Hãy giữ lại "báu vật" của đồng bằng!

Kỳ 3: Bỏ lớp đất mặt- lợi bất cập hại

Cập nhật, 16:39, Thứ Năm, 18/04/2019 (GMT+7)

>> Kỳ 1: Ùn ùn lấy đi lớp đất mặt ruộng

>> Kỳ 2: Lấy đất mặt vì ruộng ngày càng gò? 

Nhiều nông dân cho rằng, cải tạo đất gò bằng cách cào bỏ lớp mặt thì qua vài mùa đất sẽ tốt trở lại bình thường. Tuy nhiên, theo phân tích ngành chuyên môn và các nhà khoa học, đất ở bề mặt là lớp phì nhiêu nhất trên đồng ruộng, quá trình hình thành phải qua một thời gian rất dài. Do đó, việc bỏ đi lớp đất này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, đặc biệt nếu lấy đi hết tầng mặt sẽ gây ra nhiều hệ lụy khó bù đắp.

Đất được vô bao, gom lại và mang đi khỏi ruộng.
Đất được vô bao, gom lại và mang đi khỏi ruộng.

Lợi thì có lợi…

Trong sản xuất lúa, khi chuẩn bị gieo sạ, nông dân sẽ cải tạo những chỗ đất gò trước khi cho máy trục bằng phẳng. “Dù thường xuyên lấy đất gò đem xuống chỗ trũng nhưng qua nhiều vụ, chỗ gò thì tiếp tục gò mà chỗ oằn thì oằn tiếp. Nên thường phải gom gò hoài là vậy”- chú Võ Văn Quý ở ấp Nhơn Trí (xã Nhơn Bình- Trà Ôn) nói vậy và cho biết thêm đối với ruộng gò quá nhiều, nông dân sẽ nhắm chừng để lấy đất gò, rồi đem đất này lên bờ ranh hoặc đem đi khỏi ruộng để hạ thấp mặt ruộng.

Có phải cải tạo đất gò sẽ tạo nhiều thuận lợi cho người trồng lúa? Chúng tôi thắc mắc và được chú Quý trả lời: “Đất thấp, lúa lộn không có, bông cỏ cũng không. Vừa sạ xịt cỏ cho nước vô kịp thời là ém cỏ, lúa lộn không lên kịp. Còn đất gò thì xịt thuốc cỡ nào cũng không hết nổi mấy thứ đó”.

Đang thuê máy cày hơn 5 công ruộng, bác Năm ở ấp Hồi Thành (xã Xuân Hiệp-Trà Ôn) cho hay: “Đất này tính ra đã hạ gò cách nay khoảng 20 năm, giờ phải hạ tiếp. Bởi giờ tới lúa chưa trổ là cắt bông cỏ với lúa rài, tốn không dưới 250.000 đ/công, mùa nào cũng cắt mà không hết. Mà toàn sạ giống xác nhận không đó, có phải ẩu đâu”.

Bác Năm tâm sự: “Tui đã tìm hiểu thấy mấy mùa rồi, thấy xung quanh hạ đất thấp, làm ít cỏ và lúa lộn nên năm nay làm theo”. Vẻ nghĩ ngợi rồi bác nói: “Thiệt lòng, cái này bắt buộc phải làm mới giữ được nước. Khu kế đây người ta cào đất hết rồi, mình không cào thì đất hai ba cỡ, thả nước vô rỏ qua người ta hết”. Hạ gò, nước nôi vô ra dễ dàng, đỡ công chăm sóc, phân và thuốc cũng nhẹ hơn.

Chúng tôi gặp chú Nguyễn Văn Minh ở Ấp 8 (xã Mỹ Lộc- Tam Bình) khi chú đang cùng nhiều người vác những bao đất trên ruộng. Chú Minh cho biết: “Vừa cải tạo gò vừa có thể bán nên năm trước chỉ vài người mướn cào lớp mặt, còn năm nay hầu như toàn bộ cánh đồng nên tui cũng làm theo”.

