Mặn đang lên nhanh

Cập nhật, 07:42, Thứ Ba, 08/03/2016 (GMT+7)

Đúng như dự báo của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, từ sau ngày 4- 7/3 “mặn sẽ xâm nhập rất sâu, thậm chí nghiêm trọng hơn kỳ đầu tháng 2 vừa qua”.

Ghi nhận của phóng viên vào sáng 7/3 tại nhiều địa phương, hạn mặn cao trở lại, xâm nhập sâu nội đồng, tiếp tục gây ảnh hưởng đời sống người dân trong tỉnh.

Sản xuất lúa ở Vĩnh Long và ĐBSCL sẽ gặp khó nếu mặn xâm nhập vào sâu. Ảnh: DƯƠNG THU
Sản xuất lúa ở Vĩnh Long và ĐBSCL sẽ gặp khó nếu mặn xâm nhập vào sâu. Ảnh: DƯƠNG THU

Mặn sẽ càng gay gắt

Tại huyện Mang Thít, theo Phòng Nông nghiệp- PTNT, độ mặn tại nhiều nơi lên nhanh. Từ ngày 4- 6/3, độ mặn dao động ở mức 2- 3‰. Đến 16 giờ ngày 6/3, độ mặn tại 2 điểm xã Chánh An, An Phước đã lên đến 4‰.

Ông Trương Tấn Được- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT Mang Thít cho biết, đã chỉ đạo các xã- thị trấn tăng cường đo độ mặn 3 lần/ngày ở 2 điểm nhà máy nước Chánh An, An Phước.

“Chúng tôi đã xin ý kiến UBND huyện cho đóng các cửa cống, thông báo đến người dân cẩn thận khi tưới tiêu cho cây trồng vật nuôi. 2 xã bị ảnh hưởng nhiều nhất của xâm nhập mặn là Chánh An và An Phước. Huyện cũng đã chỉ đạo thông báo đến các xã ngay trong ngày 4/3 tình trạng xâm nhập mặn để chủ động phòng chống”- ông Trương Tấn Được cho hay và nói thêm:

“Địa phương rất bối rối chưa biết xử lý như thế nào, bởi nào giờ chưa xảy ra mặn mức vậy. Trong khi đó, độ mặn trên 2‰ đã ở mức cảnh báo không sử dụng được. Tình trạng này rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống sản xuất người dân.”

Bà Trần Thị Thân- Phó Chủ tịch UBND xã An Phước cho biết, đã thông báo đến từng ấp bằng loa phát thanh tình trạng xâm nhập mặn. Trữ nước trong đê bao, đợt xâm nhập mặn trước tết đã bị ảnh hưởng 2ha lúa do bờ vùng vỡ.

Khi độ mặn lên 3‰ thì sẽ cho cắt nước. 2‰ có thể sử dụng cho việc tắm rửa, giặt giũ nhưng ăn uống, nấu nướng thì phải dùng nước dự trữ.

“Lo lắng nhất là các hộ sử dụng nước máy, còn các hộ chưa có nước sạch sử dụng thì có thể dùng nước dự trữ. Độ mặn lên cao sẽ cho cúp nước từ 3- 5 ngày, nếu quá lâu nước mặn chưa xuống thì không biết tính sao. Xã chưa có giải pháp cụ thể để ứng phó bởi chưa bao giờ xảy ra tình trạng này”- bà Trần Thị Thân lo ngại.

Sáng 7/3/2016, Phó Chủ tịch UBND Trần Hoàng Tựu cũng đã đến trực tiếp huyện Mang Thít chỉ đạo tình hình phòng chống xâm nhập mặn.

Sau khi nghe lãnh đạo Công ty CP Nước và Môi trường Mang Thít báo cáo tình hình cung cấp nước sinh hoạt cho người dân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hoàng Tựu lưu ý, công ty cần trang bị máy đo độ mặn, thường xuyên theo dõi, đo liên tục 3- 4 lần/ngày để kịp thời nắm bắt nồng độ mặn thông báo đến người dân.

Dự báo tình trạng này sẽ còn kéo dài, ông yêu cầu địa phương cần thông báo người dân chủ động trữ nước ngọt sử dụng.

Về lâu dài, huyện Mang Thít cần nghiên cứu, quy hoạch vùng ven thị trấn để đào ao trữ nước ngọt với diện tích khoảng 5ha, dung tích chứa nước từ 50.000- 70.000m3 nước. Ngoài Mang Thít, theo ông Trần Hoàng Tựu, Vũng Liêm cũng là huyện không sử dụng mạch nước ngầm được nên phải có quy hoạch, chiến lược chống hạn mặn.

Tại huyện Vũng Liêm, anh Điều Công Khanh (cồn Thanh Long, ấp Phước Lý Nhì, xã Quới Thiện) cho biết, nước mặn đã lên mấy ngày nay, không khác lần trước bao nhiêu. Lần này, nước mặn không thể nấu ăn, chỉ để tắm giặt nhưng tắm vào lại thấy ngứa ngái khó chịu.

