Những vấn đề đặt ra sau đợt mặn lên cao kỷ lục vừa qua

Cập nhật, 05:49, Thứ Năm, 03/03/2016 (GMT+7)

Đợt nước mặn lên cao kỷ lục, xâm nhập sâu xảy ra vào đầu tháng 2/2016 (trùng với những ngày Tết Nguyên đán Bính Thân) vừa qua đã tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp, đời sống của nhân dân trong tỉnh. Nhìn lại sau đợt này, nhận thấy còn một số tồn tại trong ứng phó cần tháo gỡ.

Nạo vét kinh, mương để tăng khả năng dẫn, trữ nước ngọt trong mùa khô.
Nạo vét kinh, mương để tăng khả năng dẫn, trữ nước ngọt trong mùa khô.

Khai thác nguồn nước từ sông, rạch rất bị động

Nước mặn từ biển vào tỉnh Vĩnh Long từ hướng sông Cổ Chiên, sông Hậu rồi xâm nhập vào đất liền từ các nhánh sông nối với 2 sông này. Trước đây, tỉnh chỉ có 2 huyện Vũng Liêm, Trà Ôn bị ảnh hưởng thường xuyên của xâm nhập mặn.

Sau đợt mặn lên cao vào đầu tháng 2/2016 đã có 4 huyện bị ảnh hưởng với độ mặn từ 2- 10‰, diện tích tự nhiên bị ảnh hưởng rộng gần 65.000ha (Vũng Liêm khoảng 25.000ha, Trà Ôn khoảng 25.000ha, Mang Thít gần 10.000ha và Tam Bình xấp xỉ 5.000ha).

Trong đó, vùng chịu ảnh hưởng độ mặn cao (biên mặn từ 4- 10‰) có 2 vùng: vùng ven sông Hậu đến QL54 gồm các xã Thiện Mỹ, Tích Thiện, Vĩnh Xuân, thị trấn Trà Ôn (Trà Ôn) và vùng các xã nằm ven sông Cổ Chiên đến QL53 và trên sông Cổ Chiên, gồm các xã Trung Thành Đông, Trung Thành Tây, Trung Thành, thị trấn Vũng Liêm, Quới An, Trung Ngãi, Trung Nghĩa, Thanh Bình, Quới Thiện (Vũng Liêm) và xã Chánh An, An Phước, Chánh Hội, Tân An Hội, thị trấn Cái Nhum (Mang Thít).

Sau đợt mặn xâm nhập cũng cho thấy, khả năng trữ nước ngọt trong hệ thống kinh, rạch và cống đập ở các vùng bị ảnh hưởng mặn cao như Vũng Liêm, Trà Ôn, Mang Thít là rất khó khăn, hạn chế. Nhiều nơi rất bị động khi khai thác nguồn nước ngọt ở kinh, rạch để phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt trong những ngày độ mặn lên cao, đóng cống ngăn mặn.

Hiện tại, trừ khu vực sau cống Cái Hóp (xã Đức Mỹ, huyện Càng Long- Trà Vinh) và cống Nàng Âm là vùng thủy lợi khép kín có diện tích tương đối lớn (khoảng 3.000ha thuộc xã Trung Ngãi, Trung Nghĩa, Trung Thành Đông, Trung Thành, thị trấn Vũng Liêm), lượng nước ngọt trữ khá lớn nhờ các rạch Nàng Âm, rạch Cái Chuối, Cái Sử… và hưởng lợi từ lượng nước trữ của rạch Bàng khi cống Cái Hóp đóng, còn lại các vùng khác đều là những ô bao khép kín có diện tích nhỏ (từ vài chục đến vài trăm hecta).

Việc trữ nước trên đồng ở những vùng nhỏ này chỉ có thể được nhờ những kinh, rạch nội đồng trong vùng ô đê bao, còn kinh, rạch ngoài vùng đê bao hoàn toàn hở, không trữ được, triều xuống là nước rút hết. Những nơi nào có cống, đập đóng mở tốt thì có thể trữ được dài ngày.

Nhưng kinh, rạch trong nội đồng phần lớn là kinh nhỏ, số đông bị bồi lắng, cạn dòng nên lượng nước ngọt trữ rất thấp. Tại một số xã ở huyện Vũng Liêm trong những ngày mặn lên cao, lượng nước trữ trong kinh, rạch nội đồng chỉ có thể sử dụng để tưới, cho sinh hoạt “cầm cự” được trong vòng 7- 10 ngày. Nếu thời gian đóng cống, ngăn mặn kéo dài hơn từ 15 ngày đến 1 tháng thì nước trong kinh, rạch không đủ dùng hoặc nước bị ô nhiễm, không dùng được.

Do các kinh, rạch ngoài vùng đê bao đều hở, chưa có cống nên khi triều lên, nước mặn len lỏi vào những kinh, rạch này xâm nhập sâu vào nội đồng. Các nhà máy nước ở các huyện Vũng Liêm, Trà Ôn, Mang Thít phần lớn lấy nước trực tiếp từ các sông, rạch, nguồn nước thu đều bị nhiễm mặn.

Nguồn nước sinh hoạt của các hộ dân ở khu vực các đô thị như thị trấn, thị tứ phụ thuộc hoàn toàn vào nhà máy nước, rất khó để trữ nước. Vì vậy, trong đợt mặn lên cao vừa qua, do nhu cầu phục vụ nước cho Tết Nguyên đán nên hầu hết các nhà máy buộc phải bơm nước mặn lên sử dụng!

