ĐBSCL Khẩn cấp ứng phó hạn, mặn

Kỳ 1: Hạn, mặn "lịch sử"

Cập nhật, 08:24, Thứ Ba, 23/02/2016 (GMT+7)

Hạn, mặn đặc biệt nhất trong gần 100 năm. Đó là một trong những thông tin được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh tại hội nghị “Phòng chống hạn, xâm nhập mặn tại các tỉnh ĐBSCL” vừa qua.

Hạn, mặn năm nay được nhận định đến sớm, xâm nhập mặn sâu và nhiều dự báo kéo dài nếu không có mưa. Mặn đã xâm nhập sớm từ tháng 12/2015, gây ảnh hưởng nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng nề cho một số địa phương ven biển dù đã có những biện pháp ứng phó.

Riêng Vĩnh Long, tuy nằm rất xa biển nhưng hiện cũng bị nước mặn tấn công, ảnh hưởng nhiều diện tích sản xuất.

Tại nhiều tỉnh ĐBSCL, ứng phó hạn, mặn đang là vấn đề rất khẩn cấp để bảo vệ sản xuất và nguồn nước sinh hoạt cho người dân, cả trong ngắn hạn và lâu dài.

Mặn xâm nhập bất thường ở Hậu Giang khiến lúa bị “xèo”, giảm năng suất, nông dân lo lắng.
Mặn xâm nhập bất thường ở Hậu Giang khiến lúa bị “xèo”, giảm năng suất, nông dân lo lắng.

El Nino 2014, 2016 trở thành một trong những El Nino kéo dài nhất trong khoảng 60 năm qua. Do ảnh hưởng hiện tượng này nền nhiệt độ tăng cao, mưa ít nên xảy ra nhiều hiện tượng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn...

Theo Bộ Nông nghiệp- PTNT, năm 2015 có gần 40.000ha đất nông nghiệp phải dừng sản xuất, diện tích cây trồng bị hạn lên tới 122.000ha và hàng chục ngàn người thiếu nước sinh hoạt do mặn xâm nhập.

ĐBSCL- hạn mặn đặc biệt

Tại hội nghị phòng chống hạn, xâm nhập mặn các tỉnh ĐBSCL vừa qua, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, mặn xâm nhập sớm hơn, xảy ra từ tháng 12/2015, đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng, thiệt hại nặng nề ở một số địa phương cho dù đã có những biện pháp ứng phó.

“Tình hình hạn mặn năm nay là đặc biệt và với những gì tôi được báo cáo là đặc biệt trong gần 100 năm qua”- Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp- PTNT, mùa khô năm 2015- 2016, tổng lượng mưa trên lưu vực thiếu hụt 20- 50% trung bình nhiều năm. Mực nước thượng nguồn sông Mekong tiếp tục xuống nhanh và thấp nhất trong vòng 90 năm qua.

Do thiếu nước ngọt, mặn xuất hiện sớm hơn 2 tháng so với cùng kỳ đã xâm nhập sâu vào vùng ĐBSCL. Hiện trên các hệ thống sông chính ở miền Tây, mặn xâm nhập sâu từ 40- 93km, tăng 10-15km so với các năm trước.

Tỉnh Vĩnh Long nằm rất xa biển nhưng hiện cũng bị nước mặn tấn công, ảnh hưởng nhiều diện tích vườn bưởi da xanh, sầu riêng, xoài....

Còn Hậu Giang hơn 40ha lúa bị thiệt hại nặng. Theo Phó Chủ tịch tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn, hiện tại các sông lớn đã bị mặn xâm nhập sâu từ 3- 4km.

TP Rạch Giá trong tháng 6 và 7/2015, giữa mùa mưa mà đã thiếu nước ngọt 2 đợt, mỗi đợt 15 ngày; dịp tết cổ truyền thiếu nước ngọt một tuần. Còn vùng U Minh Thượng, lúa bị chết mất 34.000ha nhưng vẫn chưa dừng lại, đời sống sản xuất của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết, cả tỉnh đã bị xâm nhập mặn, thiệt hại 28.000ha lúa, gồm 18.000ha lúa gieo sạ trên ao tôm (chiếm 56% diện tích lúa- tôm) và 10.000ha lúa Đông Xuân 2015- 2016 (chiếm 28,5% lúa Đông Xuân của tỉnh).

“Đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn- Đất Mũi vừa thông xe mà dịp tết nhiều đoạn bị nhấn chìm trong nước mặn triều cường, phải khẩn cấp bảo vệ. Lo ngại nhất hiện là nguy cơ cháy rừng tràm U Minh Hạ đang cao, bởi chúng tôi cho đắp đê giữ nước ngọt rất sớm, từ ngày 15/10/2015, nhưng nay mực nước trong rừng tràm cũng đã xuống thấp hơn trung bình hàng năm 0,3m”- ông Nguyễn Tiến Hải lo lắng.

Thực tế khác cũng đáng lo ngại đang xảy ra với ĐBSCL là đất nông nghiệp bị khô hạn, xâm nhập mặn gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, người dân thiếu nước ngọt trong sinh hoạt dẫn đến ô nhiễm môi trường, dịch bệnh.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, nguyên nhân của tình huống thiên tai trên có lý do sâu xa bởi tác động của con người vào dòng chảy trên sông Mekong, đã làm thay đổi vĩnh viễn một phần chế độ dòng chảy. Đồng thời sự thay đổi đó tác động nghiêm trọng hơn trong bối cảnh một El Nino xảy ra khốc liệt nhất trong lịch sử.

Tháng 3, 4, 5 nguồn nước ngọt rất khó khăn

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh Vĩnh Long vừa có thông báo, nhận định: trong những ngày đầu tháng 2/2016, độ mặn sông, rạch trong tỉnh lên mức cao nhất từ trước đến nay, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và nguồn nước sinh hoạt của nhân dân, đặc biệt là các huyện Vũng Liêm, Trà Ôn và Mang Thít.

Căn cứ dự báo xâm nhập mặn tại các cửa sông vùng ven biển ĐBSCL của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, dự báo độ mặn dọc sông Cổ Chiên tại trạm Thanh Bình (cách cửa sông 50km), độ mặn có thể đạt 7- 9‰ và đạt cao nhất 8- 10‰ vào tháng 4; dự báo vào tháng 3, 4, 5 nguồn nước ngọt rất khó khăn. Trạm xã Trung Thành Tây (cách cửa sông Cung Hầu 60km) độ mặn từ 5- 8‰, nguồn nước ngọt dồi dào, thời kỳ triều cao có mặn. Còn tại trạm xã An Phú Tân, Cầu Kè, Trà Vinh (cách cửa sông Định An 60km), độ mặn từ 5- 8‰, từ tháng 3 trở đi nước ngọt ít hơn nhiều so với tháng 2.

 

Hạn, mặn sẽ rất khốc liệt

Theo phân tích của Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng- thủy văn Trung ương Hoàng Đức Cường, có 3 nguyên nhân gây ra hạn và xâm nhập mặn nặng nề cho ĐBSCL.

Đó là, El Nino năm 2014, 2016 có cường độ tương đương El Nino mạnh kỷ lục năm 1997, 1998, nhưng kéo dài nhất trong 60 năm qua, từ khi có những quan trắc chi tiết về hiện tượng thời tiết cực đoan này.

Nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm 1- 1,50C, lượng mưa thấp hơn nhiều năm 30- 50%. Trong khi đó, tổng lượng dòng chảy sông Mekong về ĐBSCL thiếu hụt so với trung bình nhiều năm 20- 50%. Vì thế, lũ năm 2015 ở ĐBSCL nhỏ, khô hạn gay gắt ngay trong nửa năm đầu 2016 và xâm nhập mặn đã xảy ra sớm.