Do không có điều kiện chuẩn bị dụng cụ trữ nước ngọt nhiều, chỉ chứa trong vài thùng phuy nhựa nên chỉ đủ dùng trong khoảng nửa tháng. Nếu nước mặn kéo dài hơn sẽ rất khó khăn cho người dân nơi đây. Không còn nước ngọt, người dân ở đây đã phải tìm đến 2 ao nuôi cá của một doanh nghiệp thuê (hiện đã bỏ không) để lấy nước ngọt về sử dụng.

Anh Trần Thanh Tín ở gần đó cũng cho hay, cũng biết tình hình nước mặn là rất khó khăn nhưng do điều kiện kinh tế gia đình eo hẹp nên cũng chưa sắm sửa vật dụng để trữ nước ngọt. Hiện gia đình anh cũng chỉ xài nước ngọt đã được dự trữ trong vài lu sẵn có, xài tiết kiệm, nước ngọt ít nên chỉ dùng cho việc ăn uống là chính.

Nước sông nhiễm mặn, người dân ấp Phước Lý Nhì (xã Quới Thiện- Vũng Liêm) phải lấy nước ở ao nuôi cá (hiện bỏ không) để sử dụng. Ảnh: NHÓM PV KINH TẾ
Nước sông nhiễm mặn, người dân ấp Phước Lý Nhì (xã Quới Thiện- Vũng Liêm) phải lấy nước ở ao nuôi cá (hiện bỏ không) để sử dụng. Ảnh: NHÓM PV KINH TẾ

Tổng lực phòng chống xâm nhập mặn

Trước tình hình hạn mặn xâm nhập gay gắt, sáng 7/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh- thành ĐBSCL để tìm giải pháp phòng, chống.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp- PTNT, tổng diện tích lúa Đông Xuân bị thiệt hại đến nay là 139.000ha, trong đó có 86.000ha thiệt hại trên 70% năng suất, 43.000ha thiệt hại từ 30- 70% năng suất…

Các tỉnh bị thiệt hại nặng nhất là Cà Mau (hơn 49.000ha, Kiên Giang (hơn 34.000ha), Bạc Liêu (11.456ha) và Bến Tre là 13.844ha. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Cao Đức Phát cho biết, tình hình dự báo những ngày tới của tháng 3 và tháng 4 có nguy cơ tình hình xâm nhập mặn sẽ còn xấu hơn.

hiều diện tích lúa Đông Xuân sẽ tiếp tục được thu hoạch (hiện đã thu hoạch được hơn 40% diện tích), do vậy diện tích bị ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn sẽ không nhiều, dự kiến khoảng 46.000ha.

Đối với vụ lúa Hè Thu 2016 nếu tình hình khô hạn tiếp tục kéo dài đến tháng 6 thì toàn vùng ĐBSCL sẽ có khoảng 500.000ha không xuống giống đúng thời vụ do thiếu nước, chiếm hơn 40% diện tích của các tỉnh ven biển và khoảng gần 30% diện tích gieo trồng toàn khu vực.

Hiện có khoảng 155.000 hộ gia đình với khoảng 575.000 người bị thiếu nước sinh hoạt. “Không chỉ đối với hộ gia đình, ở Bến Tre thì thậm chí cả khách sạn, nhà hàng, trường học, bệnh viện, nhà máy chế biến đều thiếu nước”- Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, yêu cầu trước mắt phải đảm bảo nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho người dân, đề phòng tình trạng dịch bệnh tràn lan.

Tập trung tất cả các biện pháp có thể làm để ngăn mặn, giữ ngọt bảo vệ diện tích lúa Đông Xuân đang còn trên đồng cũng như vườn cây ăn trái tại các địa phương. Hướng dẫn kỹ thuật cho người nuôi thủy sản ứng phó với dịch bệnh phát sinh trong điều kiện nắng hạn, độ mặn tăng cao.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính và các địa phương nhanh chóng cấp kinh phí để thực hiện những công trình cấp bách ứng phó thiên tai, hỗ trợ người dân bị thiệt hại sớm vượt qua khó khăn.

Ngân hàng Nhà nước khoanh nợ cho người dân đối với diện tích thiệt hại và cho vay mới ngay để khôi phục sản xuất. “Theo dự báo, trong vòng 100 năm tới, ĐBSCL chắc sẽ ngập hết. Vì thế phải có giải pháp thích ứng thiên tai thật lâu dài, căn cơ”- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo.

 

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, ĐBSCL cần 32.500 tỷ đồng để thực hiện các công trình cấp thiết ứng phó với biến đổi khí hậu. Hiện, đã bố trí khoảng 50%. Bức xúc nhất là cần 1.060 tỷ đồng cho các địa phương trong vùng thực hiện những công trình cấp bách ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ đời sống và sản xuất của người dân.

NHÓM PV KINH TẾ