Nhà nông tìm hiểu

Hạn chế lúa đổ ngã trong mùa mưa

Cập nhật, 05:16, Thứ Ba, 11/06/2019 (GMT+7)

Những ngày qua, mưa liên tục làm cho ruộng lúa của tôi bị sập nhiều. Mong Bạn Nhà nông chỉ giúp cách gì để hạn chế lúa đổ ngã?

Phạm Công Bình (xã Lộc Hòa- Long Hồ)

Anh Bình mến! Để hạn chế lúa đổ ngã trong mùa mưa thì ngay từ đầu vụ anh nên cày xới sâu để rễ lúa bám sâu hơn và ít đổ ngã khi có mưa giông lớn.

Bên cạnh, anh nên chọn giống lúa cứng cây, thường những giống lúa có chiều cao trung bình hoặc thấp cây sẽ có sức chống chịu đổ ngã tốt hơn giống lúa có thân quá cao.

Anh cũng nên chọn giống lúa có bẹ lá ôm sát vào thân lúa sẽ cứng cáp, giảm đổ ngã, còn những giống lúa thơm, lúa mùa thường cao cây và yếu rạ.

Cần gieo sạ với mật độ thưa vừa phải, không sạ quá dày. Hợp lý nhất trong mùa mưa là 80- 120 kg/ha hoặc sạ theo hàng để đảm bảo độ thông thoáng trong ruộng lúa. Bón phân cân đối đạm, lân, kali và nên áp dụng biện pháp bón phân đạm theo bảng so màu lá.

Ngoài ra, anh cần bón thêm các dạng phân bón nhằm tăng cường tính chống chịu cho cây lúa như kali, canxi, silic,...

Đặc biệt, khi bón phân kali sẽ làm cây lúa cứng cáp hơn. Thời kỳ bón phân kali tốt nhất là lúc lúa giai đoạn đẻ nhánh (lần 1) và vào trước giai đoạn phân hóa đòng từ 7- 10 ngày (lần 3).

Rút nước giữa vụ cũng được xem là biện pháp phòng chống đổ ngã có hiệu quả. Theo đó, anh có thể rút nước ra khỏi ruộng từ 2- 3 lần, vào lúc sau đẻ nhánh tích cực (khoảng 28- 30 ngày sau sạ) và sau khi bón phân nuôi đòng (khoảng 46- 48 ngày sau sạ).

Thời gian rút nước kéo dài khoảng 5- 7 ngày/đợt. Trước khi thu hoạch 7- 10 ngày, cần tháo cạn nước để lúa cứng chân, ít bị đổ, dễ thu hoạch.

Cuối cùng anh cần chú ý phòng trừ cỏ dại, rầy nâu, sâu cuốn lá, nhện gié và các loại bệnh đốm vằn, vàng lá, cháy lá, thối cổ gié,... bởi khi lúa bị dịch hại tấn công sẽ suy yếu cũng dễ gây ra đổ ngã.

BẠN NHÀ NÔNG