“Từ cuối tháng 2, mặn có khả năng duy trì ở mức cao, nghiêm trọng. Trên sông Tiền, sông Hậu độ mặn trên 4 g/lít có thể xâm nhập sâu khoảng 50- 70km tính từ cửa sông, có thời kỳ trên 70km. Độ mặn sẽ tăng cao và kéo dài đến đầu tháng 5/2016”- ông Hoàng Đức Cường dự báo.

 

Theo thông báo khẩn cấp của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, thời điểm lấy nước ngọt là từ ngày 16/2 đến 22- 25/2, sau đó độ mặn có thể duy trì ở mức cao và nghiêm trọng hơn.

Tuy nhiên, giữa tháng 2 này, hạn và mặn có dịu lại. Theo ông Tăng Văn Thắng, Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, đó là nhờ có nước ngọt từ thượng nguồn sông Mekong về, do băng giá tan và đập thủy điện Trung Quốc xả nước.

“Tuy nhiên, cuối tháng 2, mặn sẽ trở lại rất khốc liệt. Từ khi Trung Quốc vận hành các đập thủy điện thì mặn cuối mùa là khó lường”- ông Tăng Văn Thắng cảnh báo.

Hạn, mặn đã thực sự tác động mạnh và đã gây thiệt hại đáng kể cho sản xuất. Tại 8 tỉnh ven biển ĐBSCL gồm: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Hậu Giang, theo thống kê diện tích lúa có nguy cơ bị xâm nhập mặn là 339.234ha, chiếm 21,9% diện tích lúa Đông Xuân toàn vùng.

Trong đó, diện tích lúa bị ảnh hưởng nặng hiện lên đến 104.000ha. “Thiệt hại rất lớn, riêng số lúa đã bị mất là khoảng 1.000 tỷ đồng và chưa dừng lại”- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Cao Đức Phát nhận định, đồng thời cảnh báo, nhiều thiệt hại nữa ở cây ăn trái, thủy sản, rừng, chăn nuôi và nhất là thiếu nước ngọt cho sinh hoạt của người dân làm cuộc sống đảo lộn.

Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Trần Công Chánh lo ngại: “Đất nhiễm mặn thì chục năm sau cây cối còn cằn cỗi, người dân sẽ nghèo. Vùng nông nghiệp trọng điểm quốc gia không còn làm chơi ăn thật như xưa nữa mà đang đối diện những thách thức nặng nề của biến đổi khí hậu và các hậu quả do con người gây ra, cần nghiêm túc đặt ra bài toán đầu tư phát triển”.

 

Đến nay, 2 tỉnh là Kiên Giang và Bến Tre đã công bố thiên tai do hạn, mặn. Các huyện bị ảnh hưởng nặng nề nhất tại Kiên Giang gồm: huyện An Biên, An Minh, U Minh Thượng và Vĩnh Thuận, với tổng diện tích sản xuất bị thiệt hại trên 34.000ha.

Ngoài diện tích lúa, tỉnh Kiên Giang cũng có trên 29.700ha rau màu bị thiệt hại. Bến Tre cũng công bố thiên tại do hạn, mặn. Hiện các sông chính ở Bến Tre độ mặn 4‰ và đang xâm nhập sâu vào các nhánh sông nhỏ từ 45- 60km.

 

Do mặn bao trùm ở nhiều nơi, việc sản xuất và sinh hoạt của người dân đã bị ảnh hưởng. Đã có 10.000ha lúa Đông Xuân 2015- 2016 của bà con bị thiệt hại, hàng trăm diện tích cây ăn trái ở các huyện như Chợ Lách, Giồng Trôm, Châu Thành… bị thiếu nước ngọt, ảnh hưởng nặng đến năng suất.

 

Còn tại Tiền Giang, hơn 30.000ha lúa Đông Xuân ở các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây và TX Gò Công đang bị nước mặn bao vây, gần 700ha đã chết trụi.

>> Kỳ sau: Hậu Giang- mặn đã “lấn” tới Ngã Bảy

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC-HOÀNG MINH - THÀNH LIÊM