Huy động cả hệ thống chính trị tham gia phòng chống xâm nhập mặn

Cập nhật, 14:21, Thứ Hai, 07/03/2016 (GMT+7)

Sáng 7/3/2016, tại Cần Thơ, phát biểu chỉ đạo các địa phương ĐBSCL đang chịu ảnh hưởng nặng nề của xâm nhập mặn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao tính chủ động phòng chống xâm nhập mặn của các địa phương  nên đã giảm đáng kể thiệt hại và ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo hội nghị vào sáng 7/3.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo hội nghị vào sáng 7/3.

Dự báo đến hết tháng 6, tình hình xâm nhập mặn tiếp tục diễn biến phức tạp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị cần hết sức tập trung, huy động cả hệ thống chính trị tham gia phòng chống, đảm bảo đủ nước ngọt sinh hoạt hợp vệ sinh cho người dân.

Về diện tích lúa Đông Xuân chưa thu hoạch (còn khoảng 60%), Thủ tướng yêu cầu phải cố gắng ngăn mặn để bảo vệ, giảm thiệt hại ở mức thấp nhất.

Vùng nước ngọt hoàn toàn thì xuống giống vụ Hè Thu cho kịp mùa vụ, vùng nửa ngọt nửa mặn thì làm công trình để ngăn mặn giữ ngọt xuống giống, còn vùng không giữ ngọt được thì dứt khoát không xuống giống Hè Thu. Ngân hàng Nhà nước cần rà soát khoanh nợ cho người dân và hỗ trợ tiếp tục vay khắc phục sản xuất.

Theo Bộ Nông nghiệp- PTNT, đến nay đã có 9 tỉnh ĐBSCL chịu ảnh hưởng xâm nhập mặn, tổng diện tích lúa thiệt hại gần 139.000 ha.

Trong đó, 86.000 ha thiệt hại trên 70% năng suất; 43.000 ha thiệt hại từ 30- 70% và 9.800 ha thiệt hại dưới 30%. Các tỉnh bị thiệt hại nhiều là Cà Mau: 49.343 ha, Kiên Giang 34.093 ha, Bến Tre 13.844 ha và Bạc Liêu 11.456 ha. Hiện có khoảng 155.000 hộ gia đình/575.000 người bị thiếu nước sinh hoạt.

Dự báo, nếu khô hạn tiếp tục kéo dài đến tháng 6, toàn vùng sẽ có khoảng 500.000 ha lúa Hè Thu không xuống giống đúng thời vụ. Các vùng chịu ảnh hưởng nước trời phải chờ mưa và đủ nước rửa mặn mới xuống giống được ở khu vực ven biển là khoảng 350.000 ha.

Tin, ảnh: HOÀNG MINH