Anh Phạm Hoàng Minh (44 tuổi, ngụ ấp Tân Mỹ, xã Chánh An- Mang Thít) kiếm tiền tỉ mỗi năm từ mô hình trồng thanh long thả giàn.
Anh Phạm Hoàng Minh (44 tuổi, ngụ ấp Tân Mỹ, xã Chánh An- Mang Thít) kiếm tiền tỉ mỗi năm từ mô hình trồng thanh long thả giàn.
Anh Minh cho biết, trồng thanh long thả giàn sẽ tận dụng được khoảng trống. |
Cách đây 10 năm, vào năm 2010, anh Minh mạnh dạn cải tạo 10 công vườn tạp không hiệu quả để chuyển sang trồng chanh. Cứ mỗi đợt thu hoạch, anh Minh dành dụm tiền để mua heo và bò nuôi thêm.
Đến năm 2014, thấy vườn chanh không còn hiệu quả, năng suất giảm, kinh tế không cao nên anh Minh đi nhiều nơi ở ĐBSCL để tìm hiểu các loại cây cho thu nhập cao trên vùng đất nhà mình.
Sau khi nghiên cứu, anh Minh đã trồng thử xen vào vườn chanh 600 gốc thanh long ruột đỏ để tạo giống và bán cho bà con xung quanh.
Từ những giống thanh long có sẵn trong vườn, năm 2015, anh Minh đã chuyển đổi hết 10 công đất trồng chanh và thuê thêm 4 công đất lúa kém hiệu quả gần nhà để trồng đặc sản chuyên canh cây thanh long với hơn 2.000 trụ. Cuối năm 2016, tổng thu nhập của gia đình hơn 2 tỉ đồng.
Thấy được hiệu quả vượt bậc, gia đình anh đã đầu tư chủ lực vào cây thanh long. Tính đến nay, gia đình anh Minh đã trồng gần 3.000 trụ thanh long trên diện tích 22 công gồm đất mua và thuê thêm. Từ đầu năm đến nay, gia đình anh Minh thu hoạch nhiều đợt, mỗi đợt từ thu vào khoảng vài trăm triệu đồng.
Theo anh Minh, có được năng suất cao nhờ áp dụng những sáng kiến, phát minh khoa học đã được ứng dụng và đem lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất.
Cụ thể, trong quá trình sản xuất và học hỏi kinh nghiệm các mô hình trồng thanh long các địa phương khác, bản thân anh thấy so với mô hình trồng trụ riêng lẻ, thanh long trồng thả giàn mang lại hiệu quả cao hơn, mô hình này vừa tiết kiệm được diện tích đất.
Thay vì trồng mỗi trụ cách nhau 3m, trồng theo giàn thì mỗi gốc chỉ cách nhau 1m, thường 1ha đất chỉ trồng được khoảng 1.000 gốc, nhưng nhờ áp dụng mô hình trồng giàn 1ha có thể trồng được 2.000 gốc, vừa giảm được công chăm sóc và giảm phân bón.
Việc tưới phân bón bằng cách pha nước phun bằng máy bơm cũng được anh áp dụng mang lại hiệu quả cao. Anh Minh cho biết, bón phân bằng cách rải truyền thống phải tốn nhiều lượng phân bón, phân sẽ bốc hơn nhiều, tan không hết phân sẽ trôi chảy.
Bản thân thấy hạn chế nên nghĩ ra làm cách nào để khắc phục, anh đã xây dựng 2 bể (mỗi bể khoảng 2.000 lít nước), rồi để phân vào bể dùng máy bơm chậm đánh tan hạt phân trong bể và tưới bằng máy bơm nước.
Khi tưới phân bằng cách này phân thấm hoàn toàn vào trong đất, lượng phân tiết kiệm được ½ lượng phân rải truyền thống. Điều này cũng giúp cho anh đỡ tốn chi phí và vườn thanh long cũng được hấp thụ đều lượng phân, cho trái to và đẹp.
Vườn thanh long thả giàn theo hàng thẳng tấp trông rất đẹp. |
Theo anh Minh, mỗi ha thanh long có thể thu hoạch được khoảng 2 tỉ đồng, bắt đầu từ năm thứ tư. Mùa thuận thu hoạch khoảng 9 đợt/năm và mùa nghịch thu hoạch khoảng 3 đợt.
Nhưng với anh có thể làm mùa nghịch đến 5 đợt. Anh Minh nhẫm tính, nếu trồng 2,5m/trụ thì mỗi công (1.000m2) sẽ có 125 trụ.
Trung bình mỗi trụ thu hoạch 15kg, với giá 10.000 đ/kg sẽ cho 150.000 đ/trụ. Nếu mùa nghịch, giá từ 50- 60.000 đ/kg…thì giá cả sẽ cao hơn gấp nhiều lần.
Ngoài việc chăm sóc vườn thanh long vườn nhà, thời gian rảnh anh hợp đồng đổ trụ thanh long thuê khắp các tỉnh ĐBSCL.
Hiện nay, trong tay anh có khoảng 20 lao động, nếu vào vụ thu hoạch sẽ tăng số lượng. Tùy công việc mà mỗi lao động đều có giá thuê khác nhau và đặc biệt phần cơm trưa gia đình anh hoàn toàn hỗ trợ. “Xưa kia mình cũng là công nhân thợ hồ, những bữa cơm trưa rất quan trọng mỗi lúc đi làm xa.
Có khi phải đạp xe về nhà hoặc ra chợ ăn bữa cơm rất xa, mình nghĩ ước gì chủ nhà lo được bữa cơm thì hay biết dường nào.
Từ những suy nghĩ đó nên bây giờ khá giả, tôi xem lao động cho gia đình như là những thành viên trong gia đình. Bữa cơm trưa khi dọn lên thì cả tôi và mọi người ăn cùng mâm cơm, tôi ăn gì thì mọi người ăn nấy, không phân biệt”- anh Minh tâm sự.
Ông Trần Hoàng Tính- Chủ tịch Hội Nông dân xã Chánh An (Mang Thít), cho biết: “Không chỉ lo cho công nhân lao động, gia đình anh Minh đã hỗ trợ hơn 30.000 hom thanh long cho bà con ở địa phương, hỗ trợ luôn kỹ thuật canh tác và tìm đầu ra cho bà con nông dân”.
Ông Nguyễn Thanh Trang- Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long, nhận xét: “Ở Vĩnh Long có nhiều hộ trồng thanh long, nhưng mô hình của anh Minh được đánh giá cao vì có những sáng kiến mang lại hiệu quả là trồng theo kiểu thả giàn và phun thuốc bằng máy, vừa tiết kiệm chi phí vừa nâng cao giá trị trái thanh long trên vùng đất lúa kém hiệu quả.
Anh Minh là một trong những nông dân sản xuất tiêu biểu của tỉnh Vĩnh Long trong nhiều năm qua. Năm 2017 này, anh là 1 trong 3 mô hình nông dân sản xuất giỏi được đề xuất đi Hà Nội dự điển hình tiên tiến cấp toàn quốc”
Bài, ảnh: BÁ HÙNG
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin