ĐBSCL Khẩn cấp ứng phó hạn, mặn

Kỳ 2: Hậu Giang- mặn đã "lấn" tới Ngã Bảy

Cập nhật, 07:47, Thứ Tư, 24/02/2016 (GMT+7)

Đợt triều cường 29 tháng Chạp và mùng 1 tết vừa qua đã khiến nhiều diện tích lúa ở Hậu Giang bị ảnh hưởng.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Trần Công Chánh, mặn năm nay rất bất thường và Hậu Giang bị mặn đánh cả 2 hướng: biển Tây và biển Đông, xâm nhập mặn tới TX Ngã Bảy- điều trước đây chưa từng có.

Cô Thanh ở Ấp 9 cho biết mùa lúa này bị mất khoảng 50% năng suất do lúa ảnh hưởng nước mặn.
Cô Thanh ở Ấp 9 cho biết mùa lúa này bị mất khoảng 50% năng suất do lúa ảnh hưởng nước mặn.

Đứng ngồi không yên

Bí thư Tỉnh ủy- Trần Công Chánh cho biết, tình hình đối phó hạn, mặn hiện rất khẩn cấp và từ tết tới nay, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang “không lúc nào yên. Chúng tôi lặn lội suốt kiểm tra cống đập, sông rạch để kịp thời thông tin cho người dân”.

Cũng theo ông, đợt xâm nhập mặn vừa qua là bất thường vì sớm hơn 1 tháng so với mọi năm và vào sâu nội đồng. Nếu Hậu Giang không có đê bao, giải pháp ứng phó thì sẽ mất trắng một nửa diện tích lúa. Mặc dù rất chủ động nhưng hiện Hậu Giang đã có 400ha lúa đang ngậm sữa bị mất trắng.

Nếu so với các năm trước, độ mặn 12‰ chỉ bắt đầu xuất hiện vào tháng 4 thì năm nay mới bước vào tháng 2, mặn đã tăng cao. Báo hiệu xâm nhập mặn sẽ gay gắt hơn vào khoảng tháng 3, tháng 4 sắp tới.

Điều đáng lo là năm nay nước mặn xâm nhập vào địa bàn tỉnh Hậu Giang không còn theo quy luật các năm trước là đi theo hướng biển Tây từ Kiên Giang qua, mà còn xâm nhập từ 2 hướng khác là từ cửa Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng vào kinh xáng Cái Côn và theo hướng kinh Quản lộ- Phụng Hiệp.

TX Ngã Bảy bị mặn xâm nhập vào ngày 7/2 (tức ngày 29 tết), độ mặn cao nhất đo được trên sông Cái Côn là 2,6‰, rất bất thường. Bởi theo lãnh đạo địa phương, tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra gay gắt, mực nước thượng nguồn xuống thấp, cùng với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh đã đưa nước mặn từ biển Đông lấn sâu vào nội đồng TX Ngã Bảy, vốn từ trước tới nay chưa từng bị nước mặn xâm nhập.

Chính vì thế, ông Trần Công Chánh khẳng định: “Cứu mặn còn hơn cứu lửa. Vì nếu chỉ hạn hán thì còn dễ, bởi sau đó có nước là có thể khôi phục sản xuất. Còn đã xâm nhập mặn rồi thì 10 năm sau không sản xuất gì được, thiệt hại kinh tế rất lớn”.

Do đó, cùng với các giải pháp công trình, theo ông Chánh, các giải pháp phi công trình cũng được tỉnh rất chú trọng khẩn trương ứng phó với xâm nhập mặn, bởi chỉ cần một chút chủ quan thì vườn cây, ao cá của người dân có nguy cơ đe dọa rất lớn.

Tại TX Long Mỹ, tuy chưa gây thiệt hại sản xuất, nhưng theo ông Nguyễn Quốc Thịnh- cán bộ kỹ thuật (Trạm Thủy lợi) thị xã đã chủ động các giải pháp ứng phó, theo dõi, đo độ mặn thường xuyên tại 15 vị trí.

“Thường 2 ngày chúng tôi đo quan trắc 1 lần, nhưng hiện nay do tình hình xâm nhập mặn gắt quá nên hiện phải đo mặn mỗi ngày”. Với dự báo xâm nhập mặn diễn biến khó lường, nên TX Long Mỹ chỉ đạo chủ động trong giám sát, kiểm tra tình hình thường xuyên để đối ứng kịp thời, hạn chế mức độ thiệt hại.

Theo lãnh đạo tỉnh Hậu Giang, tình hình xâm nhập mặn sẽ còn diễn biến rất phức tạp, với 2 nguồn mặn xâm nhập từ biển Tây và biển Đông, thì năm nay gần như toàn bộ địa bàn tỉnh Hậu Giang sẽ bị ảnh hưởng mặn. Cùng với đó, những “điểm nóng” xâm nhập mặn hàng năm là TP Vị Thanh và huyện Long Mỹ lại càng “nóng” hơn.

Cập nhật dự báo mặn trên Website: http://www.siwrr.org.vn/.

Hiện nay, Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam đã cập nhật dự báo mặn từ giữa tháng 2 đến hết mùa, ở địa chỉ website: http://www.siwrr.org.vn/.

Theo dự báo, mặc dù trong thời gian này nước ngọt có thuận lợi ở các cửa sông, nhưng từ sau ngày 25/2/2016 trở đi, mặn có thể duy trì ở mức cao và nghiêm trọng hơn.

Đi vào vùng “nóng” Long Mỹ

Ứng phó xâm nhập mặn sớm, độ mặn cao hơn mọi năm đang là vấn đề quan tâm của chính quyền và người dân huyện Long Mỹ, vốn là địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của tỉnh.

Theo báo cáo của lãnh đạo tỉnh Hậu Giang, kết quả quan trắc của ngành chuyên môn vào thời điểm trước Tết Nguyên đán cho thấy đây là một trong 2 huyện có độ mặn rất cao, ngã ba sông Nước Trong, xã Hỏa Tiến, TP Vị Thanh là 12‰; còn độ mặn tại cống Ba Cô, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ ở mức hơn 11‰.

Theo ông Lê Hồng Việt- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện, Long Mỹ cũng là huyện bị mặn “tấn công” đợt triều cường 29 và mùng 1 tết, với hơn 203ha lúa chịu ảnh hưởng bởi nước mặn tràn đê vào ruộng lúa.

“Giai đoạn lúa sợ mặn nhất là mạ, trổ bông, ngậm sữa ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng. Nhưng rất may đợt mặn vừa rồi hầu hết diện tích lúa đã chắc hạt nên vẫn còn cứu được, chỉ có khoảng 20ha thiệt hại nặng”- ông cho biết và nhận định thêm- “Năm nay mặn xâm nhập sớm và độ mặn cao hơn. Những năm trước độ mặn đạt cao nhất 6‰ vào thời điểm cuối vụ tháng 3, 4, còn tháng 1 chỉ “lơ lớ” 1- 2‰, nhưng nay mới đầu vụ đã đo được 8- 9‰”.

Đưa chúng tôi thực tế tại xã Vĩnh Viễn A cùng phóng viên một số báo, đài khác tháp tùng đoàn của Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh, ông Lê Hồng Việt bảo rằng mặc dù Long Mỹ đã có kinh nghiệm “sống chung với mặn” nhiều năm rồi và đã quen với việc “năm nào cũng ứng phó với mặn” xâm nhập.

Nhưng, việc mặn tràn đê ở Vĩnh Viễn A thì rất bất ngờ và bất thường”. Hiện diện tích lúa của xã bị tràn mặn đang được thu hoạch, và theo ghi nhận ban đầu của chúng tôi, hầu hết người dân đều cho biết năng suất giảm khoảng 30- 50%, một số diện tích thiệt hại đến 70%.

Cô Nguyễn Thị Thanh ở Ấp 9, vừa trang lúa phơi vừa bảo 13 công lúa của gia đình bị mặn tràn xèo hết khi lúa vừa cúi bông cái, nên bị mất hơn phân nửa.

“Chồng con tui làm ruộng liền bon, cả ngày không rời đồng ruộng. Ở đây không ai làm lúa qua mặt được. Năm nào lúa Đông Xuân cũng trên tấn mốt một công. Còn năm nay nhóng chừng chỉ nửa tấn, lúa mới tuốt đống lép ngang ngửa lúa chắc, thấy mà xót ruột”. Theo cô Thanh, dù đã biết mặn tới khi “đám lục bình ngoài sông xèo hết, nhưng không ngăn được nước mặn vào ruộng làm xèo lúa”.

Cũng vậy, chị Trần Út Rớt ở Ấp 9, đưa chúng tôi ra đám ruộng 3 công cạnh bờ bao sông Nước Đục, chỉ mấy đám lúa héo quắt, rầu rĩ: “Nước mặn ngập làm lúa xèo hết”. Đám lúa này nay mai sẽ cắt, nhưng “chắc hổng được mấy bao”.

Lãnh đạo xã Vĩnh Viễn A khảo sát tại cống Ấp 9, thuộc sông Nước Đục.
Lãnh đạo xã Vĩnh Viễn A khảo sát tại cống Ấp 9, thuộc sông Nước Đục.

Trong khi người dân Ấp 9 lo âu năng suất lúa giảm, thì nhiều nông dân ở các ấp khác có trà lúa mới sạ, hay đòng đòng cũng than “vừa làm vừa rối”.

Vì: “Chưa năm nào lo như giờ. Lúa tui 30 ngày rồi, tiền phân thuốc không dưới 60 triệu. Tui không lo mặn tràn nhưng sợ tới đây thiếu nước ngọt bơm lên ruộng”- chú Út ở Ấp 7 (xã Vĩnh Viễn A) có 30 công ruộng gần đập sông lớn lo âu. Chú Út cho biết đã sống ở đây hơn 60 năm, phải đầu tháng 3 nước mới mẳn mẳn, lúc đó lúa cứng hạt thì đâu có sợ, chứ không như năm nay.

Còn chú Bùi Trung Bắc (Tư Bắc) ở Ấp 7 cũng than vãn do nước mặn, nắng nóng nên lúa chậm phát triển thấy rõ. “Lúa tui 50 ngày tuổi, mà mới cao có 3 tấc”- chú Tư Bắc dẫn chứng.

 

 

Dự án đê bao ngăn mặn Vị Thanh- Long Mỹ hơn 70km, với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 688 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

 

Đây là dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng, ngoài tạo điều kiện tháo úng, rửa phèn cho trên 20.000ha đất sản xuất nông nghiệp, hình thành một hành lang giao thông liên hoàn, nó còn đảm nhận vai trò chống sự xâm nhập mặn và các hiện tượng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, nhất là ở các xã nằm vùng ven sông Cái Lớn của tỉnh. Đến nay còn 30km chưa hoàn thành do thiếu vốn đầu tư.

 

Trong chuyến khảo sát, kiểm tra tình hình hạn, mặn tại tỉnh Hậu Giang, Ủy viên Bộ Chính trị- Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý để tỉnh Hậu Giang tiếp tục triển khai thực hiện đoạn còn lại của tuyến đê bao này nhằm ngăn mặn từ biển Tây bảo vệ diện tích đất canh tác ở các huyện Long Mỹ, Vị Thủy và TP Vị Thanh.

 

>> Kỳ sau: Vĩnh Long- mặn chưa từng có

Bài, ảnh: NHÓM PV KINH TẾ