Giải pháp nguồn nước trước mắt và lâu dài

Đợt mặn lên cao vào đầu tháng 2/2016, tỉnh Vĩnh Long có ảnh hưởng nhưng nhìn chung không nghiêm trọng như ở các tỉnh Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Sóc Trăng vì thời gian ảnh hưởng ngắn (độ mặn 4‰ xuất hiện kéo dài khoảng 10 ngày).

Tuy nhiên, mùa khô ở khu vực Nam Bộ còn kéo dài khoảng 2 tháng nữa, xâm nhập mặn, nắng hạn dự báo còn diễn ra gay gắt. Để đối phó với tình trạng thiếu nước, trước mắt cần tăng cường khả năng trữ nước và điều chỉnh kế hoạch canh tác, đề phòng khi hạn, mặn kéo dài trong thời gian từ nay đến hết mùa khô.

Về công tác thủy lợi, những nơi có kinh, rạch nội đồng bồi lắng thì khẩn trương nạo vét kết hợp tu sửa mặt cống, mặt đập để tăng khả năng dẫn, trữ nước ngọt.

Trong những ngày độ mặn sông, rạch xuống thấp, các nơi cần lấy nước vào kinh để trữ lại; người dân cần tranh thủ lấy nước ngọt từ các nhà máy để trữ trong hồ, lu, bồn, thùng chứa nước cỡ lớn để phòng khi mặn lên cao, nhà máy ngưng hoạt động.

Về sản xuất vụ Hè Thu, đối với những vùng bị ảnh hưởng độ mặn cao (biên mặn từ 4- 10‰) như nêu trên cần lùi thời gian xuống giống đợt chính vụ trễ hơn từ nửa tháng đến một tháng (tức là vào khoảng giữa tháng 4 thay vì xuống giống vào giữa tháng 3/2016 nhằm mùng 5- 10/2 âm lịch) để đón nước mưa đầu mùa mưa và tận dụng nước sông, rạch, vì đến thời điểm này độ mặn đã giảm.

Những nơi khó khăn về nguồn nước do kinh, rạch bị bồi lắng không trữ được nước hoặc không có máy bơm công suất lớn nên hoãn xuống giống, thay cây lúa bằng cây trồng cạn khác.

Về lâu dài, giải pháp thủy lợi tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong phòng, chống hạn, mặn, cung cấp nước ngọt cho sản xuất, cho sinh hoạt của con người.

Việc xây dựng các cống ngăn mặn, ngăn triều cường ở các vàm sông, rạch nối với sông Cổ Chiên, sông Hậu, sông Măng Thít, đồng thời nạo vét những kinh trục lớn, kinh ngoài vùng đê bao, xây dựng đê bao, cống khép kín cho vùng rộng lớn hơn hiện tại, đặc biệt là vùng Nam sông Măng Thít thuộc các huyện Vũng Liêm, Trà Ôn là hết sức cần thiết và cấp bách.

Các kinh, cống này sẽ trữ được nguồn nước ngọt lớn hơn, phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp, các nhà máy nước sinh hoạt có thể lấy được nước ngọt trong kênh, rạch trong thời gian mặn lên cao, thời gian duy trì dài.

Ở những vùng nước mặt khó khăn, nên khoan giếng nước ngầm tầng sâu để đề phòng nước mặn lên cao, kéo dài, nhà máy nước ngưng hoạt động.
Ở những vùng nước mặt khó khăn, nên khoan giếng nước ngầm tầng sâu để đề phòng nước mặn lên cao, kéo dài, nhà máy nước ngưng hoạt động.

Vụ Hè Thu sớm ở huyện Mang Thít, Vũng Liêm, Trà Ôn (khu vực đất gò cao ven sông Hậu, sông Cổ Chiên, sông Măng) thường niên xuống giống vào cuối tháng 11 âm lịch cần điều chỉnh thời điểm xuống giống sớm hơn (xuống giống vào con nước mùng 10 hoặc 25/10 âm lịch, trùng với đợt xuống giống vụ lúa Đông Xuân chính vụ) để tránh mặn; vì theo dõi từ năm 2011 đến nay, vụ lúa này đang trong giai đoạn tăng trưởng thường “dính” những đợt mặn lên cao từ giữa tháng 12 đến cuối tháng 2 năm sau.

Về nước sinh hoạt, ở những nơi khai thác nguồn nước mặt khó khăn trong thời gian mặn lên cao, nhất là các cù lao, cồn trên sông Cổ Chiên, sông Hậu thuộc huyện Vũng Liêm, Trà Ôn cần xem xét khoan thêm một số giếng khoan khai thác nước ngầm tầng sâu- tầng Miocene hoặc Pliocene (sâu khoảng 350-450m) có trữ lượng lớn, chất lượng nước tốt để phòng khi mặn kéo dài, các nhà máy nước khai thác nước mặt ngưng hoạt động thì có thể khai thác cấp nước miễn phí cho dân. Sau khi mặn, hạn kết thúc thì đóng giếng lại, không cho khai thác nữa.

Đợt mặn lên cao vừa qua vừa kiểm chứng lại năng lực ứng phó, phòng chống mặn xâm nhập, thiếu nước và vừa là thách thức đầu tiên đến an ninh nguồn nước, sản xuất đối với tỉnh nhà, những giải pháp đảm bảo an toàn cho sản xuất và đời sống cần sớm được tính đến để thích ứng dần với tình trạng xâm nhập mặn được dự báo ngày càng tăng dưới tác động của biến đổi khí hậu- nước biển dâng.

Bài, ảnh: TRUNG CHÁNH