Theo chú, những năm gần đây, có một số người ở tỉnh khác đến mua đất nên nhiều người đều vô bao để bán, “mới hổm có xe tải tới chở đất ra Đồng Nai”. “Bán được thì bán lấy tiền mua phân cho mùa sau, không thì đem đất về trồng gừng, trồng bưởi”- chú Minh nói vậy.

Theo ghi nhận của chúng tôi, nếu nông dân có nhu cầu lấy đất mặt ruộng nhà để sử dụng thì chi phí thuê xe cuốc, xe cải tiến… chở về tận nơi khoảng 4- 5 triệu đồng/công.

Còn nếu bán thì sau khi xới đất, nông dân thường để vài ngày cho tơi xốp rồi lấy sâu xuống một lớp mặt chừng 10cm vô bao (loại bao 25- 30kg); chi phí thuê vô bao, chở ra đường lộ khoảng 8.000 đ/bao, vác lên xe tải 1.000- 2.000 đ/bao. Mỗi công được khoảng 1.200 bao. Nếu bán với giá 15.000 đ/bao nông dân còn lời 5.000-6.000 đ/bao, nghĩa là thu được khoảng 6- 7 triệu đồng/công.

... Nhưng hại cũng nhiều

Thực tế cho thấy, nhu cầu cải tạo đất gò của nông dân là có thật và ngày càng tăng. Nông dân nhận thấy cái lợi là cải tạo được đất không tốn kém, mà đôi khi bán đất lại có thêm tiền, canh tác dễ dàng hơn nên việc lấy đất mặt diễn ra ồ ạt.

Tuy nhiên, việc cải tạo như hiện nay hoàn toàn sai phương pháp và đã đi quá xa so với mục đích ban đầu. Theo đó, thay vì cải tạo tốt hơn, thì vô tình làm cho đất “nghèo” đi dù khi chúng tôi hỏi, nông dân nào cũng nằm lòng “đất này đem về trồng, cây nào mà chê”.

Đặc biệt, nếu trước đây chỉ cải tạo bằng phương pháp thủ công- quy mô nhỏ lẻ thì ngày nay còn sự hỗ trợ của máy móc, đất mặt bị lấy đi nhanh chóng và rất lớn.

Chú Lương Văn Đức ở ấp Thông Quan (xã Phú Đức- Long Hồ) thừa nhận: Sau khi cho đất 3 công, tôi thấy 2 mùa tiếp sau đó lúa hơi thất, phải bón phân thuốc nhiều để bù năng suất, nặng nhất là phân mùa đầu. Tuy nhiên, chú Đức nghĩ rằng, chừng 5- 6 năm đất sẽ phục hồi tốt trở lại như cũ nên làm hết các công còn lại.

TS Dương Minh Viễn- Phó Trưởng Bộ môn Khoa học đất (Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng- ĐH Cần Thơ) phân tích: Hạ mặt ruộng để giữ nước tốt hơn- xét về mặt này thì người ta bán cũng có lợi là giúp chi phí đầu tư sản xuất thấp hơn.

Tuy nhiên, nông dân cho hoặc bán tầng đất quý giá nhất với giá 1 triệu đồng/công trong khi với số tiền đó không thể cải tạo được tầng đất mặt trong 1 công đất. “1 triệu đồng mua được nhiều lắm 4 bao phân hữu cơ 200kg bón vô cũng… như không, không ý nghĩa”- ông nói vậy.

Đi sâu vấn đề này, TS Dương Minh Viễn cho biết, qua nghiên cứu thì sau khi lấy đi lớp đất quý giá nhất năng suất các vụ sau lập tức hạ xuống. Do đó, buộc nông dân phải tăng bón phân để bù dinh dưỡng như phân hữu cơ. Về việc có thể tự phục hồi hình thành lại tầng đất mặt? TS Dương Minh Viễn cho rằng, đất được hình thành cả hàng triệu, hàng tỷ năm qua quá trình chọn lọc.

