Nhà nông tìm hiểu

Phòng trừ sâu, bệnh hại mít Thái

Cập nhật, 05:26, Thứ Ba, 02/04/2019 (GMT+7)

Gần đây, tôi thấy nhiều người trồng mít Thái với thời gian sinh trưởng ngắn và cho trái quanh năm, Bạn Nhà nông cho hỏi trồng loại mít này có khó không?

Võ Văn Việt (Thành Đông- Bình Tân)

Anh Việt mến! Tuy mít Thái dễ trồng nhưng để trồng thành công thì anh cần lưu ý phòng trừ một số loại sâu bệnh hại sau: Bệnh thối gốc chảy nhựa xảy ra trên các vườn mít quá ẩm ướt và có nhiều loại sâu hại chích hút nhựa cây, gây những vết thương và là cơ hội tốt cho nấm Phytopthora xâm nhập.

Bệnh thể hiện ở vùng gốc có nhiều vết loét, nước dịch từ bên trong rỉ ra, vỏ vùng gốc bị thối từng mảng lớn, bề mặt lớp gỗ ẩm ướt và thâm đen. Lá vàng, rụng và cây chết. Thường khi phát hiện được thì bệnh ở tình trạng nặng, khó chữa trị.

Cách phòng hữu hiệu nhất là trồng cây trên đất cao ráo, thoát nước tốt. Bảo vệ các thiên địch để hạn chế mật độ sâu rầy gây hại, khi cần thiết dùng các loại thuốc hóa học có chứa các hoạt chất để phun xịt như Metalaxyl + Mancozeb (Ridomyl Gold 68WG), Fosetyl Aluminium (Aliette 800WG).

Đối với sâu hại như sâu đục thân, đục nhánh, anh cần xịt thuốc trừ sâu có các hoạt chất sau vào giai đoạn ra lá non, trái non như Chlorantraniliprole + Thiamethoxam (Vitako 40WG); Abamectin (Nouvo 3.6 EC).

Ruồi đục trái đẻ trứng vào trái già, gây thối nhũn trái. Anh nên dùng chất dẫn dụ sinh học để diệt ruồi đực. Bao bọc trái hay xịt thuốc có các hoạt chất diệt ruồi như Etofenprox (Trebon 10 ND), Deltamethrin (Decis 2.5 EC),...

Sâu đục trái làm trái bị hư hỏng hay rụng sớm. Anh không nên dùng biện pháp xử lý thuốc hóa học mà dùng biện pháp sinh học để phòng trừ sự gây hại hay bao trái vào cuối giai đoạn trái rụng sinh lý.

Mít Thái cũng bị nhiều loài rầy, rệp gây hại, chúng chích hút nhựa lá non, đọt non, trái làm lá quăn queo, cây chậm lớn, trái dị hình và kèm theo là nấm đốm bồ hóng tấn công làm giảm khả năng quang hợp của cây và trái không đẹp.

Khi trồng ở nơi cao ráo thường bị rệp sáp tấn công ở phần gốc và rễ. Anh có thể dùng các loại thuốc hóa học có các hoạt chất Fenobucarb (Bassan 50 EC), Methidathion (Supracide 40 EC),... để trị rầy rệp mật số cao.

BẠN NHÀ NÔNG