chuyển, thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học và thực hiện tốt công tác TĐKT.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y đề nghị người chăn nuôi, buôn bán, giết mổ heo thực hiện “5 không” theo đúng Luật Thú y: không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, heo chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.

Cụ thể, đối với vùng dịch là xã- thị trấn nơi có ổ dịch và vùng dịch uy hiếp trong phạm vi 3km xung quanh ổ dịch, việc tổng vệ sinh, TĐKT được thực hiện liên tục mỗi ngày 1 lần trong tuần đầu tiên; 3 lần/tuần trong 2- 3 tuần tiếp theo. Riêng vùng đệm trong phạm vi 10km xung quanh ổ dịch thực hiện vệ sinh, TĐKT mỗi tuần/lần liên tục trong 1 tháng kể từ khi có ổ dịch.

Các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học

Nguồn nước sử dụng hàng ngày trong chăn nuôi phải qua xử lý bằng hóa chất. chuồng trại, khu vực chăn nuôi cần có rào chắn để tránh động vật khác và con người xâm nhập. Xây các hố TĐKT ở đầu dãy chuồng, mỗi khi vào trại phải bước chân vào hố TĐKT. Hàng ngày nên thu gom và xử lý các chất thải, cung cấp đầy đủ thức ăn và nước uống đảm bảo chất lượng, vệ sinh sạch sẽ dụng cụ chăn nuôi. TĐKT bên trong và bên ngoài chuồng trại thường xuyên. Chăn nuôi với mật độ hợp lý, không nuôi mật độ quá dày. Định kỳ tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh. Thường xuyên quan sát, kiểm tra sức khỏe đàn heo. Tiêu hủy- cách ly- khử trùng là chìa khóa chấm dứt sự lây lan bệnh ra diện rộng.

Ông Lê Thanh Tùng- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, khẳng định tầm quan trọng của công tác vệ sinh TĐKT vì hiện nay mầm bệnh đã có trong môi trường, nếu đồng loạt thực hiện vệ sinh TĐKT toàn địa bàn sẽ giúp tiêu diệt mầm bệnh hiệu quả, qua đó, nâng cao khả năng ngăn ngừa bệnh lây lan.

Người chăn nuôi cần thực hiện nghiêm ngặt chăn nuôi an toàn sinh học, thường xuyên vệ sinh, TĐKT định kỳ tại các cơ sở, các phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi; tăng cường theo dõi, giám sát lâm sàng các đàn heo, kịp thời phát hiện, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm đối với heo bị bệnh, nghi bệnh.

Theo ông Trần Hoàng Tựu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ Phòng chống bệnh dịch tả heo Châu Phi, mặc dù đã có nhiều biện pháp nhưng bệnh đang diễn ra trên địa bàn tỉnh rất phức tạp. Tháng hành động tổng vệ sinh TĐKT nhằm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Để làm được điều này, cần có sự hưởng ứng của toàn dân cùng các ngành, các cấp phối hợp với cơ quan chuyên môn, TĐKT các nơi như cơ sở chăn nuôi, nơi tập trung gia súc, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi thú y và nơi tiêu hủy đàn heo đã nhiễm bệnh.

Bệnh dịch tả heo Châu Phi không lây nhiễm sang người, không lây truyền sang các vật nuôi khác nên người tiêu dùng cần bình tĩnh, không nên hoang mang, không nên tẩy chay thịt heo để từ đó việc chống dịch được hiệu quả nhất cũng như hạn chế tối đa thiệt hại cho người chăn nuôi.

Ông Trần Hoàng Tựu chỉ đạo BCĐ các cấp huy động tối đa phương tiện, nhân lực, phát hiện xử lý ổ dịch sớm, kịp thời, kiểm soát tốt việc vận chuyển heo và giết mổ, chăn nuôi an toàn sinh học, thực hiện tốt tiêu độc khử trùng- nhất là trong mùa mưa.

Khuyến cáo người chăn nuôi

Thường xuyên thực hiện vệ sinh, phun thuốc TĐKT định kỳ chuồng trại và khu vực xung quanh nhằm tiêu diệt các loại mầm bệnh. Có các biện pháp ngăn chặn các loại côn trùng, gặm nhấm vì chúng có thể mang mầm bệnh từ nơi này sang nơi khác.

Không tham gia mua bán, vận chuyển, tiêu thụ bất kỳ heo bệnh, các loại sản phẩm thịt heo bệnh. Mua con giống rõ nguồn gốc; không sử dụng thức ăn thừa, thức ăn tận dụng chưa qua xử lý nhiệt chín.

Không nên cho thương lái hay người khác, phương tiện vận chuyển vào khu vực nuôi heo vì có thể mang theo mầm bệnh từ nơi khác vào.

Khi phát hiện heo bệnh, nghi bị bệnh, người chăn nuôi không bán chạy heo bệnh, không giết mổ, không vứt xác heo chết ra môi trường vì sẽ làm lây lan rất nhanh.

Không điều trị vì bệnh này không điều trị được, chưa có vắc xin phòng bệnh. Không để những người bán cám, bán thuốc vào khu chuồng nuôi nếu chưa TĐKT tiêu diệt mầm bệnh.

Hàng ngày phải vệ sinh, TĐKT chuồng trại, rắc vôi bột xung quanh chuồng và đường đi vào chuồng nuôi.

Trong chuồng có thể sử dụng các loại hóa chất để phun xịt như: ether, chloroform, iodine, sodium hydroxide, hypochlorite, ortho-phenylphenol, glutaraldehyde. Tăng cường theo dõi sức khỏe đàn heo, kịp thời phát hiện và báo với chính quyền địa phương khi nghi ngờ heo bệnh.

Bài, ảnh: THÀNH LONG