Độ phì nhiêu của đất tính theo độ sâu không giống nhau. Về mặt khoa học, muốn xác định tầng mặt thì phải đào xuống xem thay đổi của các tầng. Trong đó, những gì cần thiết sẽ tích tụ hoặc đào thải đi, rửa trôi, thấm xuống dưới- xảy ra trên tầng mặt. Nói cho dễ hiểu, tầng mặt là tầng dùng để canh tác.

Tức là trong quá trình trồng trọt bộ rễ phát triển tập trung dưới đó, cày xới bón phân thấm xuống- dinh dưỡng tập trung ở đó, độ tơi xốp tầng đó là tốt nhất. Đặc biệt, tầng mặt còn là nơi muốn hình thành phải trải qua thời gian canh tác rất dài. Trong đó, có chất hữu cơ- chất có giá trị quý trong đất tập trung nhiều ở tầng này (thông thường càng sâu xuống dưới chất hữu cơ càng giảm).

Chất hữu cơ được hình thành trong quá trình hình thành đất bao gồm xác bã thực vật, chất chuyển đổi của nó và các axit mùn… Mình lấy chất hữu cơ đi thì ảnh hưởng tới đất rất nhiều. TS Dương Minh Viễn lưu ý: không đơn thuần là lấy phân hữu cơ bón vô là được chất hữu cơ của đất. Bởi vì, chất hữu cơ của đất và phân hữu cơ là hoàn toàn khác nhau.

Cũng theo TS Dương Minh Viễn, tầng canh tác tùy theo loại cây mà có độ sâu khác nhau. Đối với cây lúa ở ĐBSCL thì tầng đó khoảng 0- 15- 17cm. Nói tóm lại, tầng canh tác tơi xốp hơn, hữu cơ nhiều hơn, dinh dưỡng tích tụ hơn, độc chất ít hơn tầng bên dưới, nên nếu nông dân bán tầng mặt là tầng phì nhiêu nhất trong đất.

Do tầng mặt có một độ cao khác nhau, điều đó lý giải vì sao nhiều nơi nông dân cho rằng, cải tạo vài mùa sau vẫn có thể trúng trở lại là vậy. Tuy nhiên, nếu chu kỳ gò vài chục năm lặp lại, nông dân cải tạo đất ngày càng sâu, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, mà đối mặt nguy cơ mất đi lớp đất quý còn lại, gây ra nhiều hệ lụy khó bù đắp nổi.

Lớp đất mặt tốt nhất của ruộng đồng bị lấy để vô gốc cây, lên liếp vườn… hoặc vô bao để bán đi nơi khác.
Lớp đất mặt tốt nhất của ruộng đồng bị lấy để vô gốc cây, lên liếp vườn… hoặc vô bao để bán đi nơi khác.

Còn PGS. TS Lê Anh Tuấn lưu ý, nông dân bỏ đi lớp đất quý giá nhất thì phải trả giá cho chuyện năng suất giảm đi. Rồi nếu gặp năm nước quá lớn, ruộng sẽ bị ngập nhiều hơn, lâu hơn. Ngoài ra, khi làm lúa 3 vụ không hiệu quả, như giá lúa giảm, phân bón vật tư tăng như hiện nay, nông dân chuyển qua trồng màu, lên vườn cần đất cao thì lại “bại”.

Có thể thấy, thực tế trong quá trình sản xuất lúa, người dân rất cần cải tạo đất gò. Tuy nhiên, với cách làm sai đã lấy đi lớp đất quý giá mà nông dân xem nhẹ. Trong khi đó, các nhà khoa học và ngành chuyên môn khuyến cáo để tăng giá trị trên diện tích nông dân nên giữ nguyên, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nhưng nếu quá cần thiết, bắt buộc phải cải tạo thì hạ gò đúng cách để tránh ảnh hưởng tài nguyên thiên nhiên.

Bài, ảnh: TẤN ANH- TUYẾT HIỀN

>> Kỳ cuối: Giữ lấy lớp đất phì nhiêu cho đồng bằng